„Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo" đã bảo
vệ quyền lực của Đảng, nhưng lại gây hết thảm họa này đến thảm họa
kia cho dân và cho đất nước mà không ai chịu trách nhiệm.“
Ai chịu trách nhiệm về
vụ Formosa?
Lữ
Giang
Hôm 24.8.2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị toàn
quốc với 63 tỉnh, thành phố về công tác bảo vệ môi trường theo hình thức trực
tuyến. Trong hội nghị này, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố:
“Ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở các
khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị, khu dân cư tập trung
ở nông thôn… Tình trạng này diễn ra trên diện rộng chứ không phải chỉ một lĩnh
vực nào. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường đã diễn ra gay gắt ở
nhiều nơi. Ô nhiễm môi trường bùng phát là do tích tụ từ lâu, trong nhiều năm,
trong quá trình phát triển.
“Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế
phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi
ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân.”
Ông nhấn mạnh:
“Bây giờ anh nói đủ thứ việc nhưng anh cấp phép thì
trách nhiệm anh đến đâu trong việc này. Đặc biệt là hệ thống Bộ Tài nguyên và
Môi trường, các sở, chi cục về quản lý môi trường và các cơ quan chức năng
khác. Ở Bộ này, trách nhiệm thế nào thì cũng cần làm rõ. Phân công, phân cấp
phải chịu trách nhiệm rõ hơn. Người đứng đầu cơ quan nào chịu trách
nhiệm đến đâu cũng cần rõ hơn chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc,
cứ nói qua nói lại”,
“Bảo vệ môi trường không còn là chuyện tương lai mà là vấn đề hiện hữu và cần huy động
sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh
nghiệp và người dân nhằm tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn tiến đến đẩy
lùi ô nhiễm môi trường.”
Những câu nói này nghe được, nhưng thực tế xem ra gần như chẳng có thay đổi
gì. Formosa vẫn còn ngạo nghề đứng đó. Nhiều người tin rằng Thủ tướng nói vậy chỉ
để trấn an dư luận mà thôi.
Hôm nay chúng tôi muốn nói đến lý do tại sao Chính Phủ đã chọn Công Formosa
Plastic Group của Đài Loan, một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa để sản xuất
gang thép, trong khi có nhiều quốc gia khác có nhiều kinh nghiệm về sản xuất
gang thép và đang đầu tư lớn tại Việt Nam, chính phủ lại không chọn? Ai chịu
trách nhiệm về vụ lựa chọn này.
BA QUỐC GIA ĐỨNG ĐẦU
Hiện nay có ba quốc gia ở Á Châu có vốn đầu lớn đang đầu tư ở Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật bản và Trung
cộng. Các quốc gia này đang chuyển dần đầu tư từ Trung cộng qua Việt Nam vì giá
nhân công ở Trung cộng đang tăng lên cao (40%) và sự cạnh tranh của các công ty
tại địa phương ngày càng gay cấn. Thêm vào đó, nhiều cơ sở của Trung cộng cũng
đang chuyển qua Việt Nam để hưởng lợi khi Hiệp định TPP được áp dụng tại Việt
Nam. Trong các quốc gia này, Đài Loan có vốn đầu tư thấp nhất. Vậy tại sao nhà
cầm quyền Việt Nam không kêu gọi các công ty Hàn Quốc và Nhật
Bản đầu tư vào việc sản xuất gang thép mà cứ bán chặt vào công ty Formosa của
Đài Loan, một công ty có nhiều tai tiếng về gây ô nhiễm môi trường?
1.- Hàn Quốc nhảy vào Việt Nam trước
Dưới đầu đề “Hàn Quốc liên tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam”, trang
nhà Người Đồng Hành ngày 9.6.2016 cho biết sau 27 năm có mặt ở Việt Nam, Hàn
Quốc liên tục là nhà đầu tư lớn nhất. Đây là khẳng định của Bộ Công Thương tại
hội thảo “Tiếp cận thị trường Hàn Quốc và kết nối giao thương giữa doanh
nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc” tổ chức sáng 9.6.2016.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
cho biết sau hơn 27 năm có mặt tại Việt Nam, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước
ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 4/2016, tổng vốn đầu tư của Hàn
Quốc tại Việt Nam đạt hơn 48 tỷ USD với 5213 dự án.
Lúc đầu, các dự án FDI Hàn Quốc vào Việt Nam là nhỏ và vừa, chỉ tập trung
đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép…, nay có
sự gia tăng đáng kể của các dự án lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp
như điện tử, thép, xây dựng đô thị mới, văn phòng, khách sạn…
Hiện có 130.000 người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam và 70.000
lao động, 5.000 sinh viên Việt Nam đang làm việc, học tập tại Hàn Quốc, hơn
50.000 gia đình Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành thông gia của nhau.
Sự kiện mới nhất đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào
Việt Nam là việc khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy LG Display tại Khu công
nghiệp Tràng Duệ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng, hôm 6.5.2016
vừa qua. Với dự án này, LG cũng đã nâng gấp đôi số vốn đầu tư vào Việt Nam lên
con số 3 tỷ USD.
Ngoài Samsung và LG, một tên tuổi rất quen thuộc với người Việt là Lotte. Lotte vào Việt Nam
muộn hơn Samsung một chút, đến nay đã được 15 năm. Tập đoàn này hiện diện trên
nhiều lĩnh vực từ rạp chiếu phim, F&B, siêu thị hay trung tâm thương mại
như Lotte Cinema, Lotteria, Lotte Mart, Lotte Center…
2.- Sau Hàn Quốc đến Nhật Bản
Bản tin ngày 5.9.2016 của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã cung cấp cho
chúng ta những nét chính về các đầu tư của Nhật tại Việt Nam.
Tính đến tháng 8/2015, Nhật Bản có 2725 dự án FDI còn hiệu lực và 37,9
tỷ USD tổng vốn đầu tư, đứng vị trí thứ 2 sau Hàn Quốc. Trong lĩnh vực
công nghệ thông tin điện tử, có hợp doanh giữa Tổng Công ty Bưu chính viễn
thông Việt Nam với Tập đoàn NTT, Công ty sản xuất máy tính Fujitsu và các công
ty Canon, Sony, Matsushita, Sumitomo, Sanyo. Trong ngành công nghiệp ô tô, xe
máy có Toyota, Honda, Isuzu, Suzuki và Mitsubishi.
Sáu lĩnh vực ưu tiên: Điện tử, Chế biến nông, thủy sản, Đóng tàu, Công nghệ
môi trường và tiết kiệm năng lượng, Máy và thiết bị nông nghiệp, Ô tô và linh
kiện ô tô.
Dặc biệt, Nhật đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng các công
trình giao thông cho Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản đã tài trợ vốn ODA cho
Việt Nam lên tới hơn 884,5 tỷ Yên (khoảng 170.000 tỷ đồng) để thực hiện các dự
án hạ tầng giao thông tại Việt Nam và là nhà tài trợ lớn nhất. Điển hình như
các dự án: Hầm Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3 Hà Nội, cảng Cái Mép -
Thị Vải…
Gần đây nhất, 3 dự án hạ tầng lớn ở thủ đô Hà Nội, gồm: Cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân
với Sân bay quốc tế Nội Bài và Nhà ga T2 Nội Bài tạo thành đường
trục cao tốc kết nối thủ đô với sân bay quốc tế Nội Bài. Đường hầm sông Sài Gòn
(hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm) là một đường hầm vượt qua sông Sài Gòn. Đây là
một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối Quận 1, thành phố Sài Gòn với Khu đô thị
mới Thủ Thiêm. Đường hầm có sáu làn xe ô tô, được dìm dưới lòng sông Sài Gòn (có
ngầm đáy sông). Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho hay trong thời gian
tới, đang có những dự án quan trọng với sự hợp tác của Nhật, đó là hai dự án Cảng hàng không
quốc tế Long Thành và dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
3.- Trung cộng cũng mò theo
Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2015, Trung
cộng có 1.296 dự án, vốn đầu tư đạt gần 10,2 tỷ USD. Các khoản đầu tư của Trung
cộng tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó
có nhiều dự án sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà. Tiếp theo là lĩnh
vực xây dựng, bất động sản. Những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Trung
cộng là: Sài Gòn, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Lào Cai, Hải
Phòng, Quảng Ninh...
Thống kê từ Bộ Kế Hoạch Đầu Tư cho thấy, từ cuối năm ngoái khi Hiệp định
TPP chưa được ký kết, đã có khoảng 810 DN Trung cộng và Đài Loan (Trung cộng)
đầu tư vào 52 tỉnh, thành của Việt Nam.
Trung
cộng hiện vươn lên hàng thứ 7 trong số các quốc gia có lượng
vốn đăng ký mới vào VN; nếu xét về số lượng dự án, Trung cộng đứng ở vị trí thứ
4, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
TẠI SAO ÔM CHẶT
FORMOSA?
Các tài liệu chúng tôi đã
trình bày trên cho thấy Hàn Quốc và Nhật Bản đã và đang làm thay đổi bộ mặt của
Việt Nam từ Nam đến Bắc. Riêng về gang thép, Nhật và Hàn Quốc cũng có sản lượng
lớn trên thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nước đứng đầu
sản xuất thép lớn nhất trên thế giới hiện nay là Trung cộng (567,8 triệu tấn) rồi đến Nhật Bản (87,5 triệu tấn), Nga (59,9 triệu tấn), Mỹ (58,1 triệu tấn), Ấn độ (56,6 triệu tấn), Hàn Quốc (48,6 triệu tấn)… Vậy nếu cần sản xuất gang thép để “cạnh tranh” với Trung cộng, tại
sao không để Nhật hay Hàn Quốc đấu tư mà lại đi tìm Formosa của Đài Loan, một
công ty chưa hề sản xuất gang thép bao giờ?
TRỞ NGẠI CỦA
CÔNG ƯỚC CHỐNG THAM NHŨNG
Hiện nay, có hai Công Ước quốc
tế chống tham nhũng mà các viên chức Việt Nam rất ghét, vì đã có những vi phạm
và bị trừng phạt.
1.- Công ước
Chống Hối Lộ của Các công chức Nước
ngoài trong Giao dịch Kinh doanh Quốc tế (Convention on Combating Bribery of
Foreign Public Officials in International Business Transactions) được các quốc
gia chấp thuận ngày 21.11.1997
2.- Công Ước
Liên Hiệp Quốc Chống Tham Nhũng (United
Nations Convention against Corruption) được chấp thuận ngày 31.10.2003 và có
hiệu lực kể từ ngày 14.12.2005.
Có hai vụ án liên quan đến
tham nhũng trong kinh doanh quốc tế ở Việt Nam. Một liên quan tới Nhật và một
liên quan tới Mỹ:
Vụ thứ nhất: Đầu năm 2014, báo chí Nhật Bản đưa tin Tập đoàn
tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 80 triệu Yen (782.640 USD) cho các cán
bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện dự án đường sắt đô thị số
1 Hà Nội. Sáu cán bộ ngành đường sắt Việt Nam đã bị tạm giam. Ông Trần Văn Lục,
Giám đốc Ban Quẩn Lý Dự Án của Cục đường sắt bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm
giam vì cho đã liên quan đến nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ nhà thầu JTC
Nhật Bản. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2008 phát hiện tình trạng hối lộ trong
các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.
Vụ thứ hai: Cũng trong năm 2014, Ngân hàng Thế giới (WB) cho
biết Công ty Louis Berger
Group (LBG) của Mỹ đã trả các khoản tiền có yếu tố
tham nhũng cho quan chức. LGB cũng không giám sát hiệu quả hoạt động của công
ty con, do đó cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của LBG". Đây
là vụ án liên quan đến Dự án Giao thông Nông thôn 3.
AI CHỊU TRÁCH
NHIỆM VỀ FOMOSA?
Làm ăn với Hàn Quốc, Nhật, Mỹ,
Ấn Độ, Nga, Pháp… đều bị kẹt Công Ước Chống Hối Lộ và Công Ước Chống Tham
Nhũng, nhưng làm ăn với Formosa Plastic
Groups thì rất an toàn.
Như chúng tôi đã nói, Đài Loan
đã áp dụng chiến thuật đầu tư truyền thống của họ trong nhiều thế kỷ qua, đó là Chiến thuật ĐẦU TƯ BẰNG PHONG BÌ. Từ anh Bí Thư Đảng Ủy Xã đến anh Bộ Trưởng, Thủ
Tướng hay Ủy Viên Bộ Chính Trị, cứ theo cấp bậc, quyền lực, phần hành... mà
quyết định bề dày của phong bì. Cầm phong bì rồi là ký, chẳng cần luật lệ gì
cả. Cứ nhìn lại vụ Formosa là thấy ngay. Người Tàu có truyền thống là khi đã
đưa Phong Bì rồi thì không còn nghĩ đến nó nữa. Giả thiết người nhận phong bì
có lật lọng hay làm không được việc họ cũng chẳng đòi lại, trả thù hay đi tố
cáo, vì không muốn làm hỏng chuyện lớn, họ chỉ "cô lập" người bất
tín. Do đó, nhận phong bì của Đài Loan rất an toàn, làm
ăn với Formosa sẽ không sợ bất cứ công ước quốc tế hay luật lệ của quốc gia nào.
Việc xét và cấp giấy phép cho Formosa hoạt động nhanh ngoài sức tưởng
tượng. Ngay sau khi Formosa thải chất độc ra biển gây nguy hại nghiêm trọng,
chính phủ không cho mở các cuộc giám định tư pháp để truy tố các viên
chức Formosa có trách nhiệm, không cho các chuyên gia ngoại quốc tham gia điều
tra để xác định rõ sự thật, rồi cuối cùng công bố một phúc trình giám định
ngụy tạo, tuyên bố “các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng trong giới hạn cho phép, đảm
bảo với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản.” Chính phủ cũng không
bắt Formosa phải làm sạch biển và dám tuyên bố “khách
quan cho thấy biển sẽ sạch là hoàn toàn tự nhiên".
Ngay
sau khi đã nhận tội, Công ty Formosa vẫn còn đem khoảng 1.000 tấn chất thải đi
chôn giấu khắp nơi, cả cho chở ra biển ném xuống! Ai
đã bao che cho Formosa làm những chuyện đó?
Bà Nguyễn Kim Ngân, Chủ Tịch Quốc Hội, đã tuyên bố: “Giám sát phải làm rõ trách nhiệm, vì người ta quan tâm trách
niệm cuối cùng thuộc về ai. Báo cáo giám sát thì nói rất nhiều trang nhưng cuối
cùng không rõ trách nhiệm của ai thì đại biểu sẽ không nghe”.
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng
đã tuyên bố: "Người đứng đầu cơ quan nào chịu trách nhiệm
đến đâu cũng cần rõ hơn chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc, cứ nói qua nói lại”,
Xưa nay, các Đảng bộ cứ nhân danh "tập thể lãnh đạo"
rồi muốn làm gì thì làm và khi gây ra những tai biến
thì được "tập thể" bao che. Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo" đã
bảo vệ quyền lực của Đảng, nhưng lại gây hết thảm họa này đến thảm
họa kia cho dân và cho đất nước mà không ai chịu trách nhiệm. Ngày nay người dân đã
trưởng thành nên không ai ngồi yên chịu trận như thời kỳ cải cách ruộng
đất nữa.
Ngày 8.9.2016
Lữ Giang