Sự kiện Köln đánh lên một tiếng trống trong vấn đề người di tản
Trung Đông
Thành ngữ Đức « đánh lên một tiếng trống »
đã được chính nữ thủ tướng Đức Angela Merkel dùng khi bà phát biểu về sự kiện ở
Köln (Cologne) vào đêm giao thừa dương lịch 2015/2016.
Tạp
chí Tấm gương (Der Spiegel) thì đưa lên trang bìa hàng chữ « Trên bờ vực –
khi một đêm giao thừa đã thay đổi nước Đức » cho số ra ngày 09-01-2016.
Köln am Rhein (Cologne) nổi tiếng là một thành phố cởi
mở nhất nước Đức với vị trí địa lý nằm gần khu vực « ba biên giới »:
Đức, Bỉ và Hòa Lan. Köln có một trung tâm hội chợ quốc tế có tầm vóc cạnh tranh
với trung tâm hội chợ Frankfurt. Köln là một địa điểm thu hút du khách với dòng
sông Rhein (Rhin) và những quán bia ăn nhậu. Köln có thánh đường Dom nổi tiếng
thế giới và thu hút du khách hàng năm đến thăm. Köln có Karneval Köln,
thường được tổ chức trùng với Tết Nguyên Đán ở châu
Á, đem đến cho thành phố 2 triệu du khách mỗi năm vào tháng 2. Köln có một trường
đại học và một hệ thống giáo dục rộng lớn, hai sinh ngữ…Đời sống tại Köln cho đến
cuối thập niên 1990, trước khi bước vào thế kỷ thứ 21 và đồng Euro, thì có vẻ
còn thanh bình, khoan dung, sự kiện kỳ thị người nước ngoài còn là những dòng
nước ngầm tinh tế vì nền kinh tế còn cho dân chúng sự may mắn có công ăn việc
làm, chỗ ở.
Nhưng với thời gian, đời sống ở
Köln cũng có đổi thay, lại theo một chiều hướng đi xuống. Cái nhìn của một
thành phần dân tình ở Köln đối với người nước ngoài đã gay gắt hơn, với lý do
kinh tế là người nước ngoài chiếm chỗ ở và chỗ làm của người Đức, người nước
ngoài ăn bám vào các trợ cấp xã hội của nước Đức. Người có phận sự giúp dân
chúng tìm việc tại cơ quan lao động của thành phố Köln thì « khuyên »
phụ nữ nước ngoài thất nghiệp nên vào nhà chứa làm việc, vì những nơi này đang
tuyển thêm người phục vụ !
Trong một bối cảnh như thế nên sự kiện tấn công tình
dục phụ nữ trong đêm giao thừa Tết Dương lịch tại Köln đã làm thay đổi thêm,
không những ở Köln, mà thay đổi luôn tình hình trên cả nước Đức. Thủ tướng
Angela Merkel bị sức ép lớn hơn, của dân chúng.
Tất nhiên, mọi phát biểu đều cần phải có sự dè dặt cần
thiết, không gom đũa cả nắm, và cũng không được kích động tinh thần kỳ thị chủng
tộc.
Nhưng việc gì đã xảy tại Köln ?
Hàng
ngàn người thanh niên, đàn ông tụ họp đông nghịt trước nhà ga chính
Hauptbahnhof Köln trong đêm 31.12.2015 đã chia nhau thành từng nhóm có đến 40
người một nhóm tấn công phụ nữ, cướp bóc, xâm phạm thân thể, lột quần áo và cưỡng
hiếp. Foto: Markus Böhm/dpa +++(c) dpa – Bildfunk+++
Theo nguồn tin của các báo chí châu Âu thì kể từ khoảng
21 giờ đêm ngày 31-12-2016 có hàng ngàn thanh niên, đàn ông di chuyển về Köln,
tụ tập ở nhà ga chính nằm ngay bên cạnh thánh đường Dom. Sáng ngày 01-01-2016 cảnh
sát Köln thông báo là việc vui chơi chào đón năm mới xảy ra tốt đẹp. Thế nhưng,
sự thật đã xảy ra thì không đúng là như thế.
Ngày 05-01-2016 nữ thủ tướng Đức Angela Merkel phẫn
nộ đến nỗi bà gọi điện trực tiếp cho bà thị trưởng thành phố Köln Henriette
Reker để bày tỏ sự tức giận và yêu cầu phải được báo cáo rõ ràng những gì đã xảy
ra, ai là thủ phạm…từ chính quyền thành phố và cảnh sát. Ông Wolfgang Albers,
chủ tịch tòa cảnh sát thành phố, từ chối mọi chỉ trích.
Tờ
nhật báo Süddeutsche Zeitung đã phải xin lỗi độc giả vào ngày 10-01-2016 vì bức
hình minh họa trắng đen về vụ tấn công tình dục tập thể tại Köln, không hề có ý
kỳ thị chủng tộc về mầu da. Tuy thế, tấm hình minh họa gây ấn tượng mạnh về bạo
lực đối với phụ nữ, nhất là bạo lực tình dục là một thực tế.
Bà thị trưởng thành phố Köln, Henriette Reker, với
những phát biểu vụng về một cách kỳ lạ và vô ích, đã hứng mưa chỉ trích trên
các mạng xã hội và trên báo chí khi bà Reker khuyên phụ nữ nên tránh xa đàn ông
« lạ » bằng khoảng cách của một cánh tay (!), hay khi bà nói về một
cái hôn trên má (bützen) và một cái ôm (drücken) không phải là tấn công tình dục
(!).
Con số nạn nhân nộp đơn kiện tăng dần từ 20 lên
30…cho đến ngày 09-01-2016 đã lên đến 379 đơn kiện của nạn nhân bị cướp bóc, tấn
công tình dục, xâm phạm thân thể và trong số đơn kiện đó có 2 đơn kiện bị cưỡng
hiếp tập thể nơi công cộng.
Ai đã từng đến cảnh sát khai báo xin nộp đơn kiện về
hình sự thì đều biết rằng việc được nhận đơn tại cảnh sát không phải là một
chuyện dễ dàng, nếu không có nhân chứng và bằng cớ. Những việc như chồng đánh vợ
có thương tích, có giấy nằm nhà thương, nếu chỉ gẫy mũi, bất tỉnh, chưa bị mù mắt,
lòi ruột thì có ra khai báo cảnh sát cũng là vô ích, vì họ cho đó là
« chuyện nhỏ » trong nhà với nhau, nếu có nhận đơn kiện thì tòa án
cũng bác đơn, vô ich.
Hình
bìa của tạp chí Focus cũng tố cáo sự tấn công phụ nữ bằng bạo lực tình dục,
minh họa bởi hai mầu đen trắng, nhưng tạp chí Focus nhận thấy không cần thiết
phải xin lỗi độc giả vì mầu sắc sử dụng.
Đạo luật hình sự về « cưỡng dâm và hiếp
dâm » của nước Đức có nhiều lỗ hổng khiến cho nhiều đơn kiện của nạn nhân
bị bác bỏ không xử, hay trắng án khi xử, vì người bị hiếp dâm bị tố ngược lại rằng
không có bằng chứng cụ thể và xác đáng, không có nhân chứng, và phía bị can
luôn biện hộ rằng chính « nạn nhân » đã khiêu khích ra tình huống và
đã có sự « đồng thuận » thực hiện tình dục trong vụ việc. Tờ nhật báo
Bildzeitung ngày 09-01-2016 đưa ra một con số là chưa có đến 10% các đơn kiện
hiếp dâm được tòa án chấp nhận bằng một bản án có hình phạt.
Nhưng việc xảy ra trong đêm 31-12-2015 thì cảnh sát ở
đâu ? để không can thiệp, bảo vệ, che chở cho 379 nạn nhân ở nơi công cộng (con
số đơn kiện của ngày 09-01-2016), ngay trước nhà ga Köln, và ngay trên
« Domplatte », quảng trường của thánh đường Dom ?
Nhiều chính khách và ngay cả công đoàn cảnh sát đã
chỉ trích kịch liệt thái độ của ông Wolfgang Albers, mà nặng nhất là sự kiện che
đậy thông tin, không thông báo chính xác và đầy đủ sự kiện đã xảy ra.
Sự kiện cả hàng ngàn thanh niên đàn ông « gốc Bắc
Phi và Ả Rập » khoảng từ 15 đến 35 tuổi kéo đến tụ tập đông nghịt ở nhà ga
Cologne từ 21.00 giờ (địa phương) ngày 31-12-2015, chắn mọi cửa ngõ ra vào, là
một hiện tượng không bình thường, họ đến từ đâu ? ai tổ chức thông báo cuộc tụ
tập ? và nhiều câu hỏi nữa chưa được trả lời. Dân chúng đều trách là mãi 5 ngày
sau, vụ việc này mới được đưa lên mặt báo, như vậy là cũng có lỗi của các cơ quan
truyền thông, truyền hình và truyền thanh. Vì thế nên sự phẫn nộ của dân chúng
và sự mất lòng tin của du khách càng lớn hơn.
Trong lòng một xã hội tự do dân chủ, dân chúng có
quyền biết những gì đã xảy ra, ai là thủ phạm và các cơ quan công quyền có bổn
phận và trách nhiệm là công bộc của dân làm gì để giúp đỡ, che chở và bảo vệ
dân ?
Ngày 08-01-2016, bộ trưởng bộ Nội vụ tiểu bang
Nordrhein-Westfalen, ông Ralf Jäger Jäger lên tiếng trách móc ông Wolfgang
Albers rằng, nếu Köln đã có thông báo kịp thời thì tiểu bang đã nhanh chóng gửi
thêm cảnh sát đến hiện trường, vì trong đêm đó có hàng trăm cảnh sát đang trực
sẵn.
Quyết định của bộ trưởng tiểu bang Ralf Jäger cho
ông Wolfgang Albers về hưu ngày 08-01-2016, tuy được coi là một việc cách chức
trễ nãi nhưng đúng đắn, để « khôi phục lại lòng tin của dân chúng đối với
lực lượng bảo vệ an ninh cảnh sát » chưa làm êm dịu được sự sôi sục trong
dân chúng.
Cùng ngày 08-01-2016 cảnh sát cho biết đã xác định
danh tính của 32 người tình nghi, trong đó có 22 người di tản, về tội gây
thương tích và ăn cắp, không phải tấn công tình dục.
Những phát hiện của báo chí như lửa đổ lên dầu là
khi những người đàn ông thanh niên nước ngoài này, chưa biết nói tiếng Đức, đã
học những câu tiếng Đức rất thô lỗ, miệt thị và đe dọa hiếp dâm, giết chóc như
trường hợp của hai thanh niên trẻ Ả Rập bị cảnh sát tạm giữ để điều tra.
Nhà
ga chính Köln nằm bên tay trái của quảng trường mang tên Domplatte của thánh đường
DOM Köln. Trước nhà ga là bắt đầu khu phố thương mại trọng điểm của thành phố với
một số lượng du khách khá lớn hàng năm.
Ai sống ở Köln đều biết, khu vực nhà ga chính và
thánh đường Dom nối liền với trung tâm thương mại lớn nhất Köln với hàng trăm cửa
hàng, siêu thị rất nhộn nhịp. Nhà ga Köln là tâm điểm của nhiều tuyến đường
đi/đến, của xe bus phi trường quốc tế Köln/Bonn, các tuyến xe điện ngầm, các
tuyến xe lửa quốc tế Thalys/TGV, các tuyến xe bus nội thành, mỗi ngày có hàng
trăm ngàn người di chuyển qua nhà ga, là điểm hẹn của du khách, nên nếu khu vực
nhà ga chính không được bảo vệ an ninh thì thật là một điều đáng lo ngại trầm
trọng cho du khách và dân chúng.
Cuộc tấn công tình dục của hàng ngàn thanh niên đàn
ông « Bắc Phi » trong đêm giao thừa tại Cologne (Köln) đã trở thành
« sự kiện » chính trị lớn có tầm vóc liên bang khiến cho nữ thủ tưởng
Angela Merkel lâm vào thế bị động với chính sách mở cửa cho người di tản Trung
Đông của bà.
Tiếng vang của sự kiện « đêm giao thừa
Köln » còn lan tỏa trên khắp châu Âu và thế giới. Nước Đức, cho đến giờ,
có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch sinh sống trong hòa hợp và hội nhập, nhưng
sự kiện tập thể và công cộng như thế là chưa từng thấy xảy ra. Ngày 10-01-2016
con số đơn kiện của nạn nhân đêm giao thừa tại Köln đã lên đến 516 vụ ! Không kể
đến những vụ tương tự ở những thành phố khác của Đức diễn ra cũng vào đêm giao
thừa 2015/2016.
Có báo chí cho rằng, sự kiện diễn ra trong đêm giao
thừa tại nhà ga Cologne đã có khuôn mẫu của những vụ tập họp hiếp dâm phụ nữ tập
thể như đã xảy ra ở Ai Cập. Điều này khiến cho những người thông cảm nhất với
người di tản cũng phải lo sợ, nhất là thành phần thanh niên đàn ông độc thân
trong số người di tản Trung Đông chiếm đa số, trong khi phụ nữ và trẻ em, hay
gia đình thì có tỷ lệ ít hơn.
Các đảng phái, từ cực hữu đến cực tả đều tận dụng
tình hình mới này, như một ngọn lửa đã châm vào một thùng dầu.
Ngày 09-01-2016 hơn 1.000 phụ nữ đã biểu tình trước
nhà ga và bên cạnh thánh đường chống lại những cuộc tấn công tình dục và đòi hỏi
phải được bảo vệ, che chở.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thấy rằng, tình hình
sắp tới sẽ có nhiều chao động, vì luật pháp Đức « chưa đủ » chặt chẽ
để trục xuất những người di tản (xin tỵ nạn chính trị) có hành vi phạm pháp
hình sự, và con số người di tản tiếp tục tràn vào châu Âu, tràn vào Đức sẽ
không còn được dân chúng Đức đón tiếp với tất cả mọi thông cảm và giúp đỡ như
trước.
Chính sách về người di tản của nữ thủ tướng Đức
Angela Merkel đặt trọng tâm trên nền tảng đoàn kết châu Âu, giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ
và chống luồng sóng di tản từ gốc nhưng không đóng cửa biên giới cũng như hạn
chế con số người di tản vào Đức, cho đến nay, là một thử thách lớn cho sự kiên
nhẫn và lòng khoan dung độ lượng của dân Đức, sẽ có thể phải thay đổi chăng ?
Nguồn tin do báo chí châu Âu đưa ra là trong năm 2016
sẽ có thêm khoảng một triệu người di tản tiến về phía châu Âu càng làm tăng
thêm sự lo ngại bất an.
Trong khi đó bộ trưởng bộ Nội vụ liên bang Đức, ông
Thomas de Maizière, đã công bố chính thức con số người di tản đã vào Đức trong
năm 2015 là 1, 1 triệu người, và trong tổng số này có 428.500 người di tản gốc
Syria.
Cuộc họp của đảng CDU vào ngày thứ sáu 08-01-2016 đã
đi đến quyết định là sẽ có thay đổi trong đạo luật về người di tản, họ sẽ bị tước
quyền tị nạn chính trị và bị trục xuất khi bị kết án.
Tuy nhiên từ khâu bị đưa ra tòa xử, bị kết án, rồi bị
trục xuất thì còn nhiều « khả năng » và nhiều thời gian cho người di
tản ở lại nước Đức.
Lối thoát cho nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã được
trông thấy là trước nhất và bức bách nhất phải giảm con số người tị nạn vào Đức,
đồng thời giữ gìn an ninh trật tự trong xã hội, kịp thời và đúng lúc.
Ngày 09-01-2016, có 1.700 cảnh sát Đức, cùng với một
đoàn chó nghiệp vụ và hai xe phun nước, đến khu vực nhà ga Köln để giữ an ninh
của các đoàn biểu tình của cực hữu, cực tả và dân chúng cùng phụ nữ. Điều này
khiến cho người dân không khỏi đặt câu hỏi trở lại về đêm giao thừa: tại sao lại
để cho một sự kiện tấn công tình dục và cưỡng hiếp tập thể ở một nơi công cộng
có thể xẩy ra ?!
MTT
Vào
ngày 09-01-2016 dân chúng với đa số là phụ nữ đã biểu tình phản đối sự kiện tấn
công tình dục và cưỡng hiếp tập thể trong đêm giao thừa trước nhà ga chính ở
Köln (tiểu bang Nordrhein-Westfalen). Foto: Oliver Berg/dpa +++(c) dpa –
Bildfunk+++