21.12.2015

Phố Hàn, Phố Việt (tại Sydney, Úc)

Phố Hàn, Phố Việt (tại Sydney, Úc)  

Thỉnh thoảng tôi thích đi dạo một vòng những khu buôn bán của người Đại Hàn (nay gọi là Hàn Quốc) và của người Việt ở Sydney. Qua nhiều lần như thế, tôi đi đến một nhận xét là người Việt mình ăn ở dơ bẩn và kém văn minh hơn người Hàn. Tôi biết nói ra nhận xét này làm nhiều người tức giận, nhưng tôi quen nói ra suy nghĩ của mình.


Ở Sydney, những trung tâm buôn bán tiêu biểu của người Đại Hàn là Burwood và Strathfield. Tôi có một anh bạn làm hiệu trưởng một đại học ở VN, mỗi lần sang đây, đều kéo tôi đến Strathfield để nhâm nhi thức ăn Hàn Quốc và ... nhìn. Nhìn người qua lại. Nhìn phong cách phục vụ của các nhà hàng Hàn. Nhìn khách Hàn ăn uống và thì thầm trong nhà hàng. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến hai khu này là sự sạch sẽ. Đường xá hầu như không có rác. Xe cộ đậu rất thứ tự (và họ thích lái xe Hiện Đại của Hàn Quốc). Họ ăn mặc đàng hoàng và tươm tất. Cho dù các cô gái mặc đồ casual nhưng cũng tiềm ẩn tính sang trọng của người có văn hoá. Nói chung, đó là những chỗ chẳng khác gì những khu buôn bán trung lưu của người Úc.

Ngược lại, đến khu buôn bán của người Việt thì khác một trời một vực. Ví dụ như khu Cabramatta, được mệnh danh là "thủ đô của người Việt tỵ nạn Úc châu". Đó là một khu buôn bán do người Việt phát triển từ một nơi trước đây được xem là vùng bán nông thôn. Cabramatta ngày nay là một đô thị tấp nập, nhộn nhịp, sống động, và thu hút rất nhiều khách Úc đến đây để thưởng thức ẩm thực Việt (ngon hơn Hàn là cái chắc) và những thực phẩm Đông Nam Á. Tôi xem Cabramatta là một phiên bản nhỏ của Sài Gòn.

Vì là phiên bản của Sài Gòn, nên nó có những cái xấu của ... Việt Nam. Nếu Sài Gòn có người bán hàng rong, thì Cabramatta cũng có những người bán hàng rong (vi phạm luật pháp địa phương). Nếu Sài Gòn có những con hẻm chật hẹp và tấp nập, Cabramatta cũng có những con hẻm san sát nhau và cũng khá … dơ bẩn. Cũng như ở Sài Gòn, đường phố Cabramatta rất hẹp, vì chủ cửa hàng phải … lấn đường để bày bán hàng hoá. Đường đi đáng lý là 4 m, thì nay chỉ còn 1 m, vì hai bên đường các chủ cửa hàng đều lấn đường. Cũng như Sài Gòn bề bộn, Cabramatta cũng xô bồ, chật hẹp.

Cũng như Sài Gòn có rác, Cabramatta cũng có rác hôi thối phía sau những tiệm bán hàng. Rác khắp nơi, từ đường chính đến nhà đậu xe công cộng. Nhưng ngạc nhiên thay, trong nhà cầu công cộng thì không có rác! Nhìn những bãi rác trong nhà đậu xe công cộng ở những khu như Cabramatta và Bankstown tôi chỉ thở dài ngao ngán. Hình như người Việt chúng ta quen thói nghĩ rằng cứ vứt rác vì sẽ có người của hội đồng thành phố đến dọn. Họ còn suy nghĩ rằng họ trả tiền thuế và công nhân có nhiệm vụ lượm rác. Nhưng họ không nghĩ rằng người ta khinh mình, khinh người Việt mình là dân ở dơ, kém văn minh. 

            Một cảnh quen thuộc ở khu phố đông người Việt ở Sydney: Rác khắp nơi. 

                      Buôn bán hàng rong, tuy quen ở Việt Nam, nhưng ở đây là bất hợp pháp. 


Thói dơ dáy và bầy hầy còn hiện diện ngay trên máy bay của hãng Vietnam Airlines trong khoang hạng thương gia. Nhìn cách bày biện món ăn mà phát ớn! Tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao họ  (tiếp viên Vietnam Airlines) nhìn người thì có chút xinh xinh nhưng lại bầy hầy như thế. 


Người Việt mình còn ích kỷ nữa. Tôi rất sợ đi shop ở khu người Việt vì nạn tranh giành đậu xe. Vì chỗ đậu xe có hạn, nên người ta phải tranh nhau đậu xe, và làm tắc nghẽn giao thông. Tôi từng chứng kiến một người cứ đậu xe giữa đường để chờ chiếc xe khác rời đi, và thế là làm cho cả con đường bị kẹt xe. Chỉ 1 người vô ý thức mà làm phiền và gây bất tiện cho hàng trăm người. Vào các khu đậu xe có nhiều người Việt, chúng ta dễ dàng thấy những người lái xe xem ra cũng sang, nhưng cớ chờ, cứ "canh mánh" chỗ đậu xe, không chịu chuyển động, và gây tắc nghẽn khắp nhà đậu xe! Họ chỉ biết cái lợi cho họ và bất chấp cái bất lợi của người khác. Hiếm thấy những con người ích kỷ và vô ý thức như người Việt mình.

Còn các quán ăn của người Việt ở Cabramatta thì khác hẳn quán ăn của người Hàn và người Thái. Quán ăn của người Hàn và Thái có vẻ đạt được một trình độ văn minh cao, mà theo đó, bàn ghế được bày biện ngăn nắp và ấm cúng, có khăn trải bàn, có tranh hai bên tường để thực khách ngắm nhìn, đúng với phong cách của "restaurant". Thực khách lịch sự, không ồn ào, và họ có vẻ thưởng thức món ăn. Còn quán ăn Việt Nam khó có thể gọi là "restaurant" (mà có lẽ chỉ là "eatery"), nơi mà bàn ghế san sát nhau, chật hẹp và không thoải mái. Có khi người ta phải dồn người lạ mặt vào ngồi cùng bàn! Còn thực khách thì khỏi nói, tiếng gọi ơi ới, nói năng ồn ào như chỗ không người, thỉnh thoảng có tiếng cười hỉ hả chẳng ra thể thống gì, y chang như là một quán ăn của Tàu. Hình như người ta chỉ vào đó để ăn và ăn, xì xụp húp & ngốn sao cho thật nhanh để thoát khỏi cái không gian ồn ào và hỗn tạp. Xin nhắc lại là tôi đang nói quán ăn Việt ở Sydney nhé (chứ không phải ở một vùng quê nào bên Việt Nam).

Tôi rất ngạc nhiên về sự khác biệt về văn hoá ăn uống và buôn bán giữa của người Việt ở Sydney và Little Saigon bên California. Theo tôi thấy (và tôi là cư dân Sydney), các khu buôn bán của người Việt ở Little Sài Gòn văn minh hơn nhiều, hơn cả 100 năm ánh sáng, so với người Việt ở Sydney. Ở Little Saigon, hàng quán sạch sẽ hơn, thức ăn ngon hơn và rẻ hơn, phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn nhiều so với hàng quán của người Việt ở Sydney. Thật vậy, chỉ bước vào một siêu thị của người Việt ở Little Sài Gòn, chúng ta sẽ chẳng thấy khác gì (thậm chí có khi lớn hơn) so với một siêu thị Woolworth của Úc ở Sydney. Tại sao cũng là người Việt, cũng xuất phát từ một cái nôi văn hoá, cũng đi tỵ nạn cùng một thời điểm, vậy mà sau 40 năm thì đồng hương bên Mỹ khá hơn và văn minh hơn đồng hương bên Úc.

Tôi nghĩ đến cái trình độ văn hoá có thể là một lời giải thích. Sau 1975, người Việt được Mỹ chọn cho đi định cư ở Mỹ thường là thành phần ưu tú trong xã hội Sài Gòn. Ngay cả trong các trại tỵ nạn, người Mỹ cũng ưu tiên cho các sĩ quan, viên chức, trí thức đi định cư bên Mỹ. Thật ra, đại đa số dân trí thức và có học của miền Nam đều chọn Mỹ làm nơi định cư, chứ ít ai chọn Úc. Do đó, cùng với và trong cái nôi văn minh Mỹ, những người đi trước qua bên Mỹ đã thiết lập một "trật tự" thương mại khá tốt. Còn ở Sydney thì người Việt chủ yếu là tự phát, thoạt đầu là đùm bọc nhau, quây quần bên nhau trong một "đặc khu" lao động, rồi sau đó mới mở rộng sang kinh doanh. Vả lại, nhiều chủ hàng quán ở khu Cabramatta là người Hoa từ Việt Nam. Và, có lẽ vì thế mà đem theo những tập quán đậm tính chất Hoa kiều từ Việt Nam sang đây. Nếu giả thuyết này đúng thì tôi nghĩ trình độ văn hoá đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt giữa khu phố của người Hàn Quốc và Việt Nam ở Sydney. Và, điều đó cũng thêm một lý do để Việt Nam phải thoát khỏi cái phông văn hóa Tàu.