21.02.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 21.02.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 21.02.2016)

Báo Nhật: Tập Cận Bình nói dối, Biển Đông sắp “nhuốm mùi thuốc súng”

Truyền thông Nhật Bản cho rằng Trung cộng không dừng lại sau khi vụ đưa trái phép tên lửa lên đảo Phú Lâm của Việt Nam bị lộ, mà sẽ còn hung hăng hơn nữa trên biển Đông.
Hình ảnh hỏa tiễn HQ-9 của quân đội Trung cộng được đưa lên bệ phóng di động, chụp tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Hoa lục tháng 11/2015. Ảnh: CNS

Báo Nhật: Tuyên bố của Tập Cận Bình là lời nói dối


Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei, Nhật Bản) ngày 19/2 đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Gen Nakatani tuyên bố không thể xem nhẹ “mục đích của Trung cộng khi bố trí (trái phép) hỏa tiễn ở quần đảo Hoàng Sa nhằm thay đổi cục diện khu vực”.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ trích hành động của Bắc Kinh trái ngược với cam kết của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ tháng 9/2015, rằng nước này “tuyệt đối không quân sự hóa biển Đông”.

Trong cuộc hội đàm giữa ông Nakatani và ông Harris, song phương đã cùng chỉ trích việc Trung cộng đưa trái phép các hệ thống hỏa tiễn địa không HQ-9 lên đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Đặc biệt, hai ông đồng khẳng định tuyên bố của ông Tập về việc Trung cộng không có ý đồ xây dựng cứ điểm quân sự trên Biển Đông “chỉ là lời nói dối không hơn không kém”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước đó cũng bày tỏ quan ngại về hành động của Bắc Kinh và nói rằng Washington sẽ trực tiếp lên tiếng yêu cầu Trung cộng chấm dứt hành vi tương tự.

Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Trung cộng huênh hoang rằng “việc bố trí trang thiết bị quân sự tương tự đã được tiến hành từ rất lâu”, và đổi trắng thay đen khi tuyên bố trắng trợn “việc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thủ ở biển Đông là hợp tình, hợp lý và hợp pháp”.

Trung cộng sẽ tiếp tục “vươn vòi” trong thời gian ngắn

Nikkei bình luận, Trung cộng đã “nhắm” đúng thời điểm nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ còn không đầy 1 năm, và nước Mỹ đang bận rộn với cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, để thực hiện những bước đi hung hăng của mình.

Giới cầm quyền ở Bắc Kinh nhận định nước Mỹ trong thời gian này “sẽ không tiến hành những hành động quân sự quyết liệt”.

Do đó, quân đội Trung cộng sẽ “vươn vòi” không chỉ ở biển Đông, mà còn trên biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.

Cũng theo Nikkei, Hải quân Mỹ đang thảo luận về “hiện trạng nguy cơ” ở châu Á-Thái Bình Dương, và sẽ điều động lực lượng tàu sân bay mạnh nhất.

Hai hàng không mẫu hạm được Mỹ bố trí ở Đông Á, gồm USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan, sẽ được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Song song với việc Mỹ và Trung cộng chạy đua leo thang sức mạnh quân sự mà không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa hai nước cũng bước vào giai đoạn “đếm ngược”, tờ báo Nhật Bản đánh giá.

Nhà bình luận chính trị quốc tế nổi tiếng Fujii Imuki cho rằng, Mỹ nên có những hành động mạnh như vậy từ sớm hơn, bởi sự tăng cường sức mạnh quân sự của Washington ở Đông Á đã trở thành xu thế tất yếu.

Trước đây, ngay sau khi Tổng thống Obama khẳng định Mỹ “không phải là cảnh sát thế giới”, Trung cộng đã nhanh chóng bành trướng và liên tục làm gia tăng mối đe dọa về quân sự ở cả biển Đông và biển Hoa Đông.

“Nhật Bản nên nỗ lực hợp tác cùng Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á để cùng cảnh giác trước Trung cộng trên biển Đông và các khu vực khác,” ông Imuki nói.

Trong khi đó, tờ Yomiuri Shinbun (Nhật Bản) ngày hôm nay (20/2) cho biết, các nhà quan sát nước này sau khi phân tích tổng hợp các thông tin quân sự của Trung cộng, đã nhận định Bắc Kinh rất có khả năng sẽ bố trí cả hỏa tiễn chống hạm ở biển Đông.

Các hệ thống hỏa tiễn địa không “bị phát hiện” mà Trung cộng triển khai phi pháp trên đảo Phú Lâm “chỉ là một bộ phận của hoạt động bành trướng quân sự” mà nước này đang tiến hành.

Theo Yomiuri, quân đội Trung cộng sẽ bố trí hỏa tiễn chống hạm trong thời gian rất ngắn, chỉ cần có mệnh lệnh từ các lãnh đạo. Động thái này nếu trở thành sự thực trong tương lai gần, sẽ khiến khu vực biển Đông nhuốm “mùi thuốc súng”.

Trung cộng đã tập trận tên lửa bất hợp pháp ở Hoàng Sa
Hỏa Tiễn HQ-9 Trung cộng, ảnh minh họa: Jamestown

Nikkei Asian Review ngày 20/2 đưa tin, hôm Thứ Sáu Hoa Kỳ cho hay, Trung cộng đã tiến hành tập trận hỏa tiễn (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) đang tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí trước khi triển khai dàn hỏa tiễn HQ-9 gần đây.

“Chúng tôi đã thấy họ tập trận trong một khu vực của quần đảo Hoàng Sa, có liên quan đến loại thiết bị (hỏa tiễn) này”, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nói.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift trước đó hôm Thứ Năm nói rằng, việc dựng tên lửa HQ-9 ở Phú Lâm, Hoàng Sa ít nhất là lần thứ 3, theo website Military.com.

Hai lần trước Trung cộng đã kéo tên lửa ra đảo Phú Lâm tập trận, trong đó sử dụng một hỏa tiễn HQ-9 bắn hạ một máy bay không người lái tàng hình.


Phi Luật Tân chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong tranh chấp với Trung cộng

Quân đội Phi Luật Tân đã lên kế hoạch cho "trường hợp tồi tệ nhất" và đang theo dõi việc Trung cộng điều hỏa tiễn đến Hoàng Sa.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung cộng bố trí hệ thống hỏa tiễn HQ-9 tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Startfor

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh phía Tây (WesCom) của lực lượng vũ trang Phi Luật Tân, Phó đô đốc Alexander Lopez, cho biết mức độ cảnh báo của quân đội Phi chưa được nâng lên nhưng họ vẫn “đang liên tục theo dõi các diễn biến”.

Quân đội Phi đã “lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất trong các tình huống cụ thể và các binh sĩ thuộc WesCom được chuẩn bị cho các trường hợp như vậy”, Inquirer dẫn lời ông Lopez, phát biểu tại Học viện Quân sự Phi Luật Tân. WesCom có ​​trụ sở tại thành phố Puerto Princesa ở Palawan, tây nam nước này.


Ông Lopez nhắc lại lo ngại của chính phủ trước việc Trung cộng dựng hệ thống hỏa tiễn địa không và radar đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa  thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung cộng chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974.

“Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực”, ông Lopez nói và nhấn mạnh rằng Trung cộng đã “quân sự hóa khu vực”.

Về việc Trung cộng bố trí hỏa tiễn địa không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung cộng tại Hà Nội, trao công hàm phản đối các hoạt động của Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành chính thức công hàm nói trên.

Úc: Máy bay thương mại không cần tránh bay qua Biển Đông

Ngoại trưởng Úc cho biết các máy bay thương mại nên tiếp tục bay qua Biển Đông dù Trung cộng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop trong buổi họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, Trung cộng ngày 17.2.2016 – Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn đài ABC (Úc) ngày 21.2, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết khi bà đến thăm Trung cộng hồi tuần này, các quan chức Trung cộng không xác nhận cũng không bác bỏ thông tin đã dàn dựng hệ thống hỏa tiễn phòng không HQ-9 (phiên bản của hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm. Đây là hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Khi phóng viên ABC hỏi ngành hàng không dân dụng sẽ ứng phó thế nào với nguy cơ này, bà Bishop cho hay những tàu và máy bay thương mại “nên tiếp tục hoạt động như bình thường… bởi vì Trung cộng đã hứa sẽ không quân sự hóa (khu vực)”.

Đài truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 16.2 dẫn lại những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung cộng đã xây dựng hệ thống hỏa tiễn phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm. Bắc Kinh dàn dựng HQ-9 sau vụ khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Hoa Kỳ hôm 30.1 áp sát đảo Tri Tôn, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang bị Trung cộng chiếm đóng.

Sau cuộc họp với bà Bishop tại Bắc Kinh hôm 17.2, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị không bác bỏ thông tin về việc xây dựng hệ thống hỏa tiễn, nhưng lại cho rằng thông tin này là do truyền thông phương Tây dựng chuyện.


Chính phủ Úc không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng không và hàng hải tại khu vực này.