22.05.2016

5 năm nhìn lại vụ án rải truyền đơn tẩy chay bầu cử

5 năm nhìn lại vụ án rải truyền đơn tẩy chay bầu cử
Hoàng Dung (RFA)
Các Anh Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn và Hoàng Phong tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 24/5/2012.     File photo

5 năm trước, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chính quyền cộng sản Việt Nam đã mở phiên tòa xét xử vụ án rải truyền đơn tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp. Vậy những người trong vụ án đó nói gì sau 5 năm nhìn lại?

Những bản án bất công và nặng nề

Trong cuộc bầu cử vào Quốc hội khóa XIII cũng như Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 22 tháng 05 năm 2011, để phản đối cuộc bầu cử “đảng cử dân bầu” tiêu tốn tiền thuế của người dân, thì một nhóm bạn trẻ sinh viên Công Giáo ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc rải truyền đơn để tẩy chay cuộc bầu cử này với nội dung của các tờ rơi là: “dân là chủ - đất nước của nhân dân”, “Dân là chủ - không đi bầu cử quốc hội do Cộng Sản độc diễn”, “Dân chủ phải có đa nguyên, đa đảng”, “Đa nguyên đa đảng là vững bền”, “Không tín nhiệm quốc hội một đảng”.
Theo chia sẻ của các bạn trẻ trong vụ án đó, thì vào năm 2011 khi mà mạng xã hội nhất là Facebook chưa phát triển cũng như phổ biến rộng rãi như hiện nay, khi lực lượng những người đấu tranh còn ít, thì họ đành phải tổ chức rải truyền đơn dù kết quả của nó không khả quan nhưng đó là tiếng chuông thức tỉnh cho mọi người.
Nhóm bạn trẻ Công Giáo rải truyền đơn ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An năm 2011 gồm 8 người, tuy nhiên chỉ có 4 người bị bắt và bị kết án, với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, còn 4 người đã may mắn trốn thoát và nay đang phải sống tị nạn chính trị ở nước ngoài. Trong 4 người bị bắt thì người có mức án nặng nhất là 42 tháng tù giam, còn người nhẹ nhất là 18 tháng tù treo.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đậu Văn Dương người bị mức án cao nhất 42 tháng tù giam cho biết, đây là mức án rất nặng nề và bất công.
Anh Dương chia sẻ:
“So với quốc tế thì đó là quá nặng, bởi vì đó là quyền lợi của mình, bày tỏ quyền lợi mà họ phạt vậy thì quá nặng, vì mình đòi hỏi quyền lợi đáng lẽ họ phải ủng hộ mình chứ họ lại quy chụp thì tìm mọi cách để làm hại mình.”
Anh Trần Hữu Đức người bị mức án 39 tháng tù giam cũng cho biết, đây là bản án nặng nề và bất công, bất công trong việc xử án, bất công trong quá trình thẩm vấn.
Anh Đức cho biết:
“39 tháng tù giam là bất công, bởi vì tất cả những việc làm của mình trong khoảng thời gian đó là đang thực thi quyền của một công dân theo hiến pháp đó là điều 25 là quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí cũng như biểu tình. Trong tất cả mọi hành vi cũng như ra phiên tòa, bên tòa án cũng như bên viện kiểm soát không thể chứng minh đó là hành vi cấu thành tội phạm. Việc mà bày tỏ quan điểm để nói lên trong tinh thần xây dựng, bày tỏ quan điểm của mình trước những vấn nạn trong xã hội. Phản đối theo quyền cá nhân của mình là mình đang thực hiện quyền của một người công dân trong đất nước thôi chứ không thể quy thành đó là tội phạm được mà họ lại đưa ra xét xử và quy cho đó là vi phạm pháp luật thì điều đó là không thể đúng. Cái đó là chưa xét đến vấn đề trong những lúc mà những tình tiết mà xét theo trình tự pháp luật về vấn đề thủ tục bắt người và giam người, xử người thì nó  hoàn toàn không đúng với pháp luật.”
Truyền đơn tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp dán trên trụ điện thoại công cộng hồi năm 2011.     File photo.

Ngoài 4 người bị bắt và bị kết án, thì có 4 người còn lại họ đã chạy thoát được và hiện đang chạy trốn sự truy bắt của chính quyền cộng sản Việt Nam, một trong số đó có anh Trịnh Văn Thương, anh cũng cho rằng bản án mà chính quyền cộng sản Việt Nam dành cho những người bạn của anh là bất công, vì theo anh việc làm của anh và của các bạn anh không hề vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như luật nhân quyền quốc tế.
Anh Thương cho biết:
“Tôi thấy việc làm của những người bạn của tôi không sai mà trái lại là việc làm tốt, nhằm giúp người dân nhận thấy được sự dối trá lừa lọc của bộ máy chính quyền Việt Nam. nhà cầm quyền cộng sản đã bắt bớ rồi chụp mũ 4 người bạn với tội danh: Tuyên Truyền Chống phá nhà nước, với nhiều năm tù giam và nhiều năm quản chế. Đây là một bản án bất công, hoàn toàn sai trái. Nhà cầm quyền cộng sản VN đã vi phạm vào điều 25 của hiến pháp năm 2013: Điều 25 cho biết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Đặc biệt nhà cầm quyền còn vi phạm trắng trợn vào điều 19 trong   bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.”
Dù phải chịu những bản án bất công và phải sống khổ sở trong nhà tù cộng sản 42 tháng, nhưng anh Dương cho biết, nếu thời gian có quay trở lại như 5 năm trước thì anh vẫn sẽ tiếp tục làm công việc rải truyền đơn để tẩy chay cuộc bầu cử giả dối của đảng cộng sản Việt Nam.
Anh Dương chia sẻ:
“Cái đó thì tất nhiên thì mình vẫn làm bình thường, bởi vì đó là quyền mình đòi thì bất kể 5 năm trước hay 10 năm trước hay cho dù sau này mình vẫn cứ đòi.”
Tiếp tục đấu tranh?
Dù phải chịu những bản án bất công nặng nề và phải sống trong nhà tù cộng sản với những điều kiện rất khắc nghiệt, nhưng sau khi ra khỏi nhà tù họ vẫn sẽ luôn đi theo con đường đấu tranh cho công lý và sự thật dù phải gặp bất kỳ những khó khăn thử thách nào.
Anh Trần Hữu Đức cho biết, đó là lý tưởng của anh và anh sẽ luôn theo đuổi nó. Anh Đức cho biết:
“Lý tưởng là sống cho công lý và sự thật, bản thân tôi xác định thì con đường đang đi là con đường sự thật tôi không bao giờ từ bỏ con đường sự thật và bản thân xác định là con đường tôi đang đi trên con đường sự thật thì tôi luôn muốn vững bước trên đường đó và không ngần ngại những khó khăn nào cho dù có thiệt thân.”
Anh Dương cũng cho biết đó là trách nhiệm của anh, trách nhiệm của những người đi trước để đòi lại quyền lợi cho những người đi sau:
“Mình đã dấn thân theo con đường sự thật thì mình phải luôn bảo vệ những con đường đó chứ và đó cũng là trách nhiệm của mình. Thì đã sống theo con đường sự thật cho dù mình chết thì mình vẫn sống theo sự thật đó thôi, quyền lợi của mình thì mình đòi hỏi chứ.”
Dù đang phải chạy trốn chính quyền, nhưng anh Thương cũng cho biết là bằng cách này hay cách khác anh cũng sẽ luôn đấu tranh cho sự thật, cho nhân quyền ở Việt Nam:
“Qua việc bầu cử hay tôi thấy nhiều bất công trong xã hội, cũng như vấn đề cán bộ tham nhũng tràn lan. Hơn nữa hiện nay chính quyền đang làm ngơ và đánh lạc hướng dư luận trước vụ Formosa. Vụ này đã và đang gây ra thảm khốc rất lớn cho người dân Miền Trung nói riêng và cho cả nước nói chung. Vì vậy tôi cần phải góp phần việc nhỏ bé nhằm làm thay đổi phần nào cho vận mệnh đất nước Việt Nam để ngày càng được tốt hơn.”
Trong vụ án rải truyền đơn để tẩy chay cuộc bầu cử giả dối của chính quyền cộng sản Việt Nam còn có Đinh Nguyên KhaNguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha bị kết án 10 năm tù giam, và Nguyễn Phương Uyên bị kết án 6 năm tù giam cùng với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước.

RFA