„Đừng trút mọi oán giận lên kẻ thù – vì đó là một kẻ thù đã
được nhận biết rõ từ lâu – hãy oán giận những suy nghĩ kết thân với kẻ thù, tay
bắt mặt mừng, thề thốt và rước kẻ thù vào nhà. „
Chào ánh sáng, chào những ánh mắt mở ngủ mê
Ảnh:
một góc của cuộc chiến tranh 1979 chống Trung Cộng xâm lược. Ảnh: internet
Sự kiện tin tặc Trung Cộng tấn công vào hệ thống IT
của phi cảng Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngày 29/7, như có một luồng ánh sáng chớp
lóe lên trong suy nghĩ của hàng triệu người dân Việt. Hy vọng thay, đó là khoảnh
khắc sẽ thức tỉnh được nhiều con người về hiện trạng đất nước.
Có lẽ, bất kỳ ai vẫn lớn tiếng kêu to rằng đừng quan
tâm chính trị, hãy chỉ lo làm ăn – làm giàu, và hãy cứ phó mặc cho Nhà nước giải
quyết mọi chuyện, lúc này sẽ phải dành chút ít thời gian nghĩ về thân phận của
mình và gia đình mình. Trên các chuyến bay của ngày 29/7, một nhà triệu phú hay
một người nghèo khó đều có thể bỏ xác ngay trên đất nước mình trong niềm tin thơ
ngây phi chính trị ấy. Có hơn 400.000 hành khách đã bị
ảnh hưởng như vậy từ hành động cảnh cáo của nhóm tin tặc 1937cn, do Bắc Kinh
tài trợ và nuôi dưỡng, mà bên cạnh đó, có những lời tố cáo cho biết các thành
viên của nhóm này đã xâm nhập từ lâu vào hệ thống IT của Việt Nam. Dĩ
nhiên, còn chưa tính tới việc có ai đó là kẻ phản bội và bán đứng các thông tin
quan trọng cho giặc phương Bắc.
Nhưng vì sao,
giữa vô vàn thống khổ lâu nay của quê hương – từ nạn bauxite đang giết dần mòn
Tây Nguyên, từ biển và đảo đang mất dần, ngư dân bỏ mạng trên biển và tuyệt vọng
trên bờ, cho đến những dự án nguy nga giả tạo xây lên để tạo ra ngân khoản rút
rỉa mồ hôi nước mắt nhân dân, những cuộc cưỡng chiếm đất đai của nông dân như bọn
thổ phỉ chiếm đóng – chuyện mất an ninh mạng của các
phi cảng Việt Nam lại gây chấn động như vậy?
Người dân Việt Nam bị ru ngủ trong một thông điệp mơ
hồ là hãy chỉ nên lo cho bản thân mình, lâu nay đã trở thành những vùng quần cư
ích kỷ và hẹp hòi, nên rồi chỉ biết nẹp mình trong chén cơm và manh áo. Họ quên
cả đồng bào, quên cả tổ quốc, quên cả số phận tương lai của mình. Sự xót thương
không còn nhưng lại liều lĩnh tội nghiệp như những hành khách theo lệnh ra khơi
mà không bao giờ được chu cấp một chiếc phao cứu sinh. Những ngày cá chết, ngư
dân tuyệt mạng thì nhiều người Việt nghe chừng đâu đó rất xa xôi. Bùn đỏ tràn
miền Thượng thì nghe như bản tin quốc tế thoáng qua với họ. Chỉ đến khi sinh mạng của từng người bắt đầu bị đe dọa thì mới
xuất hiện sự hoảng sợ và ý thức. Nhất là đối với từng con người đang
chăm chút cho số tiền để dành, cho sự bình yên phi chính trị… chợt bừng tỉnh rằng
mọi thứ là vô nghĩa trước một tình cảnh quá hoang tàn.
Có ý kiến hùng tráng cho rằng dân tộc Việt
Nam đang bật lên đoàn kết sự kiện hoảng
hốt này. Đó là một loại ngụy biện
đáng thương. Sẽ không có chứng cứ nào về loại đoàn
kết từ sự rúm ró sợ hãi và mơ hồ về tương lai của mình như vậy. Những con cừu
chỉ còn đứng tụm vào với nhau trong niềm đau đớn bất lực trước những con sói bất
kỳ giờ phút nào cũng có thể xông vào trang trại, trong khi các chủ trại chỉ biết
chè chén mỗi ngày và ngủ mê với cái nhìn tin yêu, rằng bọn chó sói có thể trở
thành chó chăn cừu.
Những con cừu ấy, vốn sống theo tiếng gậy chăn dắt,
mang niềm tin rằng chúng cứ ăn no, dâng hiến đời mình cho chủ trại là trọn phận.
Sống ngu ngơ và chết lặng im.
Từ vụ tấn công ngày 29/7/2016, hãy nghĩ đến những
ngày về sau. Đáp trả lại một câu, mà một nhân viên hải quan Việt Nam nào đó ghi
trên hộ chiếu có đường lưỡi bò, Bắc Kinh đã gửi đến một thông điệp đầy tính đe
dọa không đơn giản, rằng họ đang ở khắp mọi nơi.
Mà không phải chỉ riêng hôm nay, các vụ tấn công nằm
sâu trong các tin tức bị ỉm đi, bị che giấu như chuyện tầm phào, từ truyền
thanh ở Đà Nẵng, Huế bị chiếm sóng, tia laser tấn công vào các phòng lái máy
bay ở phi trường, kể cả những lần bị mất sóng kiểm soát không lưu khiến đường
bay hỗn loạn, các sự cố mất điện bất thường ở sân bay… nhân dân bị đối xử
như trẻ dại, không nên bàn đến, không cần biết đến – mặc dù những người có
trách nhiệm thì ngày càng giới thiệu rõ sự bất lực của mình.
Nhưng chính nhân dân cũng bất
lực. Họ nhận ra cái chết của mình mỗi ngày, nhận ra nỗi khốn khổ của quê hương
này mỗi ngày bên cạnh các tuyên bố thề trung thành với tình hữu nghị bất chấp. Vận
mệnh dân tộc đang bị nhấn chìm trong biển hữu nghị ấy – bao gồm lời gào thét của
các quan chức cấp cao khi một mực đòi chấp nhận cho Trung Cộng nắm giữ các dự
án quan yếu của đất nước, thậm chí nhượng bộ các yêu sách của Trung cộng liên
quan đến an ninh quốc gia. “Các người đã
làm được gì cho đất nước chưa?” – dĩ nhiên là chưa, vì với mọi sắp đặt tàn
độc đó, người Việt chỉ còn rơi nước mắt nhìn tổ quốc mình trong tay những kẻ thỏa
hiệp và bọn phản bội.
Giờ thi không ai còn hồ nghi nữa, rằng Trung Cộng đã có một bước đi thâm hiểm từ rất lâu, và chỉ đợi
thời cơ để chứng minh khả năng đè bẹp Việt Nam. Đừng
trút mọi oán giận lên kẻ thù – vì đó là một kẻ thù đã được nhận biết rõ từ
lâu – hãy oán giận những suy nghĩ kết thân với kẻ thù, tay bắt mặt mừng, thề thốt
và rước kẻ thù vào nhà. Nếu không có những kẻ đó, hàng trăm cây số
biên giới Việt Nam không mất cùng Thác Bản Giốc, biển Việt Nam không nguy hiểm
chập chờn từng ngày, Tây nguyên không suy kiệt và Formosa Hà Tĩnh không thể hủy
diệt môi trường và con người Việt Nam.
Và vì sao, những người anh chị em Việt Nam xuống đường
kêu gọi chống lại âm mưu xâm lược của Bắc Kinh luôn bị đánh đập, giam cầm?
Trong một bài thơ của Bùi Chí Vinh, ông có viết rằng:
Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền
Chào một ngày soi rõ mặt anh em!
Chào một ngày soi rõ mặt anh em!
Trong bất lực, người ta chỉ còn biết nghĩ đến quả báo,
nhưng một cách tự an ủi mình, và mong manh hy vọng kẻ ác có thể tỉnh giác để trở
lại làm người.
Nhưng với hiện thực hôm nay, mọi thứ sẽ
như một luồng ánh sáng soi rọi đến từng trái tim con người Việt. Thức tỉnh từng
con mắt đang mở mà như vẫn ngủ mê. Hãy biết quý trọng từng cơ hội đi qua
sợ hãi – chào một ngày mới, không phải để đoàn kết mộng mị – mà dựa vào đó để soi rõ mặt các loại anh em, bao gồm loại anh em đang phản bội
lại máu thịt và tương lai dân tộc.