03.07.2016

Formosa – 500 triệu usd bồi thường – phản ứng của người dân

Formosa – 500 triệu usd bồi thường – phản ứng của người dân
Người dân thu gom ốc biển chết ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm 27/4/2016.  AFP


1. Tại sao lựa chọn chuyển đổi nghề cho hơn 1 triệu ngư dân lại là giải pháp được quyết định nhanh chóng như thế? Thay vì giải pháp làm sạch biển, giúp ngư dân bám biển và duy trì sinh kế truyền thống của họ? Lựa chọn nào khả dĩ hơn? Cơ sở ra quyết định là gì? Tại sao?...

2. Số người bị ảnh hưởng dán tiếp từ việc hơn 1 triệu ngư dân bỏ nghề biển là bao nhiêu (VD: người đan lưới, đóng thuyền, cung cấp dịch vụ xăng dầu, sửa máy móc, buôn bán cá, dịch vụ du lịch…)? Chắc chắn cũng là con số rất lớn.

Những người này sẽ làm gì thay thế để sống?...

 (Không lẽ mai sau vỡ đập bùn đỏ boxit, hoặc nhiễm mặn… chúng ta lại sẽ chuyển nghề cho người dân vùng núi xuống biển đánh cá?).
TS Phạm Văn Hội (Các câu hỏi sau khi công bố nguyên nhân cá chết)

 



từ sau vụ bờ biển miền Trung bị đầu độc, thì nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam lại “đi đêm” với Formosa, một tập đoàn kinh tế, mà là một tập đoàn có lịch sử vi phạm nghiêm trọng luật về bảo vệ môi trường trên thế giới, lần nầy xảy ra ngay tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, Việt Nam!

Như vậy thì vai vế của nhà nước CHXHCN Việt Nam chỉ ngang hàng với một tập đoàn kinh tế phạm luật.

Điều nầy cho thấy sự “chính danh” của chế độ!

Do đó, chỉ có một cách duy nhất là đảng cộng sản Việt Nam phải từ chức ngay để một nhà nước hậu cộng sản đứng ra giải quyết mọi nan đề tồn đọng thì cơ may mới có thể hy vọng cho tương lai Việt Nam.

Riêng với người Việt Nam, đang gánh chịu đại họa về mọi mặt, là do đảng cộng sản gây ra. Đại họa đó đang đến với từng cá nhân, từng gia đình, kể cả đảng viên, vì thế nếu mọi người không tự vượt qua được nỗi ám ảnh vì sợ hãi, cùng đứng lên hành động để cứu nước thì họa bị diệt vong là không thể tránh khỏi!

© Kông Kông   (Đảng cộng sản Việt Nam phải từ chức)


...người ta dễ dàng nhận ra rằng những gì được tung hê trên báo chí hai ngày nay về kết quả điều tra cá chết cũng như số tiền 500 triệu Mỹ kim mà chính phủ CSVN đã buộc thế Formosa phải trả cho nhân dân Việt Nam chỉ là vở kịch quá tồi, quá lộ liễu. Và con số 500 triệu Mỹ kim chẳng có giá trị gì ngoài việc làm mập thêm đám tham quan đang chễm chệ trên đầu nhân dân.
Bởi nếu có trách nhiệm, ngay từ đầu, chính phủ CSVN phải nhiệt tình hơn gấp nhiều lần trong việc điều tra, công bố kết quả, đã không cho đám quan lại thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác kêu gọi, cổ xúy dân ăn cá.
nếu thực tâm coi trọng nhân dân, chính phủ CSVN đã phải cân nhắc giá trị giữa 500 triệu Mỹ kim với thu nhập của nhân dân miền Trung trong vòng 50 năm, đến khi biển hết độc, phải cần nhắc giữa sức khỏe của người dân, tương lai của người dân cũng như môi trường sinh sống, môi trường biển quê hương....
Viết Từ Sài Gòn (500 triệu Mỹ kim và nỗi nhục)


Ai, tổ chức nào rước FORMOSA về, cấp phép nhanh kinh ngạc, ký hợp đồng giao đất 70 năm cho nó mới là kẻ phải chịu trách nhiệm lớn nhất đối với nhân dân, với quê hương xứ sở.
70 năm tới, hàng chục triệu người sẽ phải sống trong nơm nớp lo sợ, không biết thảm họa lúc nào sẽ tái diễn.
70 năm tới, cư dân địa phương sẽ chết dần chết mòn vì ô nhiễm nước, không khí - như những gì đã và đang xảy ra với người dân sống xung quanh nhà máy FORMOSA Đài Loan ở hai huyện Vân Lâm và Chương Hóa. Cư dân địa phương nơi đây đang tiến hành thủ tục kiện FORMOSA đòi đền bù chi phí chữa trị ung thư và mai táng cho người thân của họ đã chết vì những bệnh được cho là có liên quan tới khí thải của tập đoàn này.
70 năm tới, đất nước sẽ phải song hành với một trong những tập đoàn tai tiếng nhất thế giới về gây ô nhiễm môi trường, đã từng bị trao giải Hành Tinh Đen 2009, và đã từng chấp nhận việc vi phạm, nộp phạt để tiếp tục vận hành vì số tiền phạt quá nhỏ so với khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc vi phạm.
Nguyễn Anh Tuấn ("Sao các bạn lại còn rước Formosa về?")


Nay chỉ với vài trăm triệu đô, không tốn một viên đạn, Formosa Hà Tĩnh đã có thể đánh đuổi tàu cá VN ra khỏi biển Đông. Chuyện này có lợi nhất vẫn là Trung Quốc.

Cá chết. Ngư dân bỏ nghề. Biển Đông sẽ trở thành ao nhà của TQ. Họ chiếm cứ Biển Đông không cần nổ một phát súng mà chỉ cần một vài ngày thải chất độc từ Formosa ra biển với chi phí là... 500 triệu USD.

Trịnh Kim Tiến (Formosa – Ván cờ của Trung Quốc?)


Cái mà tôi muốn nói đến trong bài này là con nhà Nguyễn Xuân Fox, thủ tướng "chú phỉnh" hồ hởi phấn khởi chấp nhận tiền đền bù, chia chác "chiến lợi phẩm" trên lưng của nạn nhân trực tiếp một cách vội vàng như thế có hợp lý và hợp với luật pháp, thỏa đáng với nguyện vọng của người dân hay chưa?! Những nạn nhân trực tiếp; những nạn nhân gián tiếp trên khắp đất nước này bị ảnh hưởng, có chấp nhận được sự đền bù đó và có cần lời xin lỗi đầu môi chót lưỡi của tập đoàn Formosa không; hay phải nhờ đến luật pháp can thiệp, là vấn đề cần đặt ra. Người ta cũng cần sự cam kết trước pháp luật chứ không ai cần lời xin lỗi khơi khơi.

…người dân thấp cổ bé miệng bị các ông bịt mắt khóa môi từ lâu nên họ không còn khả năng hiểu biết trong cái quyền được mở miệng và cái quyền được "đòi" của họ nữa. Xúi họ, cố vấn cho họ kiện tập đoàn Formosa là hợp lý lắm chứ. 

Nguyễn Dư (Nhục quá đi... trời ơi!)



Điều mà người dân khu vực miền Trung có thể làm và cần làm nhất trong lúc này là thu thập chứng cứ để kiện dân sự Formosa ra tòa đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Còn việc Formosa tự nguyện bồi thường 500 triệu USD là chuyện thương lượng giữa Formosa với nhà nước Việt Nam.“

Đó là quan điểm của LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Lê Thọ Bình – Viettimes (Vụ cá chết hàng loạt: Dân miền Trung cần khởi kiện Formosa đòi bồi thường thiệt hại)




Một bộ máy nhà nước tham nhũng, tối mắt trước đồng tiền, rước kẻ bị thế giới xua đuổi ở khắp nơi về đầu độc biển đất nước. Biển chết. Cá chết. Người chết. Hàng triệu người dân bị mất nguồn sống. Cả ngành du lịch, ngành hải sản bị tê liệt. Cả nền kinh tế đất nước bị thua thiệt lớn. Biển bị bỏ ngỏ để mặc cho kẻ cướp làm chủ . . .

Một đảng rước nguy khốn, độc hại về cho đất nước, một chế độ tàn phá đất nước, một bộ máy nhà nước cướp quyền làm chủ đất nước của dân, cướp đất đai của dân, đàn áp những tiếng nói chính đáng, trung thực của người dân thì đảng đó, chế độ đó, nhà nước đó mới là thế lực thù địch với nhân dân, với đất nước.

Phạm Đình Trọng  (Hỗn láo với dân)


Ý kiến của người dân địa phương Hà Tĩnh:
“Việc đền bù đó, không phải lấy để bù lại những mất mát của người dân chúng tôi, đặc biệt sức khoẻ người dân chúng tôi đang rất yếu, ăn cá thì bị nhiễm chất độc.

Chúng tôi yêu cầu làm sạch biển của chúng tôi, để chúng tôi trở lại ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản. Chứ việc đền bù 500 triệu USD đối với ngư dân bốn tỉnh chúng tôi thì ăn thua gì. Mà nếu như có thì mỗi người chúng tôi cũng chẳng có bao nhiêu cả.”

Về số đền bù:
“Chẳng thấm vào đâu.”
Việc đền bù đó chiếu theo thiệt hại về mọi mặt thì chẳng thấm vào đâu cả. vì riêng về dân 4 tỉnh, trong suốt 3 tháng, nguồn thu hoạch không có. Rồi thảm họa về môi trường, chất độc nhập sâu vào lòng đất, làm cho cá chết trôi dạt vào bờ. Sau khi trời chiếu rọi xuống, bốc mùi hôi thúi lên thì bay vào không khí. Cuối cùng người kề cận, đặc biệt là dân bốn tỉnh miền Trung thì phải chịu những thiệt hại đó.”

RFA (Lời xin lỗi, 500 triệu USD và môi trường biển: Cuộc trao đổi không cân xứng)

Đọc thêm:

Các hãng tin quốc tế bình luận sau vụ họp báo công bố Formosa là thủ phạm gây thảm họa cá chết tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.


Báo Taipei Times hôm 1/7 cho hay, Sở Đầu tư kinh tế Đài Loan tuyên bố họ tôn trọng các thỏa thuận giữa nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và chính phủ Việt Nam.
"Chúng tôi đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau khi chính phủ Việt Nam công bố báo cáo điều tra hôm 30/6," Tổng giám đốc sở Vivien Lien bày tỏ hy vọng rằng vụ cá chết sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam.
Bà cho biết Bộ Công an Việt Nam cam kết với cơ quan đại diện Đài Loan tại Việt Nam rằng sẽ bảo đảm an toàn cho người Đài Loan tại Việt Nam sau vụ việc.

Reuters hôm 30/6 bình luận thảm họa cá chết khiến tân chính phủ Việt Nam phải vật lộn kiểm soát cuộc khủng hoảng.
Tối 30/6, Bộ Ngoại giao Đài Loan kêu gọi Việt Nam bảo vệ các doanh nghiệp Đài Loan. "Chúng tôi hy vọng chính phủ và người dân Việt Nam tiếp tục trợ giúp," thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan viết.
Trong một video clip, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), ông Trần Nguyên Thành nói: "Chúng tôi rất hy vọng người Việt Nam có thể rộng lượng trước vụ việc".
Giới chức chính phủ Việt Nam phủ nhận bất kỳ sự che đậy để bảo vệ nhà đầu tư lớn và cho biết sự chậm trễ trong việc công bố kết luận điều tra là để đảm bảo sự chắc chắn với sự hợp tác của các nhà khoa học Nhật, Đức và Pháp.

Bloomberg hôm 1/7 tường thuật, cuộc khủng hoảng cá chết khiến xảy ra các cuộc biểu tình hiếm hoi tại các thành phố ở Việt Nam. Điều này giống như một phép thử với chính phủ phải cân bằng mong muốn tăng đầu tư nước ngoài nhưng phải chứng tỏ rằng họ không bị các công ty nước ngoài dắt mũi.
Chính phủ Việt Nam cũng chịu áp lực cho phép hình thành công đoàn độc lập và ban hành các điều luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt là một phần yêu cầu Việt Nam trong việc gia nhập Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Fred Burke, đại diện hãng luật Baker & McKenzie Vietnam, được dẫn lời.
"Họ [Chính phủ] muốn gửi thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng sẽ không quá khắt khe" Burke nói. "Nhưng họ phải thực thi pháp luật và để nhà đầu tư biết rằng họ đang hoạt động trong một sân chơi bình đẳng."

Trả lời câu hỏi của Bàn tròn thứ Năm là căn cứ nào mà khoản bồi thường được đề nghị ở mức nửa tỷ đô-la, nhà báo Navin Singh Khadka, phóng viên môi trường của Thế giới vụ Đài BBC, nói:
"Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải trở lại câu hỏi 'điều gì thực sự sai trái', điều mà quý vị nói là có thể có một thương lượng giữa Chính phủ và công ty trong vụ này, các câu hỏi đặt ra là tất cả những người cần được đền bù nghĩ gì, cơ chế đền bù thế nào v.v... Những câu hỏi này rất phức tạp và chúng ta chưa có các chi tiết, thế nhưng một lần nữa nguyên nhân cốt lõi của vụ việc phải được chấn đoán, để chúng ta thực sự biết được điều sai trái xảy ra là gì để những sự việc tương tự không lặp lại ở các nơi khác.
"Không nên quên rằng đây còn có những hậu quả cho một khu vực biển rộng hơn và chúng ta biết rằng khu vực này tiếp tục đi ra biển, cho nên chúng ta vẫn cần phải biết điều gì xảy ra cho khu vực biển lớn hơn và hệ sinh thái. Liệu có những hệ lụy cho vùng biển lớn hơn hay không?" .


Tin BBC