22.11.2016

Giáo dục tại Việt Nam

Giáo dục tại Việt Nam

Học sinh, sinh viên tại Hà Nội tìm hiểu thông tin du học, ảnh chụp hôm 4/10/2016. AFP PHOTO 
Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?

Triết lý giáo dục hay cổ động học sinh?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong dịp đăng đàn chia sẻ quan điểm của ông về câu hỏi từ một đại biểu quốc hội “Việt Nam có triết lý giáo dục hay không” đã xác nhận “Việt Nam có triết lý giáo dục, chứ không phải không có. Có điều, ta không có những câu trích dẫn để thành kinh điển”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong vai trò phụ trách khối văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo, đã đăng đàn trước Quốc hội để chia sẻ ý kiến của ông về vấn đề giáo dục, và một trong những câu trả lời của ông là có hay không một triết lý về giáo dục tại Việt Nam.


Ông khẳng định: “Triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế”.

Rất nhiều trí thức không đồng tình với khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vì đó không phải là triết lý giáo dục mà là một hình thức cổ động sinh viên học sinh, hay nói cách khác đó là mục tiêu giáo dục của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chứ không nằm trong phạm trù triết lý.

TS Nguyễn Văn Khải đã thẳng thắn phê bình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là không thực tế và có hơi hướm tuyên truyền mị dân, ông nói:

Ông Vũ Đức Đam chẳng có kỹ năng sống và không hiểu thực tế, ông ta chẳng hiểu gì cả. Ngu dốt thiếu kiến thức tham lam và lợi ích nhóm, ông ta có bao nhiêu tiền thì giáo dục cũng xuống dốc. Trong khi học sinh đi học cả ngày, các ông in sách giáo khoa in 4 trang nói về muối nhưng quên một câu “phải dùng muối i-ốt”. Anh nên nhớ rằng cái sai lầm của anh là anh mời người ta đi họp về cải cách giáo dục, anh mời mọi người họp trong đó có những người biên soạn sách giáo khoa nhưng anh không dám mời những người phê bình sách giáo khoa viết sai và lạc hậu.”

Thiếu cái gốc nhân bản?

Triết lý giáo dục tùy mỗi quốc gia có khác nhau nhưng mục đích chung của mọi nền giáo dục trên thế giới là xây dựng một con người nhân bản trước khi tạo cho họ một con đường phấn đấu nào khác.

Có lẽ do thiếu cái gốc nhân bản trong triết lý giáo dục nên xã hội Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt vụ học sinh thanh toán nhau và tấn công cả giáo viên trong lớp học. Cảnh tượng người trộm chó bị dân chúng giết chết hay hàng trăm người cướp giật một xe chở hàng bị tai nạn, hay tệ hơn là cách hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng… Những hình ảnh xấu ấy đang băng hoại nhà trường và xã hội nhưng không một Bộ trưởng giáo dục nào nhìn nhận trách nhiệm trước Quốc hội bởi cái lõi gây ra chính là sự thiếu kém một triết lý giáo dục đúng nghĩa.

GSTS Nguyễn Đăng Hưng từng giảng dạy trong và ngoài nước nhiều chục năm, tiếp cận được nhiều nền giáo dục của thế giới cho biết nhận xét của ông về triết lý giáo dục Việt Nam:

Cái nền giáo dục Việt Nam nó không phải chỉ là lạc hậu mà còn là lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.

Cái lạc đường của Việt Nam là chúng ta không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người. Giáo dục Việt Nam không phục vụ con người theo cái nghĩa con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo.“

Trước năm 1975, Bộ giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã đưa ra triết lý giáo dục cho nhà trường tập trung trong ba điểm: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng trong đó con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Giáo dục con người hoàn thiện trong suy nghĩ, lời nói, việc làm là tiền đề thành công cho một nền giáo dục. Từ căn bản này Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ:

“Thôi đừng có loay hoay tốn thời giờ mà nên nhìn thẳng đi. Hãy sử dụng chương trình giáo dục Việt Nam đã có rồi, đó là chương trình giáo dục của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã xây dựng cho chính phủ Trần Trọng Kim từ năm 1945. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã xây dựng chương trình này trong 4 tháng nhưng đó là một chương trình khá chuẩn cho Việt Nam. Bằng cớ là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sau này trong vòng 10 năm đã sử dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn và đã đào tạo nên những thế hệ những con người trí thức của miền Nam. Xây dựng được những ngôi trường tiếng tăm như ngôi trường Petrus Trương Vĩnh Ký mà tôi là học sinh. Xây dựng được con người có ý thức dân tộc, có tình yêu đất nước, hiều biết lịch sử Việt Nam, thế giới và ngay cả những chuyên môn trong khoa học nên khi ra thế giới họ không hề thua kém người Mỹ, người Pháp hay những nước khác. Hãy lấy chương trình đó mà sử dụng đừng loay hoay tìm lung tung làm gì?”

Dư luận liên tục phản ứng mạnh mẽ trong vụ điều động 21 giáo viên nữ tiếp khách tại Hồng Lĩnh, bởi những viên chức giáo dục vẫn còn dựa vào yếu tố “nhiệm vụ chính trị” để bảo vệ cho chính sách giáo dục xem nhân phẩm không bằng chính trị thì có lẽ rất khó tìm ra triết lý giáo dục đúng nghĩa cho hướng đi trong những ngày sắp tới.


Câu chuyện giáo dục
Sự giận dữ

Đây là nét lịch sự. Những người làm nhiệm vụ này là vinh dự, được gặp gỡ người này người kia, được làm việc với họ. Khi những cán bộ được điều đi nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ được cơ quan có trách nhiệm vì đây là được tổ chức điều đi làm nhiệm vụ chính trị”

Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”

Đó là phát biểu của hai quan chức thị xã Hồng Lĩnh, Nguyễn Văn Hổ, Lê Bá Thiềm, sau khi xảy ra vụ bê bối của ngành giáo dục thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, điều giáo viên nữ đi tiếp khác trong phòng karaoke.

Ông Lê Bá Thiềm là trưởng phòng giáo dục thị xã, còn ông Nguyễn Văn Hổ là chủ tịch thị xã.

Phải nói rằng phản ứng của giới blogger là rất giận dữ, blogger Cánh Cò viết rằng:

Đảng Cộng sản Việt Nam được Lê Bá Thiềm và Nguyễn Văn Hổ đại diện tuyên bố công khai điều mà nó giấu giếm từ gần 70 năm nay: Muốn thăng tiến trong đảng thì các cô phải “phục vụ” cho chóp bu của nó. Nói theo ngôn ngữ cộng sản: “nhiệm vụ chính trị”.

Một blogger khác là Võ Xuân Sơn cũng đề cập đến khái niệm nhiệm vụ chính trị ngộ nghĩnh của các quan chức Hà Tĩnh:

Cho rằng phục vụ cấp trên ăn nhậu là nhiệm vụ chính trị, có lẽ là sự ngụy biện trơ trẽn nhất mà tôi được biết từ đó tới giờ.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân viết rằng hành động của các quan chức Hà Tĩnh là hỗn với thầy cô, hỗn với nghề dạy học cao quý, và nhất là nó lại xảy ra trên mảnh đất Hà Tĩnh nổi tiếng hiếu học từ bao đời nay.

Khi sự việc được báo chí đưa ra công luận, người đứng đầu ngành giáo dục cả nước là Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ, lại như đổ thêm dầu vào lửa khi cho rằng chuyện điều giáo viên nữ như vậy chưa tới mức trầm trọng, và các giáo viên bị điều đi phải tự xem thái độ của mình.

Một nhà giáo là ông Hà Dương Tường viết trên mạng xã hội:
Ông thừa biết số phận bé nhỏ của họ dưới nanh vuốt của các quan huyện mà. Hay ông cho rằng việc buộc phải đi “tiếp khách” không có gì xúc phạm danh dự và nhân phẩm của họ. Chắc ông sẵn sàng (hay vui vẻ) cho vợ, con gái (hay cháu gái) của ông đi làm các “nhiệm vụ” đó?

Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Courtesy vnn

Bình luận về câu nói của ông Bộ trưởng rằng hành động của các quan chức Hà Tĩnh không tới mức nghiêm trọng, nhà báo Võ Văn Tạo:

Coi phụ nữ (lại là nữ giáo viên) chẳng khác món đồ chơi, làm nô tì mua vui quan khách, bất chấp hậu quả như một sự sỉ nhục, làm tổn thương lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm các cô, làm xã hội coi thường nhân cách nhà giáo – với chức năng dạy dỗ, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách thế hệ trẻ. Vậy mà ông lại nhận định “chưa tới mức độ trầm trọng”?

Nhà báo Huy Đức kết luận rằng sự phản ứng của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục là phản ứng của một kẻ thiếu nền tảng giáo dục:

Thay vì giận dữ trước việc các đồng nghiệp của mình bị lạm dụng, bị xúc phạm, ông đã phản ứng theo lối chia sẻ với các quan chức địa phương.
Không phải ông Bộ trưởng thiếu kinh nghiệm chính trị, ông thiếu nền tảng giáo dục.

Một nhà giáo về hưu là ông Nguyễn Khắc Mai kêu gọi các quan chức ngành giáo dục từ chức, đồng thời ông cũng ra một lời cảnh báo nghiêm trọng:

Nếu có chút lương tri, chủ tịch và trưởng phòng giáo dục Thị xã Hồng lĩnh nên từ chức. Bộ trưởng nên xin lỗi các nhà giáo và học sinh cùng phụ huynh.

Giáo dục Việt Nam đi về đâu

Một câu chuyện khác, nhỏ hơn nhưng cũng liên quan đến ngành giáo dục là một số sinh viên Đại học Hoa Sen biểu tình phản đối hội đồng quản trị mới của trường này. Sau đó đã có lời chỉ trích từ phía chính quyền rằng các em này bị kích động biểu tình.

Nhạc sĩ, blogger Tuấn Khanh liên hệ việc đó với tinh thần đại học tự do mà thành phố Sài gòn đã từng chứng kiến gần nửa thế kỷ trước:

Nhiều ngày, đọc các bản tin trên báo, các dòng tin trên facebook… cứ nhắc đi nhắc lại việc sinh viên bị “xúi giục, kích động”… thật không thể không thảng thốt và buồn nôn. Tinh thần đại học độc lập và giá trị biểu kiến của giới trẻ chưa gì đã bị dán cho những nhãn quan mập mờ đe dọa về chính trị. Đáng tiếc hơn, đôi khi chính những vị là nhà giáo dục, luật sư… cũng có một thói quen cất tiếng, giới thiệu lối tư duy tăm tối của mình để áp đặt cho một không khí sinh hoạt xã hội dân sự bình thường. Chính quý vị trí thức ấy cũng đã góp phần bóp chết tinh thần đại học của Sài Gòn, của giới trẻ là vậy.

Nhưng nếu chúng ta chấp nhận im lặng và thỏa hiệp với những tư duy giáo dục đớn hèn, trẻ con hóa sinh viên, thì làm sao dựng được thế hệ của hy vọng?

Vấn đề bạo lực trong nhà trường hiện nay
Bạo lực học đường hiện nay đang ngày càng phổ biến và lan rộng, đã trở thành một vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng, mà còn là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Tình trạng này diễn ra thế nào, những người làm công tác giáo dục nói gì về vấn đề này? 

Dư luận lo lắng

Gần đây, sự xuất hiện của những video clip quay cảnh học sinh đánh nhau xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, điều đó đã khiến dư luận hết sức lo lắng.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong báo cáo mới nhất, năm học vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Bình quân cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau.
Đánh giá về hiện trạng bạo lực học đường hiện nay, theo báo Dân trí ngày 31/10/2016,  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường, là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay. Những vụ việc đó đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.”
Ông Hoàng Oanh, một nhà giáo đã nghỉ hưu ở Hà Nội thấy rằng, đây là một vấn đề xã hội hết sức trầm trọng, theo ông đó là hệ quả của vấn đề nền tảng đạo đức xã hội đã bị phá vỡ, cũng như các chính sách giáo dục sai lệch từ phía Nhà nước trong một thời gian dài. Ông nói:
“Bây giờ, trong cuộc sống có một vấn đề tranh chấp rất nhỏ thôi thì người ta cũng sẵn sàng nổi xung lên. Nhà trường bây giờ nhìn bên ngoài rất bình an, rất phẳng lặng, trong rất có kỷ luật. Nhưng tiềm ẩn ở bên trong là nó sẵn sàng bùng phát thành bạo lực. Đây là điều rất đáng buồn và vô cùng đáng sợ của ngành giáo dục.”
Giải thích hiện tượng xã hội này dưới góc độ khoa học tâm lý, một nữ chuyên gia không muốn nêu danh tính, thuộc Viện Khoa học Giáo dục lý giải:
Chuyện học trò đánh nhau là do sự khủng hoảng tâm lý của tuổi vị thành niên. Đó là cái tuổi dậy thì, khi các em chưa có cơ hội giải phóng chính đáng, tất yếu sẽ giải phóng thành bạo lực. Song phải thấy, ngay trong nội dung giáo dục, nhiều bài học của các em học sinh hiện nay, vô tình đã nuôi dưỡng động cơ ấy.”
Khi được hỏi, nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng bạo lực trong nhà trường gia tăng như hiện nay?
Một phụ huynh học sinh tại Hà nội cho biết: 
 “Vấn đề bạo lực học đường thì đã có từ lâu, không phải bây giờ mới có, cái đó bây giờ đã trở thành một vấn nạn xã hội. Nó là hậu quả của việc nhà trường thì thiếu quan tâm đến việc giáo dục nhân cách; còn gia đình thì do mải mê làm ăn kinh tế dẫn đến các em thiếu sự yêu thương săn sóc của gia đình và mặt trái của mạng xã hội cũng như internet đã góp phần không nhỏ.”
Nhà giáo Hoàng Oanh thấy rằng, nền tảng đạo đức đã bị phá vỡ do luật pháp không được tôn trọng, cộng với việc toàn xã hội bây giờ người ta tự nói dối lẫn nhau, thật giả lẫn lộn. Ông cho biết:
Những mâu thuẫn của các em học sinh là mâu thuẫn nhỏ, không phải mâu thuẫn lớn, nhưng từ anh hưởng của xã hội là pháp luật không nghiêm nên người ta tự xử. Việc giáo dục đạo đức cho học sinh không được quan tâm, vì nó không mang lại lời. Ngày xưa đi học, học kém hay  tư cách đạo đức có vấn đề, không đúng chuẩn mực thì phải ở lại lớp. Bây giờ thì khác, học sinh lên lớp 100%, dù học kém, đạo đức kém nhưng vẫn cứ lên lớp bình thường.”
Giải pháp?

Trước câu hỏi cần có các giải pháp nào để có thể chấn chỉnh và tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực trong nhà trường?
Nhà giáo Hoàng Oanh cũng cho biết thêm, quan trọng là do việc giáo dục của nhà trường đã quên mất nhiệm vụ giáo dục con người, là phải “tiên học lễ , hậu học văn”. Ông khẳng định:
Muốn giải quyết được vấn đề ấy thì phải giải quyết trên toàn cục, xã hội cũng phải giải quyết chứ đừng trông chờ vào ngành giáo dục thì không thể nào giải quyết được. Thấy cô giáo thì vẫn dạy học trò tôn trọng luật giao thông, nhưng mà bố mẹ đưa đón con đi học vẫn vượt đèn đỏ, chạy xe trên vỉa hè. Thậm chí ngay cả các thầy cô giáo cũng vẫn vi phạm luật giao thông.”
Theo Tạp chí Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩacho rằng, để ngăn chặn và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Qua đó, để xây dựng môi trường giáo dục  cũng như xã hội lành mạnh, không bạo lực, tạo điều kiện cho học sinh có đạo đức trong sáng và lành mạnh.
Nữ chuyên gia giáo dục thấy rằng, nguyên nhân của việc này là do các em thiếu hụt trầm trọng kỹ năng sống và đạo đức, do không được rèn luyện. Vì vậy việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 là việc làm cấp bách, để các em biết tôn trọng người khác, cũng như phải có ý thức lên tiếng hay đấu tranh trước tệ nạn này. Theo bà, đây là vấn đề chung cần có sự nỗ lực lớn của nhiều bộ phận trong xã hội. Bà nói:
Cần nhớ rằng, mỗi hành vi ứng xử của học sinh trong cuộc sống thường ngày đều là hệ quả của giáo dục và đào tạo. Khái niệm giáo dục và đào tạo đề cập ở đây không giới hạn trong nội hàm nhà trường mà rộng hơn với ba yếu tố: Nhà trường - gia đình - xã hội.”

Tổng hợp từ RFA