03.11.2016

Mùa bông điên điển - Tạ Phong Tần

Mùa bông điên điển
Tạ Phong Tần

Hình: Ánh Bùi.

Bầu trời Sài Gòn âm u, mưa sầm sập, sầm sập từng cơn khiến cho phố phường ngập nước. Tôi trùm chiếc áo mưa cánh dơi, xắn cao ống quần lội nước bì bõm ngoài đường, gió giật mạnh tung cả cái áo mưa, từng giọt mưa lạnh quất mạnh vào đôi chân trần, khiến tôi nhớ về những ngày thơ ấu ở nhà quê. Những ngày mùa mưa lạnh và đói, nhưng cả xóm cả làng, từ người lớn đến con nít, cùng nhau phơi mình dưới cơn mưa lạnh kiếm miếng ăn. Mùa mưa tuy ướt át, lạnh lẽo (thiếu củi đốt, thiếu quần áo mặc) nhưng vẫn vui hơn vì nước tràn ngập đầy ao hồ, đồng ruộng, con cá, con tôm, con cua từ đâu kéo về nhiều hơn, rau cỏ mọc lên xanh tươi mơn mởn, nghĩa là cái bụng được no hơn, ít sôi ruột hơn nên đêm ngủ cũng ngon hơn.


Nếu người miền Bắc có câu “Núp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân” để chỉ các quý vị đã “rửa chân lên bàn thờ ngồi” thì người miền Nam cũng có câu “Ăn bông, uống nước, hửi nhang.” Tuy nhiên, không phải nói để cho vui, thực tế người miền Nam vẫn “ăn bông” và còn ăn nhiều nữa. Bông súng, bông so đũa, bông bầu, bông bí, bông mướp, bông điên điển… là những thứ bông nhìn ngắm cũng đẹp mắt mà ăn lại cũng rất ngon.

Cây điên điển có thân xốp, nhẹ, thường dùng để làm đế giày, nút chai. Lá kép nhỏ mọc thành đôi như lông chim. Điên điển mọc hoang chớ không ai trồng cả.

Quê tôi không có mùa nước nổi như miệt Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, nhưng ao đìa nhiều vô số kể, ruộng đồng thì “chó chạy cong đuôi, cò bay thẳng cánh.” Mùa mưa đến, tất cả đều ngập tràn thứ nước ngọt mát lạnh từ trời ban xuống. Những cây điên điển chết héo trên bờ kênh, sông, rạch, ruộng, ao, đìa… bỗng nhiên xanh um trở lại, vài tháng sau, điên điển trổ đầy bông vàng rực lấp lánh màu nắng ấm phương Nam.

Đó cũng là những ngày vui của dân quê. Chỗ nào nước sâu người ta chống xuồng ba lá đi hái bông điên điển, chỗ nào nước cạn, có bờ bao thì cứ bưng rổ, xách thúng đi bộ mà hái bông đầy thúng đầy rổ đem về. Nhà nào thiếu gạo, cứ nấu cháo lỏng nhận bông điên điển vô nồi cháo ăn cũng chống được cơn đói trong khi chờ mùa gặt tới. Nếu hái được nhiều bông, người ta đem ra chợ bán bông tươi, hoặc muối chua rồi mới bán. Món bông điên điển muối chua này người ta kêu là dưa điên điển.

Làm dưa điên điển nghe qua thì thấy cũng dễ lắm, nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó. Chỉ cần lặt rửa sạch bông, để ráo nước rồi ngâm bông với giá đậu xanh sống trong nước vo gạo lắng trong có pha chút muối trong cái khạp hay vịm sành da lươn, đậy lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày sau là ăn được. Dưa có mùi vị vừa chua, vừa giòn, vừa đăng đắng, chấm với món cá kho, thịt kho hay nước hắc xì dầu giằm ớt ăn đều ngon miệng. Tỉ lệ bao nhiêu nước, muối tùy thuộc vào kinh nghiệm người làm, muối nhiều quá thì bông bị mặn mà không chua, muối ít quá thì bông sẽ bị thúi. Người dân quê làm bất cứ món gì đều cân lượng theo kiểu áng chừng, đo lường bằng mắt hay bằng nắm tay, ngón tay, mà đâu có tay ai giống tay ai, nên khó “truyền thụ bí kíp” là ở chỗ đó. Cho nên không ít người làm dưa điên điển bị thúi, người địa phương kêu là “úng” hoặc “khú.”

Ở những vùng có mùa nước nổi, nước dâng cao làm “rừng” điên điển trĩu nặng bông chìm hết phần thân cây dưới mặt nước, chỉ còn bông ở trên phất phơi theo gió và bắt đầu rơi rụng. Bông rụng nhiều đến nỗi từng dề, từng dề bông nổi lềnh bềnh trên mặt nước, theo chiều gió thổi, bông tấp vào bờ sông, bờ đìa, bông bềnh bồng, dập dềnh trên sóng nước. Người đi hái bông điên điển cứ vậy mà lấy rổ vớt từng dề bông ấy đem về làm dưa chua. Miền Tây có câu: “Lục bình bông trắng, điên điển bông vàng/Điên điển mọc ở đất làng/Lục bình trôi nổi như chàng hát rong,” “Canh chua điên điển cá linh/Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon” là vậy.

Dân quê còn dùng bông điên điển ăn sống kèm với rau ghém, rau thơm. Bông để ăn sống là loại “bông Nhứt” được hái tươi roi rói từ trên cây, không bị thấm nước như loại bông rụng dưới nước. Bún nước lèo (bún mắm) mà có rau sống là bông điên điển ăn kèm thì mùi vị giòn ngon, lạ miệng tuyệt vời, không thể so sánh với bất cứ thứ rau nào.

Nếu ăn sống không hết, người ta đem bông xào tôm, xào tép hoặc nấu canh chua. Bây giờ, các quán bánh xèo miền Tây đến mùa bông điên điển cũng thêm bông vào mâm rau sống để “dụ khị” khách hàng. Ăn bánh xèo miền Tây mà thiếu bông điên điển là một điều đáng tiếc, coi như chưa thưởng thức được hết trọn vẹn hương vị đặc sắc của món ăn dân dã miệt vườn này!
Nấu canh chua bông điên điển cũng giống như nấu canh chua bông so đũa hay bông súng. Bông điên điển thường được nấu canh chua với tép lột, cá đồng, dẫn vị chua bằng vị chua ngọt dịu, thơm nồng của tô cơm mẻ. Canh chua bông điên điển thuần nhất chỉ bông điên điển, điểm một chút ngò xanh xanh, nhìn vào tô canh đẹp lôi cuốn, hấp dẫn khẩu vị lạ lùng.

Giống như các món canh chua miền Tây khác, canh chua bông điên điển được ăn với nồi kho quẹt, cá (thịt) kho nước, cá nục muối chiên giòn, mắm chưng, cá mặn chưng hay cá khô nướng trên lửa than đước bay mùi thơm phức. Mùa mưa, trời lạnh mà được ngồi trong căn nhà lá ấm áp, ăn cơm nóng với canh chua bông điên điển cùng các món mặn dân dã ở trên thì “khô lân chả phụng” chưa chắc đã ngon hơn được mâm cơm bông điên điển của bác nông dân miền Tây này. Nếu còn có thêm cái máy cassette để mở đĩa nghe ca sĩ Phi Nhung cất giọng ngọt ngào, da diết: “Em đi lấy chồng về nơi xứ xa/ Đêm ru điệu hát câu hò trên môi/Miền Tây xanh sắc mây trời/ Phù sa nước nổi người ơi đừng về!/ Với màu điên điển say mê/ vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân./ Trót thương tình nghĩa vợ chồng/ Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương/ Tình thương em khó mà lường…. Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa/ Giờ đây nhớ mẹ thương cha/ Còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm/ Xa xăm nơi chốn bưng biền/ Ăn bông mà điên điển/ Nghiêng mình nhớ đất quê… Hò ơ, ơi hò! Chồng xa em khó mà dzề…” thì ai lòng sắt dạ đá đến mấy cũng phải mềm nhũn như chuối xiêm chín rục.

Cách đây chục năm, bông điên điển tươi ở quê tôi bán lên xuống trong khoảng năm chục, năm lăm ngàn đồng một ký, còn làm dưa chua bán giá cũng tương đương, có lúc rẻ hơn giá bán bông tươi. Có người lấy làm lạ, không hiểu tại sao bông điên điển đem làm dưa chua, mất thêm công mà bán giá sêm sêm với bông tươi. Là vì bông tươi là bông được hái trên cây, bông làm dưa là bông rụng vớt dưới nước. Khi làm dưa thì bông thấm nước muối cân nặng ký, lại được trộn thêm giá đậu xanh (rẻ tiền hơn). Một ký dưa chua vắt khô nước còn có chút xíu bông, nên bán tuy bằng (hoặc thấp hơn) giá bông tươi, nhiều khi đo đếm lại vẫn thấy mắc hơn là mua bông tươi về tự muối chua.

Ngoại thành Sài Gòn cũng có ruộng, có ao, nhưng lạ là bông điên điển hầu như không thấy mọc ở khu vực quanh đất Sài Gòn. Không thấy người ta chở bông điên điển lên các chợ Sài Gòn bán. Người Sài Gòn muốn thưởng thức món bông điên điển thì phải đợi mùa nước nổi, về miền Tây mới có mà ăn. Tôi cũng tức cảnh sinh sự mà mần thơ rằng: “Sài Gòn nước ngập như biên (biển)/ Bông thì không có, thằng điên có nhiều.”