Không Khí Tết tại Hà Tĩnh
Nạn nhân Formosa: Tết ‘không như những năm trước’
Tư
liệu - Người dân tiêu hủy cá chết ở tỉnh Quảng Bình.
Dù một số người đã nhận được tiền bồi thường, nhưng
các nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa cho biết Tết năm nay không như những
năm trước, khi chỉ còn vài ngày là đã sang năm mới Đinh Dậu.
Anh Hường là một người làm nghề biển ở Hà Tĩnh đã mất
việc kể từ khi thảm họa xảy ra hồi tháng 4/2016. Anh cho VOA biết anh vừa nhận
được khoản tiền bồi thường hơn 30 triệu đồng. Mặc dù vậy anh nói rằng khu vực
xung quanh nhà máy thép Formosa vẫn “không có không khí Tết”. Anh nói:
“Mới 2 ngày hôm nay có tiền thì cảm thấy không khí cũng đỡ hơn,
nhưng cũng cảm thấy chưa có gì gọi là không khí Tết hết. Hôm nay đã 27, 28 mà
chưa thấy gì hết. Các năm trước, 25, 26 là đã nhộn nhịp”.
Trong khi đó, chị Vy làm nghề thẩm mỹ ở Hà Tĩnh cho
biết cơ sở của chị không có nhiều khách hàng bằng năm ngoái, vì khu vực hiện
không còn nhiều công nhân như trước. Chị nói:
“Nói chung, dân tình khổ thì vẫn hoàn khổ. Tết cũng bình thường.
Dân thì nghèo, sợ ảnh hưởng môi trường. Mua bán thì ít hơn mọi năm. Thấy có tiền
đền bù nhưng thấy dân vẫn còn đang kiện chưa nhận được”.
Theo lời người dân ở Hà Tĩnh, nhiều nạn nhân của thảm họa môi trường
do Formosa gây ra vẫn chưa nhận được tiền đền bù.
Một số xã không cho phép người thân, mà phải đích thân người khai báo thiệt hại
phải đến nhận tiền đền bù, trong khi nhiều người đã bỏ xứ đi làm ăn xa nhiều
tháng nay.
Nhưng ngược lại với những ý kiến vừa rồi của cư dân
địa phương, VTC và một số báo trong nước nói không khí đón Tết của ngư dân vùng
Formosa “đầy vẻ rạng ngời, bởi cá tôm đang có dấu hiệu hồi sinh mạnh
mẽ”.
Xác nhận với VOA, anh Hường nói biển lúc nào cũng có
một số loại cá sống sót, không bị chất độc trong nước biển giết chết. Nhưng qua
một số kiểm chứng độc lập của người dân địa phương, nhiều loại cá sống trong
khu vực biển này hiện vẫn mang chất độc trong cơ thể.
Để có tiền trang trải chi phí thường ngày và đón Tết,
nhiều ngư dân vẫn tiếp tục đi biển, dù bản thân họ không dám ăn những sản phẩm
mà chính họ đánh bắt về.
Anh Hường nói:
“Cá vẫn đang bị nhiễm (độc) nặng. Nhưng người ta không có cách gì để
sinh sống thì người ta vẫn đi biển, về thì bán cho người khác”.
Trong lúc rải rác vẫn có các cuộc biểu tình của nạn nhân Formosa
trong những ngày cận Tết vì không đồng tình với việc bồi
thường vụ Formosa, anh Nguyễn Văn Hóa, một thanh niên Công giáo chuyên đưa tin
và giúp đỡ các nạn nhân Formosa, đã bị công an bắt hôm 11/1. Anh Chuyên, anh rể
của Nguyễn Văn Hóa, cho biết:
“Chiều 11/1, trong lúc ở xứ Dũ Lộc đi cùng đoàn người biểu tình lên
tòa án để theo dõi có đền bù thỏa đáng cho dân không, thì Hóa có đi theo, nhưng
khi đến tòa án, nó đang ngồi trên xe máy thì bị hai thằng công an nó bắt. Khi
đó tôi vào hỏi ‘Tại răng mà bắt người?’ thì nó nói với người dân rằng thằng ni
ăn trộm xe máy với buôn ma túy. Rồi nó trùm đầu, bỏ cái cùm, rồi đi mất tang
luôn, như kiểu bắt cóc tội phạm vậy”.
Gia đình cho biết họ mới nhận được giấy thông báo về
việc bắt giữ Nguyễn Văn Hóa cách đây 2 ngày, trong đó cho biết Nguyễn Văn Hóa bị
tạm giữ theo điều 258 của Bộ Luật Hình sự với cáo buộc “lợi dụng tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Trước đây vào tháng 12/2016, khi đến làm việc trực
tiếp với các nạn nhân Formosa và các luật sư đại diện cho họ, Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói giải quyết vụ Formosa là “sinh mệnh chính
trị” của ông và hứa sẽ đốc thúc hoàn tất thực hiện đền bù cho người dân trước Tết
dương lịch. Ông Trần Hồng Hà cũng khẳng định Formosa phải khắc phục xong các hạn
chế mới được phép hoạt động trở lại.
Khánh
An (VOA)
Người dân Vũng Áng đón Tết thế nào?
Anh
Vũ, RFA
Biển
miền Trung sau thảm họa Formosa. File photo
Sau những thiệt hại vì biển nhiễm độc do Formosa gây
ra, Tết này người dân Vũng Áng sẽ ăn Tết như thế nào?
Không có việc làm, chưa được
đền bù
Thảm họa môi trường biển miền Trung do sự cố môi trường
của Formosa Hà Tĩnh gây ra vào tháng Tư năm 2016, đã đẩy hàng triệu người dân sống
bám biển thuộc 4 tỉnh miền Trung lâm vào cảnh khó khăn khốn đốn. Và đến thời điểm
năm hết Tết đến cũng vẫn như thế.
Ông Sang, một người dân ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh
cho biết, vào lúc này, những ngày giáp Tết, nhưng không khí đón Tết Nguyên đán
Đinh Dậu ở khu vực Vũng Áng vẫn im lìm như ngày thường. Hầu hết mọi người không
có việc làm, như ông cũng ngồi không ở nhà. Ông chia sẻ:
“Thường các năm bằng giờ này
là náo nức lắm rồi, nào là lá gói, bánh chưng tất cả đã chuẩn bị đầy đủ rồi.
Còn năm nay thì chưa có gì. Tết nhất gì nữa, nhiều người họ còn phải đi kiếm gạo
ăn cho qua ngày đấy.”
Theo chị Xoan, ở Đông Yên, Vũng Áng cho biết, đã qua
ngày 23 tháng Chạp – ngày tiễn ông Công, ông Táo về Trời, song gia đình chị
cũng như bà con chòm xóm cũng chưa có điều kiện để chuẩn bị đón tết, dù rằng chỉ
còn ít ngày nữa là đến Tết.
Courtesy of antoangiaothong.gov.vn
Theo chị, cho đến
lúc này tiền đền bù sự cố biển độc vẫn chưa được nhà nước chi trả. Chị nói:
“Bây
giờ bà con ở đây hoàn cảnh hết sức khó khăn, tiền bạc không có, ngày Tết đến rồi
nhưng chính quyền vẫn chưa trả tiền đề bù. Tình hình tế thì chả có gì, các năm
bây giờ thì đã rộn dịp lắm rồi. Còn năm nay, ở chỗ tôi chưa có động tĩnh gì là
ngày tết cả, vẫn như ngày thường thôi”
Biển chết, làm sao ăn Tết?
Ông Sang cho biết
lý do năm nay các gia đình làm nghề và sống bám biển không có điều kiện tổ chức
ăn tết như mọi năm, vì biển chết nên bà con không có thu nhập nên không có tiền
mua sắm tết. Ông chia sẻ:
“Ăn
Tết bây giờ thì bà con không có tiền mua hàng, vì nghề biển không đi thì thu nhập
không có. Thu nhập không có thì người ta lấy đâu ra tiền để ăn Tết?”
Trong hoàn cảnh
hết sức khó khăn như vậy, nhưng theo chị Xoan mọi người vẫn cố gắng xoay xở có
chút tiền để đón tết cổ truyền, dẫu rằng trong hoàn cảnh vô cùng túng quẫn. Chị
nói:
“Tết
cổ truyền thì kiểu gì cũng phải có, song quan trọng là lấy gì để tiêu bán, mua
sắm cho con cái? Sang năm chắc còn khó khăn hơn, không biết làm ăn ra sao, lấy
gì mà ăn đây? Như vợ chồng tôi từ ngày cá chết thì cũng treo túi và sắp chết
đói rồi.”
Hy vọng Năm Mới
Khi được hỏi về những nguyện ước cho một mùa Xuân mới
Đinh Dậu, anh Thành một người dân cho biết, dân chúng ở đây đa số là sống bám
biển nhiều đời nay.
Biển nhiễm độc thì người dân cũng đã trắng tay, hy vọng
duy nhất của anh là mong biển sạch trở lại để bà con có thể trở lại cuộc sống
bình thường. Anh bày tỏ:
“Bây giờ chỉ có một mong muốn
duy nhất, là làm sao cho biển sạch trở lại để được làm ăn như trước. Biển hết độc
để người dân có thể nuôi tôm, nuôi cá.”
Còn chị Xoan cho rằng, nguyện vọng chung của mọi người
dân ở đây là, chính quyền cần sớm có biện pháp khôi phục để trả lại một môi trường
biển trong sạch như xưa. Chị nói:
“Nguyện vọng của tôi cũng như
người dân là muốn Chính phủ khôi phục lại môi trường sạch cho người dân làm ăn.
Vì ở đây, hầu hết người dân đều sống bám vào biển.”
Những người dân ở khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh mà chúng
tôi có dịp tiếp xúc trao đổi, đều có chung một khát khao là làm sao biển mau sạch
trở lại, để họ có thể sống một cuộc sống bình thường như trước khi biển nhiễm độc.
Đồng thời họ cũng cho biết, trong long họ luôn canh
cánh nỗi lo về một thảm họa tương tự của Formosa Hà Tĩnh sẽ ập xuống đầu họ bất
cứ lúc nào.
Anh Vũ (RFA)