„Nền giáo dục Việt đang xuống cấp trầm trọng không phải ở riêng
việc thiếu chuyên môn, thiếu tổ chức mà là thiếu tư cách đạo đức – một nhân phẩm
cần có nhất của nghề dạy học.“
Nền giáo dục không biết xấu hổ
Ảnh
minh họa: Học sinh trong một lớp học ở Việt Nam.
Có một câu chuyện như thế này: tại một trường học,
cô hiệu trưởng đi taxi vào thẳng trong sân trường đâm phải một học sinh khiến
em học sinh ngã gãy xương đùi phải vào viện. Tuy nhiên thay vì lắng nghe, trực
tiếp giải quyết vấn đề thì cô hiệu trưởng này lại chối biến bằng cách đi phát
phiếu thăm dò. Kết quả: 100% giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường cùng
các em học sinh khác đều khẳng định không có chiếc taxi nào chạy vào sân trường.
Vụ em học sinh lớp 2 bị thương là do em chạy chơi và tự ngã. Dù công an Hà Nội
đã vào cuộc điều tra và tìm được chiếc taxi gây tai nạn cùng nhận được lời khai
của một số nhân chứng, cho đến nay vẫn chưa có một lời giải thích chính thức
nào từ phía hiệu trưởng về vụ này.
Một câu chuyện khác, xuất phát từ Facebook của một nhóm
tâm sự giấu mặt (hay còn gọi là Confession) tại một trường học cấp 3 có tiếng ở
Hà Nội, khi học sinh này kể về việc mình bị chấn thương trong một vụ nổ phòng
thí nghiệm, dẫn đến bỏng cấp độ 3, không thể đến trường dù đang trong giai đoạn
ôn thi vào đại học. Vấn đề là vụ nổ được em nhắc tới bị nhà trường giấu nhẹm và
không một ai dám đả động đến. Câu chuyện này đã gây hoang mang và nhận được nhiều
sự chú ý quan tâm từ cộng đồng học sinh trung học tại Hà Nội. Tuy nhiên cũng
không có một tin tức chính thức nào từ đại diện của trường.
Trong khi đó, một tờ báo điện tử Giáo dục Việt
Nam đăng bài phát hiện một điểm dạy thêm học sinh cấp 1 tại Quận 1, Sài
Gòn. Bài báo được viết dưới dạng điều tra chụp lén từ ngoài cửa với hình ảnh
nhiều đôi dép học sinh để ở tầng trệt, hay đôi khi có phụ huynh thả con cái trước
cửa nhà bị nghi là địa điểm dạy thêm không giấy phép. Tác giả bài báo còn đề
nghị UBND Q1 vào cuộc để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong giáo dục
như thế này. Cũng cần phải nhắc lại luật cấm dạy, học thêm mới được Sở giáo dục
Thành phố Hồ Chí Minh ban hành vào năm ngoái để tránh việc thầy cô và học sinh
lơ là, coi nhẹ thời gian học chính thức trên trường lớp.
Nhìn vào thực trạng chìm nổi của giáo
dục Việt Nam mà cảm thấy hoang mang vô cùng. Nguyên nhân gốc ảnh
hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên, học sinh như chương trình học
chính quy, các hình thức thi tuyển hay môi trường giáo dục thì không bao giờ được
quan tâm và tìm cách giải quyết. Trong khi đó luôn luôn thấy những câu chuyện
đáng kinh ngạc như vừa kể xuất hiện. Nền giáo dục
Việt đang xuống cấp trầm trọng không phải ở riêng việc thiếu chuyên môn, thiếu
tổ chức mà là thiếu tư cách đạo đức – một nhân phẩm cần có nhất của nghề dạy học.
Những câu chuyện mà phụ huynh phàn nàn về trường lớp những thập niên về trước mới
chỉ xoay quanh việc đổi mới chương trình học, lo ngại con cái mình trở thành
“chuột bạch” cho các dự án cái cách giáo dục thất bại. Đến nay, chúng ta còn phải
đặt thêm câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm của thầy cô. Nhớ lại cách đây không
lâu cả nước phẫn nộ với những đoạn clip cô giáo trông trẻ dọa nạt, đánh mắng trẻ
nhỏ tại nhà mẫu giáo tư thục Lan Anh tại Sài Gòn, nhớ những cái tát trời giáng
hay véo rách tai hoặc khía thước vào tay học trò khi phạm lỗi đã từng được đồng
loạt đưa lên báo cách đây 5,7 năm về trước.
Cho đến bây giờ, có khác chăng là
cách ngược đãi tinh vi hơn, và những kẻ mang danh “thầy” danh “cô” ấy không còn
màng đến trách nhiệm và sự xấu hổ về hành vi của mình. Và
từ đó từng lứa học trò trẻ Việt Nam khi bước ra đời, khi sống với thế giới xung
quanh, làm sao để chúng biết xấu hổ khi chối bỏ trách nhiệm là việc duy nhất mà
những kẻ làm nghề giáo đã từng dạy dỗ?
Mà cũng chẳng biết hy vọng sao
đây khi ở đất nước Việt trong thời đại mới, cha mẹ cũng lo chăm chăm đi tìm một
trung tâm du học có uy tín thay vì đấu tranh để xây dựng cho con một ngôi trường
có môi trường học tốt. Con đi du học nước nào cũng đều được cả, vì chắc chắn là
vẫn tốt hơn Việt Nam. Và những kẻ đã đi, thì chẳng khi nào muốn quay trở về, buồn
thay, bởi họ biết xấu hổ!
VOA
Tiếng Việt