Mạng
xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong truyền thông ở Việt Nam.
Công luận ở Việt Nam đang bực tức với những vụ việc
mới được phanh phui trên mạng xã hội về những trẻ em bị lạm dụng tình dục buộc
chính quyền phải hành động.
Một trong những vụ việc được mạng xã hội và báo chí
trong nước đưa tin là một bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị hàng xóm xâm hại tình dục.
Công an thành phố Hà Nội quyết định khởi tố hình sự vụ việc này sau 2 tháng điều
tra. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Hà Nội hôm 14/3, phó giám đốc công
an thành phố Đinh Văn Toản nói sức ép từ mạng xã hội và truyền thông đã buộc
chính quyền hành động.
Trước đó, 1 vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu cũng được
phanh phui trên Facebook. Theo TTXVN, chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12/3 đã
yêu cầu bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư
pháp làm rõ vụ án dâm ô trẻ em này và sớm đưa ra kết luận.
Theo luật sư Nguyễn Thế Thuận, “các cơ quan tố tụng, tòa án và công an điều
tra đều có những vụ án và những con số thống kê cụ thể rất nhiều” nhưng việc
tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, nhất là qua mạng xã hội, đã làm cho mọi người ý
thức và biết nhiều hơn về vấn nạn ấu dâm cũng như thúc đẩy chính quyền vào cuộc
sớm hơn.
Thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết:
"Khi mà dư luận xã hội những ngày
này đang nóng lên về vụ này thì đầu tiên là phải kể đến phương thức giao tiếp của
con người trong xã hội Việt Nam hiện tại đang thay đổi rất nhiều. Khi thông tin
được tiếp nhận một cách đơn giản và dễ dàng hơn thì mọi người sẽ có nhiều
phương án để ứng xử trong những mối quan hệ mà mình có thể gặp phải. Khi có sự
thúc đẩy của dư luận xã hội, của chính cái thực tế, bây giờ ở Việt Nam tình trạng
để xảy ra án oan là khả năng xảy ra rủi ro kép cho chính những cán bộ này là rất
lớn. Cho nên đấy cũng là một câu chuyện mà bản thân các cơ quan nhà nước trong
lúc này họ đang phải căng mình ra – như bị thúc đẩy để làm mọi thứ tốt hơn, đỡ
bị chây ỳ hơn, đỡ bị sao nhãng hơn, bắt buộc phải chuyên tâm vào công việc."
Theo những số liệu mà mạng lưới ngăn ngừa và ứng
phó bạo lực giới GBVNet đưa ra, trung bình có hơn 1.000 trẻ em trên khắp đất nước Việt Nam bị
lạm dụng tình dục hàng ngày.
Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng đã lên Facebook
chia sẻ những câu chuyện họ đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn bé và nhiều tổ
chức phi chính phủ cũng như những tổ chức xã hội kêu gọi hành động. Một số tổ
chức xã hội đã phát động các chiến dịch và thỉnh nguyện thư trên mạng xã hội để
kêu gọi chính phủ hành động chống lại nạn xâm hại tình dục ở trẻ em. Mạng xã hội
cũng là nơi người dân tổ chức các cuộc biểu tình đòi chính phủ vào cuộc để giải
quyết vụ khủng hoảng môi trường ở biển miền Trung vào giữa năm ngoái.
Thỉnh
nguyện thư của GBVNet đang được lan truyền trên mạng xã hội cho mọi người ký.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang nhận xét với VOA Việt Ngữ về vai trò của mạng xã hội ở Việt Nam trong việc giúp phanh phui những việc làm sai trái và gây sức ép dư luận tới những người lãnh đạo. "Các cuộc biểu tình từ năm 2007 đến nay hầu như xuất phát từ mạng xã hội, đầu tiên là những lời kêu gọi trên mạng xã hội. Tôi tin là mạng xã hội đóng 1 vai trò rất quan trọng trong truyền thông. 2/3 vai trò của truyền thông, những chức năng của truyền thông hiện nay là mạng xã hội đang làm. Những chức năng ví dụ như giám sát chính quyền hay là gây sức ép buộc chính quyền phải thay đổi, buộc cơ quan hành pháp phải hành động. Mạng xã hội làm được điều đó tốt hơn và gần như là thay thế báo chí chính thống trong những việc đó."
Formosa được biết tới như một sự kiện làm bùng nổ việc
trao đổi, thảo luận thông tin và những bức xúc của người dân trên mạng xã hội.
Một giám đốc dự án của tổ chức môi trường CHANGE Vietnam, Hồ Như, nói với Bloomberg rằng “sau Formosa, người Việt Nam dường như bàn luận và nói về các
vấn đề môi trường nhiều hơn,” và nhờ có internet và mạng xã hội người
dân được chia sẻ những mối lo ngại và nâng cao được nhận thức về nhiều vấn đề
trong xã hội hơn.
Chính mạng xã hội và truyền thông đã thúc đẩy chính
quyền giải quyết với nhà máy gây ra thảm họa cá chết trên vùng biển của 4 tỉnh
miền Trung phải bồi thường. Nhiều cuộc biểu tình đang tiếp tục được tổ chức
thông qua mạng xã hội vì người dân không hài lòng về số tiền bồi thường 500 triệu
đô la. Họ đòi đóng cửa nhà máy Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh.
Giáo
sư Nguyễn Lân Dũng của đại học Tổng hợp Hà Nội cũng cho rằng
mạng xã hội góp phần đưa tiếng nói người dân đến chính quyền. "Mạng xã hội
chưa bao giờ phát triển rầm rộ như hiện nay cho nên rất thuận lợi cho việc lắng
nghe ý kiến của mọi người. Đây là thời đại bùng nổ thông tin cho nên mạng xã hội
không phải chỉ góp phần chuyện này mà góp phần mọi chuyện để làm thế nào cho xã
hội thành xã hội công dân, để tiếng nói của công dân được đến tai những người
có trách nhiệm. Cho nên mạng xã hội rất quan trọng."
Vai trò của mạng xã hội trong phong trào phản đối việc
khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng được biết tới khi nhiều người tham gia loan
tải và ký thỉnh nguyện thư để kiện thủ tướng Việt Nam.
Theo báo cáo nhân quyền của Freedom House, Việt Nam vẫn tiếp tục là 1
trong những nước trên thế giới nơi mà truyền thông bị nhà nước kiểm duyệt gắt
gao nhất. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng với tình trạng bị kiểm duyệt
như vậy, mạng xã hội sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn trong việc giám sát chính
quyền ở Việt Nam. Hiện có khoảng 30 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, tăng
gần gấp 3 lần so với 5 năm trước đây, theo dữ liệu của InternetWorldStats.