‘Bè lũ 4 tên’ mới gây hại cho thế giới?
Gần đây, Richard Haass, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), đã phân tích rằng Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran là Bè lũ bốn tên hay còn gọi là Tứ nhân bang, phiên bản giống ‘Tứ nhân bang’ thời Cách mạng văn hoá của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông.
Bốn chính phủ này liên minh để thách thức trật tự thế giới hiện tại do Mỹ lãnh đạo.
Theo ông Haass, chiến lược chính để đối phó với phiên bản “bè lũ bốn tên” mới này là tạo ra các liên minh hiệu quả, tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ với châu Âu và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục viện trợ Ukraina, để kiềm chế tham vọng xâm lược Đài Loan của chính quyền Trung Quốc.
Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Haass viết bài cho tổ chức bình luận quốc tế nổi tiếng Project Syndicate, trong đó ông cho rằng ‘bè lũ 4 tên’ mới đã xuất hiện, đó chính là ĐCSTQ, Nga, Triều Tiên và Iran.
Bốn chính phủ này không thiết lập một liên minh chính thức nhằm bảo vệ lẫn nhau, nhưng sự bất tuân đối với trật tự thế giới hiện tại do Mỹ lãnh đạo đã khiến họ trở thành đồng minh.
Ông Haass đề cập rằng, vào thời điểm trước khi Nga xâm lược Ukraina hồi tháng 2 năm 2022, Bắc Kinh và Matxcova đã ký kết một thỏa thuận, tuyên bố tình hữu nghị song phương là “vô hạn.
Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Nam Hải về Đài Loan.
Sau đó, Bắc Kinh cũng đã phản hồi lại những quan điểm của Điện Kremlin, đổ lỗi cho NATO về cuộc xâm lược Ukraina.
Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Haass nói rằng, Bắc Kinh phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga. Iran cung cấp hoả tiễn và phi cơ không người lái cho Nga, trong khi Triều Tiên cung cấp đạn dược.
Trung Quốc cung cấp công nghệ và công nghiệp phục vụ cả quân sự lẫn dân sự, còn Nga hỗ trợ các quốc gia này cải tiến chương trình vũ khí hạt nhân, hoả tiễn hoặc tàu ngầm, đồng thời chia sẻ thông tin tình báo về các hệ thống vũ khí phương Tây mà họ thu thập được từ chiến trường Ukraina.
Ông Haass chỉ ra rằng, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran và đã trợ cấp lâu dài cho Triều Tiên.
Triều Tiên là quốc gia bị cô lập nhất trong “bè lũ bốn tên” mới, nhưng họ ít bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt, nhờ sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
Nga cũng cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho chính quyền ông Kim Jong-un do cuộc xâm lược Ukraina.
Theo ông Haass, để đối phó với thách thức này, Mỹ có thể phối hợp với Hàn Quốc để khám phá việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, đổi lại Triều Tiên phải thực hiện các biện pháp hạn chế quy mô chương trình vũ khí hạt nhân và hoả tiễn của mình.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ giúp ngăn chặn sự xâm lược của Triều Tiên.
Ông Haass cũng cho rằng, tuyệt đối không thể để Nga thắng Ukraina.
Do đó, cần duy trì sự viện trợ quân sự lâu dài cho Ukraina, đồng thời mở rộng các bảo đảm an ninh và tư cách thành viên EU của nước này.
Tất cả những điều này sẽ gửi tín hiệu rõ ràng đến Tổng thống Nga Putin, người tin rằng ông có thể trụ vững hơn phương Tây.
Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhấn mạnh rằng, Mỹ và phương Tây cũng cần thể hiện sức mạnh của mình.
Điều này đồng nghĩa với việc phục hồi các cơ sở công nghiệp quốc phòng ở Mỹ, châu Âu và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, cần tăng cường và tích hợp sức mạnh quân sự để ứng phó với khả năng xảy ra các cuộc xung đột đa khu vực.
Bên cạnh đó, Phương Tây cũng phải thiết lập chuỗi cung ứng mà không phụ thuộc vào các hàng hóa chủ chốt từ bốn quốc gia này.
Mỹ còn cần hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của mình để đối phó với việc Bắc Kinh đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân quy mô lớn.