"Ít quốc gia nào làm được
nhanh hơn Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ với Washington dưới chính sách
tái cân bằng tới Châu Á được ông Obama đưa ra vào năm 2011."
Murray Hiebert
X Toàn dịch
thuật
Mỹ đã dỡ bỏ
lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam, nhưng Việt Nam không muốn Trung cộng lo lắng.
Tổng thống
Barack Obama có một mục tiêu đầy tham vọng, đó là đặt nền móng cho một giai đoạn
mới trong quan hệ song phương với Việt Nam qua chuyến thăm đầu tiên của ông diễn
ra từ ngày 23 tới ngày 25 tháng 5 vừa qua. Ông đã tiến một bước mới cho công cuộc
hòa giải hoàn toàn giữa hai nước cựu thù bằng cách dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí
cho Việt Nam khi mà Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chế
độ Trung Cộng quyết tâm xâm lược Biển Đông.
Ông Obama đã lên
lịch chuyến thăm Việt Nam ngay trước khi đến Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh
G7, điều đó có nghĩa ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gặp gỡ dàn lãnh đạo mới
của Việt Nam vừa được bầu lên tại Đại hội Đảng đầu năm nay. Chuyến đi cũng diễn
ra ngay trước khi tòa án trọng tài ở The Hague dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ
Phi Luật Tân kiện đường yêu sách chín đoạn của Trung cộng ở Biển Đông. Và ông
Obama đến Hà Nội chỉ một ngày sau khi bốn tàu chiến của hải quân Ấn Độ tiến vào
vùng biển tranh chấp để thực hiện một sứ mệnh kéo dài hai tháng bao gồm cuộc diễn
tập Malabar nổi tiếng với hải quân Nhật Bản và Mỹ.
Hà Nội từ lâu đã
kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí vốn được xem là vết tích còn sót lại của chiến
tranh, nhưng Washington đã duy trì lệnh cấm vận như một điều kiện thúc ép Việt
Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền của mình. TT
Obama cho biết ông đã điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ để giúp Việt Nam tự bảo
vệ mình, một sự ám chỉ rõ ràng tới chế độ hung hăng Trung Cộng khi mà
trong 18 tháng qua chế độ này đã xây dựng các đường băng có khả năng tiếp nhận
máy bay quân sự trên các hòn đảo cải tạo, xây mới gần và ngay tại các đảo mà Việt
Nam, Phi Luật Tân, và các nước khác tuyên bố chủ quyền.
Ít quốc
gia nào làm được nhanh hơn Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ với
Washington dưới chính sách tái cân bằng tới Châu Á được ông Obama đưa ra vào
năm 2011. Năm ngoái, Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Tòa Bạch Ốc, sau khi các lãnh đạo Trung Cộng
không trả lời điện thoại của ông Trọng vào thời điểm năm 2014 khi Trung Cộng
mang giàn khoan khổng lồ HD-981 đến những vị trí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam để thăm dò dầu khí, dù sau đó Trung Cộng có rời dàn khoan đi. Năm
2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Washington và đồng ý thiết lập
mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ. Năm 2015, hai nước đã ký Tuyên bố về Tầm
nhìn chung nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương và đồng ý bắt đầu hợp
tác bảo vệ bờ biển.
Vào
cuối năm ngoái, Hà Nội đã hoàn tất các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và 10 quốc gia
khác để ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên là quốc gia
Đông Nam Á có lượng xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ, vượt trên cả hai quốc gia
năng động là Tân Gia Ba và Thái Lan. Ước tính chỉ riêng TPP
sẽ giúp nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 10 phần trăm mỗi năm trong một thập
kỷ tới, và xuất khẩu hàng may mặc và giày thể thao sẽ tăng khoảng 40 phần trăm
đến năm 2025. Dấu hiệu cho thấy sẽ có nhiều hoạt động thương mại hơn nữa là sự
kiện hãng hàng không giá rẻ VietJet của Việt Nam công bố một thỏa thuận mua 100
máy bay Boeing chở khách trị giá 11,3 tỷ đô-la nhân chuyến thăm của ông Obama tới
Hà Nội.
Các viên chức Việt nhìn nhận quan hệ kinh
tế với Hoa Kỳ quan trọng hơn hợp tác quốc phòng vì nó đảm bảo an ninh lâu dài của
đất nước. Hà Nội tham gia TPP với mục đích có được các nguồn
nhập cảng thay thế và không bị phụ thuộc quá lớn như hiện nay vào Trung cộng,
nguồn nhập cảng hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Các công ty Trung cộng cung cấp
phần lớn năng lượng điện cho miền Bắc Việt Nam, cung cấp hầu hết các nguyên liệu
đầu vào quan trọng cho xuất cảng hàng may mặc, cùng phân bón và hạt giống cho sản
xuất nông nghiệp. Các quan chức Việt Nam cũng coi TPP là động lực thúc đẩy cải
cách kinh tế trong nước, đặc biệt là tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hoạt
động kém hiệu quả và lãng phí.
Để tham gia TPP, Hà Nội đã chấp nhận những cải cách
nghiêm túc đối với lao động nội địa, đây là một bước tiến quan trọng để nâng
cao môi trường nhân quyền trong nước. Việt Nam đã đồng ý cho phép tự do lập hội
và quyền thương lượng tập thể cho công nhân như các nguyên tắc của Tổ chức Lao
động Quốc tế (ILO), thay vì khăng khăng duy trì sự ảnh hưởng của công đoàn vốn
nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ sự chấp thuận cải cách lao động của Việt Nam, một
số quan chức Hoa Kỳ đã lồng vào TPP một sáng kiến “nhân quyền”. Để chứng tỏ
chính phủ của mình ưu tiên cho nhân quyền, ông Obama đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo
xã hội dân sự tại Hà Nội, trong đó có một số người bị ngăn cản tham gia ứng cử
độc lập trong cuộc bầu cử Quốc hội mà chỉ kết thúc được vài giờ trước khi ông đến
Hà Nội, dù cuộc gặp bị thiếu một vài người do bị Việt Nam ngăn chặn, không cho
tham gia. Mặc dù tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể
trong thập niên qua, nhưng Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội ước tính có khoảng 100
tù nhân chính trị, chủ yếu là các blogger và các nhà hoạt động dân chủ đã bị Việt
Nam giam giữ.
Trước chuyến thăm của ông Obama, hàng trăm người Việt
Nam đã xuống đường biểu tình trong nhiều ngày cuối tuần liên tiếp để phản đối
điều mà họ coi là thất bại của chính phủ trong việc giải quyết một thảm họa môi
trường đã làm cá chết hàng loạt trên một diện tích rộng lớn ở ngoài khơi bờ biển
miền Trung. Những người biểu tình nghi ngờ nguyên nhân cá chết có liên quan đến
chất xả thải của nhà máy thép Formosa của Đài Loan đặt tại miền Trung. Chính phủ
đã đàn áp cuộc biểu tình bằng cách giam cầm những người biểu tình một thời gian
ngắn và tạm thời chặn Facebook, điều này khiến các quan chức Mỹ rất không hài
lòng trước chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Trong một dấu hiệu củng cố quan hệ song phương bên cạnh
hợp tác an ninh, thương mại và đầu tư, nhân chuyến thăm của ông Obama, Việt Nam đã nhất trí cho phép các giáo viên dạy tiếng Anh
thuộc chương trình Đoàn Hòa bình (Peace Corps) hoạt động tại Việt Nam. Tổng
thống Hoa Kỳ và người đồng cấp Việt Nam cũng đã ca ngợi việc Trường Đại học Fulbright tại TP Hồ Chí Minh sắp đi vào hoạt
động, đây là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam có một hội đồng quản trị độc
lập và được tự do lựa chọn chương trình giảng dạy của mình. Quốc hội Hoa
Kỳ đã chi gần 19 triệu đô-la để tài trợ cho trường.
Một số nhà phân tích ở Việt Nam cho rằng lệnh dỡ bỏ
cấm vận vũ khí sẽ là một biện pháp xây dựng lòng tin, nó xóa đi một trong những
vết tích còn lại cuối cùng của sự ngờ vực đã kéo dài suốt từ chiến tranh. Trong
một nỗ lực giải quyết những tàn tích còn lại của chiến tranh, ông Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ sớm bắt đầu các hoạt động phục
hồi đất đai bị nhiễm dioxin (chất độc da cam) một cách cẩn thận tại căn cứ
không quân cũ của Mỹ ở Biên Hòa, Đồng Nai. Những nỗ lực tương tự cũng đã
được hoàn thành gần đây tại căn cứ không quân Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam.
Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí của ông
Obama có tính biểu tượng lớn hơn rất nhiều so với lợi ích kinh tế. Mặc
dù Việt Nam đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự trước sự bành trướng của Trung cộng
– Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám thế giới trong năm năm tính từ
năm 2015 trở về trước – nhưng Hà Nội không được cho là sẽ chuyển sang mua bán
vũ khí với các nhà cung cấp Hoa Kỳ trong tương lai gần. Sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần
lệnh cấm bán vũ khí hai năm trước đây, cho phép Việt Nam mua các thiết bị như
radar và tàu tuần tra ven biển, nhưng Việt Nam hầu như mới chỉ dừng lại ở xem
xét, tham khảo.
Các nhà phân tích tự hỏi liệu Việt Nam có bằng lòng
tăng cường các cam kết quân sự thận trọng với Hoa Kỳ sau khi lệnh cấm vũ khí đã
được dỡ bỏ hay không? Quân đội Việt Nam hiện giới hạn số lần tới thăm của tàu
chiến Hoa Kỳ ở mức khoảng ba lần một năm và sẽ mời Hải quân Hoa Kỳ tham gia diễn
tập chung nhiều hơn. Việt Nam cũng sẽ mở cửa Vịnh Cam Ranh, một căn cứ chiến lược
từng được Hoa Kỳ xây dựng, cho các tàu lớn của Hoa Kỳ tới thăm, nhưng sẽ không
cho Mỹ sử dụng độc quyền. Căn cứ này gần đây đã được chuyển đổi thành một cảng
quốc tế và Hải quân Hoa Kỳ chỉ là một trong nhiều hải quân các nước sử dụng nó.
Các tàu của Tân Gia Ba và Nhật Bản là những tàu đầu tiên đến thăm cảng quốc tế
này.
Đối với Hà Nội, thiết bị quân sự của Nga rẻ hơn.
Ngoài ra, quá trình phê duyệt nghiêm ngặt của Washington, trong đó bao gồm các
tiêu chuẩn nhân quyền sẽ tốn thời gian và gây phiền hà. Chưa kể, Việt Nam lại
nhạy cảm với phản ứng của Trung cộng trước việc Hà Nội quá mau lẹ trong việc
tăng cường quan hệ an ninh với Washington. Việt Nam không coi mình như là một đồng
minh của Hoa Kỳ, đúng hơn là muốn chọn giải pháp ngoại giao cân bằng giữa
Washington và người hàng xóm khổng lồ phương bắc vốn là nhà nước cộng sản anh
em mà Việt Nam vốn chia sẻ rất nhiều những quan hệ kinh tế và chính trị phức tạp.
Không kể tính biểu tượng của chuyến thăm của Tổng thống Obama lớn thế
nào, đây là sự kiện đánh dấu một bước đi khéo léo nữa của Việt Nam khi xét đến lịch
sử 2.000 năm nhiều rắc rối với Trung cộng.
Tác giả bài viết, Murray Hiebert là
thành viên cao cấp và là Phó giám đốc Các nghiên cứu Đông Nam
Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, DC. Bài
viết gốc được đăng trên YaleGlobal Online,bản quyền © 2016 YaleGlobal & MacMillan Center