26.05.2021

Ông Tập Cận Bình bàn về sự hỗn loạn: Đại dịch đem lại lợi thế cho Trung Cộng-Nicole Hao Minh Ngọc biên dịch

 Ông Tập Cận Bình bàn về sự hỗn loạn: Đại dịch đem lại lợi thế cho Trung Cộng

Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình tuyên bố thế giới hiện nay đang ở trong một “sự hỗn loạn” chưa từng thấy trong hàng trăm năm trở lại đây, và thời điểm cũng như hoàn cảnh hiện tại trên toàn cầu đều có lợi cho Trung Quốc và có thể giúp Trung Cộng đạt được mục tiêu thống trị thế giới.

Ông Tập giải thích rằng sự hỗn loạn nói trên là do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông không nói rõ Trung Quốc có lợi thế ra sao, nhưng ông gửi đi thông điệp rằng nước này đã kiềm chế thành công sự bùng phát của dịch bệnh trong khi phần lớn các quốc gia khác khắp thế giới đã đang chịu tổn thất và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ông lý luận rằng đây là lý do tại sao Trung Quốc nắm ưu thế.

“Việc đối phó với đại dịch toàn cầu của chủng virus corona mới ngay lập tức cho thấy sự lãnh đạo và hệ thống chính trị của quốc gia nào là tốt,” ông Tập nói.

Đây là lần đầu tiên ông Tập công khai tuyên bố “sự tự tin” của mình, vốn lặp lại những lời gần đây của các quan chức Trung Cộng khác. Giới chức Trung Cộng tự hào rằng đại dịch [tuy] bắt đầu ở Trung Quốc, nhưng đã rời khỏi Trung Quốc.

Ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Tổng thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Trung Cộng, nói với các nhân viên của ủy ban này ở Bắc Kinh hôm 10/01: “Trong thế giới ngày nay, trật tự tốt đẹp của Trung Quốc tương phản hẳn với tình trạng bất ổn của phương Tây. Chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Quốc đang có sức sống chưa từng có.”

“Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn,” ông Hà Bân (He Bin), Bí thư huyện Kỳ Liên tỉnh Thanh Hải Tây Bắc Trung Quốc, đã trích lời ông Tập khi nói chuyện với các quan chức huyện hôm 25/02.

Cho đến nay, các quan chức Trung Cộng vẫn chưa công bố về việc có bao nhiêu người dân Trung Quốc đã thiệt mạng vì không được điều trị hoặc không nhận được thuốc chữa bệnh do các đợt phong tỏa cực đoan, bao nhiêu người dân Trung Quốc đã mắc chứng rối loạn tâm thần, bao nhiêu gia đình Trung Quốc đã phải chịu đựng [nỗi đau của] sự phá sản, và bao nhiêu công dân Trung Quốc đã bị mắc kẹt ở hải ngoại do Trung Cộng hủy bỏ hầu hết các chuyến bay hồi tháng 03/2020.

Người dân xếp hàng để được chủng ngừa chống virus corona COVID-19, bên ngoài một khu dân cư ở Bắc Kinh hôm 08/04/2021. (Ảnh: Leo Ramirez/AFP/Getty Images)

Bài diễn văn của ông Tập

Bài diễn văn đầy tham vọng của ông Tập đã được gửi đến tất cả các quan chức cấp tỉnh hoặc cấp cao hơn tại một hội thảo ở Bắc Kinh hôm 11/01 và  đầu tiên được đăng trên tạp chí nhà nước “Cầu thị” (Qiushi) hôm 30/04.

Điều cốt lõi của bài diễn văn dài hơn 11,000 từ này là ông Tập dạy Trung Cộng nắm lấy cơ hội của thế giới hỗn loạn này, và hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của Đảng – “Hai Thế kỷ”. 

Các mục tiêu “Hai Thế kỷ” của ông Tập là: (1) vào năm 2021, kỷ niệm 100 năm thành lập Trung Cộng; ông hy vọng kiến thiết đất nước thành một “xã hội tiểu khang – xã hội khá giả”, nghĩa là tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của năm 2010, và (2) đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm Trung Cộng giành chính quyền, trở thành “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại”. Nói một cách dễ hiểu, Các mục tiêu “Hai Thế kỷ” của thời đại ông Tập có nghĩa là “vượt qua Hoa Kỳ và Anh Quốc, trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới,” cố vấn của ông Tập, ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), giải thích hồi tháng 07/2016.

Trong bài diễn văn, ông Tập giải thích “niềm tin Trung Hoa” của ông đến từ đâu. 

“Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia công nghiệp lớn nhất, quốc gia ngoại thương lớn nhất, và sở hữu lượng dự trữ hối đoái lớn nhất,” ông Tập nói khi liệt kê những thành tựu của Trung Cộng dưới sự cai trị của ông.

Những người làm công theo ngày cầm biển hiệu quảng cáo kỹ năng của họ trong khi chờ được thuê cho các công trình cải tạo ở Thẩm Dương, Trung Quốc, hôm 27/03/2020. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Sau đó ông nói về toàn cảnh thế giới.

Kể từ năm 2019, virus Trung Cộng, thường được biết đến với tên gọi virus corona mới – chủng virus gây ra đại dịch COVID-19, đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch này đã tạo ra “những cơ hội và thách thức lớn chưa từng có” cho Trung Quốc, ông Tập nói. “Nhìn chung, cơ hội lớn hơn thách thức.”

Sau rất nhiều nội dung lý luận và tư tưởng Marxist, ông Tập đã nhắc lại và giải thích về kế hoạch phát triển kinh tế “lưu thông kép” của mình.

Một nhóm phụ nữ biểu tình yêu cầu trả tự do cho người thân của họ, những người đang mất tích, bị bỏ tù hoặc bị mắc kẹt ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Almaty, Kazakhstan hôm 09/03/2021. (Ảnh: Abduaziz Madyrovi/AFP/Getty Images)

Lưu thông kép

Nhà cầm quyền này lần đầu tiên chính thức tiết lộ chiến lược “lưu thông kép” hồi tháng 05/2020, theo đó họ sẽ hình thành một mô hình phát triển mới với “lưu thông nội địa” – chu trình sản xuất, phân phối, và tiêu thụ trong nước – là mảng chính, và “lưu thông đối ngoại” – chu trình sản xuất, phân phối, và tiêu thụ quốc tế – là mảng phụ.

Trong bài diễn văn hồi tháng 01/2021, ông Tập đã đưa ra nhiều thông tin chi tiết hơn về lưu thông kép.

Ông Tập nói: “Trong những năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã chống lại toàn cầu hóa, và mô hình chu kỳ kinh tế quốc tế đã có những điều chỉnh lớn. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng xu hướng chống toàn cầu hóa, và mọi quốc gia đều đang quan tâm đến chính họ nhiều hơn.”

Ông Tập cho biết ông đã đến thăm tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, một tỉnh phụ thuộc vào xuất cảng, từ cuối tháng 03/2020 đến đầu tháng 04/2020 và thấy rằng các nhà máy địa phương không thể nhập cảng nguyên liệu thô từ ngoại quốc cũng như xuất cảng hàng hóa do đại dịch, khiến cho một số lượng lớn các nhà máy phải ngừng sản xuất hoặc thậm chí là đóng cửa.

Như ông Tập đã nói, Trung Quốc là quốc gia ngoại thương lớn nhất thế giới và nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất cảng. Đại dịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của các nước khác, các nước này sau đó đã cắt giảm nhập cảng. Do đó, Trung Quốc đã mất đi trụ cột kinh tế của mình – ngoại thương.

“Lưu thông nội địa” của lãnh đạo Tập Cận Bình là cách thức để nền kinh tế Trung Quốc trụ lại được.

Tuy nhiên, đa số người dân Trung Quốc còn nghèo và sức mua nội địa của Trung Quốc còn yếu. Ông Tập vẫn phải trông cậy vào “lưu thông đối ngoại” vốn là trụ cột để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc.

Một người bán hàng rong đợi khách bên đường bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 10/06/2020. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Trong bài diễn văn, ông Tập nói: “Chúng ta phải mở cửa sâu rộng ra thị trường ngoại quốc… nâng cao hiệu quả và trình độ công nghệ của lưu thông nội địa bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế… tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ xuất cảng của chúng ta… nâng cao ảnh hưởng trong chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng, và chuỗi đổi mới toàn cầu.”

Trên thực tế, ông Tập biết rõ những điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như của hệ thống chính trị nước này.

Ông nói trong bài diễn văn của mình: “Chi phí lao động ở Trung Quốc đang liên tục gia tăng. Dung lượng các nguồn nhân lực và môi trường của Trung Quốc đã đến mức ‘nghẽn cổ chai’” có nghĩa là các nguồn lực này đã đạt đến giới hạn và không thể phát triển thêm được nữa.

Nicole Hao
Minh Ngọc biên dịch