26.05.2021

Nhiếp ảnh gia đi xuyên Việt Nam để bảo tồn di sản của 54 dân tộc thiểu số qua hình ảnh-Do Louise Bevan thực hiện Tịnh Liên biên dịch

Nhiếp ảnh gia đi xuyên Việt Nam để bảo tồn di sản của 54 dân tộc thiểu số qua hình ảnh 

Nhiếp ảnh gia du lịch Réhahn, người vùng Normandy, đã chuyển đến Việt Nam sau khi yêu mến sự thân thiện của người dân và nét thanh bình của phong cảnh.

Tình yêu với người dân Việt Nam đã thôi thúc anh lập nên một dự án đặc biệt kéo dài 10 năm, mô tả hình ảnh của 54 dân tộc thiểu số trên mảnh đất nước hình chữ S này.

Trong suốt chuyến đi cùng với máy ảnh trong tay, anh Réhahn đã dành thời gian để gây dựng mối thân tình với các thành viên của 54 dân tộc.

Bị cuốn hút bởi những câu chuyện, trang phục của họ, và bí quyết thủ công thu hoạch cây gai dầu cũng như cách nhuộm vải thủ công đang rơi vào quên lãng đối với các thế hệ trẻ trong cuộc sống hối hả ngày càng tăng, anh Réhahn – người cha của một gia đình – đã quyết định giúp bảo tồn những giá trị này và cho ra đời Dự án Di sản Quý báu (The Precious Heritage Project) nổi tiếng.

An Phước, nhân vật mang tính biểu tượng trong những bức ảnh của anh Réhahn. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Réhahn với An Phước. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)

“Tôi bị cuốn hút về việc tìm hiểu tất cả những gì có thể về các nhóm dân tộc ở Việt Nam,” anh Réhahn nói với Epoch Times qua email, ý nói đến nguồn cảm hứng đằng sau dự án của anh. “Tôi sớm nhận ra rằng có rất ít thông tin về những nhóm dân tộc thiểu số.”

Chi tiết về dự án bắt đầu vào năm 2011, anh Réhahn cho biết có một số thông tin có sẵn trong các báo cáo dân số; tuy nhiên, khi đối mặt với tất cả các nền văn hóa đang sống và phát triển, anh nhận ra rằng di sản của các nhóm này phong phú đến nhường nào và chúng chưa được thế giới biết đến.

Anh nói thêm rằng, “Tôi muốn tạo ra một nơi để tôn vinh sự đa dạng của các nền văn hóa này và sản phẩm thủ công của họ, cũng như để bảo tồn các vật phẩm nghệ thuật, trang phục và những câu chuyện quý giá của họ.”

Người dân Brâu. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)

Do không thể tiếp cận nhiều nhóm dân tộc như vậy qua điện thoại hoặc email, anh Réhahn đã trực tiếp đến thăm từng địa điểm. Anh đã gặp các thành viên trong bộ tộc và làm quen với họ, luôn giải thích về dự án của mình cho các già làng và làm hài lòng lũ trẻ bằng cách nói chuyện với chúng bằng tiếng Việt.

Anh giải thích: “Đây thực sự là phần nghiên cứu yêu thích của tôi! Tôi cảm thụ được những giao tiếp cảm xúc của họ về việc mong muốn gìn giữ và bảo vệ di sản.”

Vì vậy, trong vòng 9 năm sau đó, một loạt bức ảnh đáng kinh ngạc mô tả 54 dân tộc thiểu số của Việt Nam đã xuất hiện.

Bất chấp vô số khó khăn gặp phải trên đường đi, Réhahn chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Anh nói, dừng dự án giữa chừng sẽ giống như viết một cuốn sách mà bỏ những chương cuối cùng. Anh tin chắc rằng “mọi nhóm dân tộc đều xứng đáng được nhìn thấy, tôn vinh, và tôn trọng.”

Chắc chắn, trên đường đi, một số câu chuyện đã thu hút sự chú ý của các nhiếp ảnh gia tò mò. Một bức chân dung luôn gợi lên những nụ cười trong sáng được chụp lại từ một cô bé tên Hương.

Anh Réhahn giải thích: “Cô ấy là người dân tộc Pà Thẻn. Người Pà Thẻn rất chú trọng việc bảo tồn văn hóa của họ, chẳng hạn yêu cầu con em mặc trang phục truyền thống khi đến trường vào thứ Hai hàng tuần. Trang phục của họ đặc biệt phức tạp và thật vui khi thấy Hương và cha cô bé cười khúc khích khi cố gắng trang điểm cho phù hợp với bức chân dung của tôi.”

Hương, người dân tộc Pà Thẻn. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Rơ Măm. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)

Anh Réhahn đã thành lập Bảo tàng Di sản Quý giá ở Hội An, Việt Nam, trong một ngôi nhà Pháp để giới thiệu 200 bức ảnh và 62 bộ quần áo truyền thống trong 5 gian phòng, hoàn toàn miễn phí cho công chúng. Theo trang web của anh, hầu hết các bộ trang phục đều do trưởng bản của mỗi làng đưa cho anh.

Nhiếp ảnh gia cũng giới thiệu tác phẩm của mình trên Instagram, Facebook, và trên trang web cá nhân.

Được giao phó những câu chuyện và trang phục quý giá của các nhóm dân tộc mà anh ghi lại, anh nói rằng phản hồi của mọi người đối với công việc của anh là “đặc biệt ủng hộ”.

Anh Réhahn cũng đã nhận được những đánh giá tốt từ Quỹ Christina Nobel, UNICEF, và nhiều đại sứ quán, lãnh sự quán tại Việt Nam.

Người dân tộc Cơ Ho. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Réhahn và người dân tộc H’mông. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)

Anh Réhahn tin chắc rằng việc các thế hệ tương lai tìm hiểu về di sản và văn hóa của họ là điều cần thiết.

“Làm thế nào chúng ta có thể tôn vinh sự đa dạng, di sản và lịch sử của mình nếu tất cả chúng ta đều là một phần của một lục địa Internet không có khuôn mặt?” – anh Réhahn đề cập khi nói  với Epoch Times. “Sống chậm lại và dành thời gian để học các kỹ năng truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên văn hóa tôn trọng.”

Anh Réhahn cảm thấy “rất vinh dự vì đã có cơ hội bước vào cuộc đời của rất nhiều người phi thường.”

Anh chia sẻ: “Máy ảnh của tôi đã làm thế giới chậm lại. Tôi đã dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện và nhìn thấy những điều mà tôi có thể đã lướt qua trước đây.”

Người dân tộc La Hủ. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Xơ Đăng. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Cao Lan. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Chu Ru. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Cờ Tu. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)

Dưới đây là những hình ảnh khác của nhiếp ảnh gia:

Người dân tộc Ơ Đu. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Khmer. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc La Hủ. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Pu Péo. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)
Người dân tộc Tà Ôi. (Ảnh: Được sự đồng ý của nhiếp ảnh gia Réhahn)

Do Louise Bevan thực hiện
Tịnh Liên biên dịch