NGÀY 30 THÁNG 4
NGÀY 30 THÁNG TƯ
Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen. Ngày những chiếc tăng T54 do Liên-Xô chế tạo nghiền nát đường phố Sài Gòn thân yêu rợp bóng me xanh. Ngày những chiếc trực thăng cất cánh từ sân thượng của những cao ốc.
Ngày có những tiếng loa phóng thanh ra lịnh các cấp chính quyền miền Nam tập trung, trình diện vang lên trên đường phố. Ngày với những tiếng hát cao the thé của những nữ văn công miền Bắc vọng ra từ đài phát thanh vừa rơi vào tay Cộng Sản.
Ngày những Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Nguyễn Văn Long và bao nhiêu người con yêu khác của mẹ Việt Nam đã dò theo bước chân của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương mà lần lượt ra đi.
Trong bình diện xã hội, 30 tháng 4 là ngày điêu tàn tang tóc. Mẹ mất cha, anh xa em, vợ lạc chồng, những đứa trẻ mồ côi lạc loài trên đường phố, nước mắt ai rơi trên bờ biển, tiếng khóc thét của em bé vừa sinh ra trên những chuyến hải hành vội vã trong đói khát, lo âu, tuyệt vọng.
Trong bình diện đấu tranh 30 tháng 4 là ngày quốc kháng. Ngày khởi điểm cho một mặt trận mới vì nhân quyền, tự do và dân chủ.
Dù gọi 30 tháng 4 là ngày quốc hận, quốc nạn, quốc kháng hay là ngày gì đi nữa, trong tâm tư của mỗi người miền Nam sống trong ngày tháng đó vẫn là một tâm tư hãi hùng, lo sợ, bàng hoàng và đau xót.
Tất cả hình ảnh đó dường như đang xảy ra trong phút giây chúng ta đang thở. Tiếng súng như vẫn còn nghe. Ngọn lửa như vẫn còn đang nóng. Đứa bé nằm trên bụng mẹ ngậm núm vú lạnh tanh không còn một giọt sữa mà không biết mẹ mình đã chết từ lâu, trong một bức ảnh đăng trong một tờ báo Mỹ, nay đã 46 tuổi. Và chúng ta, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, vẫn như em bé kia, đang ngậm nỗi buồn nơi đất khách. Dù tự an ủi bằng bao nhiêu bài thơ, bài hát chuyên chở niềm tin và hy vọng, bao nhiêu tuyên ngôn, tuyên cáo khẳng định lập trường thì giấc mơ Việt Nam về một buổi sáng đẹp trời cho dân tộc vẫn còn là một giấc mơ.
Thế giới đã đổi thay nhanh chóng. Cuộc vận hành của lịch sử văn minh con người không chạy bằng những chuyến tàu điện nhưng đã chuyển sang thời kỳ của những máy bay siêu tốc. Tín hiệu Morse đã được chính thức thành lịch sử. Ông Denis Tito đã mua vé đi du lich trong quỹ đạo trái đất và trở về bình an. Nói chung, tiến bộ và văn minh nhân loại đã bước một bước rất dài.
Nhìn lại đất nước Việt Nam, văn hóa đạo đức đang trở về gần với thời mọi của cải đều có thể mua bán, trao đổi, kể cả mua bán, trao đổi chính con người. Do đó, vấn nạn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam đang phải đối diện không chỉ lạc hậu về kinh tế chính trị và quan trọng hơn lạc hậu về văn hóa tư tưởng.
Khi nhận xét rằng Việt Nam lạc hậu kinh tế, không ít độc giả trong nước chưa có dịp tiếp xúc và so sánh giữa tiến bộ của thế giới và thay đổi tại Việt Nam, có thể không đồng ý với tôi.
Việt Nam có cao ốc mới, khách sạn mới, cầu mới, đường mới, xe mới, nhà mới, số lượng du khách ngày càng tăng. Vâng, không ai chối cãi điều đó. Thế nhưng, trong một nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa, mức độ phát triển của một quốc gia được xác định không phải bằng các chỉ tiêu riêng của từng quốc gia nhưng bằng sự so sánh với các quốc gia trong cùng khu vực, cũng như trong tương quan kinh tế thế giới.
Trong 46 năm qua, nếu không có nhiều tỉ dollar hàng năm gởi về từ những người một thời đã bị chế độ nguyền rủa, trù ẻo để bị chết trôi, chết chìm trên biển Đông thì nền kinh tế Việt Nam còn tệ hại đến mức nào.
Ba triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cùi bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào "Lá lành đùm lá rách", "Chị ngã em nâng". Nếu họ được giáo dục bằng hận thù giai cấp, bằng sắc máu đấu tranh như những người Cộng Sản thì nền kinh tế Việt Nam ngày nay có thể vẫn còn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia nghèo đói hàng năm của Liên Hiệp Quốc.
Khi nhắc đến những đổi thay kinh tế tại Việt Nam, một yếu tố quan trọng khác cũng cần lưu ý là những cái mới đó thuộc về ai. Hãy bước ra đường hỏi người lái chiếc xe hơi đắt tiền kia ông là ai, bà là ai. Hãy bước vào trụ sở hội đồng bộ trưởng để hỏi các ông bà ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng, với cấp số lương mà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An trước đây từng than thở "Lãnh đạo Việt Nam là những người nghèo nhất" thì làm sao các ông, các bà có dư hàng trăm ngàn dollar để lo cho con sang Mỹ học. Sẽ không ai trả lời. Đơn giản bởi vì chẳng một kẻ cướp nào muốn thừa nhận mình là cướp, nhất là cướp từ những người cùng khổ nhất trong xã hội.
Tương tự, hãy đi bờ sông Thu Bồn, sông Trà Khúc và hỏi những người đang đào hến, họ đã đào như thế bao nhiêu năm rồi. Hãy bước vào chợ Bến Thành hỏi những đứa bé đang lượm từng con cá ươn trong buổi chợ chiều, cha mẹ em đâu, nhà cửa em đâu, trường học em đâu. Hãy bước ra đường hỏi người phu đang cong chiếc lưng hốt từng đống rác, bao nhiêu chiếc chổi đời đã quét xuống lưng ông. Hãy vào những con hẻm tối hỏi các em thanh niên nam nữ tuổi hai mươi đang bán á-phiện, ma túy, làm điếm trên những công viên tăm tối hay đang tự giết đời mình bằng những cuộc đua xe bạt mạng trên đường phố, hoài bão của các em về cuộc sống hôm qua, hôm nay và mai sau rồi sẽ ra sao.
Họ có thể cũng không trả lời. Không phải họ không muốn nói nhưng như một Mục Sư làm công việc thiện nguyện tại Việt Nam đã viết: "Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không biết định nghĩa của hai chữ hoài bão là gì".
Một dân tộc mà thế hệ hai mươi không có một hoài bão cho đời mình, dân tộc đó sẽ đi về đâu? Một dân tộc với 65 phần trăm tuổi trẻ nhưng không có một cơ hội để tiến thân, sống trong hoang phí, sống như những tử tù đang chờ chết thì tương lai của họ sẽ về đâu?
Đế quốc CS Liên Xô sụp đổ từ lâu nhưng trên đường phố Hà Nội vẫn còn treo khẩu hiệu "Chủ Nghĩa Mác-Lênin Vô Địch Muôn Năm" để mừng ngày đại hội đảng. Thật là chuyện mỉa mai, buồn cười và ngu xuẩn vượt thời gian. Hiểu được điều này chúng ta sẽ thấy tại sao các thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không còn quan tâm đến trường học, không biết chọn một hướng đi cho đời mình. Làm sao các em có thể thấy hướng đi khi bị nhồi sọ bằng những lý thuyết viễn vông mà nhân loại đã xếp vào ngăn tủ từ bao nhiêu năm trước. Làm sao các em có thể thấy tương lai, hiểu được tình người, khi cả tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành bị nhào nặn bằng những tư tưởng hận thù giai cấp, bóc lột, đấu tranh.
Chúng ta đều biết đến thảm trạng tại Việt Nam nhưng ai sẽ là những người chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước tòa án lương tâm của dân tộc Việt Nam sau này?
Đối với tuyệt đại đa số người Việt yêu chuộng tự do, câu trả lời rất dễ dàng. Thủ phạm đã gây ra những điêu linh tang tóc, nghèo nàn lạc hậu, làm mất nhân phẩm của người Việt, đầu độc các thệ trẻ Việt Nam, hủy diệt mọi mầm xanh đang cố gắng vươn lên của dân tộc, không ai khác hơn là giới lãnh đạo CSVN.
Điều đó không sai nhưng chưa đủ.
Một băng cướp ngân hàng không thể di chuyển hàng tỉ dollar ra khỏi nhà băng nếu không có kẻ đưa đường, người dẫn lối, không có tay trong, tay ngoài, bao che, thờ ơ, dung túng. Tương tự, đảng CSVN sau 46 năm vẫn còn tiếp tục trấn áp nhân dân Việt Nam bởi vì, ngoài nhà tù và sân bắn, họ cũng đã được dung túng, bao che, thờ ơ và thỏa hiệp. Và những người đã thờ ơ, dung túng cho Cộng Sản trong 46 năm qua không ai khác hơn là những người Việt Nam có quyền hạn tinh thần, có trách nhiệm xã hội, có kiến thức văn hóa, có lương tâm tôn giáo nhưng đã vì quyền lợi cá nhân, tổ chức, tôn giáo riêng mà làm ngơ trước đau thương của đất nước.
Cả nhân loại đều phẫn uất khi biết một em bé Việt Nam chỉ vỏn vẹn 8 tuổi đầu phải phục vụ nhu cầu sinh lý cho những người bằng tuổi cha, bằng tuổi ông của các cháu ở Campuchia. Ký giả Chris Hansen lên tiếng. Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ lên tiếng. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ lên tiếng. Liên Hiệp Quốc lên tiếng. Đức Giám Mục Agustinus Agus của Nam Dương lên tiếng.
Nhưng các ngài thì không.
Con biết các ngài có trọng trách đối với giáo hội mà các ngài đang lãnh đạo. Con biết hành vi của các ngài có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tôn giáo mà các ngài đang dẫn dắt. Vâng, nhưng tôn giáo đó, giáo hội đó, tín đồ đó từ đâu mà có? Trên con đường các ngài đi còn vọng lên tiếng kêu trầm thống của cả dân tộc chịu đựng trong độc tài đảng trị suốt hơn 40 năm qua. Hạt gạo, hạt muối các ngài ăn tích lũy mồ hôi nước mắt của hơn 90 triệu người Việt Nam đã đổ xuống. Tất cả đều từ dân tộc Việt Nam mà có. Các ngài có trách nhiệm với giáo hội của các ngài thì ai sẽ có trách nhiệm với đất nước đây? Các ngài quan tâm đến sự thịnh suy của tôn giáo các ngài thì ai sẽ quan tâm đến sự thịnh suy của dân tộc Việt Nam đây? Phát triển tôn giáo là nhiệm vụ của các bậc lãnh đạo tinh thần, vâng, nhưng nhiệm vụ đó không nên và ngay cả không được phép đi ngược lại với quyền lợi sống còn và khát vọng tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Hôm nay, những tiếng kêu của những con búp-bê Việt Nam biết khóc ở Campuchia vẫn như những viên sỏi nhỏ rơi vào biển cả, không tạo nên chút sóng lương tâm nào trong lòng những vị lãnh đạo tinh thần cao cấp nhất Việt Nam.
Trong lời kinh đêm nay, ngoài việc cầu nguyện các đấng thiêng liêng để ban cho các ngài cuộc sống bình an, phò trợ cho tôn giáo của các ngài không ngừng phát triển, xin các ngài dành một lời cầu nguyện cho những đứa bé 8 tuổi bất hạnh kia được có cơ hội trở về với lớp học mẫu giáo của các cháu như hàng triệu trẻ thơ khác trên thế giới.
Tôi không tin chế độ CS bỏ tù tất cả những người cầm bút khi họ viết về cuộc sống khổ đau của hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam trên đất Thái, Miên, Đài Loan, Nam Hàn. Cuộc đời của những phụ nữ này là những tác phẩm, những vở kịch, những cuốn phim đau thương đang cần được viết lại, chiếu lại cho các thế hệ hôm nay để đọc, để xem và và cho ngàn đời sau để tránh. Im lặng là đồng lõa. Im lặng là dung túng. Nếu một nhà văn, nhà thơ không đủ can đảm nói lên sự thật, viết lên sự thật của xã hội mình đang sống thì liệu có xứng đáng để được gọi là "những phát ngôn nhân thời đại" hay không?
Điều kiện chính trị ngày nay không giống như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Để nhận được viện trợ của nước ngoài và được công nhận như một chính phủ trong cộng đồng thế giới, CSVN buộc lòng phải tháo lỏng bớt chiếc dây thòng lọng trên cổ văn nghệ sĩ. Nhưng tiếc thay những nhà văn, nhà thơ sĩ khí thời nay lại cũng không nhiều như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Một tiếng nói trung thực chưa kịp vang xa đã chìm vào im lặng. Một tác phẩm mang tinh thần cách mạng xã hội vừa ra đời đã bị thu hồi.
Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết còn là ngày để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm nay.
Mỗi người Việt Nam có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng CSVN. Tương lai dân tộc không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng CSVN. Sinh mệnh dân tộc Việt Nam do chính nhân dân Việt Nam quyết định. Và do đó, con đường chung để đến một điểm hẹn lịch sử huy hoàng cho con cháu, chính là con đường dân tộc dân chủ và không có một con đường nào khác.
Trần Trung Đạo
(Viết 30-4-2004, hiệu đính nhân dịp 30-4-2021)