Nhật Bản tham gia cuộc chơi tranh chấp chủ quyền ở biển Đông
Một
phi cơ đang hạ cánh trên tàu sân bay Izumo của lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản
ở căn cứ quân sự Yokosuka, phía nam Tokyo, hôm 6/12.
Nhật Bản đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở biển
Đông, vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền nhất châu Á, để kiềm chế sự bành
chướng của Trung cộng và mưu tìm sự ủng hộ cho kế hoạch tăng cường quân sự và củng
cố các lợi ích kinh tế kinh tế của Tokyo. Trong khi đó, Trung cộng khuyến cáo
Nhật Bản phải tôn trọng luật quốc tế khi Tokyo phái một chiến hạm vào biển
Đông.
Tàu
chiến Nhật Bản
Theo trang tin tức của Viện Hải quân Hoa Kỳ, vào
tháng 5, Nhật sẽ phái hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo tới Biển Đông trong
ba tháng, sẽ ghé thăm các cảng biển ở Đông Nam Á trước khi hướng đến Ấn Độ
Dương tham gia các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại
Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết: "Bạn sẽ thấy sự đa năng của chiến hạm này. Nó có thể làm công tác cứu trợ
nhân đạo và thiên tai, nó có khả năng chống tàu ngầm, vì vậy đó là những tín hiệu
mà Nhật Bản muốn gửi đi thông qua việc phái chiến hạm này đi."
Phản ứng của Trung cộng
Hôm thứ 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng
đã phản ứng với quốc tế về chiến hạm này bằng cách lời kêu gọi Tokyo
"tránh gây phiền nhiễu trong khu vực" và "tôn trọng nỗ lực của
các nước có liên quan trong việc duy trì hòa bình và ổn định", theo hãng
thông tấn nhà nước Trung cộng Tân Hoa Xã.
Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, một
vùng biển rộng khoảng 3,5 triệu km2 có giá trị cao về thủy sản và tiềm năng trữ
lượng nhiên liệu dưới đáy biển.
Sáu chính phủ khác
có tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần trên vùng biển này, gây ra nhiều
tranh chấp từ những năm 1960. Trong hơn 1 thập kỷ qua, Trung cộng đã khiến các
nước khác giận dữ bằng cách bồi đắp đất để mở rộng các đảo nhỏ và xây dựng các
cơ sở quân sự trên một số đảo này để củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh
trên khoảng 95% vùng biển.
2 mục tiêu song song của Nhật Bản
Theo các nhà
phân tích, Nhật Bản, nước có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông,
sẽ đưa chiến hạm này tới Biển Đông trong một nỗ lực dài hạn để chống lại sự ảnh
hưởng của Trung cộng tới các quốc gia ven biển Đông Nam Á trong khi cùng lúc hợp
tác với Hoa Kỳ để tăng cường sức mạnh rộng lớn hơn ở châu Á.
Ông Jonathan
Spangler, Giám đốc Viện nghiên cứu biển Đông Think Tank có trụ sở ở Đài Loan nhận
định: "Giống Trung cộng và Mỹ, Nhật
Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần
của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt
động ở các khu vực ở xa biên giới của họ."
Lợi ích tương đồng của Nhật và Mỹ
Hoa Kỳ hy vọng sẽ
chấm dứt hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung cộng trên biển Đông và bảo đảm
tự do hàng hải, một kế hoạch đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ nhưng được Tokyo hoan
nghênh.
Hình
ảnh vệ tinh do chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm
nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS ở Washington đưa ra ngày 22/2/2017 cho thấy
các khối xây dựng bê tông có mái che trên các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập trên biển
Đông.
Nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải của đại học Công nghệ Nanyang Collin Koh nói Nhật Bản cũng quan tâm đến sự an toàn của cơ sở hạ tầng thông tin dưới đáy biển và việc tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung cộng.
Nhật Bản và Trung cộng tranh chấp 8 đảo Senkaku/Điếu
Ngư không có người ở trên biển Hoa Đông. Các nhà phân tích nói rằng ảnh hưởng của
Tokyo ở Đông Nam Á, cùng với mối quan hệ an ninh chặt chẽ giữa Mỹ, có thể nhận
được sự đồng cảm rộng rãi hơn đối với tuyên bố chủ quyền trên các đảo
Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản tìm kiếm đối tác
Carl Thayer, giáo sư về chính trị học tại Đại học
New South Wales, Australia, nói rằng Nhật Bản muốn hình thành một "mặt trận
thống nhất" với các nước Đông Nam Á. Brunei, Mã Lai, Việt Nam và Phi Luật
Tân đã có tranh chấp đối với với các yêu sách hàng hải của Trung cộng trên biển
Đông.
Ông nói: "Nhật
Bản không muốn Senkaku chỉ là một tranh chấp riêng lẻ. Bối cảnh rộng hơn là
thái độ quyết liệt và sức mạnh ngày càng tăng của Trung cộng ở Ấn Độ Dương và
Thái Bình Dương. Họ muốn cuối cùng phải có sự ổn định và buộc Trung cộng phải
giảm bớt những hành động tranh chấp quyết liệt đối với quần đảo Senkaku".
Trung cộng và Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng về
kinh tế ở Đông Nam Á, một điểm nóng cho đầu tư và là một thị trường tiêu dùng
sôi động của khoảng 600 triệu người.
Nhật Bản đã viện trợ phát triển cho khu vực này từ
những năm 1950. Năm ngoái, Nhật đã cam kết tăng số tiền viện trợ. Sự viện trợ
này đang giúp Nhật xây dựng các mối quan hệ chính trị trong khi cùng lúc giữ được
các cánh cửa rộng mở cho đầu tư của các nhà máy Nhật Bản tận dụng môi trường sản
xuất có chi phí thấp.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết năm ngoái họ hy vọng
Trung cộng sẽ "tuân thủ" phán quyết của toà án trọng tài quốc tế vào
tháng 7 năm 2016 bác bỏ các yêu sách của Trung cộng đối với khoảng 95% diện
tích vùng biển Đông. Phi Luật Tân đã đệ đơn kiện lên tòa trọng tài quốc tế. Trung
cộng đã bác bỏ phán quyết đó.
Khu
trục hạm mang hỏa tiễn hành trình USS Mustin (DDG 89) trao đổi thông tin với
các tàu của lực lượng tự vệ hải quân Nhật trong khuôn khổ luấn huyện chung trên
biển Đông ngày 21/4/2015.
Ông Andrew Yang, tổng thư ký của trung tâm Nghiên cứu Chính sách Cao cấp của Trung cộng ở Đài Loan cho biết "Nhật Bản liên tục tích cực chủ động hỗ trợ các nước ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) trong việc tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực, đồng thời phái tàu chiến đến các nước ASEAN, rất phù hợp với sự tập trung của họ đối với các quy tắc dựa trên luật pháp.”
Theo Tân Hoa Xã, các cuộc đối thoại của Trung cộng với
các nước khác đã "cải thiện" các mối quan hệ trong khu vực.
Bắc Kinh không tin tưởng vào Nhật Bản đối với những
gì mà họ cho là thái độ không hối cải về hành động xâm lăng Hoa Lục trước Chiến
tranh Thế giới thứ 2. Trung cộng cũng khó chịu về liên minh quân sự Nhật Bản-Hoa
Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tái khẳng định điều này vào tháng 2.
Nhật Bản đã điều 3 tàu chiến đổ bộ tới Phi Luật Tân
vào năm 2013 để giúp cứu trợ sau trận bão Haiyan làm chết hơn 6.300 người ở quốc
gia ĐNÁ này.
Năm ngoái, Nhật đã cung cấp cho Phi Luật Tân 2 tàu
tuần tra và nói rằng họ sẽ cho nước này mượn chiến đấu cơ. Trước đó Nhật đã
cung cấp 10 tàu tuần duyên cho quốc gia còn đang yếu kém về mặt quân sự này. Nhật
Bản đã đồng ý vào năm 2014 sẽ bán cho Việt Nam 6 tàu tuần dương đã qua sử dụng
và cách đây 2 tháng cam kết sẽ bán 6 tàu tuần dương mới.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung cộng nói Nhật Bản
“gần đây đã làm nóng lên vấn đề (biển
Đông), làm nhiều người Trung cộng thất vọng,” theo Tân Hoa Xã. Hãng thông tấn
của nhà nước Trung cộng cho biết, nếu Nhật không chuyển hướng thì “Trung cộng chắc chắn sẽ đáp trả bất kỳ hành
động nào làm tổn hại tới chủ quyền và an ninh của Trung cộng.”
Giáo sư Thayer của Đại học New South Wales nói rằng
hãy chờ đón sự “tiếp tục” hợp tác giữa quân đội Nhật và các nước Đông Nam Á./.
Việt Nam, Phi Luật Tân và ‘bài toán’ Trung cộng
Tổng
thống Phi Luật Tân và Chủ tịch Việt Nam tại lễ đón chính thức ở Hà Nội năm
ngoái.
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte hôm 19/3 tuyên bố rằng nước ông, hay thậm chí Mỹ,
cũng không thể cản bước Trung cộng ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ
xây một trạm quan trắc môi trường trên bãi cạn tranh chấp ngoài khơi tây bắc Phi
Luật Tân.
“Tôi có thể
làm gì? Tuyên chiến với Trung cộng? Tôi có thể, nhưng chúng tôi sẽ để mất tất cả
quân đội, cảnh sát, và đất nước sẽ bị phá hủy”, ông Duterte được AP trích lời
nói tại sân bay ở thành phố Davao trước khi lên đường đi thăm Miến Điện.
Tuy nhiên, ông Duterte cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh
khai thác các tài nguyên ở ngoài khơi quốc gia Đông Nam Á này, nước ông sẽ dùng
tới phán quyết năm ngoái của Tòa Trọng tài Quốc tế, trao phần thắng cho Phi Luật
Tân trong vụ kiện tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông.
Phát biểu của ông Duterte hơi khác so với Bộ Ngoại
giao Phi Luật Tân, cơ quan cho biết sẽ không đưa ra bình luận trong khi tìm
cách xác minh thông tin về việc Trung cộng sẽ xây dựng trên bãi cạn
Scarborough.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện
Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho VOA Việt Ngữ biết rằng bình luận của
ông Duterte cho thấy ông “chùn bước” trước Trung cộng do tiềm lực quân sự không
mạnh bằng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Manila “bỏ cuộc ở Biển Đông”
như ý kiến của một số nhà quan sát.
Khi được hỏi rằng liệu Việt Nam có chung suy nghĩ
như quốc gia cùng là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN,
hay không, chuyên gia này nói tiếp: “Việt
Nam muốn xử lý các tranh chấp ấy bằng các phương pháp hòa bình. Thế nhưng mà Việt
Nam cũng nhiều lần tuyên bố rằng nếu mà có một nước nào đó tấn công Việt Nam
thì Việt Nam buộc lòng phải tự vệ và đánh thôi. Việt Nam mà so sánh về mặt tiềm
lực quân sự và cán cân quân sự với Trung cộng thì nó nhỏ hơn. Nhưng mà để làm
việc quốc phòng, tự vệ thôi, thì to nhỏ không thành vấn đề lắm. Việt Nam không
đi tấn công nước nào cả”.
Tổng thống Phi Luật Tân nói như trên ít ngày sau khi
quân đội nước này chặn một nhóm các nhà lập pháp và quan chức an ninh ra thăm
Thị Tứ, một trong 9 đảo mà Manila kiểm soát ở Biển Đông do các vấn đề về an
toàn, trong khi có ý kiến cho rằng lý do chủ yếu là vì không muốn làm mếch lòng
Trung cộng.
Phát biểu của ông Duterte còn được đưa ra đúng ngày
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hội đàm với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình ở
Bắc Kinh trong chặng cuối của chuyến công du Đông Á còn đưa nhà ngoại giao này
tới Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoại
trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình
ngày 19/3.
Ông Tập dành không ít lời ca ngợi cho cựu giám đốc
điều hành tập đoàn dầu khí ExxonMobil, nhất là về bình luận của ông Tillerson rằng
“quan hệ Mỹ - Trung chỉ có thể được xác định trên cở sở hợp tác và bạn hữu”.
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị,
Ngoại trưởng Mỹ nói tới việc “tránh xung đột và đối đầu”, sự cần thiết phải gây
dựng “sự tôn trọng lẫn nhau" và nỗ lực hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, theo
Washington Post.
Tờ báo này còn dẫn lời một số người chỉ trích nói rằng ông Tillerson đã quá nhún nhường, và trao cho Bắc Kinh điều mà báo chí Trung cộng nói là một “chiến thắng ngoại giao”.
Tờ báo này còn dẫn lời một số người chỉ trích nói rằng ông Tillerson đã quá nhún nhường, và trao cho Bắc Kinh điều mà báo chí Trung cộng nói là một “chiến thắng ngoại giao”.
Trong các tuyên bố của Mỹ và Trung cộng sau các cuộc
thảo luận song phương cấp cao, vấn đề Bắc Hàn dường như đứng đầu nghị trình,
trong khi Biển Đông không được đề cập, trái với nhận định của các nhà phân tích
trước khi ông Tillerson công du Đông Á.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết rằng ông có hỏi một số
nguồn tin thì được biết rằng phía Mỹ và Trung cộng có đặt ra vấn đề Biển Đông.
Ông nói thêm: “Họ
đặt ưu tiên chuyện Bắc Triều Tiên trước, và không có lý do gì họ không đặt vấn
đề Biển Đông ở một mức ưu tiên cao. Rõ ràng một chuyến thăm có một ngày thì họ
không thể nói hết được. Vả lại, cuộc hội đàm kín giữa ông Tillerson và người Trung
cộng thì không được công bố ra ngoài, chỉ có nói ra với báo chí từ phía Trung cộng,
và lời nói cuối cùng là của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung cộng, không mang
tính thông tin nhiều”.
Trong khi ông Tillerson đi Đông Á, hai thượng nghị
sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã trình một dự luật đòi áp đặt trừng
phạt đối với các công ty của Trung cộng tham gia vào “các hoạt động bất hợp
pháp” ở Biển Đông.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã lên tiếng
nói rằng dự luật, trong đó nói rằng Bắc Kinh “trắng trợn” vi phạm các luật lệ
quốc tế, cho thấy “sự ngạo mạn và thiếu hiểu biết” của các nhà lập pháp Mỹ.
Viễn
Đông (VOA)
Biển Đông: Mã Lai tuyên bố không có tranh chấp với Trung cộng
Ngoại
trưởng Mã Lai Anifah Aman họp báo sau thượng đỉnh ASEAN, Kuala Lumpur, ngày
26/04/2015REUTERS
Trung cộng và Mã Lai không hề có tuyên bố chủ quyền
lãnh thổ chồng lấn trên Biển Đông. Ngoại trưởng Mã Lai Anifah Aman đã khẳng định
như trên vào hôm nay, 20/03/2017 trước Nghị Viện nước này và giải thích là
Kuala Lumpur không hề công nhận bản đồ « chín đoạn - lưỡi bò »
của Trung cộng.
Theo báo mạng Malay Mail, ngoại trưởng Anifah đã xác
định rằng cùng với các quốc gia ASEAN khác, Mã Lai không hề công nhận bản đồ đường
chín đoạn mà Trung cộng vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông vì lập luận này
không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trên cơ sở đó, ngoại trưởng Mã Lai khẳng định lập
trường của nước ông : « Không hề có yêu sách hay tranh chấp lãnh thổ chồng
lấn giữa Mã Lai và Trung cộng ở Biển Đông », mà tất cả những gì nằm
trong vùng thuộc thẩm quyền hàng hải của Mã Lai đều thuộc về Mã Lai.
Đối với ông Anifah Aman, quân đội Trung cộng quả là
có hiện diện ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất của
thế giới, nhưng không phải là trong vùng biển của Mã Lai và không ảnh hưởng trực
tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia Mã Lai.
Ngoại trưởng Mã Lai tuy nhiên đã nói thêm là « các
hành động của Trung cộng có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và thay đổi
động lực địa chính trị trên Biển Đông », vì thế chính quyền Mã Lai
luôn đặc biệt chú ý đến các diễn biến ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mã Lai đã tái khẳng định lập trường của
Kua Lumpur về Biển Đông khi trả lời chất vấn của một nghị sĩ, muốn chính quyền
giải thích chi tiết về sự hiện diện của tàu Trung cộng đã neo đậu trái phép
trong vùng biển của Sarawak của Mã Lai.
Trung cộng đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển
Đông, ngay cả đối với các khu vực gần bờ biển Mã Lai và các nước Đông Nam Á
khác (Brunei, Phi Luật Tân, Indonesia, Việt Nam) và Đài Loan.
Manila đã kiện các yêu sách của Trung cộng ra trước
một tòa án quốc tế ở La Haye vào năm 2013 và ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường
Trực ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng. Bắc Kinh đã
tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa La Haye.
Trọng
Nghĩa (RFI)
Mã Lai nâng cấp hải quân giữa tranh chấp Biển Đông
Lực
lượng tuần duyên Trung cộng áp sát ngư dân Phi Luật Tân trong vụ đối đầu tại
bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 23/9/2015.
Mã Lai chuẩn bị nâng cấp đội tàu hải quân trong lúc
sửa soạn đối mặt với đe dọa từ làn sóng IS chạy khỏi Iraq và trước các nguy cơ
từ căng thẳng Biển Đông.
Chi tiêu quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến
lên tới 250 tỷ đô la từ năm 2016 đến 2020, theo ước tính của tuần san quốc
phòng IHS Janes hồi tháng 12.
Mã Lai định cải thiện khả năng cùng với các nước
khác trong vụ tranh chấp Biển Đông dù ngân sách quốc phòng của nước này thu hẹp.
Hải quân Mã Lai nhắm thay thế toàn bộ 50 chiếc tàu
trong lúc quốc gia cắt giảm ngân sách quốc phòng chung 12,7%, khởi đầu bằng 4
tàu tác chiến ven biển (LMS) hợp tác cùng Trung cộng sản xuất.
“Các tàu LMS
này được thiết kế phục vụ nhiều khía cạnh của anh ninh hàng hải như tội phạm
xuyên biên giới, hải tặc, chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn,” tư lệnh hải
quân Mã Lai cho biết.
Ông Kamarulzaman Ahmad Badaruddin cũng nói thêm rằng
các tàu này sẽ có khả năng đương đầu với đe dọa từ IS và các quan ngại về an
ninh hàng hải khác.
Trong tuần này, Mã Lai dự kiến sẽ chính thức hóa hợp
đồng đóng 4 tàu LMS với Trung cộng tại Cuộc triển lãm hàng không-hàng hải quốc
tế Langkawi cũng như tậu về kỹ thuật để đóng thêm tàu kiểu này ở nội địa.
Hải quân Mã Lai hy vọng chung cuộc sẽ có trong tay
18 tàu tác chiến ven biển.
Mã Lai cho hay hiện đang trong giai đoạn cuối thương
lượng với hãng đóng tàu DCNS của Pháp để mở ra chương trình xây loại tàu tác
chiến ven biển cỡ lớn hơn.
Hải quân Mã Lai cũng đang tìm mua 3 tàu hỗ trợ đa chức
năng (MRSS) và tăng cường thêm 2 tàu ngầm nữa.
Nhật, Pháp tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương
Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố nước này và Pháp ủng hộ
"một trật tự hàng hải tự do và cởi mở" ở khu vực châu Á - Thái Bình
Dương.
Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh:Reuters
“Ông Francois
và tôi nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo một trật tự hàng hải tự do,
cởi mở ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiếp tục ủng hộ sự ổn định và thịnh
vượng trong khu vực”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết
trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris ngày
20/3.
Thông điệp trên được cho là nhằm vào Trung cộng, nước
đơn phương đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, gây quan ngại cho Nhật
Bản và phương Tây về việc Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự trong vùng biển
này.
Nhật Bản có kế hoạch đưa chiến hạm lớn nhất di chuyển
qua Biển Đông trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 5. Đây sẽ là lần thể hiện sức mạnh
hải quân lớn nhất của Nhật Bản từ sau Thế Chiến II. Trung cộng tuyên bố sẽ phản
ứng cứng rắn nếu Nhật Bản tạo ra rắc rối ở Biển Đông.
VnExpress
Ðánh cá là ‘vấn đề nghiêm trọng nhất’ ở Biển Ðông
Ðội
tàu đánh cá ở Ðà Nẵng, chỉ là những tàu gỗ nhỏ và ngư dân rất vất vả khi phải
hoạt động xa bờ. (Hình: Getty Images)
Trung cộng muốn Biển Ðông
là ‘cái hồ’ của họ?
Gần 4 triệu ngư dân của 10 nước đánh cá ở Biển Ðông.
Vi phạm vào vùng biển của nước khác là chuyện vẫn có từ lâu đời và những hành động
đơn lẻ ấy trước kia thường được giải quyết êm ả không rắc rối. Nhưng bây giờ
tình hình đổi khác do thái độ của Trung cộng trong chủ trương bành trướng, muốn
biến Biển Ðông thành cái hồ của nước họ.
Cuối Tháng Hai vừa qua, Bộ Nông Ngư Nghiệp Trung cộng
thông báo lệnh cấm đánh cá từ 1 Tháng Năm đến 15 Tháng Tám giữa khu vực vĩ tuyến
12 độ Bắc đến vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Từ 1999, hàng năm Trung cộng đều cấm ngư dân nước họ
và các nước khác đánh cá trong vòng 3 tháng, thời gian được coi là mùa sinh sản
của cá. Lệnh này áp dụng cho hầu hết Biển Ðông vì Trung cộng tự nhận khu vực
bên trong “đường 9 đoạn” là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Ðầu năm 2016,
Tòa Trọng Tài Quốc Tế đã bác bỏ lập luận phi lý bất hợp pháp ấy, nhưng Trung cộng
tuyên bố không chấp nhận phán quyết.
Trung cộng cũng không có quyền hợp pháp nào đối với
các đảo cách xa bờ biển nước họ hơn 200 hải lý ở Biển Ðông, nhưng thực tế là họ
đã chiếm toàn thể quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo đá ở quần đảo Trường
Sa năm 1988, rồi đóng giữ luôn và xây dựng các cơ sở vĩnh viễn trên đó.
Trong buổi họp báo ngày 1 Tháng Ba 2017, phát ngôn
viên Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ
quy định đơn phương của Trung cộng, nói rằng “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định
chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với
những vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển (UNCLOS).”
Lập luận và phản ứng ấy chỉ có tính tượng trưng, vì
lẽ yếu hơn trên tất cả mọi phương diện, phương cách đối phó với Trung cộng của
Việt Nam theo kinh nghiệm suốt lịch sử là mềm mỏng khôn khéo và linh hoạt theo
từng tình huống. Trung cộng sẽ không thay đổi chính sách và còn đe dọa đưa ngư
dân Việt Nam vi phạm ra xét xử trước tòa án Trung cộng. Ngược lại thì Việt Nam
vẫn bí mật cho Cảnh Sát Biển hộ tống bảo vệ tàu cá nhằm hạn chế phần nào hành động
tùy tiện của tàu hải tuần, hải kiểm cũng như ngư dân Trung cộng được sử dụng
làm một thứ dân quân biển.
Nguồn sống của 2 tỷ người
Tình trạng nhập nhằng như vậy có lẽ sẽ còn kéo dài
chưa biết đi đến đâu, vì không có một thỏa thuận đa phương toàn diện nào phù hợp
với luật pháp quốc tế và trên thực tế thì lý thuộc về kẻ mạnh. Ở đây Trung cộng
là nước mạnh nhất với các lực lượng hỗ trợ ngư nghiệp bao gồm tàu hải tuần, hải
kiểm, chưa kể chiến hạm hải quân. Các nước khác trong khu vực phải bảo vệ nhu cầu
và lợi ích của mình nhưng cần tránh va chạm với Trung cộng mà kết quả chắc chắn
là tổn hại.
Một tàu Hải Giám Việt Nam nhỏ bé
trước một tàu Hải Giám Trung cộng. (Hình: Getty Images)
Xưa kia, hầu hết hải sản Biển Ðông chỉ được tiêu thụ
bởi dân chúng trong khu vực. Ðến nay dân số gia tăng gần 2 tỷ người ở 10 nước
giáp Biển Ðông làm nhu cầu tiêu thụ cao hơn, đồng thời hải sản là mặt hàng đem
lại nguồn thu nhập quan trọng về xuất cảng, cho nên hoạt động săn bắt cá phát
triển mạnh hơn.
Biển Ðông rộng 3.8 triệu km2, chỉ chiếm 2.5% diện
tích mặt Trái Ðất, nhưng cung cấp tới 12% tổng lượng hải sản toàn thế giới.
Trung bình lượng cá đánh bắt mỗi năm gần đây khoảng từ 9 đến 12 triệu tấn, tăng
gấp 5 lần so với nửa thế kỷ trước, theo số liệu của Trung Tâm Ngư Nghiệp
University of British Columbia, Vancouver, Canada. Tuy nhiên trường đại học này
cũng lưu ý rằng những con số thống kê về ngư nghiệp Biển Ðông rất khó chính xác
vì không thể kiểm kê đầy đủ lượng đánh bắt bởi vô số các tàu cá hoạt động trong
phạm vi nhỏ, chưa kể việc đánh bắt lậu và trái phép.
Ðối đầu Việt-Trung gay gắt
nhất
Sự cạnh tranh đối đầu Trung cộng-Việt Nam là gay gắt
nhất trong việc khai thác hải sản Biển Ðông. Trung cộng
dẫn đầu về số lượng cá đánh bắt mỗi năm ở Biển Ðông (30-34%), tiếp theo là Ðài
Loan và Việt Nam (17-21%), Thái Lan (10-17%). Trị giá ước lượng của số
cá ấy năm 2012: Trung cộng $10 tỷ, Việt Nam $4.3 tỷ, Ðài Loan $2.7 tỷ, Thái Lan
$1.3 tỷ. Phi Luật Tân đứng hàng thứ 5 về lượng cá đánh bắt nhưng hầu hết tiêu
thụ tại quốc nội. Indonesia, với dân số 1/4 tỷ là nước lớn thứ hai trong khu vực
và có ngành ngư nghiệp quan trọng, tuy nhiên lượng cá đánh bắt trong Biển Ðông
chỉ đứng hàng thứ 6 vì họ còn có nhiều ngư trường khác quanh quần đảo từ Ấn Ðộ
Dương đến Tây Thái Bình Dương.
Trung cộng có khoảng 500,000 tàu đánh cá trong số đó
100,000 ở Biển Ðông. Việt Nam có 130,000 tàu đánh cá, hầu hết là tàu gỗ, và phạm
vi hoạt động chỉ là các ngư trường tại Biển Ðông bao gồm vùng biển Hoàng Sa,
Trường Sa và vịnh Thái Lan.
Ngư nghiệp duyên hải, cách bờ biển dưới 30 hải lý,
hiện nay suy kém rất nhiều vì đã bị đánh bắt quá mức từ nhiều năm và ô nhiễm
môi trường do hoạt động công kỹ nghệ ở những khu vực gần biển. Tình trạng ấy có
ở hầu hết bờ biển Trung cộng và gần đây tại Việt Nam với một trường hợp tiêu biểu
là Vũng Áng.
Trung cộng là một trong những quốc gia hàng đầu thế
giới về ngư nghiệp, kể cả sản lượng cũng như trị giá xuất cảng. Theo niên giám
ngư nghiệp năm 2012, lượng cá đánh bắt của Trung cộng là 13.9 triệu tấn trong
đó 1.2 triệu tấn bằng việc đánh cá viễn dương. Hạm đội đánh cá viễn dương Trung
cộng cũng hoạt động mạnh trên Biển Ðông, phối hợp với các tàu đánh cá cổ truyền.
Những tàu đánh cá nhỏ hoạt động xa bờ trong vùng phía Nam Biển Ðông như quần đảo
Trường Sa có thể chuyển cá đánh bắt được lên các tàu lớn thay vì mỗi lần phải
trở về bến. Những tàu mẹ này có đủ phương tiện bảo quản và chế biến cá tại chỗ,
chỉ về bến khi đã thu hoạch đủ một lượng lớn.
Biển Ðông đang cạn kiệt?
Tạp chí National
Geographic nói là sự cạnh tranh của 3.7 triệu ngư
dân 8 nước đánh cá trên vùng biển này, kể cả việc đánh bắt bằng những phương
pháp trái phép, khiến cho kho cá Biển Ðông đang đi dần tới cạn kiệt. Nhiều
loài cá trong số 3,365 chủng loại thuộc 263 họ, theo các nhà khoa học bây giờ
không dễ dàng đánh bắt như trước. Trung bình một tàu cá đánh bắt được 156 kg cá
trong một giờ năm 1975, đến nay chỉ còn được 50 kg. Loại cá ngừ (tuna) có tiếng
ở Biển Ðông và là nguồn lợi xuất cảng chính của Việt Nam ngày nay không còn nhiều,
và việc đánh bắt ở những ngư trường xa bờ khó khăn hơn xưa.
Tuy nhiên đến bây giờ Biển Ðông vẫn là một trong 5
khu vực đánh cá quan trọng nhất, chiếm khoảng 25% hải sản xuất cảng trên thế giới,
bao gồm cả cá nuôi ở các trại ven biển.
Trong khi những tranh chấp ở Biển Ðông tiếp tục gia
tăng và không có triển vọng giải quyết, thì một thực tế chắc chắn là trong
tương lai không xa lắm, đây không còn là nơi phong phú tài nguyên hải sản và
môi trường biển sẽ chịu nhiều tổn hại trầm trọng.
Trước đó, hàng chục triệu ngư dân ở 10 quốc gia, một
lực lượng lao động không có khả năng chuyên môn nào khác, sẽ gặp nhiều khó khăn
về sinh kế.
Hà Tường Cát/Người Việt
Trung cộng tự tin có sức mạnh ‘ăn trùm’ ở Biển Đông
Đoàn
tàu chiến Trung cộng hộ tống mẫu hạm Liêu Ninh đến tập trận trên Biển Đông hồi
đầu Tháng Giêng 2017. (Hình: AFP/Getty Images)
Trung cộng tự thấy đã đủ sức mạnh ăn trùm
trên Biển Đông mà các nước khác ám chỉ cả Mỹ cũng không thể tranh giành,
theo một bài viết của tạp chí nội bộ của Quân đội Trung cộng.
Bài viết này được hãng tin Kyodo của Nhật đề cập hôm
Thứ Hai sau nhiều lần Bắc Kinh gồm cả ông chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố không
quân sự hóa Biển Đông. Điều này cho thấy Bắc Kinh tuyên bố tuyên truyền che đậy
trong khi họ ráo riết xây dựng và võ trang cho các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường
Sa và các đảo ở quần đảo Hoàng Sa.
Tác giả của bài viết trên báo “Quân đội giải phóng”
của Trung cộng là một nhóm các sĩ quan của Hạm đội Nam Hải mà mọi người hiểu
nhiệm vụ chính yếu của họ là duy trì và bảo vệ sự hiện diện ‘ăn trùm’ của Trung
cộng trên Biển Đông.
Bài báo không giấu giếm chủ trương của Trung cộng
khi nói các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp tại quần đảo Trường Sa (cướp của Việt
Nam) đã giúp nước này đạt được lợi thế an ninh chiến lược hơn hẳn trên Biển
Đông .
“Tuy bị đe dọa
bởi các dự án này, các nước tuyên bố chủ quyền và các nước khu vực lân cận
không thể khiêu khích xung đột quân sự hoặc leo thang dẫn đến chiến tranh vì họ
được chuẩn bị quá kém.” Bài trên báo Quân đội Trung cộng viết.
Bài viết cho rằng một cuộc khủng hoảng quân sự trên
Biển Đông nhiều phần có thể xảy ra nhưng nổ lớn thành một cuộc chiến tranh hoặc
xung đột quân sự toàn diện thì nguy cơ nhỏ.
Về sự đối đầu với lực lượng Mỹ trên Biển Đông, bài
viết cho rằng trong khi Hoa Kỳ duy trì quan điểm trung lập đối với các tranh chấp
chủ quyền lãnh thổ ở khu vực thì họ cũng “thiếu cả khả năng và ý chí để giao
tranh quân sự hay khai chiến với chúng ta”.
Trong khi Trung Quuốc cũng tìm đủ cách ngăn ngừa khủng
hoảng quân sự nhưng cũng sẽ nhân có khủng hoảng xảy ra mà phản công khi bị kẻ
thù tấn công và tận dụng mọi phương tiện cần thiết để “đánh địch chỗ nào địch bị
tổn hại” và “dạy chúng bài học”.
Để duy trì thế ăn trùm ở khu vực, bài viết trên đề
nghị hai cách tiếp cận. Thứ nhất, vẽ một lằn vạch rất rõ trên cát về quản lý khủng
hoảng quân sự. Các phương tiện có thể sử dụng gồm cả việc ngăn chặn các nước
láng diềng chiếm thêm các vị trí , xua đuổi các nước khác bằng cách ngăn cấm
các hoạt động thường xuyên của họ trên biển như đánh cá hoặc dò tìm dầu khí.
Thứ hai, chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến kéo dài
hầu duy trì lợi thế chiến lược lâu dài bằng sự kiên nhẫn và có kế hoạch lâu
dài. Theo thời gian thì sức mạnh sẽ nghiêng về phía Trung cộng, bài báo đó viết.
Quân đội sẽ “chiến đấu từ phía sau lực lượng dân sự và kềm chế không bắn trước
nhưng cũng chuẩn bị để chiến đấu trường kỳ” hầu bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi
ích quốc gia.
Bài báo cho thấy chủ trương bá quyền bành trướng của
Bắc Kinh trên Biển Đông được hậu thuẫn với khả năng quân sự phát triển vượt bậc
đang giúp cho lực lượng của họ tự tin hơn, hung hăng hơn.
Tin
tức, bình luận VOA, RFA, RFI, Reuters, Người Việt, VNExpress...