YouTube và Facebook: Vấn đề Truyền Thông tại VN
Thử thách mới cho YouTube và Facebook?
Các mạng xã hội như YouTube và Facebook dường như đang gặp thử thách mới
khi chính phủ một số nước đưa ra yêu cầu phải kiểm soát nội dung do người sử dụng
đưa lên.
Bản quyền hình ảnh LIONEL BONAVENTURE/ GETTY IMAGES
Tại Anh, chính
phủ và một số hãng như báo The Guardian, kênh truyền hình Channel 4 và hãng
truyền thông BBC đã ngừng quảng cáo trên YouTube vì quan ngại những quảng cáo của
họ xuất hiện trong những video có nội dung "không phù hợp" trên kênh
này.
Văn phòng Nội
các muốn Google Inc., công ty mẹ của YouTube, đảm bảo rằng các thông điệp mà
chính phủ muốn đưa ra, sẽ phải được hiển thị "một cách an toàn và phù hợp".
Trong khi đó,
chính phủ Pakistan nói họ yêu cầu Facebook giúp điều tra những "nội dung có
tính phỉ báng" do người Pakistan đưa lên mạng xã hội này. Hồi đầu tuần này
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lên tiếng ủng hộ việc trấn áp trên diện rộng những
nội dung mang tính phỉ báng trên mạng xã hội.
Ở Việt
Nam, từ tháng Hai, chính phủ thực hiện chiến lược mới để gây sức ép với các
doanh nghiệp hoạt động trong nước, đồng thời với YouTube và Facebook để đòi gỡ
bỏ những clip có nội dung 'độc hại' chống nhà nước. Kết quả là nhiều thương hiệu lớn trong nước và quốc tế
ở Việt Nam đã cam kết tạm ngừng quảng cáo trên YouTube.
Gây áp lực thông qua hoạt động quảng cáo
Chuyện các chính
phủ phàn nàn với Google và Facebook về những nội dung được phát hành trên mạng
không phải là điều mới.
Tuy nhiên, các
chuyên gia trong ngành cho rằng hiếm khi có một nhà nước gây sức ép với họ qua
những doanh nghiệp đặt quảng cáo như trường hợp ở Việt Nam.
Liên minh
Internet Á Châu (Asia Internet Coalition), là tổ chức mà cả YouTube và Facebook
đều là thành viên, nói Việt Nam và các doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều nhờ
tiếp cận Internet.
"Điều tối quan trọng cho Chính phủ Việt Nam là bảo
vệ tính chất mở của mạng internet, và xây dựng những điều khoản phù hợp để khuyến
khích đầu tư và ủng hộ cải tiến," hãng Reuters dẫn lời ông Jeff Paine, giám đốc điều
hành của tổ chức này.
Bộ trưởng Thông
tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chiều 16/3 yêu cầu các doanh nghiệp,
thương hiệu lớn ngừng quảng cáo trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác
cho đến khi các hãng này tìm được giải pháp để chặn được những clip có nội dung
"độc hại" chống nhà nước.
Bản quyền hình ảnh DAN KITWOOD/GETTY IMAGES Image
caption Facebook và Google chiếm hơn 70% thị phần quảng cáo trên mạng ở Việt
Nam
Đại diện các
doanh nghiệp có quảng cáo trên Youtube như Vinamilk,
Vietnam Airlines, Unilever, Honda, Ford... đã cam kết sẽ tạm ngừng quảng cáo
trên YouTube và Facebook cho đến khi các mạng này tìm được giải pháp để
xử lý tình trạng này, hãng tin Reuters cho hay.
Các quảng cáo
trên YouTube được một hệ thống máy tính chọn qua thuật toán để hướng vào nhóm
khán giả thích hợp. Các công ty đăng quảng cáo thường không biết hoặc không có
kiểm soát trực tiếp về những video clip mà các quảng cáo xuất hiện kèm.
Theo con số của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho đến ngày 15/3, có hơn 8.000 clip có nội dung 'phản động'
với 500 triệu lượt xem trên YouTube, nhưng Google mới chỉ chặn, không
cho 42 clip xuất hiện ở thị trường Việt Nam thay vì gỡ bỏ hoàn toàn. Những
clip này vẫn có thể tiếp cận được từ nước ngoài.
"Hôm nay chúng tôi kêu gọi tất cả các doanh nghiệp
không tiếp tay cho họ nhận phí quảng cáo của các hãng để chống lại chính phủ Việt
Nam," Bộ trưởng Tuấn
được truyền thông dẫn lời nói tại cuộc họp.
"Chúng
tôi cũng kêu gọi tất cả người sử dụng Internet lên tiếng với Google và Facebook
để ngăn chặn những nội dung độc hại, bôi nhọ vi phạm pháp luật Việt Nam trên
môi trường trực tuyến."
Thư phản hồi chính thức Google gửi các cơ quan truyền thông có đoạn viết: "Chúng tôi có những
chính sách rõ ràng đối với yêu cầu gỡ bỏ video của các chính phủ trên toàn thế
giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi những nội dung
mà họ cho là bất hợp pháp bằng thủ tục chính thức. Nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ
hạn chế những nội dung này sau khi xem xét kỹ lưỡng."
Facebook hiện chưa có phản hồi.
BBC Tiếng Việt
Cộng Sản Việt Nam cố diệt ‘thông tin độc hại’
Cộng Sản Việt Nam tức tối vì không thể bưng bít hết
“thông tin độc hại” tràn lan trên mạng xã hội nên cố ép tất cả các nhà sản xuất
hay dịch vụ ngừng quảng cáo để làm áp lực.
(Hình minh họa: Getty
Images)
Hôm Thứ Năm, 16
Tháng Ba, Bộ Thông Tin và Truyền Thông thúc ép tất cả
những công ty sản xuất hay dịch vụ làm ăn tại Việt Nam chấm dứt quảng cáo trên
YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác.
Không áp lực trực
tiếp được các mạng xã hội nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chế độ, họ phải tìm cách
cắt nguồn lợi tức từ dịch vụ quảng cáo đem đến.
Tham dự trong cuộc
họp hôm Thứ Năm, những đại công ty như Unilever (buôn bán lẻ), hãng xe hơi
Ford, hãng xe gắn máy Yamaha Motor phải chấp nhận ngừng quảng cáo trên YouTube.
Tháng
trước, chính quyền ép các nhà quảng cáo kinh doanh tại Việt Nam, áp lực trực tiếp
chủ nhân của mạng YouTube là công ty Google gỡ bỏ các “thông tin xấu độc” trên
YouTube. Các cuộc biểu
tình chống công ty Formosa hủy hoại môi trường, ngư dân đòi biển đòi cá, công
an đánh dân, dân khiếu kiện đòi trả lại đất canh tác, công an nắm tóc kéo phụ nữ
trên phố, công an còng phụ nữ vào cửa sổ rồi đạp trên đầu, và rất nhiều tin nữa
bị liệt vào danh sách “thông tin xấu độc” trên YouTube.
Những thứ thông
tin thời sự này xuất hiện nhanh chóng trên Facebook
và Youtube khi sự việc vừa xảy ra, nhiều khi là còn đang diễn ra. Nó là người
thật việc thật phơi bày thực trạng xã hội Việt Nam, tố
cáo một chế độ cai trị đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, phản dân chủ, nên
Hà Nội thấy cần phải bưng bít.
Trong cuộc họp
này, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, kêu rằng dù
có lời đòi hỏi thúc ép của nhà cầm quyền, kết quả họ đạt được quá nhỏ bé. Trong khoảng 8,000 video clip “xấu độc” đối với chế độ thấy
trên YouTube mà chính quyền muốn gỡ hết, công ty Google chỉ đồng ý gỡ có 42
clip, ông Tuấn kêu ca.
“Hôm nay, chúng
tôi kêu gọi tất cả những công ty ở Việt Nam đang quảng cáo (trên các mạng xã hội)
không giúp cho họ dùng tiền quảng cáo của quý vị để chống lại chính quyền Việt
Nam,” ông Tuấn được hãng thông tấn Reuters thuật lời nói trong cuộc họp
báo.
Ông nói thêm rằng:
“Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai sử dụng
Internet lên tiếng với Google và Facebook để ngăn chặn thông tin “độc hại” chống
nhà nước Việt Nam.”
Hành động này được đánh giá như một trắc nghiệm
xem một chế độ độc tài toàn trị như tại Việt Nam có thể tạo áp lực gián tiếp
nhưng hữu hiệu đến đâu đối với các công ty dịch vụ thông tin điện tử toàn cầu vốn
bị quyền tự do phát biểu, tự do thông tin theo những tiêu chuẩn phổ quát của thế
giới, ràng buộc, và các nhà cung cấp dịch vụ sẽ chấp nhận đến đâu khi dính tới
lợi ích tài chính của mình.
Trước đây, sau một số vụ kiểm duyệt, loại bỏ một số
clip và bị dư luận chống đối, YouTube
từng cho hay họ có một “chính sách rõ ràng” về việc nhà cầm quyền muốn
(YouTube) kiểm duyệt loại bỏ nhưng “chúng tôi chỉ ngăn chặn nội dung (của clip) nếu sau khi đã
xem xét kỹ lưỡng và thấy cần thiết.”
Công ty Facebook
chưa thấy có phản ứng gì về áp lực với các nhà quảng
cáo tại Việt Nam. Mấy tháng trước, Facebook đã phải phục hồi trở lại tấm
hình “cô gái Napalm” nổi tiếng của Nick Út bị gỡ bỏ, lấy cớ khiêu dâm, không
thích hợp. Tấm hình này minh họa cho một bài viết của một người có trang mạng
Facebook tại Na Uy. Tờ báo lớn nhất của Na Uy viết bình luận vụ kiểm duyệt tấm hình
và nữ thủ tướng nước này cũng lên tiếng chê trách Facebook.
Hiến Pháp CSVN công nhận người dân có đầy đủ các quyền
tự do thông tin, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và biểu tình,
nhưng lại có những điều luật hình sự quy chụp người dân các tội “Tuyên truyền
chống nhà nước…,” “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ…,” thậm chí “Gây rối trật
tự công cộng…” Các điều luật này bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các
chính phủ tây phương đả kích là mù mờ, chỉ nhằm siết chặt các quyền tự do căn bản
của người dân.
Người
Việt