Anh
Vũ (RFA)
Người dân đặt chướng ngại vật trên một
con đường vào xã Đồng Tâm. Ảnh chụp hôm 20/4/2017. AFP photo
Ở VN, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống
nhất quản lý. Trong cơ chế Kinh tế Thị trường, khi đồng tiền có thể chi phối được
tất cả thì đây là một lỗ hổng cực kỳ nghiêm trọng của Luật Đất đai hiện nay.
Người dân nổi giận
Trong những ngày vừa qua, vụ việc người dân xã Đồng
Tâm, Mỹ Đức – Hà Nội, bắt giữ 38 cán bộ và nhân viên CSCĐ là tâm điểm của dư luận
xã hội.
Cũng như các vụ việc trước đây đã xảy ra ở Tiên
Lãng, Văn Giang, Cồn Dầu v.v… thì vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội hôm nay
cũng chỉ là một vụ việc rất nhỏ nằm trong sự bất cập của chính sách sở hữu đất
đai hiện nay.
Trong một tâm trạng bức xúc, ông Hùng, một người dân
ở Quận Tây Hồ, Hà Nội, là nạn nhân của chính sách đất đai lên tiếng:
“Cuộc sống của chúng tôi từng tồn tại đã
rất nhiều năm, không thể cho phép chính quyền có thể cướp đất của chúng tôi.
Chính trên mảnh đất này đã có bao nhiêu thế hệ trong gia đình tôi đã sinh ra. Sao
lại thu hổi, nếu thế về mặt luật pháp chúng tôi chưa đủ tư cách theo Luật đất
đai chứ gì? Như vậy là nhà nước thiếu trách nhiệm”.
Theo Luật đất đai năm 2013, khẳng định đất đai thuộc
sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước
về đất đai.
Trước phản ứng của dư luận xã hội cho rằng, vụ việc ở
xã Đồng tâm, huyện Mỹ Đức Hà Nội, trong những ngày vừa qua đã cho thấy sự sai lầm
của Luật Đất đai năm 2013. Đó là, dù là luật pháp khẳng định đất đai thuộc sở hữu
của toàn dân, nhưng trên thực tế người dân không có quyền sở hữu, mà chỉ có quyền
sử dụng. Do vậy, đất đai của họ có thể bị cướp bất kỳ lúc nào. TS Nguyễn Quang
A, Nguyên Viện trưởng Viện IDS nhận xét:
“Chính sách đất đai thuộc sở hữu của
toàn dân là một vấn đề hết sức sai lầm của Đảng CSVN và lâu nay người ta đã đặt
vấn đề phải xóa bỏ chính sách sai lầm này của họ đi. Rất đáng tiếc là các lãnh
đạo Đảng CSVN kiên quyết bảo vệ chính sách sai lầm đó. Mà không biết rằng nó là
nguyên nhân sâu xa nhất, gốc rễ nhất, cơ bản nhất để gây ra tham nhũng, bất ổn
xã hội và các cuộc khiếu kiện trong hàng chục năm nay. Biểu hiện trong những
ngày vừa qua tại xã Đồng tâm, huyện Mỹ Đức chỉ là một biểu hiện nổi bật trong
muôn vàn các hiện tượng trong mấy chục năm qua mà thôi.”
Lý giải nguyên nhân vì sao cả xã Đồng tâm, huyện Mỹ
Đức Hà Nội, hơn 6.000 người dân phải thề “giữ đất đến chết?” Trên trang
facebook cá nhân, Giáo sư Mạc Văn Trang đã chỉ ra các bất cập trong chính sách
quản lý đất đai hiện nay ở VN. Theo ông, việc các nhóm lợi ích cấu kết với các
quan chức tha hóa - đại diện nhà nước, người thay mặt toàn dân quản lý và phân
bổ đất đai. Đây là lỗ hổng cực kỳ nghiêm trọng của Luật Đất đai của VN trong cơ
chế Kinh tế Thị trường, khi đồng tiền có thể chi phối được tất cả.
Ông bình luận
rằng:
“Ở đây có nhiều khuất tất, phi lý. Các
doanh nhân và số quan chức ký kết dự án với nhau thì làm giàu bất chính trên
lưng người dân khốn khổ. Không những thế, người dân còn bị đàn áp, tù đầy, oan ức.
Kinh doanh theo cơ chế thị trường, thì phải thương thảo “thuận mua, vừa bán” chứ!
Tại sao CAND, CSCĐ, thậm chí có lúc cả quân đội nữa lại đi đàn áp dân để “giải
tỏa”, “cưỡng chế” đất đai của dân, dâng cho các doanh nghiệp và các doanh
nhân?”
Chính sách sai lầm
Phân tích về thủ đoạn của các nhà lãnh đạo VN trong
việc cố tình duy trì chính sách đất đai hiện nay, điều mà theo TS Nguyễn Quang
A là thứ chính sách “phản động, hại dân”, ông nhận xét:
“Trước khi nắm được chính quyền cần lực
lượng nhân dân họ đưa ra chính sách “Người cày có Ruộng”, đến khi nắm được
chính quyền rồi thì họ tước đoạt cái quyền đó của người nông dân. Với chính
sách đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, mà nhà nước là ai? Đó
chính là những người lãnh đạo ấy, rồi để họ cướp đất tư của người dân thành đất
của họ đẻ họ biến đất công thành đất tư. Đấy là một lỗ hổng khủng khiếp, mà bất
kể xã hội nào nói là chăm lo cho dân không thể chấp nhận được.”.
TS Nguyễn Quang A cũng cho biết thêm, đây không chỉ
là sự bất cập đơn thuần trong chính sách, mà còn là sự đe dọa tới sự tồn vong của
đảng cầm quyền và chế độ. Điều đó theo ông sẽ buộc họ sẽ phải sửa đổi. Ông cảnh
báo:
“Người VN có câu “Con giun xéo mãi cũng
quằn”, người dân dẫu bị lừa mị thế nào cuối cùng họ cũng phát hiện ra sự thật.
Và người ta sẽ phải cất lên tiếng nói, rồi người ta sẽ đứng lên đấu tranh. Và
tôi nghĩ rằng đây là điểm yếu chí tử của Đảng CSVN, nếu họ muốn tồn tại thêm một
thời gian nữa thì thì dứt khoát họ phải xóa bỏ chính sách này. Nếu không cái
chính sách phản dân này sẽ bị nhân dân dẹp và rồi nhân dân cũng sẽ dẹp cả sự tồn
tại của đảng Cộng sản nữa.”
Theo TS Nguyễn Tấn Phát, Đại học Quốc gia TP. Sài Gòn, thấy
rằng, chính sách quản lý đất đai hiện nay có vấn đề mâu thuẫn và xung đột trong
lợi ích giữa các đối tượng trong xã hội. Đồng thời là nguyên nhân chủ yếu gây
nên các chính sách bất cập trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển
nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của
nông dân. Thách thức của những bất cập đó là nghiêm trọng, đòi hỏi Nhà nước cần
xem xét, thay đổi các chính sách phù hợp với thực tiễn.