25.05.2017

Chờ mòn mỏi “món nợ” Luật Biểu Tình

Chờ mòn mỏi “món nợ” Luật Biểu Tình

Lan Hương (RFA)
Công an ngăn cản người dân biểu tình chống Trung cộng ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 7 năm 2016.  AFP photo

Một số đại biểu Quốc hôi tại phiên thảo luận hôm 23 tháng 5 tiếp tục có ý kiến về việc chính phủ Hà Nội trì hoãn trình Luật Biểu tình.

Nguyên nhân vì sao và người dân liệu có thể thực thi quyền biểu tình khi chưa có luật cụ thể hay không?


Tại phiên thảo luận sáng ngày 23/5, kỳ họp thứ 3, quốc Hội khóa XIV, đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh là luật biểu tình chưa được Chính phủ quan tâm, ông có nhắc đến vấn đề hiện nay là quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định nhưng luật chưa có nên người dân không biết thực thi như thế nào cho đúng.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Dương Trung cộng nói rằng một trong những mặt hạn chế trong xây dựng luật nói chung và luật biểu tình nói riêng là do Quốc hội giao phó cho Chính phủ mà không có sự tham gia của đại biểu.

Không muốn tạo điều kiện cho dân biểu tình?

Nói với đài RFA, ứng cử viên Quốc hội Nguyễn Trang Nhung nhận định rằng nguyên nhân luật Biểu tình chưa được trình cho Quốc hội vì bị cho là vấn đề nhạy cảm. Nếu có một hành lang pháp lý cho người dân để biểu đạt quyền này, theo cô, Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát người dân khi đi biểu tình:

Tất nhiên đây là quyền hiến định, là quyền mà người dân đương nhiên có được ngay cả khi không có luật biểu tình. Tuy nhiên nếu có luật biểu tình thì người dân sẽ thực hiện một cách dễ dàng hơn. Lúc này, nhà nước sẽ không thể dùng các biện pháp để ngăn cản như trước đây ví dụ như công an ngăn cản với lý do gây rối trật tự công cộng.

Trong khi đó luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do chuẩn bị chưa thấu đáo và một số ý kiến trao đổi với ông rằng Nhà nước lo sợ nếu ban hành luật này có thể sẽ không thể kiểm soát được tình hình:

Theo mạng lưới thông tin toàn cầu thì luật biểu tình Việt Nam đưa ra cũng phải phù hợp với các nước trên thế giới. Nhưng nếu để họ thực hiện quyền biểu tình một cách tự do như vậy, có thể sẽ xảy ra một số cuộc biểu tình lớn không kiểm soát được.

Cũng tại phiên thảo luận sáng 23/5, nhiều đại biểu khác cũng yêu cầu làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao Quốc hội yêu cầu khẩn trương soạn thảo luật Biểu tình nhưng đến bây giờ Chính phủ vẫn chưa có động tĩnh gì.

Trước đó tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội hôm 22/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói là dự án luật Biểu tình do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã đến giai đoạn chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết dự luật biểu tình chưa được đưa vào chương trình làm việc của QH từ nay đến hết năm 2017.

Luật sư Ngô Ngọc Trai từng nói với đài RFA rằng ông không đồng tình với việc Chính phủ chần chừ khi ban hành luật biểu tình vì người dân cần luật này để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia đấu tranh. Nghệ sĩ Kim Chi lại cho rằng nếu có luật biểu tình thì chính quyền sẽ không còn ngang nhiên đến bắt bớ, đánh đập, khủng bố người biểu tình được nữa.

Có được biểu tình khi chưa có luật?

Người dân Hà Nội biểu tình chống lại tập đoàn Formosa Đài Loan hôm 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Theo cô Trang Nhung, mặc dù chưa có luật biểu tình nhưng người dân vẫn được quyền tham gia biểu tình bởi vì đây là quyền được quy định trong hiến pháp. Tuy nhiên, cô cũng giải thích một số hạn chế:

Lúc này hành vi biểu tình của người dân sẽ không được điều chỉnh bởi vì luật biểu tình chưa có, mà sẽ được điều chỉnh bởi các luật, văn bản dưới luật khác quy định về hành vi liên quan đến biểu tình. Chẳng hạn như hành vi tụ tập, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng,.. Lúc đó người dân sẽ phải chịu trách nhiệm với các hành vi vi phạm pháp luật đó.

Nhiều người tham gia biểu tình, đặc biệt là các cuộc biểu tình phản đối nhà máy Formosa xả hóa chất độc hại ra biển đã bị bắt giữ, hoặc hành hung đến trọng thương bởi những người mặc thường phục mà dân cho là an ninh. Điển hình gần đây anh Hoàng Đức Bình đã bị công an bắt giữ tại Nghệ An với cáo buộc vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích quốc gia, theo điều 258 bộ luật hình sự.

Luật sư Trần Quốc Thuận giải thích rằng hiện tại pháp luật về biểu tình chưa có nên việc biểu tình xét về pháp lý là chưa phù hợp:

Bởi vì trong Hiến pháp họ có viết thêm phần đuôi, tức là quyền biểu tình, lập hội phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nhưng hiện tại chưa có pháp luật quy định thì các quyền đó chưa thể triển khai thực hiện được. Đó là cách hiểu theo hiến pháp và luật của Việt Nam.

Trong cuộc họp báo hôm 19/5 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV , Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định rằng mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền biểu tình, lập hội nhưng dự án Luật Biểu tình trình lên Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng nên cần hoàn thiện.

Theo quan điểm của cô Trang Nhung, để luật biểu tình đạt chất lượng thì cần đảm bảo những yếu tố cơ bản nhất là bảo vệ quyền biểu tình của người dân, chứ không phải hạn chế quyền đó. Ngoài ra theo cô, người làm luật cần tham khảo các quốc gia dân chủ trên thế giới và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.

Biểu tình là quyền công dân được Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp 2013 quy định nhưng chưa được Quốc hội soạn thảo thành luật chính thức.