Nhiều tổ chức kêu gọi ký tên bản tuyên bố chủ quyền biển
đảo
Hải
Quân Việt Nam ở Trường Sa. (Hình: vasi.gov.vn)
Hơn 10 đoàn thể và hơn 50 cá nhân đại diện
cho công dân và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam vừa cùng ký tên cho Bản
Tuyên Bố Về Chủ Quyền Biển Đảo Quốc Gia Việt Nam.
Lý do, theo bản tuyên bố này, lần đầu tiên một lãnh
đạo Trung cộng – Tướng Phạm Trường Long
– sang Việt Nam tuyên bố công khai, trực tiếp với lãnh đạo Cộng Sản rằng “vùng lãnh hải biển
Nam Hải là thuộc chủ quyền Trung cộng từ thời cổ đại,” điều mà Chủ Tịch
Tập Cận Bình đã phát biểu tại Singapore sau khi rời Việt Nam, mà không dám nói
khi còn ở Việt Nam.
Phát ngôn của ông Long cho thấy lập trường
bành trướng của Trung cộng đã tiến thêm một bước khiêu khích mới, đe dọa chủ
quyền Việt Nam.
Chính vì vậy, nhà văn Nguyên Ngọc, đại diện Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam; Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, diễn đàn Xã Hội Dân Sự;
Giáo Sư Phạm Xuân Yêm và Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, diễn đàn Bauxite Việt Nam;
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, giám
mục Giáo Phận Vinh; Giáo Sư Đào
Công Tiến, cựu hiệu trưởng Đại Học Kinh Tế Sài Gòn; nhà báo Tống Văn Công, cựu tổng biên tập báo
Lao Động… cùng ký tên và tuyên bố:
1-Phản bác và lên án các hành vi xâm lược lãnh hải, lãnh thổ Việt
Nam của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang diễn ra. Dù bất cứ tình
huống nào, sự đánh trả của nhân dân Việt Nam để bảo vệ đất nước là tất yếu.
2-Nhân dân Việt Nam đồng lòng, đoàn kết, gác bỏ mọi khác biệt và ủng
hộ tất cả các nhà nước của quốc gia Việt Nam ở mọi thời kỳ, trong cùng lập trường
bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống mọi hành động xâm lược.
-Tại hội nghị quốc tế San Francisco, Mỹ, 1951, Thủ
Tướng Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Trần Văn Hữu khẳng định quần đảo Hoàng Sa và
quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam, và được hội nghị công nhận.
-Chính phủ VNCH (miền Nam), 1974, đã chiến đấu quyết
liệt chống quân Trung cộng xâm lược Hoàng Sa, tuy thất bại nhưng tinh thần
không khuất phục.
-Chính phủ CHXHCN Việt Nam, sau khi thống nhất đất
nước, dưới thời Tổng Bí Thư Lê Duẩn, năm 1979 đã tiến hành cuộc đánh trả oanh
liệt cuộc xâm lăng sáu tỉnh miền Bắc Việt Nam. Tuy Việt Nam chưa giành lại được
sáu đảo ở Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa còn bị Bắc Kinh chiếm đóng, nhưng năm
2011 trước Quốc Hội, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp tục khẳng định chủ quyền
của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa. Chính phủ Việt Nam cũng có những tuyên bố
khác có nội dung thống nhất như trên. Và Quốc Hội đã công khai thừa nhận là Việt
Nam chưa hoàn thành nhiệm vụ lịch sử khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ.
3-Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhận và tri ân các thế hệ quân đội thuộc
các thời kỳ, đã chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc, để chống các loại giặc ngoại
xâm bất cứ từ đâu đến và dưới màu sắc nào.
4-Cải thiện nội trị là điều khẩn thiết để có nội lực hùng mạnh bảo
vệ tổ quốc chống ngoại xâm. Các tầng lớp nhân dân đang phấn
khích, ủng hộ và theo dõi xu thế làm trong sạch bộ máy nhà nước, và cải tổ về mọi
lãnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, quốc phòng, tư pháp. Đặc biệt, canh tân quân
đội, từ bỏ sự sa đà vào lợi ích nhóm bất chính, chấn chỉnh hệ thống hành chánh
quan liêu, diệt trừ tham nhũng. Và quan trọng hơn hết là từ bỏ hệ tư tưởng lạc
hậu ảo tưởng, sửa Điều 4 Hiến Pháp nhằm hiệu chính vai trò của Quốc Hội, tăng
cường sức mạnh đoàn kết của nhân dân, thực thi nền dân chủ cho kịp đà tiến của
thời đại.
Tổ quốc là trên hết, gác lại quá khứ, chấp nhận khác
biệt.
Chúng tôi kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức
xã hội dân sự, các thành viên trong bộ máy nhà nước, cùng đồng bào Việt Nam ở
nước ngoài, ủng hộ tuyên bố này.
Chúng tôi kêu gọi nhân dân các nước ủng hộ cuộc đấu
tranh chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam theo công ước quốc tế,
góp phần bảo dưỡng môi trường tài nguyên vùng biển, bảo đảm tự do hàng hải và
hàng không ở Biển Đông.
Xin ký tên ủng hộ bản tuyên bố này qua địa chỉ: biendongtuyenbo@gmail.com