„Chính
quyền có chính danh tức là việc cầm quyền của họ là phù hợp, thích đáng trong
suy nghĩ của người dân, và vì thế người dân chấp nhận phục tùng chính quyền ấy.“
Làm sao để từ nhà cầm quyền trở thành chính quyền?
Trong đời sống, người Việt ta có câu “danh có chính thì ngôn mới thuận”, để
nói về sự cần thiết phải có tính chính danh, trước khi bảo được người khác nghe
theo thì ta phải chính danh cái đã. Trong câu chuyện quyền lực, tính chính danh càng quan trọng hơn nữa. Nó
là gì vậy?
Vì ta thường nghe nói đến khái niệm “bào mòn tính chính danh của kẻ cầm quyền”,
nên nhiều người trong chúng ta có thể tưởng nhầm rằng chính danh là một đặc điểm,
một phẩm chất của nhà cai trị.
Nhưng thật ra, chính danh lại
không phải là thuộc tính của nhà cai trị, mà lại là một đặc điểm do dân chúng
(người bị trị) gán cho người cầm quyền.
Các nhà khoa học chính trị định nghĩa tính chính
danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền
lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp,
và vì thế dân chúng phải phục tùng. Chính quyền có
chính danh tức là việc cầm quyền của họ là phù hợp, thích đáng trong suy nghĩ của
người dân, và vì thế người dân chấp nhận phục tùng chính quyền ấy.
Như vậy nghĩa là, một nhà lãnh đạo có chính danh hay
không là do dân chúng có công nhận rằng việc nhà lãnh đạo đó nắm quyền lực nhà
nước là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, tóm lại là “phải đạo”, hay không.
Nhiều chính quyền ở khối cộng sản Đông Âu cũ,
như Đông Đức, Ba Lan, Hungary, mặc dù trên danh nghĩa được thành lập hợp pháp
thông qua các cuộc bầu cử, song một khi đã hết tính chính danh – tức là không
còn được số đông dân chúng ủng hộ, đã lần lượt sụp đổ vào cuối thập niên 80 của
thế kỷ trước.
Ba con đường để có tính
chính danh
Theo nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920),
có ba cách [2] để một tổ chức có được tính chính
danh và trở thành chính quyền – nghĩa là quyền lãnh đạo của họ được dân chúng
thừa nhận: 1. Nhờ truyền thống (cha truyền con nối); 2. Nhờ có sức hấp dẫn của
lãnh tụ; 3. Nhờ được thành lập hợp pháp và hợp lý.
Trước hết là tính chính danh
có được nhờ truyền thống để lại. Đây là trường hợp các
chính thể, các vương triều cha truyền con nối. (Anh, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha,
Morocco [Ma-rốc], Saudi Arabia [Ả-rập Xê-út], Kuwait [Cô-oét], Thái Lan…). Những
chính quyền này được coi là có tính chính danh bởi vì chúng được công nhận từ
lâu trong lịch sử, hay nói cách khác, tính chính danh của chúng được truyền lại
từ các triều đại trước. Người dân ở những xã hội này
chấp nhận chính thể đương thời bởi vì chính thể ấy đã cầm quyền từ lâu, thành
truyền thống, và không ai còn đặt vấn đề phải xem xét lại hay phá bỏ
truyền thống ấy.
Thứ hai là tính chính danh có
được nhờ có lãnh tụ kiệt xuất. Đây
là trường hợp những chính thể được công nhận chính danh nhờ vào sự hấp dẫn của
một cá nhân nào đó được công chúng sùng bái, và cá nhân đó đóng vai trò lãnh tụ,
lãnh đạo trong chính thể đó. Ví dụ như các chính quyền Napoleon (Pháp),
Mussolini (phát xít Ý), Hitler (Đức quốc xã), Fidel Castro (Cuba cộng sản),
Khomeini (Hồi giáo Iran), Lenin, Staline (Liên Xô), Mao Trạch Đông (Trung Quốc
cộng sản), dòng họ Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên), và Hồ Chí Minh (Việt Nam),
v.v.
Những chính quyền như vậy có được tính chính danh nhờ
việc họ có một gương mặt cá nhân nào đó có sức hấp dẫn to lớn đối với dân
chúng, được ngợi ca bởi công đức trời biển, được tôn vinh như “tiên đế”, “cha
già dân tộc”, “khai quốc công thần”. Chừng nào nhân vật ấy còn được sùng bái,
chừng đó chính thể còn có tính chính danh, và ngược lại, khi sự sùng bái của
người dân đối với lãnh tụ kiệt xuất bị suy giảm thì khi ấy, tính chính danh của
chính thể bắt đầu lung lay. Đến khi lòng kính trọng, tin yêu của dân chúng đối
với lãnh tụ hoàn toàn chấm hết, thì chế độ không còn lý do để tồn tại.
Đó là lý do vì sao các chính quyền cộng sản như Liên
Xô, Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung cộng, Việt Nam… phải sống chết bảo vệ hình ảnh
vị “cha già dân tộc” của mình, kể cả hàng chục năm sau khi ông ta mất. Ở những
xã hội này, sự kính trọng, tin yêu đối với lãnh tụ được xem như đạo đức, như một
phẩm chất tốt đẹp. Nói xấu, phỉ báng lãnh tụ bị coi là trọng tội và bị pháp luật
trừng phạt.
Trên thực tế, sùng bái cá nhân đã chỉ đưa
đến và củng cố chế độ độc tài và nô lệ. Không xã hội nào tiến bộ về đạo đức và
văn hóa chính trị nhờ việc dân chúng sùng bái lãnh tụ.
Thứ ba là tính chính danh có
được một cách hợp pháp và hợp lý. Đó là những chính quyền
có được tính chính danh nhờ: được thành lập một cách hợp pháp, hợp lý; có hiến
pháp, luật pháp giới hạn quyền lực của nhà nước để không xâm phạm vào tự do của
người dân; có nhà nước pháp trị, tam quyền phân lập, các chức vụ nhà nước đều
có nhiệm kỳ và được bầu cử công bằng, tự do.
Tất nhiên, như các bạn có thể thấy, các chính thể đều
sẽ tự nhận mình là “chính danh nhờ hợp
pháp và hợp lý”. Chẳng một chính thể nào lại nhận mình “cướp chính quyền” và không có tính chính
danh.
Thời nay: Kinh tế, quốc
phòng quyết định
Max
Weber đưa ra lý thuyết của ông về ba kiểu chính quyền có
tính chính danh trong một tiểu luận xuất bản vào năm 1922. Tiểu luận rất nổi tiếng
và lý thuyết của ông có ảnh hưởng từ đó đến nay. Về sau này, các học giả mới bổ
sung thêm một kiểu chính danh nữa, đó là chính danh có
được nhờ đạt thành tựu về kinh tế và/hoặc đạo đức cũng như năng lực bảo vệ chủ
quyền quốc gia.
Bạn có thấy “nghe quen quen” không? Rất quen là đằng
khác, bởi vì một nhà nước điển hình cho cách xây dựng tính chính danh kiểu này
là láng giềng của Việt Nam, chung ý thức hệ cộng sản với Việt Nam: Trung Hoa lục địa.
Khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thiết lập
được chính quyền (năm 1949), tính chính danh của nó có được nhờ những hứa hẹn với
người dân về một đất nước hùng mạnh, xã hội cộng sản bình đẳng, quan chức trong
sạch không tham nhũng, dân chúng ai nấy đều có việc làm ổn định và được bảo đảm
về lương thực thực phẩm, y tế, giáo dục… Dần dần về sau, những thành tựu kinh tế
nổi bật, một nền quốc phòng mạnh đủ làm khu vực và thế giới khiếp sợ, trở thành
cơ sở chủ yếu để nhà cầm quyền Bắc Kinh tạo và giữ được tính chính danh với
nhân dân. Người dân Trung Hoa cần những cái cớ để tự hào về đất nước, để
lòng tự hào dân tộc của họ được ve vuốt, và có vẻ như đảng Cộng sản Trung Hoa cầm
quyền đã giúp họ có được và duy trì những cớ đó. Đổi lại, dân chúng sẽ trung
thành với chế độ và chấp nhận hy sinh một số quyền dân sự và chính trị.
Tuy thế, thành tựu kinh tế
và sức mạnh quốc phòng có thể làm nên tính chính danh của một nhà nước thì cũng
có thể làm cho tính chính danh ấy bị bào mòn, thậm chí bị xóa sạch, đến mức nhà
nước phải sụp đổ. Khi nào kinh tế Trung cộng sa sút, bất bình đẳng xã hội
gia tăng, quân đội Trung cộng thất bại trước một đối thủ nào đó… thì Bắc Kinh mất
chính danh. Cần nhớ rằng, kinh tế suy thoái, phúc lợi xã hội không đảm bảo, chất
lượng sống thấp kém, cũng là những yếu tố dẫn đến việc mất tính chính danh của
các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu ngày trước. (Trong khi đó, họ lại không
có vị lãnh tụ kiệt xuất nào như Lenin hay Stalin của Liên Xô).
Xây dựng tính chính danh
Chúng ta đã biết rằng tính chính danh về bản chất
là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội.
Như vậy có nghĩa là, về bản chất, chính quyền có tính
chính danh là bởi vì dân chúng tin rằng chính quyền ấy cầm quyền là đúng.
Điều này cũng hàm ý: Quan trọng là niềm tin; một chính quyền muốn tạo ra và duy
trì tính chính danh thì phải làm cho dân chúng có niềm tin ấy.
Bằng cách nào? Có thể bằng bạo lực, đe dọa và khủng
bố, để ép người dân phải tin “chính quyền này mạnh lắm và họ cầm quyền là
đúng”. Cũng có thể bằng tuyên truyền, lừa dối. Hoặc kết hợp cả hai: bạo lực và
tuyên truyền. Nhà khoa học chính trị danh tiếng David Beetham từng viết rằng: “Chính quyền có thể sử dụng tuyên truyền, quảng cáo, PR để tạo
ra và/hoặc làm tăng tính chính danh cho mình… Một chính quyền có chính danh hay
không là do chính quyền đó tuyên truyền giỏi đến đâu mà thôi”.
Nhìn chung, chúng ta có thể nói: Tà quyền dùng bạo lực
và tuyên truyền để có được niềm tin của dân chúng, từ đó xây dựng và củng cố
tính chính danh. Còn chính quyền thì sẽ xây dựng chính danh qua cách thứ ba –
chính danh nhờ hợp pháp và hợp lý – hoặc cách thứ tư – đạt những thành tựu kinh
tế, quốc phòng vượt trội so với khu vực và thế giới. Song ngay cả cách thứ ba,
thứ tư này cũng phải được kết hợp chặt chẽ, khéo léo với truyền thông chính trị
hay là tuyên truyền.
Chú thích:
[1] Bài
viết lược trích từ một chương trong tác phẩm “Chính trị bình dân” (Phạm Đoan
Trang, Giấy Vụn – Green Trees) sắp xuất bản.
[2] “Die
drei reinen Typen der legitimen Herrschaft” (Ba kiểu chính quyền có tính chính
danh, tiếng Anh: The Three Types of Legitimate Rule”), một tiểu luận của Max
Weber viết bằng tiếng Đức, xuất bản năm 1922.
Nguồn:
Luật Khoa