Hơn
150 nông dân biểu tình bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 16/1/2007 do
chính quyền địa phương thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây tịch thu ruộng đất của họ
vào cuối năm 2005 nhưng không bồi thường thỏa đáng. Photo: AFP
Một
báo cáo nghiên cứu của hai Tổ chức tư vấn
TMP Systems và Rights and Resources
Initiative, trụ sở tại Anh Quốc, vừa được công bố cho thấy khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm nóng về
tranh chấp đất đai trên thế giới.
88% tại Đông Nam Á chưa giải quyết thỏa đáng
Hai
Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources Initiative, được tài trợ bởi
các nhà hoạt động vì quyền đất đai trên thế giới cùng với Chính phủ của Anh Quốc
và Na Uy, vào hôm thứ Ba, ngày 3 tháng 10 công bố kết quả nghiên cứu có đến 88% các vụ tranh chấp đất đai ở khu vực Đông Nam Á chưa được
giải quyết thỏa đáng, khiến cho khu vực chiếm 61% tỉ lệ trên toàn cầu
trong tranh chấp đất đai, tính từ thời điểm năm 2001.
Bản
báo cáo chỉ ra chi phí kinh doanh của các công ty tại Đông Nam Á bị ảnh hưởng
nhiều do phải chi trả trong việc bồi thường đất đai trưng thu từ cộng đồng cư
dân bản địa; trong đó nêu rõ có 65% công ty bị thất thoát tài chính vì liên
quan 51 trường hợp tranh chấp đất đai nghiêm trọng. Bản báo cáo còn nhấn mạnh
hơn 50% các dự án tại Đông Nam Á bị chậm trễ và gần 3/4 trong số này liên quan
đến kiện tụng.
Đại
diện của Tổ chức tư vấn TMP Systems, ông Ben Bowie nói một số các dự án phát
triển cơ sở hạ tầng, một hình thức kinh doanh tại các quốc gia Đông Nam Á dính
líu đến tranh chấp đất nông nghiệp như những cánh đồng trồng mía ở Campuchia,
các đồn điền trồng dầu cọ ở Nam Dương và Mã Lai hay những khu vực quặng mỏ ở
Phi Luật Tân và các dự án cơ sở hạ tầng tại Miến Điện.
Ông
Bowie còn đề cập đến vài trường hợp tranh chấp xảy ra ở các vùng biên giới, nơi
những nhóm sắc tộc thiểu số cư ngụ do bị chồng lấn với khu vực đặc quyền kinh tế
mà chính phủ của các nước Đông Nam Á khuyến khích nhà đầu tư với nhiều ưu đãi.
Một
trong những yếu tố trọng tâm dẫn đến tranh chấp đất đai tại Đông Nam Á, mà theo
báo cáo của hai Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources Initiative vừa
công bố là do thiếu sự rõ ràng trong quy định về quyền sở hữu đất đai cũng như
sự chồng chéo trong luật định của cấp quốc gia với cấp địa phương và giới chức
chính quyền địa phương tham nhũng.
Bản
báo cáo trưng dẫn số liệu thu nhập từ nông nghiệp là nguồn thu chủ yếu của dân
chúng tại các quốc gia Đông Nam Á, từ 12% cho đến 70%; trong đó nguồn thu từ nông nghiệp của Việt Nam là 44%. Tuy nhiên, qua
việc trưng thu đất nông nghiệp ở khu vực này và người nông dân nhận được số tiền
bồi thường ít ỏi dẫn đến hậu quả tranh chấp đất đai giữa nông dân với công ty
và chính quyền địa phương, mà ngày càng rất nhiều trường hợp mất nhiều năm
vẫn chưa giải quyết xong.
Thực trạng trưng thu đất tại Việt Nam
Người
dân trong 17 hộ gia đình ở Giáo xứ Phú Sơn, Đồng Nai phản đối tiền bồi thường
10.000 đồng/mét đất nông nghiệp. Courtesy: Citizen photo
Tại Việt Nam, các vụ tranh chấp đất nông nghiệp diễn ra khắp các tỉnh,
thành;
có thể kể đến những trường hợp được dư luận đặc biệt chú ý như Văn Giang, Tiên
Lãng, Đông Anh, Trịnh Nguyễn, Dương Nội, Đồng Tâm…và hàng trăm nông dân trở
thành nạn nhân mất nhà cửa, ruộng vườn vì phản đối số tiền bồi thường rẻ mạt,
không ít người phải tha phương cầu thực, chực chờ ở các cơ quan chính phủ để
kêu oan hay thậm chí phải đi tù vì đấu tranh giữ đất như tù nhân lương tâm Cấn
Thị Thêu.
Trong
dịp trao đổi với RFA liên quan thực trạng tranh chấp đất đai tại Việt Nam, mà
giới chuyên gia cho là tình trạng thu hồi đất bị lạm dụng do nhân danh dự án
phát triển kinh tế xã hội nhưng thực chất hoàn toàn mang tính chất khinh doanh
thương mại, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình từng đưa ra nhận định:
“Ở
nông thôn chúng tôi gọi là vấn đề dân cày cách nay hàng mấy chục năm đã được xới
lên và vẫn chưa kết thúc. Còn ở thành thị, không phải là ruộng cày nhưng miếng
đất để cư trú, đồng thời cũng là tài sản lớn nhất và liên quan đến quyền sở hữu
của người dân thì chính là khâu tôi nghĩ rằng là một bài toán đang rất bức xúc,
đòi hỏi phải có lời giải”.
Một
trong những đáp án của bài toán hóc búa về trưng thu đất đai tại Việt Nam,
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho
rằng cần hạn chế quyền của nhà nước trong việc thu hồi
quyền sử dụng đất của người dân:
“Riêng
cá nhân tôi rất muốn gỡ bỏ điều trong luật hiện nay nói là nhà nước, trong những
lý do thu hồi đất, thì có lý do là những dự án phát triển kinh tế xã hội khác,
vì cái đó nó quá rộng, không làm rõ các dữ liệu khác nhau nên dẫn tới tình trạng
thu hồi đất thuần nông của dân rồi giao cho một ông doanh nghiệp khác để làm.
Người dân được đền bù một thì đối với ông doanh nghiệp giá đất sau đó có thể
lên đến cả trăm lần. Từ đó gây nên những chuyện khiếu kiện đất đai tràn lan ở
Việt Nam. Chuyện đất đai trở thành một trong những điều bất công nhất ở Việt
Nam hiện nay.”
Kể
từ khi Việt Nam thực hiện chính sách công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước sau
gần 30 năm đổi mới, song song với diện tích đất đai bị trưng thu là tỉ lệ số
dân oan mất đất gia tăng và mặc dù đa số họ luôn tuân thủ luật pháp nhưng nói
như Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình thì trong cuộc giằng co do xung đột đất đai, người
dân luôn dự liệu được phần thắng không thuộc về họ.
Chúng
tôi liên lạc với anh Trần Minh Hùng, thuộc 17 hộ gia đình tại Giáo xứ Phú Sơn,
Giáo họ Mông Triệu ở thị xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nằm trong dự
án treo 19 năm, dự án thành lập Khu Công nghiệp Bắc Sơn và Hố Nai 3 cho biết vừa
nhận giấy báo của chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế trong hai ngày 5
và 6 tháng 10 vì không đồng ý nhận số tiền bồi thường 10.000 đồng/mét đất nông
nghiệp.
Những
thành viên của 17 hộ gia đình này chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ quyết tâm giữ
đất. Trả lời câu hỏi của RFA sẽ giữ đất bằng cách nào nếu lực lượng quân đội và
công an tiến hành cưỡng chế giống như các vụ cưỡng chế khác đã từng xảy ra khắp
Việt Nam, anh Trần Minh Hùng nói:
“Bây
giờ người ta đưa vào tình huống đó thì mình không thể nào chống đối được, tại
vì các hộ dân không thể nào chống đối bằng bạo lực giống như họ sử dụng bạo lực
(để cưỡng chế). Và sau khi sự việc xảy ra thì mình sẽ phải khởi kiện người ta về
tội ‘hủy hoại tài sản và làm việc không đúng quy trình pháp luật’”.
Nếu
như trong hai ngày mùng 5 và 6 tháng 10 tới đây diễn ra cưỡng chế đối với 17
gia đình tại Giáo xứ Phú Sơn thì đó sẽ là thêm một bằng chứng cũng như số liệu
được ghi nhận trong những bản báo cáo về tranh chấp đất đai tại Việt Nam.
Trong
khi đó, qua báo cáo của hai Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources
Initiative mới công bố, Điều phối viên Andy White của Tổ chức Rights and
Resources Initiative cho rằng các công ty đóng vai trò quan trọng có thể tránh
được tranh chấp đất đai vì các nhà đầu tư nhận thức rõ về quyền sở hữu đất của
người dân bản địa không được bảo đảm và cần phải hợp tác với họ trong việc
thương lượng về trưng thu đất.
Ông
Andy White còn cho biết tổ chức có tên International Land and Forest Tenure
Facility vừa tổ chức một hội nghị vào ngày 3 tháng 10, ở Stockholm, Thụy Điển đề
tìm cách hỗ trợ người dân địa phương hiểu biết hơn về luật pháp và chính sách của
quốc gia để bảo vệ các quyền của họ liên quan đến đất đai. Ông Andy White khẳng
định quyền sở hữu hợp pháp và phân định ranh giới đất đai rõ ràng sẽ giúp cho
các công ty tôn trọng các quyền về đất đai của dân chúng bản địa.
Hòa
Ái (RFA)