01.09.2019

Việt Nam cần một cuộc cách mạng? -Nguyễn Quang Duy

     Việt Nam cần một cuộc cách mạng?
Nguyễn Quang Duy

Bài viết trước “Thoát Trung mà thoát cái gì?...” nêu ý kiến các tổ chức đấu tranh hải ngoại nên chuyển đổi cách đấu tranh sang cạnh tranh chính trị, một số bạn đọc hỏi tôi vậy Việt Nam có cần một cuộc cách mạng khác không?
Cách mạng là thay đổi thể chế chính trị cũ bằng một thể chế chính trị mới tốt đẹp hơn, việc thay đổi có thể xảy ra qua nhiều giai đoạn và như thế theo tôi có thể có một cuộc cách mạng đang diễn ra tại Việt Nam.

5 cuộc cách mạng trước đây
Trong lịch sử cận đại đã có 4 cuộc cách mạng ở tầm vóc quốc gia:
Cách mạng mùa Thu 1945, chi bộ đảng Cộng sản và đảng Dân chủ cướp chính quyền Thủ tướng Trần Trọng Kim tại Hà Nội, rồi lan ra khắp nơi và kết thúc bằng việc vua Bảo Đại thoái vị.
Cách mạng Cộng Hòa, 26/10/1956, qua cuộc trưng cầu dân ý thay Quân Chủ bằng một nền Cộng Hòa do Thủ tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo.

Cách mạng 1/11/1963, quân đội đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa.
Khi nghĩ đến hai chữ cách mạng chúng ta thường nghĩ đến bạo động, vũ trang, lật đổ chính quyền, theo kiểu “được làm vua thua làm giặc”.
Vì thế ít ai ghi nhận cuộc cách mạng giành độc lập tiến hành qua nhiều giai đoạn từ năm 1947 đến tháng 12/1954 khi người Pháp rút khỏi Việt Nam trao trả hoàn toàn độc lập cho Quốc Gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo.
Một cuộc cách mạng chính trị xã hội khác mang tầm vóc nhỏ hơn, hiện vẫn còn ảnh hưởng 7 triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Phú Sổ lãnh đạo.
Về đạo lý cuộc cách mạng lấy Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo làm căn bản xây dựng xã hội.
Về chính trị Đức Thầy xây dựng một đảng chính trị với tên gọi Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng chủ trương chính trị toàn dân và chống độc tài dưới mọi hình thức làm nền tảng cách mạng.

Sau 30/4/1975…
Cộng sản thắng cuộc, nhưng mất lòng dân, hằng triệu người bỏ nước ra đi, tạo thế đối đầu giữa cộng sản Hà Nội và cộng đồng hải ngoại. 
Năm 1986, thất bại kinh tế Hà Nội bắt buộc phải mở cửa giao thương với các quốc gia không cộng sản. Khi ấy nhiều người tin rằng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi chính trị. 
Năm 1989, các quốc gia cộng sản Đông Âu và Liên Xô liên tiếp sụp đổ. Cuộc cách mạng tại các nước Đông Âu thường bắt đầu bằng việc xây dựng lực lượng đối lập, gây áp lực thay đổi thể chế chính trị và kết thúc bằng những cuộc xuống đường đông đảo người tham dự. Khi ấy người Việt trong và ngoài nước đều kỳ vọng thay đổi chính trị sẽ đến với Việt Nam.
Đáng tiếc, vào hai ngày 3 và 4/9/1990, Hà Nội và Bắc Kinh đã bí mật gặp nhau tại Thành Đô, Tứ Xuyên, bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thu xếp rút bộ đội Việt Nam khỏi Kampuchia.
Hội nghị này diễn ra trong vòng bí mật, ngoài một số bài viết dưới dạng hồi ký, đến nay chưa có 1 văn kiện chính thức nào được giải mật.
Bởi thế mới có tin đồn Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch phản đối nội dung Hội Nghị và câu chuyện do blogger Kami sáng tác là vào năm 2020 (chỉ còn 4 tháng nữa) Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh tự trị của Trung cộng.
Hội Nghị chấm dứt, Hà Nội quyết định áp dụng mô hình phát triển kinh tế của Bắc Kinh, thay đổi kinh tế nhưng không hề thay đổi chính trị.
Bởi thế nội tình mới vướng vào những vấn nạn như tham nhũng, nhóm lợi ích, hủy hoại môi trường, chênh lệch giàu nghèo, bẫy thu nhập trung bình… còn về ngoại thương thì bị Tổng thống Donald Trump nêu đích danh là kẻ lợi dụng Mỹ tồi tệ nhất và đe dọa trừng phạt.
Nhưng nhờ ảnh hưởng Trung cộng, Hà Nội đã duy trì được thể chế độc đảng, mọi tổ chức độc lập đều bị đàn áp tiêu diệt, những người đấu tranh cho tự do dân chủ không bị bắt bớ tù đày thì cũng bị cô lập kinh tế và nhiều người đã phải bỏ nước ra đi.

Phía đối kháng hải ngoại…
Trong thập niên 1980, nhiều người Việt hải ngoại đã tìm cách quay về nước kháng chiến, nhiều tổ chức đấu tranh cách mạng đã được hình thành và phát triển.
Khối Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt, bộ đội Việt Nam rút khỏi Kampuchia, Thái Lan không tiếp tục công nhận kháng chiến Việt Nam, con đường vũ trang cách mạng xem như chấm dứt.
Các tổ chức đấu tranh cách mạng lẽ ra nên chuyển đổi phương cách đấu tranh để thích hợp với môi trường hoạt động mới để từng bước trở thành những tổ chức chính trị, nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục duy trì văn hóa, nề nếp sinh hoạt như bước ban đầu.
Các tổ chức đến nay chỉ nên được xem là tổ chức đối kháng, có vũ trang hay không có vũ trang, không phải là tổ chức đấu tranh bất bạo động.
Vì đấu tranh bất bạo động đòi hỏi ba điểm cơ bản là (1) đấu tranh công khai (2) đấu tranh trong vòng luật pháp và (3) có tổ chức, có mục tiêu, có kế hoạch, có đường lối và có chiến lược rõ ràng.
Chính sách và chiến lược của các tổ chức đấu tranh cách mạng hiện nay đều không rõ hay không có.
Các tổ chức dễ dàng phát động các phong trào như “chúng tôi muốn biết” đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản phải giải trình và công bố thông tin. 
Nhưng nếu có người đòi hỏi ngược lại muốn biết về tổ chức của họ thì thường đụng phải bức tường im lặng, có khi còn bị thảy nón cối “Việt cộng”, hay làm lợi cho “Việt cộng”. 
Các tổ chức đều thiếu một lộ trình công khai và minh bạch, nên không tạo được niềm tin cho quần chúng, không thể đối thoại được với nhau, không tạo thành một lực lượng đối lập dù chỉ ở hải ngoại.
Vì thế cho đến nay vẫn không xây dựng được một lộ trình khả thi cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam hay đưa ra 1 giải pháp có thể thuyết phục được quần chúng.
Trong vài năm gần đây còn xuất hiện phong trào thoát Trung, kêu gọi biểu tình thậm chí kêu gọi tổng nổi dậy lật đổ cộng sản.
Trong khi những bước cần thiết để xây dựng một cuộc cách mạng thực sự mang đất nước đến tự do và dân chủ bị dậm chân tại chỗ không thể phát triển.
Về việc biểu tình phản đối Trung cộng lấn chiếm biển đảo Việt Nam, ở Úc đây là vai trò của cộng đồng, các cá nhân và tổ chức cần chia sẻ trách nhiệm chung.
Việc đòi hỏi Hà Nội phải công bố thông tin về Hội nghị Thành Đô là một điều đúng, nhưng nếu các tổ chức dựa trên tin đồn thiếu chứng cớ để “kích động” quần chúng “chống cộng” theo tôi là không nên.

Cuộc cách mạng đang diễn ra?
Khách quan nhận xét một lực lượng đối lập để hình thành một cuộc cách mạng như tại Đông Âu là một điều chưa thể xảy ra, nhưng không phải không thể xảy ra một cuộc cách mạng trong những ngày sắp tới.
Về quốc tế cuộc thương chiến Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt, biểu tình Hồng Kông liên tục diễn ra, tranh chấp Biển Đông và bãi Tư Chính càng lúc càng nóng lên, nhiều dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang tách khỏi ảnh hưởng của Trung cộng ngả về phía Hoa Kỳ.
Về nội trị, nỗi lo ngại lớn nhất mà giới cầm quyền Hà Nội thường xuyên công khai biểu lộ, được lấy làm trọng tâm Đại Hội 13, là tình trạng diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa bên trong và bên trên đảng Cộng sản Việt Nam.
Nỗi lo ngại kế tiếp được cho thấy qua tiêu đề của cuộc Hội thảo “Vấn đề an ninh chính trị liên quan đến sự phát triển của các hội quần chúng trong nước và các hội, đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài” vừa được Bộ Công An phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội vào chiều 27/8/2019.
Cần nói rõ “các hội quần chúng” là các tổ chức có chân trong Mặt Trận Tổ Quốc, cánh tay nối dài của đảng Cộng sản. Hội thảo cho thấy các phần tử bên trong cánh tay này đang có vấn đề “an ninh chính trị”.
Trước bất công xã hội ngày một gia tăng, dân mất đất, môi trường sống bị hủy hoại và trước những lần lấn chiếm Thềm lục địa Việt Nam của Trung cộng một cuộc xuống đường rộng lớn dẫn tới một cuộc cách mạng vì thế rất có thể sẽ xảy ra.
Việc Cộng Đồng Việt Nam Vùng Washington, DC, Maryland, và Virginia thách thức ông Nguyễn Phú Trong đối thoại với Cộng Đồng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ sắp tới, biết đâu cuộc cách mạng sẽ xảy ra sớm hơn và ôn hòa hơn.

Cách mạng Lập Hiến 
Những tổ chức những cá nhân yêu chuộng tự do và dân chủ vì thế cần sửa soạn để cuộc cách mạng nếu xảy ra sẽ thực sự mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam.
Ngoài việc tự cách mạng tổ chức để chuyển đổi từ các tổ chức đấu tranh cách mạng sang các tổ chức cạnh tranh chính trị.
Các tổ chức có nhiều công việc khác cần làm, như vận động quốc tế thúc đẩy nhà cầm quyền Hà Nội thay đổi thể chế chính trị, vận động quần chúng và thành phần cấp tiến trong đảng Cộng sản để thành lập một quốc hội lập hiến, soạn một hiến pháp tam quyền phân lập cho Việt Nam, tổ chức những cuộc bầu cử tự do với sự giám sát của quốc tế. 
Các tổ chức ở hải ngoại cần sửa soạn đảm trách những công việc khác như vận động người hải ngoại tài trợ cho các cuộc xuống đường biểu tình hay đòi hỏi người hải ngoại phải được tham gia bầu cử và ứng cử.
Bài học của Cách mạng mùa Thu 1945 khiến 45 năm đất nước triền miên khói lửa chiến tranh, 74 năm lòng người chia cắt, đất nước càng ngày càng lụn bại, cho thấy mỗi người chúng ta cần tự đấu tranh tư tưởng thay đổi cách mạng kiểu “được làm vua thua làm giặc” thành một cuộc Cách mạng Lập Hiến, thực sự đưa đất nước đến tự do, dân chủ và giàu đẹp.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
2/9/2019