16.03.2020

𝐇𝐚̃𝐲 đ𝐞̂̉ 𝐜𝐨̣̂𝐧𝐠 đ𝐨̂̀𝐧𝐠 𝐛𝐢̣ 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐒𝐀𝐑𝐒-𝐂𝐨𝐯-𝟐! - GS. Nguyễn Văn Tuấn

𝐇𝐚̃𝐲 đ𝐞̂̉ 𝐜𝐨̣̂𝐧𝐠 đ𝐨̂̀𝐧𝐠 𝐛𝐢̣ 𝐧𝐡𝐢𝐞̂̃𝐦 𝐒𝐀𝐑𝐒-𝐂𝐨𝐯-𝟐!
GS. Nguyễn Văn Tuấn
Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Không có mô tả ảnh.
Thoạt đầu mới nghe qua chắc nhiều người Việt sẽ kinh ngạc và ... chửi. Nhưng đó lại là chánh sách và chiến lược có thể nói là táo bạo để đối phó với dịch COVID-19 của nhà chức trách Anh Quốc. Chiến lược đó có thể ví von là 'lấy bệnh trị bệnh'. Câu chuyện thì dài dòng hơn và có liên quan đến khái niệm dịch tễ học 'Herd Immunity' (còn gọi là 'Community Immunity') hay miễn dịch cộng đồng (MDCĐ). Cái note này chỉ giải thích khái niệm MDCĐ, chớ không dám bình luận về chiến lược của Anh là đúng hay sai.
𝑴𝒐̣̂𝒕 𝒄𝒉𝒖́𝒏𝒈 𝒐̂𝒏 𝒕𝒂̣̂𝒑 𝒗𝒆̂̀ 𝑴𝑫𝑪Đ.

Thuật ngữ và khái niệm 'community immunity' không phải là mới, vì nó có từ ... một thế kỉ trước. Nhưng thuật ngữ này lại có nhiều nghĩa [1]. Một cách đơn giản, miễn dịch cộng đồng là tỉ lệ miễn dịch trong một quần thể dân số. Một nghĩa khác là ngưỡng của tỉ lệ miễn dịch có thể dẫn đến suy giảm số người bị nhiễm trong quần thể. Nghĩa thứ ba của 'miễn dịch cộng đồng' là xu hướng miễn dịch có thể bảo vệ quần thể chống lại sự xâm nhập của một trận dịch mới. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nghĩa thứ ba của miễn dịch cộng đồng có lẽ là thích hợp nhứt.
Có thể ê a giải thích thêm một chút về ý tưởng miễn dịch cộng đồng như sau. Khi một bệnh truyền nhiễm bộc phát trong một cộng đồng chưa được tiêm chủng vaccine, sẽ có nhiều người mắc bệnh vì hệ thống miễn dịch nội tại không biết cách chống trả với 'kẻ thù mới.' Thường thì những người có hệ miễn nhiễm suy yếu (người cao tuổi, người với bệnh lí đi kèm) hay bị ảnh hưởng. Nếu trong cộng đồng có một tỉ lệ người được tiêm chủng ngừa và do đó có kháng thể (antibodies) để chống trả virus và bateria, thì sự lây lan của dịch bệnh sẽ được hạn chế. Nói cách khác, người được tiêm chủng ngừa gián tiếp bảo vệ người chưa/không được tiêm chủng. Điều này cũng có nghĩa là tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì suy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lí chánh của khái niệm miễn dịch cộng đồng (MDCĐ).
Theo đó, vấn đề quan trọng là xác định tỉ lệ tiêm chủng phải cao bao nhiêu để đủ 'nội lực' cộng đồng chống trả lại dịch bệnh. Vấn đề này trở thành vấn đề của thống kê học, kể cả mô hình thống kê. Mô hình thống kê học rất đơn giản, và có thể tóm tắt bằng phương trình như sau: [Dịch bệnh bộc phát] + [Tiêm vaccine P người tạo miễn dịch] = [Bảo vệ cộng đồng].
Hóa ra, tỉ lệ tiêm chủng (tạm gọi là P) tùy thuộc vào mức độ lây lan của dịch. Mức độ lây lan của dịch có thể mô tả bằng hệ số lây nhiễm R0 (mà tôi đã giải thích mấy tuần trước đây [2]). Từ đó, ngưỡng 'tối ưu' của MDCĐ, kí hiệu là T, có thể ước tính bằng công thứ sau đây:
T = 1 - 1/R0
Công thức trên cũng có thể hiểu rằng T chính là phần trăm trong cộng đồng cần được tiêm ngừa để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh. Dĩ nhiên, công thức trên dựa vào một giả định rất quan trọng là tiêm vaccine có thể bảo vệ tuyệt đối (100%). Nhưng trong thực tế thì mức độ hiệu quả của đa số vaccine không có cao như 100%, mà thường là 50-80% hay cao lắm là 90%. Do đó, ngưỡng tối ưu T cần phải được hiệu chỉnh cho mức độ hiệu quả của vaccine (tạm kí hiệu là E cho dễ nói):
Tc = T / E
Đối với các bệnh lây lan cao như sởi thì hiệu quả của vaccine là khoảng 95%, và hệ số lây lan chừng 12, nên Tc = (1 - 1/12) / 0.95 = 0.96. Nói cách khác, chúng ta cần phải tiêm chủng 96% người trong cộng đồng thì mới đủ khả năng kháng dịch ở qui mô cộng đồng. (Chính vì lí do này mà tiêm chủng vaccine ngừa sởi gần như bắt buộc ở nhiều quốc gia tiên tiến). Các bạn có thể đọc thêm về chi tiết của MDCĐ trong bài báo tôi dẫn ở phần tài liệu tham khảo.
Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có vaccine phòng chống dịch COVID-19. Một số công ti đang thử nghiệm lâm sàng một số vaccine, nhưng thời gian cần thiết để vaccine đến bệnh nhân là khoảng 6-12 tháng. Không có vaccine thì công thức trên không có E, và T chỉ tùy thuộc vào R0. Nếu R0 = 2.5 (phần cao của ước tính hiện nay) thì T = 1 - (1/2.5) = 63%. Nói cách khác, chúng ta cần phải làm sao cho 63% dân số có hệ thống miễn dịch đủ mạnh để chống SARS-Cov-2.
𝑪𝒉𝒊𝒆̂́𝒏 𝒍𝒖̛𝒐̛̣𝒄 𝒄𝒉𝒐̂́𝒏𝒈 𝒅𝒊̣𝒄𝒉 𝑪𝑶𝑽𝑰𝑫-19 𝒄𝒖̉𝒂 𝑨𝒏𝒉 𝑸𝒖𝒐̂́𝒄

Quay lại với chiến lược đối phó với dịch COVID-19 [3], nhà chức trách Anh có vẻ để cho một số người nhiễm SARS-Cov-2 (hay virus Vũ Hán). Khi bị nhiễm virus, và trong khi chưa có vaccine, hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta (innate immune system) sẽ sản sinh ra cơ chế phòng chống và theo thời gian trở thành miễn dịch. Nói cách khác, người bị nhiễm virus và sau này hồi phục thì sẽ có hệ thống miễn dịch đủ mạnh để đối phó với con virus đó, và họ sẽ không [hay có nguy cơ thấp] bị nhiễm lần nữa.
Chiến lược đó của Anh Quốc rất khác với cách đối phó ở các nước Á châu. Ở Tàu, họ áp dụng những biện pháp chuyên chế và toàn trị truy tìm những người bị nhiễm, cô lập họ, và do đó sẽ hạn chế lây lan. Một số nước Âu châu cũng làm giống như Tàu, nhưng biện pháp thì nhẹ nhàng và văn minh hơn.
Theo tính toán của chuyên gia dịch tễ học (qua phát biểu của Giáo sư Patrick Vallance, cố vấn về y tế của Chánh phủ Anh Quốc), chừng 60% dân số 'cần' phải mắc bệnh và trở thành miễn nhiễm sau này [4]. (Tôi đoán con số 60% có thể là qua ước tính như tôi mô tả trên). Nhưng con số có thể là 70%, nếu hệ số lây nhiễm là 3.
Nhưng chiến lược đó của Anh làm nhiều người lo ngại. Lo ngại nhứt là giả định về miễn dịch nội tại. Giả định rằng người bị nhiễm virus Vũ Hán sẽ phát triển hệ miễn dịch mạnh hơn để bảo vệ họ khỏi bị nhiễm lần sau. Về lí thuyết thì giả định này có cơ sở khoa học đối với các virus khác, nhưng với virus Vũ Hán thì chúng ta chưa có chứng cớ. Chúng ta chưa có chứng cớ rằng sau khi bị nhiễm virus Vũ Hán thì người đó không bị nhiễm lần nữa; trong thực tế đã có vài báo cáo về tái nhiễm!
Một chiến lược khác là làm cho trì hoãn sự bộc phát và lây lan mà Singapore áp dụng. Thay vì dùng biện pháp chuyên chế và dứt khoát như Tàu, Singapore cũng cách li bệnh nhân (nhưng nhẹ nhàng), nhưng không làm xét nghiệm đại trà như Hàn Quốc, vì mục tiêu là kéo dài thời gian đạt đỉnh điểm của dịch. Hàn Quốc là ca đặc biệt với thành công ngoạn mục. Nói cách khác, nhà chức trách y tế áp dụng chiến lược trì hoãn đỉnh điểm của dịch (xem biểu đồ minh họa) cho đến khi có vaccine. Tuy nhiên, một số nước không 'mặn mà' với chiến lược này, vì người dân đòi hỏi nhà chức trách phải có biện pháp 'mạnh tay' hơn.
Một cách chánh thức, Anh không tẩy chay những tụ tập đông người (như lễ hội, thể thao, hội nghị), nhưng ban tổ chức thì hoãn các tụ tập đông người. Bộ trưởng Helen Whately cho rằng Chánh phủ Anh hành động dựa vào chứng cớ khoa học, và hiện nay chưa có chứng cớ nào cho thấy tẩy chay tụ tập đông người có thể giảm sự lây lan của virus. Anh cũng không làm xét nghiệm đại trà như Hàn Quốc. Anh chỉ làm xét nghiệm ở những người họ nghi là có nguy cơ cao. Hiện nay, Anh đã có gần 800 ca bị nhiễm, và 10 ca tử vong (tỉ lệ 1.3%).
Chiến lược của Anh Quốc gây ra nhiều tranh cãi [ 5-6]. Nhà chức trách và chánh phủ Anh cho rằng họ làm theo khoa học (lí thuyết miễn dịch cộng đồng), nhưng phe đối lập thì cho rằng chiến lược đó là theo chánh trị, chớ chẳng có khoa học gì cả! Một số thì gán ghép chiến lược này với ông thủ tướng Anh có nhiều ... cá tính 🙂. Có nhiều chuyên gia ủng hộ biện pháp dựa vào miễn dịch cộng đồng của Anh Quốc vì họ lí giải khi virus lan truyền nhanh như virus Vũ Hán thì không thể ngăn chận được và chúng ta phải phát triển nội lực để chống trả như nhiều dịch bệnh trước đây. Nhưng nhiều chuyên gia khác thì nghi ngờ, thậm chí phản đối, vì họ cho rằng (đúng) chúng ta chưa biết nhiều về con virus Vũ Hán và đặt giả định chẳng khác gì đặt cược! Các giới chức của WHO cho rằng chiến lược của Anh là 'nguy hiểm' dù họ không muốn phê bình trực tiếp một nước được xem là bậc thầy về dịch tễ học trên thế giới [7].
Tham khảo thêm:
[1] Paul Fine, et al. ‘‘Herd Immunity’’: A Rough Guide. Vaccines CID 2011;52.
[3] Có lẽ chúng ta nên nói là "Dịch Vũ Hán 19" cho chính xác trước khi nhà cầm quyền Tàu thay đổi lịch sử.
[7] Nếu các bạn hỏi tôi nghĩ gì về chiến lược của Anh, tôi nói “đang suy nghĩ”. 🙂 Tôi không am hiểu về chuyện 'miễn dịch cộng đồng' và cũng không am hiểu về immunology, nên chỉ biết đọc và chia sẻ thôi. Nhưng tôi không phản đối cách họ làm, dù rất quan tâm đến cơ sở y tế sẽ quá tải là viễn cảnh có thể thấy trước.
𝐂𝐚̣̂𝐩 𝐧𝐡𝐮̛̣𝐭 𝟏𝟔/𝟑/𝟐𝟎𝟐𝟎 (𝐬𝐚́𝐧𝐠): Hôm nay (vài giờ trước), Bộ trưởng Anh là Matt Hancock cho biết miễn dịch cộng đồng không phải là chánh sách của Anh để kiểm soát dịch Vũ Hán. Ông nói trong vài tuần tới, người trên 70 tuổi sẽ được khuyên nên ở nhà tự cách li. Ông còn nói rằng Chánh phủ lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học có uy tín, và sẽ xem xét chứng cớ khoa học. Rồi ông nói miễn dịch cộng đồng không phải là mục tiêu hay chánh sách; nó là một khái niệm khoa học ("Herd immunity is not our goal or policy, it’s a scientific concept.")
Nói cách khác, những gì ông Bộ trưởng phát biểu có vẻ đi ngược lại với cố vấn y tế của Chánh phủ Anh (Gs Patrick Vallance) nói với truyền thông 2 ngày trước rằng "the key things we need to do [is to] build up some kind of herd immunity so more people are immune to this disease and we reduce the transmission."