10.07.2021

Nên tiêm 2 vaccine khác nhau? - Nguyen Tuan

 Nên tiêm 2 vaccine khác nhau?

Nguyen Tuan

Một trong những câu hỏi tôi muốn có câu trả lời là tiêm 2 liều vaccine khác nhau (thuật ngữ tiếng Anh là heterogeneous vaccine) có hiệu quả như 2 liều của một loại vaccine. Tôi đã tìm được câu trả lời tàm tạm, và xin chia sẻ cùng các bạn về kết quả của một nghiên cứu quan trọng và cơ hội làm nghiên cứu.
Việc tiêm vaccine hiện nay là dựa trên chứng cớ khoa học rút ra từ các thử nghiệm lâm sàng (RCT) giai đoạn III. Theo đó, các thử nghiệm này tiêm 2 liều của một vaccine (cách nhau một vài tuần) cho tình nguyện viên. Đánh giá về hiệu quả vaccine được tính toán trên số ca bị nhiễm ở nhóm tiêm vaccine và nhóm chứng. Chúng ta đã biết các vaccine như AstraZeneca (AZ), Pfizer, Moderna, v.v. đều có hiệu quả qua đánh giá như thế.

Nhưng ở một nơi thiếu vaccine như VN thì câu hỏi là nếu tiêm 2 liều từ 2 vaccine khác nhau (như AZ trước rồi Pfizer sau, hay Pfizer trước rồi theo sau là AZ) thì hiệu quả sẽ ra sao? Chưa có ai trên thế giới làm thử nghiệm RCT với 2 vaccine khác nhau như vậy. Thành ra, câu trả lời đơn giản là: không biết.
Nhưng thay vì dựa vào RCT giai đoạn III, chúng ta cũng có thể dựa vào chứng cớ từ các nghiên cứu ở giai đoạn II. Đã có một nghiên cứu mới công bố trên một trạm preprint (chưa qua bình duyệt). Các nhà nghiên cứu vẫn còn đang phân tích dữ liệu, nhưng họ 'nhá' cho biết vài thông tin chánh như sau:
Nghiên cứu này thử nghiệm trên 830 tình nguyện viên tuổi 50 trở lên, và chia thành 4 nhóm với 2 liều vaccine như sau:
• nhóm AZ + AZ; và
• nhóm P + P;
• nhóm AZ + P;
• nhóm P + AZ.
Outcome họ đo lường là kháng thể 'anti-Spike IgG' sau 28 ngày. Kết quả cho thấy cả 4 nhóm đều có tăng kháng thể khá tốt. Nhưng phân tích chi tiết thì kết quả có thể tóm tắt như sau:
• nhóm AZ + P (cách nhau 4 tuần) có kháng thể cao hơn nhóm AZ + AZ;
• nhóm P + P có kháng thể tốt hơn nhóm P + AZ;
• nhóm có kháng thể cao nhứt là P + P , và thấp nhứt là AZ + AZ.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết nhóm 'hỗn hợp' (AZ + P hay P + AZ) có nhiều phản ứng phụ hơn nhóm 'đồng dạng' vaccine [1].
Diễn giải hiệu quả như thế nào trước những kết quả trên?
Có lẽ đa số các bạn sẽ nói nhóm Pfizer + Pfizer có hiệu quả cao nhứt, kế đến là AZ + Pfizer, và thấp nhứt là AZ + AZ. Nhưng cách diễn giải đó không đúng.
Tại sao không đúng? Tại vì nghiên cứu này được thiết kế theo dạng 'non-inferiority', có nghĩa là để đánh giá tương đương. Mục đích của nó là đánh giá tương đương (không kém), chớ không phải đánh giá nhóm nào hơn nhóm nào. Do đó, tuy số liệu là như thế, chúng ta không thể nói về hiệu quả của trộn vaccine. Hiệu quả là phải đánh giá trên nguy cơ nhiễm của từng nhóm, nhưng nghiên cứu này không thể trả lời câu hỏi đó.
Cần nhấn mạnh rằng cái outcome của nghiên cứu này là kháng thể IgG chống lại spike, tức là một chỉ số gián tiếp (còn gọi là serology test). Độ nhạy và độc đặc hiệu của serology test là mối quan tâm của giới khoa học. Người có IgG thấp có thể không bị nhiễm, và ngược lại, người có IgG cao vẫn có thể bị nhiễm. Trong một nghiên cứu công bố trên Scientific Reports, tác giả cho biết tỉ lệ dương tính giả của xét nghiệm serology là "shocking".
Theo nghiên cứu này [2] tỉ lệ dương tính giả có thể dao động từ 2% đến 88%! Nếu tỉ lệ nhiễm trong cộng đồng là thấp (dưới 1%, tức như TPHCM) thì tỉ lệ dương tính giả của xét nghiệm serology là 86%, thậm chí 93%. Đúng là sốc. Đó chính là lí do FDA không khuyến cáo dùng xét nghiệm serology để chẩn đoán Covid-19. (Dù ở VN có vài người dùng xét nghiệm serology để đánh giá hiệu quả vaccine).
Cơ hội nghiên cứu
Nhưng tình trạng thiếu lại là một cơ hội cho Việt Nam. Nếu tôi có một lời khuyên cho nhà chức trách, tôi sẽ nói hãy nắm lấy cơ hội này để làm nghiên cứu so sánh hiệu quả của trộn vaccine. Việt Nam đang tiêm nhiều loại vaccine, và đây là cơ hội vàng để làm một nghiên cứu quan sát (observational study).
Có thể thiết kế theo mô hình đơn giản 4 nhóm như nhóm Oxford làm: AZ+AZ, AZ+P, P+AZ và P+P. Nhưng outcome là tỉ lệ nhiễm, chớ không phải chỉ số kháng thể. Số lượng tình nguyện viên cũng sẽ lớn hơn nhóm Oxford. Có thể phải xác định khoảng cách giữa 2 liều vaccine, và thời gian theo dõi. Tôi nghĩ nếu làm nghiên cứu như thế thì cuối năm sẽ có kết quả.
Một nghiên cứu như thế cũng là một đóng góp quan trọng cho y văn. Hiện nay, chúng ta chỉ dùng chứng cớ của người khác, chớ chưa tự mình đưa ra chứng cớ khoa học. Đây là cơ hội vàng để chủ động vậy.
*
Nói tóm lại, cho đến nay, chúng ta chưa biết 'trộn' 2 liều vaccine khác nhau có hiệu quả chống virus Vũ Hán tốt hơn 2 liều vaccine cùng loại. Chúng ta chỉ có chứng cớ rằng phối hợp 2 liều vaccine khác nhau có vẻ giúp tăng kháng thể (nhưng có nhiều phản ứng phụ hơn) so với 2 liều đồng dạng.
Đó chính là lí do nhà chức trách Úc không khuyến cáo phối hợp 2 liều vaccine khác nhau (nhưng vài nước khác, như Canada và Đức, thì đang xem xét kế hoạch này). Cá nhân tôi thì nghiêng về khuyến cáo của Úc, không phải vì tôi sống trong hệ thống y tế Úc, mà vì tôi dựa vào chứng cớ khoa học.
_____