04.07.2021

Vaccine made in Vietnam, chất da cam, và chứng cớ khoa học- Nguyen Tuan

 Vaccine made in Vietnam, chất da cam, và chứng cớ khoa học

Nguyen Tuan


Một vài bạn mỉa mai những ai đòi bằng chứng về hiệu quả và an toàn của vaccine made in Vietnam là 'ỏng eo', 'khoa trương', không biết gì về công bố khoa học. Họ cho rằng những thông tin trên clinicaltrials.gov là công bố rồi, rằng tập san khoa học không có quyền phê chuẩn vaccine. Tôi e rằng đây là những hiểu lầm tai hại, và nó làm tôi nhớ đến thời ... chất da cam của 30 năm trước. Cái note này bàn về công bố khoa học và chứng cớ khoa học, trước là để tôi ôn tập, sau là để chia sẻ cùng các bạn.

Chuyện da cam ...

Chuyện 30 năm trước về chất màu da cam cũng có liên quan đến vấn đề chứng cớ khoa học. Trong thời chiến (thập niên 1960, 1970), quân đội Mĩ rải xuống rừng núi miền Trung và đồng ruộng miền Nam hơn 77 triệu lít hoá chất, đa số là chất màu da cam, trong đó chứa ~370 kg dioxin (là một độc chất). Mục đích là khai quang để quân đội Bắc Việt không có nơi trú ẩn, nhưng nó lại gây tác hại đến sức khoẻ của cả 2 phía Việt Nam và Mĩ. Lí do là dioxin có liên quan đến một số bệnh như ung thư các mô mềm, ung thư máu dạng Hodgkin, và có thể cả bệnh tiểu đường.

Vào giữa thập niên 1980, Hội cựu chiến binh Hoa Kì kiện các công ti hoá chất Mĩ. Kết quả là họ được đền bù với điều kiện họ chứng minh rằng họ đã từng bị phơi nhiễm dioxin trong thời chiến ở VN và họ mắc những bệnh mà khoa học cho thấy dioxin là 'thủ phạm'.

Chánh phủ Việt Nam, qua các hội đoàn, cũng nộp đơn kiện các công ti hoá chất Mĩ. Nhưng sau khi nghe qua lí giải của phía nguyên đơn Việt Nam, toà án Mĩ bác đơn. Không phải bị bác một lần, mà nhiều lần, và lần mới nhứt là năm nay. Phía Việt Nam không trưng bày được chứng cớ khoa học.

Tại sao có sự khác biệt về đối xử của toà án Mĩ giữa người Mĩ và người Việt? Toà án Mĩ kì thị? Không phải. Yếu tố khác biệt quan trọng nhứt giữa 2 vụ kiện là chứng cớ khoa học. Hội cựu chiến binh Mĩ có chứng cớ khoa học cho thấy phơi nhiễm dioxin có ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Còn phía Việt Nam thì không có chứng cớ khoa học như thế. Những bức hình những đứa trẻ bị hội chứng Down đâu có dính dáng gì đến dioxin.

Có lẽ các bạn sẽ hỏi "Ủa, Việt Nam từng có uỷ ban chuyên trách về nghiên cứu chất độc da cam" và cũng có công bố kết quả nghiên cứu. Đúng là Việt Nam từng có một uỷ ban như thế dưới sự điều hành cuả một tướng lãnh. Nhưng trung tâm này không hề công bố một bài báo khoa học nào trên các tập san khoa học có bình duyệt. Một em nghiên cứu sinh và tôi là người đầu tiên công bố về chất da cam [1] nhưng chúng tôi làm hoàn toàn tự nguyện, không có ai tài trợ. Dù vậy, số liệu của chúng tôi công bố cũng không đủ 'mạnh'.

Anh bạn Lưu Nhi Dũ và Phan Xuân Loan (người 'đày đoạ' tôi nhiều nhứt về các bài da cam) chắc nhớ câu chuyện da cam thời 30 năm trước.

Các bạn sẽ nói Việt Nam cũng có chứng cớ đã công bố trên nhiều báo đài của Nhà nước rồi. Có lẽ đối với Việt Nam đó là chứng cớ, nhưng đối với toà án, đó không phải là 'chứng cớ khoa học' (scientific evidence). Sau cuộc chiến, các nhà khoa học Mĩ thực hiện nhiều nghiên cứu trên cựu chiến binh Mĩ về tác hại của chất da cam, và họ công bố kết quả trên những tập san y khoa. Đối với toà án và cộng đồng khoa học, dữ liệu trên các tập san đó là chứng cớ khoa học. Việt Nam không có những nghiên cứu như thế, nên không thuyết phục được toà án Mĩ.

Đến chuyện vaccine made in Vietnam

Câu chuyện chứng cớ khoa học có liên quan đến vaccine made in Vietnam. Ai cũng hi vọng vaccine made in Vietnam có hiệu quả để giúp cho cộng đồng. Nhưng hiện nay thì chúng ta chưa có chứng cớ để nói có hay không có hiệu quả.

Nhà sản xuất vaccine Việt Nam công bố trên báo chí phổ thông rằng vaccine của họ (nanocovax) là an toàn và hiệu lực 99.4%, cao hơn các vaccine phương Tây bào chế. Đó là một tin tích cực. Nhưng giới khoa học, với bản chất hoài nghi, nên đặt vấn đề là nguồn gốc con số đó từ đâu, khi mà chưa có bất cứ một bài báo khoa học nào về nanocovax trên các tập san khoa học. Không ai, ngoài nhóm nghiên cứu, biết con số 99.4% đó dựa vào chỉ số sinh hoá nào và tính toán ra sao. Tôi chỉ đoán là người ta dựa vào một chỉ số sinh hoá và gián tiếp mà tôi có bàn với một phóng viên của Zing [2].

Trong nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học tuân thủ theo Qui ước Ingelfinger, có nghĩa là nhà khoa học chỉ tiếp xúc báo chí phổ thông sau khi kết quả nghiên cứu đã được công bố trên một tập san có bình duyệt. Lí do là nhà nghiên cứu có thể sai (thật ra, 95% những gì họ công bố là sai); do đó, cần phải có đồng nghiệp góp ý và chỉnh sửa cho đúng hơn. Qui ước này nhằm đảm bảo uy tín của tập san khoa học và vừa đảm bảo chất lượng thông tin được truyền tải đến công chúng. Công bố kết quả trên báo chí phổ thông mà chưa qua bình duyệt bởi một tập san khoa học được xem là vi phạm Qui ước Ingelfinfer.

Chỉ cần trả tiền là công bố?

Ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng các tập san khoa học chỉ là nơi công bố các nghiên cứu, chỉ cần trả tiền là họ đăng bài. Đây là một hiểu lầm hết sức căn bản. Đúng là tập san lấy ấn phí từ tác giả, nhưng họ chỉ lấy ấn phí sau khi bài báo đã qua bình duyệt và chấp nhận cho công bố. Những tập san như Lancet, JAMA, New England Journal of Medicine từ chối 95% bài báo. Do đó, không phải cứ trả tiền cho tập san là được công bố đâu.

Xin nói thêm rằng việc tập san lấy ấn phí từ tác giả không có nghĩa là tập san công bố những nghiên cứu kém chất lượng. Những tập san trong nhóm Nature có thể lấy ấn phí lên đến 5000 USD một bài, nhưng đó là những bài có chất lượng cao. Đa số nhà khoa học chỉ mơ được công bố một bài trên các tập san như thế, và tuyệt đại đa số họ cho đến cuối đời sẽ không bao giờ làm được.

Tập san khoa học và nhà chức trách

Có ý kiến cho rằng tập san khoa học không có vai trò phê chuẩn vaccine, chỉ có nhà chức trách mới có vai trò đó; suy ra, chỉ cần nộp kết quả cho nhà chức trách như FDA là đủ. Đây lại là một sự hiểu lầm về vai trò bổ sung cho nhau giữa FDA và các tập san khoa học.

FDA có thẩm quyền phê chuẩn vaccine, có quyền đánh giá qui trình nghiên cứu và phân tích lại dữ liệu của công ti, nhưng họ không có thẩm quyền đánh giá chất lượng khoa học. Ngược lại, các tập san khoa học không có quyền phê chuẩn vaccine, nhưng họ có thẩm quyền đánh giá chất lượng khoa học.

Nên nhớ rằng FDA chỉ phê chuẩn vaccine sau khi đã xem kết quả nghiên cứu công bố trên những tập san khoa học. Hơn nữa, FDA là cơ quan chức trách chịu trách nhiệm trước chánh phủ và công chúng. Các tập san khoa học chịu trách nhiệm trước cộng đồng khoa học và công chúng.

Đăng kí trên clinicaltrials.gov là đủ?

Lại có ý kiến cho rằng đăng kí nghiên cứu trên trang clinicaltrials.gov là đủ, vì đó là trang do một cơ quan của Chánh phủ Mĩ quản lí; suy ra, công bố trên đó là coi như được công nhận. Không phải.

Trang clinicaltrials chỉ là nơi đăng kí qui trình nghiên cứu, không phải nơi để công bố kết quả nghiên cứu. Xin nhắc lại: trang clinicaltrials không có chức năng công bố kết quả nghiên cứu, không có chức năng bình duyệt kết quả nghiên cứu, không có chức năng kiểm tra chất lượng nghiên cứu. Nó chỉ thuần tuý là một trạm thông tin để nhà khoa học đăng kí nghiên cứu TRƯỚC khi thực hiện.

Xin nói thêm rằng trang clinicaltrials ra đời là để cải thiện tính MINH BẠCH và TÁI LẬP trong nghiên cứu khoa học. Trước đây, các công ti dược làm thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, và khi kết quả không tốt hay có biến chứng nguy hiểm, họ giấu diếm và không công bố. Đó là một sự vi phạm qui ước khoa học, dẫn đến sự khủng hoảng về tái lập trong khoa học. Vì thế, cộng đồng khoa học kêu gọi lập các trang như clinicaltrials (có nhiều trang) để nhà nghiên cứu đăng kí công trình nghiên cứu của họ.

Theo qui định này, trước khi thử nghiệm lâm sàng, nhà nghiên cứu phải đăng kí những thông tin cơ bản. Không đăng kí thì tập san khoa học sẽ không công bố kết quả nghiên cứu. Không hiểu rõ vai trò của trang clinicaltrials rất dễ dẫn đến nhận định sai lầm.

Các bạn thử xem qua cách công ti Pfizer và Nanogen đăng kí nghiên cứu trên clinicaltrials sẽ thấy rất khác nhau về chi tiết. Pfizer cung cấp hàng loạt tài liệu tham khảo về những nghiên cứu trước đây của họ (trước khi phát triển vaccine mRNA), còn đối với nanocovax thì hoàn toàn không thấy bất cứ một nghiên cứu nào làm nền tảng cho việc phát triển vaccine.

Dĩ nhiên, nhà sản xuất có thể nói rằng vì lí do bản quyền thương mại, nên họ không công bố trên các tập san khoa học. Nhưng nếu dùng lí giải đó thì tại sao các công ti như Pfizer, Moderna, AstraZeneca đều công bố nghiên cứu làm nền và đều đăng kí bằng sáng chế? Lí do bảo mật và bằng sáng chế xem ra khó thuyết phục.

Lại có ý kiến rằng nhà sản xuất không dùng tiền của Nhà nước để làm nghiên cứu, nên họ không có nghĩa vụ phải công bố kết quả khoa học. Lí giải này thoạt đầu nghe cũng có lí, nhưng xem xét kĩ thì ... không hợp lí. Khi nhà sản xuất làm nghiên cứu và thử nghiệm trên người, trên bệnh nhân, và họ phải có nghĩa vụ báo cáo cho công chúng và những tình nguyện viên biết họ đã tìm ra những gì. Tình nguyện viên hi sinh thời gian và thậm chí cả sự rủi ro để cống hiến thông tin cho nhà sản xuất, họ có quyền được tôn trọng, và công bố kết quả nghiên cứu là thể hiện một sự tôn trọng tình nguyện viên.

Trong khoa học có Nguyên lí Clifford (xuất phát từ triết gia William Clifford), phát biểu đại khái rằng bất cứ ai tin vào bất cứ điều gì mà chưa đủ chứng cớ là luôn sai ở mọi nơi ('It is wrong always, everywhere, and for anyone to believe anything on insufficient evidence.')

Cái note này không có mục đích 'phản biện' hay 'tranh luận' với ai cả; tôi chỉ muốn giải thích thế nào là chứng cớ khoa học, vai trò của tập san khoa học và trang clinicaltrials . gov cho các bạn đã từng tham gia lớp học ở Hà Nội và Sài Gòn trong mấy tuần qua [3]. Câu chuyện về chất da cam 3 thập niên trước là một bài học đắt giá để hiểu thế nào là 'chứng cớ khoa học', ấy vậy mà 30 năm sau, thời đại của Y học Thực chứng, chúng ta vẫn còn loay hoay với câu hỏi này!

______

[1] https://academic.oup.com/ije/article/35/5/1220/762051

[2] https://zingnews.vn/can-thu-nghiem-vaccine-tren-bao-nhieu...

[3] Trong tháng Sáu vừa qua, tôi có dịp giảng online chừng 10 bài về công bố khoa học ở Hà Nội và Sài Gòn. Trong các buổi học đó, chẳng ai còn nghi ngờ thế nào là 'chứng cớ khoa học'. Ai cũng cố gắng công bố những công trình khoa học tốt nhứt, và xem như là chứng từ khoa học của nước nhà.