08.08.2021

Thư Sài Gòn 6: Chuyện tang gia hậu sự vẫn chưa đến hồi kết - Song May Gửi tới BBC

 Thư Sài Gòn 6: Chuyện tang gia hậu sự vẫn chưa đến hồi kết

  • Song May
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Đại dịch Covid-19 khiến nghi lễ đám tang và thủ tục tâm linh truyền thống ở TP HCM lúc này là không thể thực hiện được

Cái chết đối với từng người vốn là một hành trình cô đơn không thể chia sẻ cùng ai, nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt mọi sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng.

Năm 2020, người Sài Gòn đã chứng kiến những cái chết đơn độc như vậy trên khắp thế giới và nghĩ mình may mắn khi sống trong một quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, cái chết vì Covid lúc đó còn xa lắc.

Nhưng bây giờ, thời điểm tháng 8/2021, mọi sự đã khác. Ai ở Sài Gòn bây giờ cũng có cảm giác cái chết vì Covid chạm ngoài ngõ và có thể "xông" vào nhà mình bất cứ lúc nào.

Hỗ trợ từ chính quyền thành phố

Hôm 7/8, Bí thư TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ lấy tiền từ ngân sách thành phố để lo hậu sự miễn phí cho người chết vì Covid, chi phí 17 triệu đồng một người và quân đội sẽ lo chuyển giao số tro cốt này đến tận nhà dân.

Thông tin trên các báo cũng cho biết thêm là tính đến ngày 6/8, thành phố có 2.324 ca tử vong vì Covid nhưng không cho biết con số đó tính từ thời gian nào, từ đầu dịch năm ngoái hay chỉ trong hơn 1 tháng nay?

Trước đó, hôm 6/8, có hai tờ báo lớn viết về dịch vụ mai táng người chết vì Covid-19 và gọi các cơ sở làm dịch vụ này là đang "hát trên những xác người", còn mạng xã hội gọi dịch vụ mai táng người chết vì Covid là "ăn xác".

Vài tuần qua, thông tin giá trọn gói lo hậu sự cho người chết vì Covid ở đâu đó phải trên 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng khiến nhiều người giận dữ, trong khi đại diện cơ quan chủ quản lò thiêu Bình Hưng Hòa trả lời chỉ lấy phí thiêu xác 4,2 triệu đồng. Nên thông tin từ bí thư TP Hồ Chí Minh hôm 7/8 đã giúp dân tình thêm phấn chấn, vì nỗi khổ của dân có vẻ như đã được chính quyền lắng nghe và giải quyết(!)

Tuy nhiên, cách tiến hành việc này như thế nào thì các tờ báo không hề nói.

Chẳng hạn, số đường dây nóng phụ trách lo hậu sự miễn phí cho người chết vì Covid - với điều kiện là không bao giờ bị nghẽn mạch giống đường dây 1022 dành cho người dân khó khăn vì Covid?

Chẳng hạn thân nhân của người chết vì Covid trước ngày 7/8 có xin lấy lại 17 triệu đồng được không?

Chẳng hạn với bệnh nhân Covid chết tại nhà, cách thức thân nhân của họ nhận tiền lo hậu sự như thế nào? Khi phải trình giấy chứng tử để nhận chi phí lo hậu sự ở chính quyền phường (xã), thì có nghĩa là họ cũng phải vay mượn tiền đâu đó để lo trước, xong xuôi rồi mới làm đơn nhận lại 17 triệu đồng phải không?

Than ôi, người lao động tự do khó khăn vì Covid muốn nhận 1,5 triệu đồng tiền trợ cấp của nhà nước cũng còn khó đây, nói gì đến khoản to 17 triệu đồng?

Rằng hay thì thật là hay, nhưng dân cầm được tiền của nhà nước có dễ bao giờ đâu?

Nhà đòn quá tải

Khoảng hai tuần nay, tôi thường nghe bạn hữu và thân nhân báo tin hàng xóm mới chết vì nhiễm Covid.

Anh trai tôi lo lắng kể trong khu xóm của anh (ngoại ô Sài Gòn) có bốn người chết, trong đó một gia đình mất hai người trong vòng 10 ngày - một người phụ nữ hơn 50 tuổi chết tại nhà, 10 ngày sau người em trai hơn 40 tuổi chết ở bệnh viện.

Chết ở bệnh viện không biết sao chứ những ai chết ở nhà thì y tế địa phương đến hốt xác mang đi và hẹn trả lại hũ cốt với giá từ 28 triệu đồng đến 50 triệu đồng (tùy chọn) mà bảo lâu lắm mới lấy được tro cốt.

Anh tôi nói cầu lớn mà cung ít thì tất yếu xảy ra việc không kiểm soát được giá cả, tuy nhiên, giờ đâu phải ai cũng có 28 triệu đồng để lấy hũ cốt về?

Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Sài Gòn thường gửi gắm tro cốt thân nhân vào những nơi thiêng liêng như nhà thờ, nhà chùa

Một bà chủ cơ sở mai táng mà tôi quen hơn 10 năm nay nói với tôi hai vợ chồng bà làm quần quật cả tháng nay không biết ngày biết đêm là gì.

Vợ chồng bà phải dọn vào ở luôn trên trại hòm, còn nhà cửa và các con thì giao cho họ hàng. Cả hai phải vào bệnh viện lấy xác bệnh nhân chết vì Covid mỗi đêm, công việc nguy hiểm nên dù nhớ con cũng không dám ở cùng các con. Hiện nay, bà phải trả lương cho người "hốt xác" từ 7 đến 14 triệu đồng một ngày (gấp 2, gấp 3 lần lúc bình thường) mà tìm không ra người!

Tiền thuê một chuyến xe cấp cứu chở xác đi Bình Hưng Hòa thiêu phải trả 10 triệu đồng, nên trong hàng xe nối đuôi dài ở lò thiêu này trong mấy tuần qua người ta tận dụng đủ loại xe, trong đó có cả xe lôi, xe tải.

Mỗi một xe chở quan tài lên Bình Hưng Hòa phải chờ từ 15 đến 20 tiếng đồng hồ sau mới xong việc, nên một xe phải chở ít nhất từ hai đến bốn cái quan tài.

Tình cảnh của các cơ sở mai táng ở TP.HCM hiện nay không chỉ "cháy xe" mà còn "cháy tài xế". Giá thuê một tài xế chở quan tài đi thiêu một lần phải trả 1 triệu đồng mà không dễ kiếm.

Bên cạnh đó là tình trạng "cháy quan tài", giá áo quan đội lên gấp đôi, gấp ba bình thường mà khan hiếm, nên có cơ sở mai táng phải thương lượng mua quan tài ở các tỉnh, hoặc tệ hơn, dùng tạm ván ép ọp ẹp để quàn người chết.

Từ trước đến nay, cơ sở gia đình của bà chỉ nhận làm dịch vụ mai táng cho vài bệnh viện và người quen biết, luôn chủ động được nguồn áo quan nhờ tự sản xuất. Khi Covid ập tới, các bệnh viện không đủ chỗ chứa xác gọi liên tục, bà lo không xuể nên không dám nhận thêm bất cứ ca chết Covid nào ở ngoài. Không chỉ hỗ trợ bệnh viện đem xác nhiễm Covid đi thiêu, bà còn phải ứng trước tiền lo hậu sự cho người chết.

Theo bà, chi phí lo hậu sự cho một bệnh nhân Covid chết ở bệnh viện hiện nay bao gồm: 4,2 triệu tiền thiêu xác cộng với gần 10 triệu đồng tiền quan tài, tiền thuê xe chở quan tài, 4 nhân viên trả lương độc hại cao, đồ bảo hộ, sát khuẩn, bao xác, trà, thuốc... Một ca tổng cộng 14 triệu đồng mà bà nộp chứng từ cả tuần vẫn chưa thấy bệnh viện chuyển khoản thanh toán tiền.

Bên cạnh áp lực lo an táng cho bệnh nhân Covid chết ở bệnh viện, bà luôn nhận được những cuộc gọi từ người quen năn nỉ lo hậu sự cho bệnh nhân Covid chết ở nhà.

Không đành lòng, đầu tháng 8, bà đánh bạo mua thêm hai cái xe, tìm tài xế khắp nơi và hôm 4/8, bà đăng một thông tin sẽ nhận lo hậu sự cho các ca chết Covid ở nhà với giá trọn gói 20 triệu đồng, có thể bớt chút ít với những trường hợp khó khăn.

Sang ngày 6/8 bà than đang bị khủng hoảng với số lượng cuộc gọi đến.

Có hôm bà kể: "Mấy hôm nay, hai vợ chồng em cãi nhau từ khi mở mắt dậy cho tới khi ngủ gục mới thôi, vì căng thẳng quá."

Bà cũng tâm sự với tôi nỗi lo nhất của hai vợ chồng bà là sợ nhân viên bị lây nhiễm: "Tụi nó đổ bệnh và có bề gì thì em sống sao nổi?"

Từ chối cho biết mỗi ngày trại hòm của bà đang phải lo đám cho bao nhiêu bệnh nhân chết vì Covid, bà chỉ nói tóm tắt: "Khủng khiếp lắm chị ơi, em mất ăn mất ngủ ngày qua ngày."

Tiếp nhận thông tin TP Hồ Chí Minh sẽ trả trọn gói lo hậu sự cho người chết vì Covid, bà cho rằng rất khó để thực hiện, vì một số lý do sau.

Thứ nhất, các cơ sở mai táng ở Sài Gòn đều là doanh nghiệp tư nhân nhỏ kiểu gia đình, nhân lực phổ thông, thời vụ, lấy đâu ra tiềm lực mà hợp đồng với chính quyền để đứng ra thầu trọn gói, ứng tiền trước lấy tiền sau? Kinh nghiệm của gia đình bà hiện đã ứng tiền nhà lên đến hơn 2 tỷ đồng để lo đám cho số bệnh nhân Covid chết ở bệnh viện, có chứng từ đầy đủ mà còn chưa nhận được tiền thì làm sao đợi được Sở Tài chính giải ngân?

Thứ hai, thông qua nhà nước, người dân không tiếp xúc trực tiếp với cơ sở mai táng thì làm sao nhà đòn biết được ý nguyện của họ về nghi thức tôn giáo khi quàn xác, hình thức hũ cốt…?

Thứ ba, hiện nay nhà đòn là dân chuyên nghiệp mà sắp xếp đi giao hũ cốt đến từng nhà cũng phải mất vài ngày sau khi thiêu xác xong, nếu giao cho quân đội đưa xuống từng địa phương - là những người chưa bao giờ làm dịch vụ này - đi lòng vòng nếu mất chừng một tuần đến nửa tháng thì sao, chưa nói đến chuyện thất lạc, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm?

Quyết định lo hậu sự miễn phí cho người chết vì Covid của chính quyền TP Hồ Chí Minh rằng hay thì thật là hay, nhưng đừng vội mừng.

Một quyết định đưa ra nhằm trấn an dân chúng trong lúc bất an, rồi sau đó không có phương án thực hiện cho tốt nhất thì cũng chỉ là nghe cho vui vậy thôi.

Cứ nhìn vào quỹ phòng chống Covid của TP Hồ Chí Minh hiện thu được tiền đóng góp của doanh nghiệp và cá nhân lên đến 808 tỷ đồng tiền mặt và hơn 1.000 tỷ đồng hàng hóa và trang thiết bị y tế (số liệu của UB MTTQ Việt Nam TP.HCM tính đến hôm 24/7) mà người dân khắp nơi còn phải quyên góp tiền mua quần áo bảo hộ và khẩu trang y tế N95 cho lực lượng y tế ở các bệnh viện thì cũng đủ hiểu…

Cứ nhìn vào Group Giúp nhau mùa dịch của bác sĩ Phan Xuân Trung mỗi ngày thì ai cũng bị ám ảnh vì bất lực trước lời kêu cứu của thân nhân những F0 bị trở nặng tại nhà nhưng không tìm được xe cấp cứu, không tìm được bệnh viện tiếp nhận! Người còn sống mà hy vọng được chữa trị còn mong manh thì nói chi đến người đã chết…

Thế nên, dịch vụ mai táng người chết vì Covid ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đến hồi kết đâu.

Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của bạn đọc Song May từ TP Hồ Chí Minh.