28.09.2022

Ông Trump đề nghị làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga, Ukraine, và Hoa Kỳ-Jack Phillips- Minh Ngọc biên dịch

 Ông Trump đề nghị làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga, Ukraine, và Hoa Kỳ

Jack Phillips- Minh Ngọc biên dịch

Hôm 28/09, cựu Tổng thống Donald Trump đã đề nghị tham gia đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, viện dẫn những thiệt hại gần đây được cho là đã xảy ra đối với hai đường ống dẫn khí đốt là Nord Stream 1 và Nord Stream 2.

Các đường ống dẫn mà ông Trump viết đã bị phá hoại, có thể dẫn đến một “sự leo thang lớn” giữa Hoa Kỳ, Nga, và Âu Châu. Ông nói thêm trên Truth Social, giới lãnh đạo ở Hoa Kỳ nên giữ thái độ “điềm tĩnh, điềm đạm, và tỉnh táo.”

“Đây là một sự kiện lớn không nên đòi hỏi một giải pháp lớn, ít nhất là giờ thì chưa,” ông viết. “Thảm họa Nga/Ukraine đáng lẽ KHÔNG BAO GIỜ nên xảy ra, và chắc chắn sẽ không xảy ra nếu tôi là Tổng thống. Đừng làm cho vấn đề tệ hơn với sự cố nổ đường ống. Hãy có chiến lược, hãy thông minh (sáng suốt!), hoàn thành một thỏa thuận đã thương lượng NGAY BÂY GIỜ.”

“Cả hai bên đều cần và muốn có nó. Toàn bộ Thế giới đang bị đe dọa. Tôi sẽ dẫn đầu nhóm [này]???”

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao về đề xướng của ông Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 27/09, ông Trump nói với người dẫn chương trình podcast John Catsimatidis rằng “rốt cuộc chúng ta có thể rơi vào Đệ tam Thế chiến và mọi chuyện có thể sẽ là tất cả những điều khủng khiếp đã xảy ra ở Ukraine.”

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở thời điểm nguy hiểm nhất có thể là trong, trong nhiều, nhiều năm nữa — có thể là chưa từng có — vì sức mạnh của hạt nhân,” ông Trump nói.

Giới quan chức Âu Châu cho rằng hai đường ống này đã bị hư hại hôm 26/09 là một hành động có chủ ý. Một số người đã đổ lỗi cho Moscow, mặc dù Nga đã cùng vận hành Nord Stream 1 với Đức trong nhiều năm và một quan chức hàng đầu của Điện Kremlin hôm 28/09 đã bác bỏ những tuyên bố như vậy.

Nga, nước đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt vì Moscow xâm lược Ukraine, cũng nói rằng có khả năng đã xảy ra phá hoại. Đại sứ quán Nga tại Đan Mạch cho biết bất kỳ vụ phá hoại nào đối với đường ống của Nord Stream là một cuộc tấn công vào an ninh năng lượng của cả Nga và Âu Châu.

Có thể quan sát thấy mảng khí lớn trên biển ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch sau khi có báo cáo về sự rò rỉ bất thường từ hai đường ống khí đốt tự nhiên dưới Biển Baltic chạy từ Nga đến Đức, hôm 27/09/2022. (Ảnh: Bộ Tư lệnh Quốc phòng Đan Mạch)

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp hôm 30/09 theo yêu cầu của Nga để thảo luận về thiệt hại đối với hai đường ống Nord Stream nói trên, phái bộ Pháp tại LHQ, hiện đang giữ chức chủ tịch của hội đồng 15 thành viên này trong tháng Chín, cho biết trong một tuyên bố.

Người đứng đầu chính sách ngoại giao của Liên minh Âu Châu Josep Borrell cho biết: “Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của Âu Châu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng mạnh mẽ và thống nhất.”

Trong khi đó, các nhà địa chấn học ở Đan Mạch và Thụy Điển cho rằng các vụ nổ có thể là nguyên nhân gây ra hư hỏng cho các đường ống dưới nước và loại trừ nguyên nhân tự nhiên.

Ông Bjorn Lund, giám đốc Mạng lưới Địa chấn Quốc gia Thụy Điển tại Đại học Uppsala, nói với NPR hôm 27/09 rằng “rất rõ ràng từ hồ sơ địa chấn rằng đây là các vụ nổ.”

“Đây không phải là các trận động đất,” ông nói thêm. “Chúng không phải là các trận lở đất dưới nước.” Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Thụy Điển, ông Lund cho biết ông “không nghi ngờ gì rằng đây là những vụ nổ.”

Phản ứng của Điện Kremlin

Trình bày với các phóng viên hôm 28/09, phát ngôn viên hàng đầu của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc rằng Moscow được cho là đứng sau hành động phá hoại. Ông nói, thiệt hại này là một “vấn đề lớn” đối với Nga vì “khí đốt hiện đang rất đắt đỏ.”

“Thứ nhất, cả hai dòng Nord Stream… đều chứa đầy khí. Toàn bộ hệ thống đã sẵn sàng để bơm khí và khí đốt hiện đang rất đắt đỏ … bây giờ khí đang bốc hơi,” ông Peskov nói với Reuters. “Chúng tôi có hứng thú với điều đó không? Không, chúng tôi không, chúng tôi đã mất một tuyến đường cung cấp khí đốt cho Âu Châu.”