„..mục tiêu
giáo dục hiện nay tại VN chính là đào tạo người dân, nhất là giới trẻ, thành thần
dân trung thành với đảng, công cụ mù quáng của chế độ hơn là công dân tự do cho
đất nước, con người nhân bản cho xã hội. Có như thế đảng mới muôn năm trường trị
để giữ mọi quyền lực và hưởng mọi quyền lợi.“
Cái gọi là “nền giáo dục” của Cộng sản Việt
Nam
Linh
mục Phê-rô Phan Văn Lợi
(Bài
này cũng có trên Youtube dưới dạng trả lời phỏng vấn
của
nhà báo Trần Quang Thành ngày 18-09-2015 (thêm các câu hỏi))
Mở
Mới đây, dư luận xôn xao về một vụ việc liên quan tới giáo dục. Đó là trong buổi
ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm về đường lối giáo dục tại Việt Nam hôm
12-08-2015 em Vũ Thạch Tường Minh học
sinh Trường Amsterdam tại Hà Nội, 14 tuổi,
đã phát biểu: “Theo con…
bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là -con không có tính từ nào khác nên phải
dùng tính từ này- là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy quá ‘thối nát’ rồi. Mà
suốt bao nhiêu năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lui mà nó không
thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng
hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam… Các vị có thể nói là mất thời
gian, nhưng con thấy thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn.
Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa mà cần được cách mạng. Đó mới là điều
quý vị trong bộ giáo dục nên làm”.
Sau đó, ngày 19-08, đài RFA có thực hiện một cuộc phỏng vấn vài em học sinh
khác. Tất cả đều đồng ý với em Tường Minh và còn thêm
(1) Nền giáo dục Việt Nam hiện nay khó có
thể cải cách, vì đã nhiều năm bị kiềm chế làm cho tha hóa.
(2) Nền giáo dục VN không thúc đẩy sự phản
biện, không cổ súy quyền tự do ngôn luận, trái lại buộc phải tuyệt đối nghe lời
thầy, cô giáo.
(3) Nền giáo dục Việt Nam cần có một định
hướng khác chứ không thể là định hướng xã hội chủ nghĩa, vì nó không phù hợp. Cần
một định hướng mà mỗi cá nhân có được sự phát triển.
(4) Sinh viên, học sinh cần có tiếng nói,
nhưng điều này rất khó trong một đất nước không có tự do ngôn luận và rất dễ bị
ở tù.
(5) Khi tư duy được tự do phát triển, khả
năng ngôn luận được tự do, những tư tưởng sẽ được phát sinh rất nhiều. Đây cũng là nhận xét chung của hầu hết mọi người VN ở trong lẫn
ngoài. Trước tình trạng thê thảm đó, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung
tâm Minh triết Việt Nam ở Hà Nội, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC tháng 6-2015
đã có lý giải: “Tư duy và tư tưởng của những người lãnh đạo Việt Nam
hiện nay rất nông cạn, vì thế họ suy nghĩ hời hợt, bề ngoài. Họ rất thích áp đặt,
không thích cãi lại, để cho mỗi học sinh được tự do, để trưởng thành một con
người. Cái lò đào tạo ra người quản lý giáo dục lại là trường Nguyễn ái Quốc,
trường đảng, là những nơi xơ cứng nhất, kiến thức hẹp nhất.” Giáo sư Mai
cũng có nói thêm: “Do triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay không được xác
định tốt nên người học, người dậy và cả người quản lý đều lúng túng. Vì thế
không thúc đẩy được sự hình thành những tài năng giáo dục cho thời kỳ mới,
không giúp nẩy nở những những nhân tố tích cực cho dân tộc, kể cả tâm thức của
người học cũng như tâm thế của người dạy”. Nhưng Giáo sư lại không xác định
triết lý giáo dục chưa tốt đó như thế nào.
Thành ra, bàn về hiện trạng giáo dục thối nát của VN, thiết tưởng chúng ta cần
nói tới: nguồn gốc (hay triết lý giáo dục), sách lược (hay đường lối giáo dục)
và hậu quả trên chính nền giáo dục và trên toàn xã hội.
1- Nguồn gốc (triết lý giáo dục)
Nguồn gốc của tất cả sự băng hoại của “nền giáo dục” tại nước CHXHCNVN lúc này phải
nói chính là ý thức hệ Mác-Lê vô thần duy vật và chế độ độc tài toàn trị Cộng sản
vốn đang được đảng cầm quyền ra sức thực hiện.
Giáo dục là dạy dỗ, đào tạo con người sống theo một thứ đạo đức nào đó và nhắm
tới một mục tiêu nào đó. Thế mà ý thức hệ Mác-Lê và chế độ Cộng sản chủ trương
“đạo đức cách mạng” với 2 nguyên tắc chính:
(1) mọi cái có lợi cho Cách mạng (tức cho
đảng) đều là chân thiện mỹ, dù đó là gian dối hay bạo lực, xấu xa hay đê hèn;
(2) cứu cánh biện minh cho phương tiện, cứu
cánh đây là sự tồn tại của chế độ CS, nên nếu phương tiện có đi ngược lại tiếng
nói của lương tâm, lời dạy của tôn giáo thì cũng bất chấp, bất cần. Còn mục
tiêu giáo dục hiện nay tại VN chính là đào tạo người dân, nhất là giới trẻ,
thành thần dân trung thành với đảng, công cụ mù quáng của chế độ hơn là công
dân tự do cho đất nước, con người nhân bản cho xã hội. Có như thế đảng mới muôn
năm trường trị để giữ mọi quyền lực và hưởng mọi quyền lợi.
2- Sách lược (hay đường lối)
Từ đó phát sinh ra sách lược (hay đường lối) là đảng CS phải quản lý, khống
chế toàn diện nền giáo dục quốc dân từ mẫu giáo đến đại học. Cứ đọc Luật Giáo dục
và nhìn Nền Giáo dục là thấy rõ điều này.
Trước hết, hãy điểm qua vài điều trong Luật giáo dục do đảng chỉ đạo quốc hội
soạn mà đã ban hành ngày 14-06-2005.
“Điều 2: Mục tiêu giáo dục: Đào tạo con
người VN phát triển toàn diện, có đạo đức… trung thành với lý tưởng độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội….”.
“Điều 3: Tính chất, nguyên lý giáo dục:
1. Nền giáo dục VN là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân,
dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng”.
“Điều 27: Mục tiêu của giáo dục phổ
thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất… hình
thành nhân cách con người VN xã hội chủ nghĩa…”.
“Điều 40: Nội dung giáo dục đại học phải
có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học
cơ bản… và các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”
Đề cương ‘Chiến lược Phát triển giáo dục
2011–2020’, đảng cũng đưa ra 4 ‘Quan điểm chỉ đạo’ ngành giáo dục tương tự: “Một. Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc
sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Hai. Xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc,
tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác–Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng. Ba. Đổi mới căn bản,
toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ
hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa. Bốn. Hội nhập quốc tế sâu, rộng về
giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự
chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Bốn quan điểm chỉ đạo này hiển nhiên đều
dính đến đường lối chính trị của Đảng CS.
Do đó đảng tiêu diệt các trường tư của mọi tôn giáo (vốn đã có từ tiểu học tới
đại học trước năm 1975 tại miền Nam) và khống chế các trường tư của mọi công
dân . Hiện các tôn giáo chỉ được mở trường mẫu giáo mà thôi. Mới đây, ngày
03-08-2015, ban tôn giáo chính phủ có cho phép thành lập Học viện Công giáo
nhưng buộc phải “hoạt động theo quy định của pháp luật VN và theo nội dung đề
án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận” (Điều 2 của Quyết định
289). Giáo hội Phật giáo VN thì từ lâu đã có một học viện tại Sài Gòn. Học viện
Phật giáo này từng nổi tiếng vì năm 2001 có chấp thuận một luận văn chụp mũ, mạt
sát, mạ lỵ Đức Huỳnh Giáo Chủ và đả kích giáo lý PGHH. Mới đây, hôm 01-09, thầy
chủ nhiệm khoa của anh sinh viên Phạm Lê Vương Các tại Đại học (dân lập) Kinh
doanh Thương mại Hà Nội có nói với anh: “Trường này do những người CS lập
ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị CS.”, do đó
khuyên anh nên rút hồ sơ và xin nghỉ học ở trường vì anh có tinh thần dân chủ.
(Xem bài “Em hãy rút hồ sơ và nghỉ học ở trường này đi”).
Thứ hai, Đảng đặt các hiệu trưởng cho mọi trường công lập từ tiểu học trở lên:
hiệu trưởng phải là thành viên của đảng; ngoài ra còn có bí thư đảng, đảng đoàn
trong trường học để kiểm soát mọi giáo viên và học sinh, mọi chương trình và hoạt
động của trường. Mỗi cậu đoàn viên đoàn Thanh niên Cộng sản có bổn phận đóng
vai công an theo dõi thầy và bạn của mình, nhất là trong lập trường chính trị.
Nhiều em thuộc Đội thiếu nhi Tiền Phong trong các trường cấp 1 cũng lãnh nhiệm
vụ báo cáo về cô giáo của mình.
Thứ ba, Đảng độc quyền biên soạn sách giáo khoa và coi giáo khoa là pháp lệnh,
không được giảng dạy ra ngoài, nhất là các môn khoa học nhân văn. Chính vì thế
mà vào năm 1960, một thày giáo bạn của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện bị đau, đã nhờ
ông dạy giúp hai giờ môn sử. Bài học hôm ấy nói về Thế chiến thứ hai kết thúc với
sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản. Bất bình trước hành vi trắng trợn xuyên
tạc lịch sử của sách giáo khoa viết rằng Thế chiến này kết thúc là nhờ Hồng
quân Liên Xô đánh bại quân đội Nhật, nhà thơ đã thẳng thắn giảng cho học sinh
biết sự thật là quân Nhật thua quân Đồng minh vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ.
Cái giá của viêc “coi thường” giáo khoa này là hai tháng sau ông đã bị nhà cầm
quyền kết án và đẩy vào lao ngục, khởi đầu cho cuộc đời vào tù ra khám 27 năm
dưới bàn tay sắt máu của chế độ. Tháng 6-2009, cô giáo Nguyễn Thị Bích
Hạnh, 28 tuổi, đang dạy ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam, bị buộc thôi
việc vì "đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo;
sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của
chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà
nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhật khai thác, truyền
bá trang web phản động, phản giáo dục”. Việc “truyền bá” này chính là cô đã
đề cập với các em học sinh một số bài viết trên các trang mạng hải
ngoại như Talawas và Tienve.org với mục tiêu “hướng dẫn các em biết
cách tự học, tự đọc, tự tìm tòi phân tích thông tin”.
Thứ tư, Đảng đặt ra hệ thống quản lý giáo dục (bộ, ty, sở, phòng) từ trung ương
tới địa phương: tỉnh, thành, quận, huyện. (VN Cộng Hòa chỉ có ở cấp miền và tỉnh).
Tổ chức đảng điều khiển hệ thống này. Mục tiêu của nó là kiểm soát từ học đường
đến gia đình, từ thầy đến trò để theo dõi chính kiến của tất cả ngõ hầu mọi sự
đều luôn nằm trong bàn tay của đảng. Toàn bộ nhân sự quản lý giáo dục đó đều xuất
thân từ hệ thống các trường đảng vốn có khắp mọi tỉnh mang tên là trường Nguyễn
Ái Quốc. Nơi đây cũng đào tạo nhân sự quản lý hành chánh của chế độ.
Thứ năm, Đảng buộc môn chính trị trong các trường là môn chính khóa với rất nhiều
tiết học. Thậm chí còn buộc như thế đối với các trường đào tạo tôn giáo, theo
điều 24 Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và điều 14 Nghị định về tín ngưỡng tôn
giáo. Tại các trường đào tạo tôn giáo này, nó mang mỹ từ là “môn học về lịch sử
và pháp luật Việt Nam”, nhưng thật ra là chính trị.
Thứ sáu, Đảng còn đoàn ngũ hóa học sinh sinh viên qua tổ chức Đội Thiếu nhi Tiền
phong và Đoàn Thanh niên CS mà hầu như có tính cách bắt buộc, nhằm tẩy não và
nhồi sọ thế hệ trẻ về lòng kính yêu “bác” và việc bước theo “đảng”.
Ngoài ra, còn phải kể đến việc quân đội và công an cũng là nơi đảng nặn nên những
kẻ “chỉ biết còn đảng còn mình”, “trung với đảng” (trước), “hiếu với dân” (sau)
qua một hệ thống không hề có trong các chế độ dân chủ và cả các chế độ độc tài
phi cộng sản. Đó là hệ thống chính ủy.
Đối với đông đảo quần chúng nhân dân, Đảng cũng không quên giáo dục họ bằng một
nền thông tin tuyên truyền nhồi sọ liên tục ngày đêm, đôi khi bằng những chiến
dịch rộng rãi. Có những chiến dịch đã vang rền lịch sử như cuộc Cải cách Ruộng
đất và vụ án Nhân văn Giai phẩm.
Ngoài mục tiêu
thu tóm đất đai và các phương tiện sản xuất nông nghiệp vào tay đảng, cuộc Cải cách ruộng đất –qua biện pháp tố khổ: con tố cha, vợ tố chồng,
hàng xóm tố nhau- còn nhằm phá hoại toàn bộ nền đạo đức cổ truyền của dân tộc
là tình làng nghĩa xóm, là nếp sống chân thành, nhân ái giữa mọi người Việt, là
tôn ti trật tự trong gia đình, trong dòng họ, trong cộng đồng, để thay bằng đạo
đức cách mạng của đảng và quyền uy thống trị độc tôn của đảng.
Vụ án Nhân văn Giai phẩm thì nhắm cưỡng buộc giới trí thức, văn
nhân nghệ sĩ đem tài năng không phải để phục vụ chân thiện mỹ, cho các giá trị
nhân văn, mà là phục vụ cho sự thống trị của đảng. Đảng giáo dục quần chúng bằng
cách làm cho mọi người dân nghi ngờ nhau, dò xét nhau, báo cáo nhau và nhất là
xa lánh, căm ghét tất cả những ai bị đảng cho là kẻ thù nhân dân, của nhà nước,
của chế độ. Số phận thê thảm của các nhà trí thức nổi tiếng như luật sư Nguyễn
Mạnh Tường, triết gia Trần Đức Thảo, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sau khi họ lên tiếng
cho sự thật và lẽ phải, dân chủ và tự do là những bằng chứng.
“Nghe theo đảng,
nói theo đài” là châm ngôn sống mà đảng đã luôn nhồi vào đầu óc quần chúng bằng
cả một nền báo chí công cụ đồ sộ mà Nguyễn Phú Trọng vừa khoe nhân kỷ niệm 90
năm “Ngày Báo chí Cách mạng VN” (21/06/1925-2015): 849 cơ quan báo in, 67 đài
phát thanh - truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử, một hãng Thông tấn quốc gia,
35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí trong đó có gần 18.000 là nhà báo
chuyên nghiệp”. Rồi đảng còn giáo dục quần chúng bằng một hệ thống loa phường
đinh tai điếc óc mà gần đây lại tiếp tục gây tranh cãi trên báo chí.
3- Thành quả (hay đúng hơn là hậu quả)
Thành quả của “nền
giáo dục” bị đảng hóa, độc quyền hóa, chính trị hóa như thế thì vô số và chỉ có
thể là thê thảm, tai hại, nên phải gọi là hậu quả.
a- Ngay trên lãnh vực giáo dục, đó là
ông thầy cần “hồng” hơn “chuyên”. Từ đó sinh ra nạn hiệu trưởng, giáo sư và
giáo viên sẵn sàng cấm sinh viên học sinh xuống đường biểu tình chống Tàu cộng
xâm lược, như đã thấy trong các cuộc biểu tình từ năm 2007 đến nay, nạn nhà trường
đuổi học những sinh viên yêu tự do, dân chủ (như Nguyễn Phương Uyên, Phạm Lê
Vương Các) hay hăm dọa bạn học bênh vực các sinh viên này, nạn thầy giáo để cho
công an vào trường bắt học trò của họ. Rồi nạn “nhà giáo ưu tú” làm dư luận
viên bênh vực đảng và chế độ như Trần Đăng Thanh, Hoàng Chí Bảo… Ngày
18-04-2015, theo BBC, phó giáo sư đại học quốc gia Hà Nội Vũ Quang Hiển thản
nhiên phát biểu cách dối trá: “Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, VN không có
ngược đãi đối với mọi người.... Còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi
nghĩ đấy là để học cho rõ chính sách của nhà nước VN thời bấy giờ... chứ không
có nghĩa là một chế độ tù đầy. Nếu nói là tù đầy, thì tôi nghĩ đó là một sự
xuyên tạc”.
Rồi nạn giáo viên thiếu kiến thức (“đứng
nhầm bục”) và vô tư cách. Vô tư cách như đổi tình lấy điểm, buộc học sinh
phục vụ sinh lý cho mình và cho các quan chức (ví dụ tại trường thị trấn Việt
Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), như tung hình khêu gợi lên mạng (nữ giáo
sinh nhiều trường sư phạm, theo báo Nghệ An online ngày 02-07-2014), như nâng
điểm, cho lên lớp những học sinh kém, như dạy học sinh gian lận, để mình có
thành tích, đến nỗi ông nguyên bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân phải la hoảng.
Chẳng hạn ngày 14-05-2015, trên Tuổi Trẻ Online có một bài báo với tựa đề
“Chúng ta đang dạy con trẻ dối trá”, bài viết nói về ‘Cuộc thi sáng tạo trẻ
thơ’ ở trường tiểu học nọ. Trong cuộc thi, người ta tập hợp các sáng chế của
chính các em học sinh lớp 4-5. Nhưng sự thật, các dụng cụ sáng tạo đó đều hoặc
do thày cô hoặc do phụ huynh thiết kế rồi đăng ký tên cho các em, phần diễn giải
cũng được viết sẵn cho các em học thuộc. Ngày thi, từng tốp các em lên thao
thao thuyết minh cho sáng tạo nhận vơ của mình, rất chuyên nghiệp & trôi chảy.
Phía dưới sân khấu là hàng trăm học sinh khác làm khán giả, chúng cũng râm ran
bàn tán theo từng sáng tạo. Điều đáng buồn, chúng xôn xao không phải vì thích
thú với những sản phẩm độc lạ, mà vì khó chịu với những người bạn ra oai mô tả
sản phẩm sáng tạo chẳng phải của mình và với những thầy cô xúi học sinh làm điều
bất lương thiện.
Ngoài ra có nạn giáo viên coi học sinh và gia đình là nơi để làm tiền bằng cách
dạy thêm (một quốc nạn đau đầu đã mấy chục năm nay mà vẫn không giải quyết được),
thu đủ kiểu chi phí ngoài học phí, và mỗi năm đến ngày Nhà giáo VN thì vòi tiền
vòi quà cách trắng trợn.
Về học sinh thì cũng có nạn hồng hơn
chuyên: đó là không ý thức về hoàn cảnh đất nước (để đảng lo), không băn
khoăn về bộ mặt chế độ (để đảng làm), không tham gia các cuộc biểu tình yêu nước
(thậm chí làm rào chặn đoàn biểu tình, phá đám việc tưởng nhớ các anh hùng liệt
sĩ), sẵn sàng làm dư luận viên bênh vực chế độ và tấn công phong trào dân chủ
(tự hào đó là bản lĩnh chính trị, kênh truyền hình VietVision là một thí dụ). Về
đức dục thì có nạn gian dối: quay cóp khi làm bài, đồng lõa với thầy cô để tập
trước những cuộc thi điển hình, kiểu mẫu hoặc để nhận biểu diễn các tác phẩm do
thầy cô sáng tạo như ví dụ nói trên kia. Đáng nói nhất và nhức nhối nhất là nạn
bạo hành (học sinh đánh bạn, đánh thầy, ngay cả học sinh nữ, trước sự chứng kiến
vô cảm hay thái độ hùa theo của bạn bè), nạn vâng lời tối mặt, thiếu tinh thần
độc lập (đôi khi bắt buộc phải vậy). Về trí dục thì có nạn học đối phó, học để
thi, để lên lớp, không phải để hiểu biết; học kiểu từ chương, không có tinh thần
tự tìm, tự hiểu; làm bài theo văn mẫu, ít óc sáng tạo.
Về giáo khoa, thì giáo khoa của các môn
nhân văn như công dân, văn, sử, địa, đầy rẫy những xuyên tạc lịch sử (“30%
sự thật, 70% gian dối theo giáo sư Hà Văn Thịnh), đề cao đảng và chế độ, lâu
lâu lại đề cao Tàu cộng hay che giấu những hành động xâm lăng của Bắc phương
(khiến thui chột lòng yêu nước), dạy lòng căm thù, nhất là căm thù những ai bị
đảng coi là địch (khiến tiêu biến lòng nhân ái vị tha). Ngay các bài toán cộng
trừ cũng nhiều khi là việc tính xác chết của quân đội Mỹ ngụy. Mới đây có loại
sách dạy kỹ năng sống bằng cách ăn phân gà, đi trên miểng chai, cưa bom đạn.
Giáo khoa các môn khoa học kỹ thuật thì biên soạn ẩu tả, sai lạc. Nhà văn Trần
Khải Thanh Thủy từng tiết lộ là một người bạn cùng lớp với bà, học rất dốt, sau
khi ra trường lại trở thành người biên soạn giáo khoa. Ngoài ra, có nạn sách học
đổi từng năm, khiến em không thể dùng sách của anh được.
Về cơ sở: đa phần xuống cấp, xập xệ, nhất là những vùng sâu vùng xa, thiếu những
học cụ hiện đại. Chưa kể đến việc học sinh phải đu dây vượt sông, chui vào túi
ny-lon qua suối để đến trường. Lại có nạn tham nhũng trong việc cung cấp các
phương tiện như máy vi tính, bảng tương tác điện tử, việc cung cấp đồng phục,
việc xây dựng nhà vệ sinh. Báo VietnamExpress ngày 8-6-2013 có bài: “Gần 6 tỷ đồng
xây dựng 13 nhà vệ sinh” tại trường học. Rồi ngoài học phí (tiểu học và trung học
công lập, một kiểu bóc lột về mặt vật chất sau kiểu bóc lột tinh thần là tẩy
não, nhồi sọ, diệt ý chí, trấn áp tự do), còn đủ trăm thứ phí học đường, khiến
gia đình càng thêm khánh kiệt.
b- Hậu quả của nền giáo dục CS trên toàn
xã hội là trình độ văn hóa chung của xã hội và đất nước xuống cấp trầm trọng: bằng
giả tràn lan, đủ thứ tiến sĩ giấy, giáo sư dổm. VN không có những tác phẩm
văn hóa, phát minh khoa học, sáng chế kỹ thuật mang tầm mức quốc tế, hoàn vũ.
Theo thống kê gần đây của Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam, cả nước
có 24.300 Tiến sĩ và hơn 100.000 Thạc sĩ. Số Giáo sư, Tiến sĩ của Việt Nam
đạt mức nhiều nhất Đông Nam Á. Nhưng khi so sánh với các nước trong khu vực
về số bằng sáng chế riêng cho năm 2011, Việt Nam đứng ở vị
trí thấp nhất.
Singapore với 4.8 triệu người, có 647 bằng sáng chế;
Malaysia với 27.9 triệu người, có 161 bằng sáng chế;
Thái Lan với 68.1 triệu người, có 53 bằng sáng chế;
Philippine với 95.8 triệu người, có 27 bằng sáng chế;
Việt Nam với dân số 90 triệu người, không có bằng sáng chế.
Bảng xếp hạng (QS) về học vấn năm 2015 của các trường đại
học danh tiếng (World University Ranking) tại Á Châu, trường đại học số 1 của
Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) được xếp hạng 191/200. Nhưng theo bảng xếp hạng
về số bài báo khoa học công bố (Scimago), đại học Việt Nam đứng vị trí 1.895
trong số các trường đại học trên thế giới.
Tình trạng đạo đức thì ngày càng băng hoại:
chẳng còn tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào tình đồng loại. Xã hội đầy ứng xử
vô văn hóa, gian dối và bạo lực. Ứng xử vô văn hóa như xả rác bừa bãi,
không tôn trọng luật đi đường, phá hoại công trình công cộng. Ngay cả quan chức
cao cấp cũng làm gương trong chuyện này, như bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị từng
dám đem tặng thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain hình tấm bia ghi lại việc ông ta
bị bắn rơi tại Hà Nội thời chiến tranh, mà nên nhớ Phạm Quang Nghị từng là bộ
trưởng bộ văn hóa. Gian dối trong giao tế, làm ăn, tạo sản phẩm. Ra nước ngoài
thì ăn cắp, buôn lậu. Chuyện này đặc biệt xảy ra tại nhiều tòa đại sứ, lãnh sự
VN và hãng Hàng không VN. Bạo lực xảy ra liên tục trên đường, giữa phố, do học
từ nhà trường và từ việc nhà nước dùng bạo lực với dân.
Nền giáo dục đó cũng tạo ra những công
an tàn ác với dân, mù quáng tuân lệnh, làm luật kiếm tiền, sẵn sàng
tra tấn đến chết những ai mới bị bắt vào đồn; những viên chức tham nhũng bóc lột, dối gian lừa đảo, hứa hẹn hão
huyền và không nguôi lòng thù hận (như nhà cầm quyền tại SG vẫn tiếp tục để
nguyên tấm bia nói về tội ác của Mỹ ngay trước tòa lãnh sự Hoa Kỳ); những nhà
báo dối trá, ngày đêm sơn phết, tụng ca chế độ bất chấp lương tâm và lòng xấu hổ;
những trí thức mũ ni che tai, trùm chăn với thời cuộc, tự cho mình khôn ngoan,
hoặc còn mải mê kiếm tìm danh lợi; những bác sĩ y tá vô lương tâm, chỉ biết
khai thác khổ đau bệnh tật của đồng loại.
Kết luận
Bản tính con người vốn dị ứng với gian dối và bạo lực và luôn luôn khao khát tự
do, chẳng ai muốn bị lừa gạt, hành hạ và trở thành nô lệ, trừ những kẻ mang ý đồ
xấu, sử dụng 3 thứ đó với người khác. Thế mà nền giáo dục CS lại xây trên gian dối, bạo lực và nô dịch, nhằm duy trì
chế độ, giữ ngai vàng cho đảng CS, thành ra nó hoàn toàn và vĩnh viễn không
có khả năng giáo dục con người, đã không giáo dục được và sẽ không giáo dục được
ai cả. Nền giáo dục VN hiện tại –mà phải nói cho đúng là nền phản giáo dục-
đang phản ảnh bản chất chế độ đồng thời là hậu quả của chế độ. Thành ra, muốn
canh tân giáo dục, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi chế độ
chính trị tại VN. Bao lâu còn chế độ CS duy vật, vô thần độc tài toàn trị, bao
lâu còn đảng CS vốn chỉ biết một điều là giữ quyền lực và thâu tóm mọi quyền lợi
vào tay mình thì không bao giờ có thể “trồng người” dù là trăm năm, dù là cả
ngàn năm chăng nữa. Cho nên điều quan trọng là mọi người dân,
những ai ý thức, những ai đang đau đớn về tình hình giáo dục VN, phải cùng nhau
làm cho chế độ CS biến mất trên quê hương của chúng ta. Lúc đó thì con người, nhất là giới trẻ, mới
tiếp tục được giáo dục trong một nền giáo dục chính danh và đúng nghĩa.