08.11.2015

Chuyến thăm của Ô. Tập Cận Bình trong mắt người Lý Sơn

„…thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam như một thông điệp cho thấy nhân dân không còn lựa chọn nào khác khi mà mọi chuyện đã được định đoạt bởi nhà cầm quyền. Và với đà này, một sự thỏa hiệp về biển Đông, xem như chuyện đã rồi, tiếp tục ngửa tay nhận viện trợ từ Trung cộng, vay tiền của Trung cộng thì chắc chắn tương lai Việt Nam tiếp tục đi từ phụ thuộc đến lệ thuộc Trung cộng…“

Chuyến thăm của Ô. Tập Cận Bình trong mắt người Lý Sơn
RFA
  Người dân Lý Sơn  RFA

Tập Cận Bình, Chủ tịch và Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa sang thăm Việt Nam với lễ đón rước long trọng của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, người dân biểu tình phản đối sự có mặt của Tập Cận Bình tại Việt Nam ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Đoàn biểu tình Hà Nội bị ngăn cản và đoàn biểu tình Sài Gòn bị côn đồ tấn công, công an cản đường, đàn áp… Với ngư dân Quảng Ngãi, chuyến thăm của Tập Cận Bình được đón tiếp nồng nhiệt như một trận cờ đã vỡ, mọi nhiệt tình giữ biển của ngư dân đã đổ xuống biển Đông.


Trò hề chính trị

Một ngư dân Quảng Ngãi, không muốn nêu tên, chia sẻ:
“Biển Đông à, kịch bản này cũng nhập nhằng chứ chưa kết thúc đâu. Mình chỉ là nhược tiểu, người dân thì rất quyết liệt nhưng họ lại làm kiểu cà chớn vậy thì sao đây! Người dân thì không ai chịu đón Trung Quốc đâu, nhưng mấy ổng đón tiếp thì chịu thôi chứ sao giờ. Đây là trò chơi của mấy ổng, mấy ổng muốn tồn tại thì mấy ổng phải làm thinh, phải thỏa hiệp thôi. Mình biểu tình, chống Trung Quốc thì mấy ổng hành hạ. Bề ngoài mấy ổng làm vậy chứ bên trong ngéo tay móc chân thì ai biết được… Chỉ khi nào ông Cộng sản này bị hạ bệ thì mới hy vọng chuyện thay đổi, hy vọng chuyện chủ quyền biển đảo được…”

Theo ngư dân này, vấn đề biển Đông hoàn toàn không được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nhắc đến trong lần gặp gỡ này cộng với việc đàn áp biểu tình chống Tập Cận Bình và sự xuống nước thấy rõ của đảng Cộng sản Việt Nam là một tín hiệu buồn cho dân tộc và đặc biệt là cho người dân Lý Sơn.
Tuy không phải là ngưới gốc Lý Sơn, Quảng Ngãi nhưng có thời gian làm việc, sinh sống ở đây lâu năm, vị này hiểu được tâm tính của người Lý Sơn, hiểu thấu nỗi khổ khi phải đối mặt với hải tặc Trung Hoa cũng như hải giám Trung cộng trên biển Đông của người dân Lý Sơn. Và hơn hết, ông hiểu được giá trị tâm linh, giá trị thiêng liêng trong việc gìn giữ Hoàng Sa, Trường Sa của cha ông, người dân Lý Sơn luôn xem đây là sứ mệnh của mình, sứ mệnh truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Và sở dĩ người dân Lý Sơn không chấp nhận khuất phục Trung cộng trên biển Đông là vì các ngư dân luôn ý thức về chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Hoàng  Sa và Trường Sa. Người Lý Sơn không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp để mua phiếu thông hành của Trung cộng khi đánh bắt trên khu vực đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù mua phiếu thông hành sẽ có lợi hơn rất nhiều so với bị tàu Trung cộng rượt đuổi và có nguy cơ mất trắng, lại phải vay ngân hàng. Nhưng người Lý Sơn thà chịu mất trắng, thà chịu nợ nần chứ không chấp nhận mua phiếu thông hành của Trung cộng.

Vị này tỏ ra bức xúc khi đáp lại nỗi khổ, đáp lại ý chí quyết giữ biển đảo của ngư dân Lý Sơn, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã trải thảm đỏ rước Tập Cận Bình, đã gật gù nghe Tập Cận Bình thuyết giảng và đã ngửa tay nhận tiền của Tập Cận Bình. Đáng sợ nhất là số tiền 200 triệu USD mà ngân hàng BIDV đã ký nhận từ Trung cộng trong chuyến thăm của Tập.

Theo ông, điều này cho thấy Trung cộng đang chơi trò tung hứng chính trị trên biển Đông. Vì hiện tại, ngư dân Lý Sơn nợ nhiều nhất ở ngân hàng BIDV, mỗi khi ngư dân gặp nạn, bị Trung cộng cướp tàu, đánh đập, mất trắng tài sản đều quay về Việt Nam vay ở ngân hàng BIDV để tái thiết cuộc sống, tiếp tục đánh bắt. Ngân hàng BIDV đối với ngư dân Lý Sơn, trong một nghĩa nào đó là một mũi nhọn chính trị để ngư dân tái thiết sức mạnh mà chống chọi với Trung cộng.

Bây giờ, chính BIDV trở thành con nợ của Trung cộng hoặc chí ít cũng xem Trung cộng là một ân nhân thì có vẻ như mọi chuyện đã đổi hướng. Điều này khiến cho ngư dân cảm thấy mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình đã nỗ lực giữ ngư trường, giữ biển đảo lâu nnay trờ thành một trò hề trên sân khấu chính trị. Không có sự xúc phạm nào nặng hơn kiểu chơi hiện tại.

Nguy cơ mất nước

Một ngư dân khác, sẵn sàng nêu tên nhưng chúng tôi không tiện đưa, khẳng khái:
“Thực ra biển Đông từ quân sự cho đến chính trị, đến luật quốc tế thì Trung Quốc không có cửa rồi. Cái đối đãi mình thấy chỉ là hình tướng thôi. Cái tổng lực của người dân Việt mới quan trọng, rõ ràng là Trung Quốc không có cửa để đô hộ Việt Nam nữa đâu!”

Vị này cho rằng với tình hình hiện tại, những nghi vấn của ông về vấn đề thỏa ước Thành Đô trở nên rõ nét hơn, không còn gì để bàn cãi về tính xác thực của nó. Bởi lẽ, với ông, với kinh nghiệm của một quân nhân giải ngũ, có am hiểu về chính trị thì việc im lặng, từ chối đưa vụ biển Đông ra trước tòa án quốc tế mặc dù tòa này đã đánh tiếng sẵn sàng thụ lý hồ sơ vụ biển Đông nếu Việt Nam chịu kiện là một tín hiệu xấu.

Hơn  nữa, khi tàu USS Lassen vào tuần tra biển Đông, đến gần các đảo nhân tạo của Trung cộng thì phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng kêu gọi các nước đừng làm cho tình hình căng thẳng, hãy để hai nước Việt Nam và Trung Hoa cộng sản đối thoại song phương, ngay cả vụ trả lời với tòa án quốc tế cũng giữ quan điểm đối thoại song phương. Mà đối thoại song phương kiểu gì khi Trung cộng khăng khăng quan điểm Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung cộng?

Theo vị này, nói giữ quan điểm đối thoại song phương lúc này là cách nói tránh né nhằm giữ thỏa hiệp ngầm, để mặc Trung cộng xây dựng các đảo nhân tạo, sau đó trang bị vũ khí đầy đủ và đưa quân ra đồn trú… Lúc đó, sức mạnh trên biển Đông sẽ thuộc về Trung cộng, ngư dân Việt Nam không còn đường để cựa quậy, muốn đánh bắt thì buộc lòng phải mua phiếu thông hành từ phía Trung cộng.

Mặt khác, khi cơ hội kiện tụng ở tòa án quốc tế đã trôi qua, mọi sự đã xong, Trung cộng nuốt trọn biển Đông thì chuyện biến thỏa ước Thành Đô thành sự thật sẽ nằm trong tầm tay, người dân cũng hết đường lui. Bởi trên bờ cũng đụng Trung cộng, ra biển cũng đụng Trung cộng, đi chợ cũng đụng Trung cộng. Bây giờ, người ta sẽ nghĩ đến việc lựa chọn đụng Trung cộng dễ thở hay đựng Trung cộng khó thở. Nghĩa là giữ tư thế chống Trung cộng xâm lược hay thỏa hiệp để mà sống.

Lúc này, bài toán của ngư dân nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sẽ là khi Việt Nam thành một tỉnh của Trung Hoa thì ngư dân trở thành ngư dân Trung Hoa, được hưởng chế độ thuế má, hỗ trợ đánh bắt từ Trung cộng và không bị hành hạ nữa… Và không chừng, lúc đó chính những ngư dân sẽ là người muốn Việt Nam thành một tỉnh của Trung Hoa. Bởi lẽ, khi mọi thứ đã thuộc về Trung Hoa thì hà cớ gì phải chịu làm người Việt Nam để Trung cộng hành hạ?!

Vị này cho rằng thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam như một thông điệp cho thấy nhân dân không còn lựa chọn nào khác khi mà mọi chuyện đã được định đoạt bởi nhà cầm quyền. Và với đà này, một sự thỏa hiệp về biển Đông, xem như chuyện đã rồi, tiếp tục ngửa tay nhận viện trợ từ Trung cộng, vay tiền của Trung cộng thì chắc chắn tương lai Việt Nam tiếp tục đi từ phụ thuộc đến lệ thuộc Trung cộng.

Vì này lắc đầu, chua chát nói rằng một ngày đẹp trời nào đó, các họng súng Trung cộng từ biển Đông hướng vào, từ Trường Sơn ngắm xuống, từ biên giới phía Bắc tiến sang và có thể từ Lào, Campuchia hướng sang… Hướng sang Việt Nam như một kịch bản, để rồi dân tộc Việt Nam mang thân phận mất nước. Chuyện đó thật khó mà lường!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.