Mời Ông Molotov Dùng Cốc-tai!
Cuộc tấn công Ukraine của Putin khơi lại cơn trầm cảm nơi người Phần-lan. Họ nhớ về cuộc chiến mùa đông 1939/40 do Stalin khởi động để cướp đất của họ. Vì thế, sau nhiều chục năm chủ trương trung lập, nay quốc gia này quyết định xin gia nhập Nato.
Những cuộc chiến của Stalin trước đây và của Putin ngày nay đồng thời dấy lên một thắc mắc cần được lí giải: Tại sao một dân tộc làm chủ một đất nước mênh mông lại luôn luôn tìm mọi cách để vơ vét từng tấc đất của các nước láng giềng?
Bài của Ts. Thomas Speckmann (https://www.zeit.de/2022/21/
Người Phần-lan không muốn cúi đầu trước các mệnh lệnh của Moscow. Họ có thể đoán được chuyện gì rồi sẽ xảy ra đối với đất nước họ. Các nước láng giềng vùng Baltic của họ đã từng trải qua điều đó: Các nước này cũng đã được ghi vào trong Nghị Định Thư bí mật bổ sung cho Hiệp Ước Hitler-Stalin ngày 23 tháng 8 năm 1939, hiệp ước quy định việc bất tương xâm giữa Đức và Liên-xô. Không lâu sau khi quân Đức và Hồng Quân Xô-viết xâm lược Ba-lan vào tháng 9. 1939 và không lâu sau khi họ chia cắt đất nước này (đặt hơn 13 triệu người ở miền đông Ba-lan dưới sự cai trị của Liên-xô), điện Cẩm-linh đã bắt đầu tính đến việc tái chiếm các tỉnh thuộc Nga hoàng cũ ở vùng Baltic.
Ngày 28 tháng 9, Liên-xô buộc Estonia kí với họ một "hiệp ước tương trợ" dối trá, cũng giống như cái hiệp ước dối trá tương tự mà năm ngày sau đó (5 tháng 10) Liên-xô đã buộc Latvia và Lithuana kí với họ. Lúc đầu, mọi người vẫn tin rằng, họ có thể giữ được nền độc lập quốc gia mình. Nhưng hi vọng này đã sớm trở thành mây khói: Estonia, Latvia và Lithuania buộc phải mở cửa biên giới cho quân đội Liên-xô. Các đảo Hiiumaa và Saaremaa, các cảng Ventspils và Liepāja trở thành căn cứ của Hồng Quân.
Vào đúng ngày Latvia phải ký "hiệp ước tương trợ" với Liên-xô, chính phủ Phần-lan đã được phía Liên-xô yêu cầu cử một phái đoàn tới Moscow. Tại đây, Stalin đưa cho người Phần-lan một bản dự thảo hiệp ước đã viết sẵn. Đó không chỉ là một "hiệp ước hỗ trợ": Phần-lan còn phải cho Liên-xô thuê bán đảo Hanko ở phía nam, phải nhượng cho họ một số đảo ở Vịnh Phần-lan và một phần bán đảo đánh cá (Rybachi) và cảng Petsamo ở cực bắc gần Murmansk. Biên giới trên eo đất Karelian gần Leningrad – từ 1991 được gọi lại là St.Petersburg - đã được dịch chuyển 35 km về phía tây bắc có lợi cho Liên-xô. Đổi lại, Phần-lan sẽ nhận được một khoảnh đất rộng không có người ở phía bắc Karelia thuộc Liên-xô.
Liên-xô đòi cắt và thuê đất như thế, theo họ, là vì tình trạng an ninh của Lenigrad: Họ bảo, Hồng Quân của họ không thể bảo vệ được được thành, nếu nó chỉ cách biên giới Phần-lan từ 20 tới 30 cây số. Một lập luận mà giờ đây cũng được nhà sử học nghiệp dư kiêm nhà biện giải cho Stalin là Wladimir Putin lập luận theo. Ngay từ năm 2013 tại một cuộc họp với các nhà sử học quân sự Putin đã nhận định: Suy nghĩ và hành động của Stalin trong việc vẽ đường ranh biên giới năm 1917 là một „sai lầm” lịch sử, và Nga giờ đây phải sửa chữa lại sai lầm này. Vào thời điểm đó Phần-lan đã tuyên bố độc lập; cho đến cách mạng Tháng Mười Nga, vùng đất Phần-lan do một đại công tước cai trị này vốn thuộc về Đế Quốc của Nga hoàng.
Nhà báo Pháp Raymond Cartier viết trong cuốn sách về lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai của mình vào năm 1965: Ở thời điểm mùa thu năm 1939, phái đoàn đàm phán Phần-lan tại Moscow phải đứng trước một quyết định khó khăn: "Nếu chính phủ làm theo cảm xúc của người dân Phần-lan, thì câu trả lời cho những yêu sách của Liên-xô sẽ là 'Không!'". Thay vào các yêu sách của Stalin, Phần-lan đề nghị chỉ nhượng cho Liên-xô hai hòn đảo mà thôi. Trưởng phái đoàn Phần-lan, người sau này trở thành nguyên thủ quốc gia Juho Kusti Paasikivi, đã vô cùng điệu nghệ trong việc đàm phán và thậm chí đã khiến cho Stalin phải bật cười.
Nhưng vô hiệu. Moscow tiếp tục gây sức ép và đe dọa. Vào ngày 26 tháng 11 năm 1939, Hồng Quân giả tạo một biến cố ở biên giới gần Mainila ở Karelia: Họ bảo, binh lính của họ bị pháo binh Phần-lan bắn. Helsinki bác bỏ cáo buộc đó. Moscow liền xé hiệp ước bất tương xâm năm 1932 với Phần-lan - và công bố một hiệp ước bất tương xâm mới với chính phủ cuội của "người yêu nước" Otto Kuusinen do Điện Kremlin giật dây. Kuusinen là người đồng sáng lập đảng cộng sản Phần-lan; sau khi phe „đỏ” thua phe „trắng” trong cuộc nội chiến Phần-lan năm 1918 ông đã cùng một nhóm cộng Phần-lan chạy sang Liên-xô.
"Chính phủ nhân dân" của Kuusinen lưu vong ở Liên-xô đã dùng sự kiện Mainila làm cớ nhờ LX can thiệp, để "giải phóng" Phần-lan. Đây là cách để LX phát động cuộc chiến.
Sáng sớm ngày 30 tháng 11 năm 1939, các sư đoàn của Stalin vượt biên giới. Máy bay chiến đấu LX ném bom thủ đô Helsinki. Không có lời tuyên chiến chính thức. Những lời đề nghị đàm phán ngưng bắn của Phần-lan chẳng kết quả. Stalin quyết dùng vũ lực lấy những gì ông muốn, mà người Phần-lan đã không sẵn sàng nhượng cho ông trong các cuộc đàm phán. Và ông tin, ông sẽ bước vào một trận đấu dễ như chơi; ông nghĩ, chẳng có quốc tế nào sẽ giúp Helsinki. Ông không nghĩ tới í chí chiến đấu của người dân Phần-lan. Ít nhất về điểm này Stalin đã lầm to.
Giống như cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine sau đó 80 năm, cuộc chiến mùa đông giữa Liên Xô và Phần-lan năm 1939/40 là một cuộc chiến cực kì không cân sức. Theo phân tích của nhà sử học quân sự người Anh Antony Beevor, lực lượng Phần-lan, với số lượng gần 150.000 người - bao gồm nhiều lính dự bị và thanh niên - phải tự vệ trước sự tấn công dữ dội của hơn một triệu binh sĩ Hồng Quân. Ít nhất trong giai đoạn đầu, cuộc chiến đã diễn ra giống như cảnh Đavid chống lại Goliath trong Kinh Thánh: quân Liên Xô vượt trội về số lượng đã phải chịu tổn thất nặng nề. Họ phải đối phó với một đối thủ mà họ không được chuẩn bị. Trong những khu rừng phủ đầy tuyết, nơi các cánh quân Liên Xô chỉ có thể di chuyển trên một vài con đường sẵn, quân Phần-lan đã dụ các cánh quân này tiến sâu vào các bãi mìn được bố trí khéo léo, rồi tấn công chúng bằng lối bắn tỉa từ các vị trí súng máy được ngụy trang khéo léo.
Lực lượng phòng thủ nhiều lần thành công trong việc phục kích, cắt các đơn vị LX ra khỏi nhau và phong tỏa các tuyến đường tiếp tế. Các biệt đội trượt tuyết Phần-lan – rất sớm được LX gọi là belaja smertj, „các thần chết áo trắng“ – thình lình xuất hiện, dùng lựu đạn và bom xăng phá xe tăng và pháo binh của đối phương, rồi lại biến mất vào trừng sâu đầy tuyết. Để quân LX không có được chỗ trú ẩn, quân Phần-lan thực hiện chính sách tiêu thổ; họ phá hủy các trang trại, chuồng trại và nhà kho.
Thuật ngữ "Molotovcocktail" (bom xăng) - những cái chai chứa đầy chất gây cháy được sản xuất tại chỗ và là thứ hiện được sử dụng trở lại ở Ukraine - xuất hiện từ những ngày đó. Binh lính và dân thường Phần-lan đặt tên cho thứ vũ khí này theo tên của Vyacheslav Mikhailovich Molotov, người đứng đầu chính phủ và bộ trưởng ngoại giao LX thời đó. Ông này đã tuyên bố: các máy bay ném bom của LX sẽ mang bánh mì tới cho người dân Phần-lan. Câu nói tuyên truyền dị hợm này đã làm cho người Phần-lan phẫn nộ. Kể từ đó, họ gọi những quả bom của LX thả xuống Helsinki là "những giỏ bánh mì của Molotov". Và họ dùng „Molotovcoctail” (“rượu pha trộn với trái cây Molotov”) làm quà trả lại cho quân LX.
Sau thất bại trong cuộc tấn công mùa đông, tháng 2 năm 1940 Stalin lại mở một mặt trận mới, tàn bạo hơn, để phá vỡ sự kháng cự của Phần-lan. Ông sử dụng những vũ khí hiện đại hơn, như các loại súng cá nhân carabin, xe máy trượt tuyết và xe tăng hạng nặng. Hồng quân cũng thay đổi chiến thuật: không tấn công ồ ạt bằng bộ binh, mà chú trọng tới các cuộc pháo kích lớn, để phá vỡ tuyến phòng thủ của đối phương. Quả thật về mặt quân sự, lính Phần-lan phải đối diện với một áp lực khó có thể chịu đựng nổi.
Trong hoàn cảnh tuyệt vọng này, có một chút hi vọng về sự hỗ trợ của Anh và Pháp đã dấy lên nơi người Phần-lan, khi Paris và London vào đầu năm 1940 yêu cầu Na Uy và Thụy Điển cho phép họ di chuyển một lực lượng viễn chinh vào hai nước này. Paris và London tính chuyện chiếm đóng cảng Narvik của Na-uy và vùng mỏ phía bắc của Thuỵ-điển. Stalin muốn đồng minh Anh và Pháp thực hiện kế hoạch đó, để cắt nguồn tiếp tế quặng sắt cho Hilter. Trong lúc Hitler lại đang có kế hoạch tấn công các nước Bắc Âu, để ngăn chặn cuộc đổ bộ của Đồng Minh. Nhưng Thuỵ-điển và Na-uy sợ bị lôi kéo vào cuộc chiến, nên đã từ chối yêu cầu của Anh và Pháp dùng đất họ để yểm trợ cho Phần-lan.
Vì thế, sự hỗ trợ của phương Tây chỉ còn giới hạn trong việc dùng Hội Quốc Liên lên án hành động Liên-xô xâm lược Phần-lan, và sau đó LX bị trục xuất khỏi Hội Quốc Liên vào cuối năm 1939. Điện Cẩm-linh lúc đó bỡ ngỡ trước trước bản cáo trạng của Hội Quốc Liên, cũng như ngày nay họ ngỡ ngàng – vẫn theo lối hiểu riêng của họ - trước việc thế giới lên án cuộc đánh chiếm Ukraine. Là vì theo họ, quan hệ Liên-xô và Phần-lan thời đó tốt đẹp hơn lúc nào hết. Tốt đến nỗi Molotov và Kuusinen đã có thể hân hoan kí với nhau một hiệp ước hữu nghị.
Đồng thời, các tình nguyện viên từ nhiều nước châu Âu kéo tới giúp Phần-lan. Riêng Thụy-điển có 8.000 người; nước này cũng cung cấp thiết bị quân sự và phương tiện tài chính cho Phần-lan, nhưng vẫn chính thức giữ thái độ trung lập. Từ Đan-mạch có 800 người; từ Na-uy có 200 người và từ Hungari có 400 tình nguyện viên. Pháp và Anh chuyển giao vũ khí, nhưng hầu hết các loại khí tài đã lỗi thời, bao gồm 5.000 khẩu súng máy của Pháp được chế tạo vào năm 1915, khét tiếng vì đã gây ra nhiều tai nạn khi sử dụng chúng và các loại pháo đã không còn sử dụng từ 1914. Phần-lan vô cùng thất vọng.
Helsinki cảm thấy buộc phải quay trở lại bàn đàm phán với Moscow - trên cơ sở các yêu sách của Stalin trong tháng 10 năm 1939. Thoả ước "Hòa bình ở Moscow" vì thế được kí trong đêm ngày 13 tháng 3 năm 1940: Phần-lan cứu được nền độc lập của mình, nhưng phải nhượng cho LX eo đất Karelian và các phần đất thuộc Karelian khác, một phần của vùng Salla của Lapland và một nửa bán đảo Ngư Dân ở biển Barent. Hơn 400.000 người Phần-lan phải di dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn. Bán đảo Hanko phải cho LX thuê trong 30 năm. Hạm đội Baltic của hải quân LX được đóng căn cứ ở đây từ đó cho tới nay.
Nhưng sự kháng cự quyết liệt của Phần-lan cũng đã gây tổn thất nặng nề cho Cẩm-linh. Kế hoạch ban đầu của LX là sẽ kết thúc chiến dịch sau ba tuần; nó phải được hoàn tất trước ngày sinh nhật thứ 60 của Stalin ngay trước lễ Giáng Sinh năm 1939. Họ nghĩ, tổn thất của họ sẽ rất nhỏ, như mức tổn thất trong lần chiếm đóng miền đông Ba-lan vào tháng 9 trước đó. Rốt cuộc, theo sự tính toán ngày nay, LX đã bị tổn thất trong trận chiến mùa đông tới trên dưới 270.000 binh sĩ và 300.000 người bị thương và bị bệnh - so với khoảng 26.000 binh sĩ đã ngã xuống của phía Phần-lan. Hoạt động tuyên truyền của LX trên đất Phần-lan cũng thất bại: Stalin đành phải bỏ rơi chính phủ bù nhìn của những người cộng sản Phần-lan.
Khi Hitler xâm lược Liên-xô vào năm 1941, Phần-lan đã cố tái chiếm các vùng lãnh thổ bị mất trong chiến trận mùa đông. Bước đầu đạt được nhiều thành công. Nhưng lần này cũng vậy, đó là một cuộc chiến không cân sức. Một lần nữa, Đavid rốt cuộc không thể đánh bại Goliath. Năm 1944, LX mở cuộc tấn công lớn, buộc Phần-lan lại phải ngồi vào bàn thương thảo.
Kết quả lần này còn thất vọng hơn đối với Helsinki so với năm 1940. Với thoả ước "Hòa bình Paris" năm 1947, Phần-lan không chỉ mất các khu vực bị chiếm lại sau năm 1941, mà còn phải nhượng thêm lãnh thổ, ví dụ như khu vực xung quanh Petsamo, hải cảng phía bắc duy nhất không bị băng phủ của Phần-lan. Ngoài ra, cò phải bồi thường cho Nga rất nặng nề. Tuy nhiên, khác với các nước vùng Baltic, Phần-lan không bị Nga chiếm đóng, và Phần-lan đã có thể giữ được nền độc lập của mình trong nhiều thập niên sau đó.
Cuộc đánh chiếm Georgia năm 2008 của Putin khiến cho các quốc gia quanh vùng biển Đông nhớ lại số phận đã xẩy ra cho các nước Baltic và sau đó cho Phần-Lan từ năm 1939: Và Phần-lan, Thụy-điển, Na-uy, Đan-mạch và Băng-đảo (Iceland) đã cùng nhau thành lập liên minh Hợp Tác Quốc Phòng Bắc Âu vào năm 2009.
Việc Nga chiếm đóng Crimea và mở ra cuộc chiến ở đông nam Ukraine vào năm 2014 lại càng làm cho Phần-lan và Thụy-điển lo ngại. Để trả đũa, Helsinki và Stockholm tăng cường chính sách an ninh chung: Phần-lan và Thụy-điển đã có hiệp ước quốc phòng riêng kể từ năm 2018. Hợp tác với NATO cũng được tăng cường: Các phi công chiến đấu của Phần-lan và Thụy-điển đã được huấn luyện với người Mĩ, Britania và Na-uy trong năm 2013 và 2015. Năm 2018, các lực lượng vũ trang Phần-lan đã tham gia các cuộc diễn tập lớn trong mùa thu của NATO.
Việc Putin tấn công Ukraine giờ đây đã khơi lại ký ức về hành động gây hấn của Stalin ở Phần-lan, quốc gia có biên giới với Nga dài 1300 cây số, dài nhất so với bất kỳ thành viên EU nào. Những hình ảnh quá khứ lại lần lượt quay về như các sản phẩm theo nhau chạy trên các băng chuyền sản xuất. Helsinki và Stockholm hiện lại tham gia các cuộc diễn tập của NATO. Họ đã kí một hiệp ước tương trợ với London. Việc Phần-lan và Thụy-điển nỗ lực gia nhập NATO cho thấy cú sốc năm 1939 cho đến nay vẫn mạnh đến mức nào.
Do đó, xung đột với Moscow có thể sẽ leo thang hơn nữa. Vào giữa tháng 12, Nga đã đề nghị với Mĩ và NATO về một thỏa thuận đảm bảo an ninh. Dự thảo đề cập tới việc NATO không được tiếp tục mở rộng hơn nữa về phía đông. Vào đêm Giáng Sinh, Bộ Ngoại Giao Nga xác định rõ hơn: đòi hỏi này của Putin cũng áp dụng cho Phần-lan và Thụy-điển. Ngày hôm sau, các lực lượng vũ trang Thụy-điển được lệnh tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Dịp đó thủ tướng Phần-lan Sanna Marin cho biết, Phần-lan vẫn còn để ngỏ quyết định xin vào NATO. Tổng thống Phần-lan Sauli Niinistö cáo buộc Putin muốn đặt vấn đề về nền độc lập của nhiều quốc gia âu châu. Bộ Ngoại Giao Nga đáp trả bằng đe doạ: Nếu Phần-lan và Thụy-điển gia nhập NATO, nhiều hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị sẽ xẩy ra, và điền này sẽ buộc Nga phải hành động đáp trả. Putin nói, đó sẽ là một quyết định "sai lầm" của hai nước. Nhưng người Phần-lan không muốn một lần nữa cúi đầu trước mệnh lệnh của Moscow. Và lần này họ muốn có những đồng minh mạnh mẽ ở ngay bên cạnh mình.