Bộ trưởng
Quốc phòng Úc Marise Payne hôm 17-12 nhấn mạnh nước này sẽ không cúi đầu trước
áp lực của Trung cộng và sẽ không ngưng các chuyến bay giám sát trên biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne. Ảnh: Reuters
Báo Sydney Morning Herald cho
biết quân đội Úc đưa máy bay P-3 Orion tuần tra trên không hơn 1 tuần (từ 25-11
đến 4-12) ở biển Đông trong chiến dịch được gọi là “Operation Gateway”.
Chiến dịch này được Canberra
triển khai từ cách đây nhiều năm và mức độ tuần tra tăng dần trong vòng 12-18
tháng trở lại đây. Tờ báo nhận định: “Việc
tuần tra này cho thấy Úc không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền dựa trên đảo nhân
tạo (phi pháp) của Trung cộng”.
Sau khi Bộ Quốc phòng Úc công
bố thông tin trên, tờ Thời báo Hoàn cầu của Hoa lục cảnh báo Úc không được tiếp
cận các hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa và đe dọa trả đũa quân sự nếu
hành động này tái diễn.
“Máy bay quân sự của Úc tốt hơn hết là đừng tới biển Đông và không nên
thử thách sự kiên nhẫn của Trung Hoa bằng cách bay gần đảo nhân tạo. Nếu một
ngày nào đó có một chiếc máy bay rơi xuống khỏi bầu trời và đó là của người Úc
thì thật là xấu hổ” – tờ báo viết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp
lại tuyên bố “các nước ngoài khu vực không nên làm phức tạp thêm tình hình”.
Tuy nhiên, bà Payne khẳng định Canberra không run sợ
trước cảnh báo từ Bắc Kinh và mô tả các chuyến bay giám sát là một phần vai trò
của Úc trong việc giúp duy trì ổn định và an ninh khu vực. “Chúng tôi luôn đi lại một cách có tính xây
dựng trong khu vực” – bà Payne nói khi đang ở TP Adelaide hôm 17-12.
Trước đó, trao đổi với đài ABC, bà Payne nói chiến
dịch “Operation Gateway” đã được tiến hành từ năm 1980. “Tôi nghĩ người Trung Hoa không có gì phải ngạc nhiên về chuyện Úc ủng
hộ tự do đi lại, tự do hàng không theo luật pháp quốc tế” – bà nói.
Không dừng lại ở đó, một nguồn tin quốc phòng Úc ngày
16-12 xác nhận với báo The Daily Telegraph rằng tàu hộ tống mang tên lửa HMAS
Darwin sẽ đi qua biển Đông khi trên đường trở về từ Ấn Độ vào đầu năm 2016.
Theo nguồn tin, dù tàu hải quân Úc đi đều đặn qua khu
vực nhưng việc HMAS Darwin được đổi hướng sang biển Đông nhằm nhấn mạnh với Trung
cộng về lập trường của Úc: Đảm bảo thương mại và lưu thông hàng hải ở biển
Đông. Tuy nhiên, tàu HMAS Darwin sẽ không vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo
nhân tạo Trung cộng xây phi pháp.
Mỹ cũng nhiều lần thách thức yêu sách chủ quyền của Trung
cộng trên biển Đông. Hồi tháng 11 qua, máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay gần các
đảo nhân tạo nhưng không tiếp cận trong phạm vi 12 hải lý.
Trước đó, ngày 27-10, tàu khu trục tên lửa USS Lassen
của Hải quân Mỹ đã tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi Đá Xu Bi và Đá
Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) bị Trung cộng bồi lấn trái phép
thành đảo nhân tạo.
Đáng nói là Trung cộng không mạnh miệng đe dọa Mỹ
giống như cách nước này làm với Úc.
(Theo Reuters)