„Chẳng có chính trị gia
Mỹ nào dám tuyên bố bỏ rơi Châu Á-TBD, chiếc đầu tàu kinh tế thế giới hiện nay
với 3 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu như Hoa Kỳ, Trung cộng, Nhật Bản.“
BARACK
OBAMA VÀ TẬP CẬN BÌNH
TRƯỚC
BÀN CỜ CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG
Đại-Dương
Toà Bạch Ốc mất ngủ và lúng
túng vì ISIS trong nhiều năm mà chưa có chiến lược rõ ràng, dứt khoát để làm
suy yếu và tiêu diệt lực lượng Hồi giáo quá khích.
Áp lực của Nga đè nặng lên an
ninh Châu Âu mà NATO vẫn chưa có cách hoá giải thoả đáng.
Trung cộng tung hoành ngang
dọc trên 2 Biển Đông và Nam Trung Hoa bất chấp chiến lược “xoay trục” của Hoa
Kỳ tung ra từ năm 2011.
Một số học giả quốc tế như John Glasser đang nghiên cứu tại Đại học George
Mason đề nghị giải pháp Hoa Kỳ từ bỏ ưu thế quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương
nhằm tránh chiến tranh cấp vùng hoặc toàn cầu.
Luận điểm của xu thế này tập trung vào các điểm sau:
(1) Trung cộng không trỗi dậy hoà bình.
(2) Trong 5 thế kỷ qua đã có 16 vụ “cường quốc đang lên” muốn đoạt vị thế
siêu cường mà 12 trường hợp dẫn tới chiến tranh. Vì thế, Hoa Kỳ phải tránh
chiếc bẫy Thucydide.
(3) Hoa Kỳ phải trả giá cao nếu xảy ra chiến tranh với Trung cộng.
(4) Trận chiến Mỹ-Trung, nếu có, chỉ lợi cho các nước khác chứ không phải
Hoa Kỳ.
(5) Duy trì ưu thế quân sự tại Đông Á chẳng đem lại nhiều lợi ích an ninh
cho Hoa Kỳ.
(6) Ưu thế quân sự toàn cầu chỉ đem lại tối thiểu cho địa-kinh-tế
(geoeconomic gains).
(7) Hoa Kỳ từ bỏ ưu thế tại CA-TBD thì nguy cơ đụng độ sẽ tan biến.
Sau khi thâu tóm quyền lực vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình dứt khoát từ
bỏ chính sách “Ẩn mình Chờ thời” của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình để tiến hành chiến
lược bá quyền, bành trướng trên Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa.
Tập Cận Bình lăm le cưỡng chiếm nhóm đảo Senkaku của Nhật Bản đã vô tình
khơi dậy tinh thần ái quốc của con cháu Thái Dương Thần Nữ.
Con giao long Nhật Bản chỉ lo phòng thủ kể từ sau Đệ nhị Thế chiến bổng
dưng vùng lên mãnh liệt để đối phó hữu hiệu với chính sách bành trướng, bá
quyền của Bắc Kinh.
Vì thế, Tập Cận Bình đành dồn nỗ lực vào Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông,
tức Biển Đông Nam Á. Nơi đây có 600 triệu dân sinh sống với nhiều thể chế chính
trị khác nhau vốn chủ trương “đèn nhà ai nấy rạng” nên dù mệnh danh Hiệp hội
Các quốc gia Đông Nam Á mà rất khó đoàn kết trước chính sách bành trướng, bá
quyền Bắc Kinh.
Chủ trương của Tập Cận Bình phát huy tác dụng mạnh mẽ và nhanh chóng nhờ
Tổng thống Barack Obama thực hiện chính sách ngoại giao để giải quyết mọi vụ
tranh chấp và xung đột trên thế giới.
Dưới áp lực của giới quân sự, Chính phủ Obama đã ban hành chính sách “xoay
trục” hoặc “tái cân bằng” tại Châu Á-TBD kể từ năm 2011 gồm các điểm chính: (1)
Gìn giữ và tăng cường mối quan hệ với các đồng minh có hiệp ước phòng thủ hỗ
tương như Nhật Bản, Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, Thái Lan. (2) Gia tăng
sự hiện diện quân sự toàn bộ trong vùng. (3) Hội nhập kinh tế trong vùng nhằm
gạt Trung cộng sang bên (TPP).
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thú nhận đã đóng vai trò quan trọng
trong kế hoạch “tái cân bằng” lực lượng tại Châu Á-TBD.
Trên phương diện ngoại giao, Tập tạo ra “mối quan hệ nước lớn” ngang hàng
với Obama và Putin mà không cần quan tâm đến các nước khác.
Về quân sự, Bắc Kinh sản xuất khí tài chiến tranh với nhịp độ nhanh nhất
thế giới nhằm nới rộng vùng chống-tiếp-cận và chống-xâm-nhập để đẩy Đệ thất Hạm
đội xa dần bờ biển Trung cộng. Tập không còn e ngại chính sách “đánh phủ đầu”
như thời Tổng thống George W. Bush.
Bắc Kinh cưỡng đoạt Bãi cạn Panataq (Scarborough Shoal) của Phi Luật Tân
năm 2012. Từ năm 2014, Bắc Kinh bồi đắp các đá, rặng san hô ở Trường Sa
(Spratly Islands, Nam Sa) thành 3 đảo nhân tạo Xu-Bi (Subi Reef, Chữ Bích
Tiêu), Chữ Thập (Fiery Cross Reef, Vĩnh Thử Tiêu), Vành Khăn (Mischief Reef, Mĩ
Tế Tiêu) biến dần thành tiền đồn quân sự.
Từ 2 tháng 1 đến nay, Bắc Kinh đã thực hiện 3 vụ máy bay dân dụng xử dụng
phi đạo trên đảo nhân tạo Chữ Thập tại Trường Sa. Có thể phi cơ quân sự sẽ đáp
xuống đảo Chữ Thập vào giữa năm 2016.
Trên lĩnh vực pháp lý, nhân dịp Mã Lai Á và Việt Nam nộp báo cáo chung về
ranh giới ngoài thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông ngày 6 tháng 5 năm 2009, Bắc
Kinh gửi công hàm ngay hôm sau phản đối kèm theo bản đồ Đường 9 Đoạn chiếm 80%
Biển Nam Trung Hoa mà không ghi toạ độ và lý do hình thành.
Dù bị cộng đồng quốc tế phản đối quyết liệt, Bắc Kinh ngang nhiên coi Đường
Chữ U như chủ quyền bất khả tranh cãi, hành xử nghiêm ngặt quyền chủ quyền,
quyền tài phán trong vùng bao trùm cả 2 Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh từ chối tham gia và tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Toà án
Trọng tài về Luật Biển khi bị Phi Luật Tân kiện về cách diễn dịch sai Công ước
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Nhóm Glasser lo sợ Hoa Kỳ không đủ khả năng tiến hành một lúc 3 cuộc chiến
tranh do chênh lệch về lực lượng quân sự giữa hai đối thủ tại Đông Á.
Trung cộng hiện có 300 chiến hạm so với 272 chiếc của Mỹ (Mỹ giảm 20% so
với 2 thập niên trước). Đệ thất Hạm đội chịu trách nhiệm tại Đông Á chỉ có 182,
giảm so với 192 chiếc của 20 năm trước.
Nhưng, đa số chiến hạm của Hải quân Trung cộng còn thô sơ nên Tư lệnh Hạm
đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift tuyên bố hồi đầu tháng 1-2016 “với kỹ
thuật tiên tiến, sức mạnh của Hải quân hiện nay hơn 2 thập niên trước rất
nhiều”. Mỹ cũng đã nới rộng vùng hoạt động của Đệ tam Hạm đội tới Tây-TBD. Hoa
Kỳ có 10 Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm so với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh chỉ có khả năng
huấn luyện.
Lực lượng Hải cảnh của Trung cộng có 200 chiếc vượt trội tổng số tàu đồng
nhiệm của các quốc gia trong khu vực nên giám sát chặt chẽ chủ quyền Đường 9
Đoạn (Cửu Đoạn Tuyến). Mỹ có 280 tuần duyên hạm, nhưng, chỉ hoạt trong vùng
biển nhà.
Hôm 4 tháng 1-2016, cựu Tổng biên tập tờ The National Interest, Harry
Kazianis đã vạch ra sai lầm của chủ trương từ bỏ ưu thế quân sự Mỹ tại Đông Á
do Glasser trình bày.
Hoa Kỳ muốn từ bỏ ưu thế quân sự tại Đông Á buộc phải huỷ bỏ các Hiệp ước
Phòng thủ Hỗ tương với các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Đại Hàn, Phi Luật
Tân, Úc Đại Lợi cũng như các đối tác chiến lược Ấn Độ, Việt Nam. Rõ rang
bất-khả-thi.
Liệu các quốc gia Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông sẽ còn coi Hoa Kỳ
như một đồng minh hoặc thân thiện nữa không?
Liệu cộng đồng quốc tế có sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo của Trung
cộng, Nga khi Mỹ rút khỏi hệ thống quốc tế hay không? Sự xáo trộn này sẽ vô
cùng nguy hiểm mà chẳng ai lường được thảm hoạ khủng khiếp với nhân loại.
Chẳng
có chính trị gia Mỹ nào dám tuyên bố bỏ rơi Châu Á-TBD, chiếc đầu tàu kinh tế
thế giới hiện nay với 3 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu như Hoa Kỳ, Trung cộng,
Nhật Bản. Họ biết chắc vùng này sẽ xáo trộn dữ dội, thậm chí xảy ra chiến tranh
lan rộng.
CA-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển sau khi Trung cộng từ bỏ
tham vọng phát động phong trào lật đổ chính quyền bằng biện pháp mao-ít kể từ
năm 1978.
Từ năm 2009, Bắc Kinh chứng kiến sự suy thoái của Hoa Kỳ nên đẩy mạnh hoạt
động bành trướng, bá quyền buộc các quốc gia láng giềng phải lao vào cuộc chạy
đua vũ trang triền miên.
Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ, mua vũ khí tấn công của Nga, cần vũ khí phòng
thủ của Mỹ.
Ấn Độ cầm đầu Phong trào Phi-liên-kết đã tiến gần Hoa Kỳ về chiến lược và
kinh tế.
Nhật Bản tái diễn dịch Hiến pháp Hoà bình 1947 để trở thành một quốc gia
bình thường có khả năng phòng thủ lẫn tấn công. Thủ tướng Shinzo Abe đang chuẩn
bị lập vùng chống-tiếp-cận và chống-xâm-nhập, tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Úc
Đại Lợi, gia tăng hoạt động tại Biển Đông.
Úc Đại Lợi đang thảo luận về khả năng thủ đắc vũ khí nguyên tử.
Phi Luật Tân mở mặt trận pháp lý chống Trung cộng.
Đài Loan tăng cường binh bị do sợ Bắc Kinh thôn tính.
Tập
Cận Bình chủ trương phá hoại hệ thống luật pháp quốc tế để thay thế quan điểm
có lợi cho Trung Cộng. Từ đó, cứ coi như thực tế mà buộc cộng đồng quốc tế phải
chấp nhận và tuân theo.
Như vậy, thế càng lớn, lực càng mạnh sẽ tạo điều kiện để Trung cộng gây
chiến.
Tổng thống Vladimir Putin và Tập Cận Bình biết rõ Obama sợ chiến tranh nên
mạnh dạn lấn áp từ Châu Âu, Trung Đông tới Châu Á-TBD.
Giới lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ đã chuẩn bị mọi biện pháp kiềm chế Trung
cộng, nhưng, phải có lệnh Obama mới có thể tiến hành.
Hôm 5 tháng 1-2016, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson công bố kế
hoạch vượt trội Nga và Trung cộng trên biển qua 4 điểm xây dựng lực lượng và 15
điểm cải thiện môi trường chiến lược để chế ngự Nga, Tàu.
Các quốc gia Châu Á-TBD bị Trung cộng đe doạ cần ý thức được trách nhiệm
nặng nề mà đoàn kết hầu cùng với Hoa Kỳ duy trì an ninh, hoà bình, phát triển
trong vùng.
Không bị kiềm chế, Tập Cận Bình sẽ nhân năm bầu cử tổng thống Mỹ mà cưỡng
đoạt một số thực thể trong Quần đảo Trường Sa và phá tung chuỗi đảo thứ nhất.
Hoà bình không tự tìm tới mà phải nỗ lực, hợp sức chống lại nguồn gốc chiến
tranh. Đó là bổn phận thiêng liêng của mỗi dân tộc tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Đại-Dương
Jan 8, 2016