„Điều mà CSVN lo âu
không chỉ là sự kết hợp của các đoàn thể xã hội mà chính là yếu tố nối kết giữa
những đoàn thể này với người dân để chuyển những phẫn nộ, bất mãn thành hành
động“
Việt Nam trong năm 2016
Trung Điền
Trước khi phân tích và lượng giá những điều gì sẽ xảy ra trong năm 2016,
chúng ta cần nhận diện một số biến cố có những ảnh hưởng còn tồn đọng từ năm
2015 kéo dài sang năm 2016.
Bức tranh Việt Nam 2016
Nhìn từ góc độ của những sự kiện có tầm vóc quốc tế hoặc
ảnh hưởng lên tương lai lâu dài của Việt Nam, bức tranh Việt Nam trong năm 2016
đa phần bị chi phối bởi 5 sự kiện lớn sau đây:
Thứ nhất, Hiệp định đối tác
xuyên Thái bình dương TPP được 12 quốc gia ký kết vào tháng 10/2015 sẽ chính
thức đi vào hoạt động sau khi quốc hội của các nước phê chuẩn trong những tháng
đầu năm 2016. TPP sẽ mở ra hai cơ hội rất lớn cho quốc gia thành viên là gia
tăng thương mại và đầu tư; nhưng khác với WTO, các thành viên sẽ bị chế tài gay
gắt hơn nếu vi phạm những điều khoản quy định của Hiệp định TPP. Đối với Việt
Nam, TPP vừa là một cơ hội vừa là thách thức, vì lợi hay hại tùy thuộc rất
nhiều vào sự cải tổ ba lãnh vực tiêu biểu: luật pháp, cơ cấu kinh tế và quyền
con người theo khuôn khổ quy định của TPP. Nhưng đáng kể nhất là khi TPP được
khởi động sẽ giúp nâng cao vai trò và sự phát triển của các nhóm xã hội dân sự
trong thành phần công nhân và giới doanh nghiệp.
Thứ hai, Tòa trọng tài Liên
Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Phi Luật Tân đối với chủ trương đường
9 đoạn trên Biển Đông của Trung Quốc vào tháng 6/2016. Kết quả thắng hay thua
đều mở ra một viễn cảnh mới ảnh hưởng rất lớn trong những ứng xử của các nước
về vấn đề Biển Đông. Nếu Phi Luật Tân thắng kiện sẽ khuyến khích nhiều quốc gia
trong vùng - kể cả Việt Nam, dùng pháp lý để ngăn chận tham vọng bành trướng
của Bắc Kinh. Trong viễn cảnh này, CSVN sẽ phải liên minh gần hơn với Phi Luật
Tân, Hoa Kỳ, Nhật và Úc để tạo áp lực buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn hội nghị
đa phương. Nếu Phi Luật Tân thua kiện hoặc xử huề thì sẽ tạo cơ hội tốt cho Bắc
Kinh bành trướng mạnh mẽ trên Biển Đông. Nếu điều này xảy ra sẽ là một đại họa
cho Đông Nam Á.
Thứ ba, Hiến pháp tu sửa 2013 sẽ bắt đầu được
áp dụng cho kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 6/2016
tới đây, dẫn đến cơ hội cho các tổ chức xã hội dân sự, thành phần đảng viên
cộng sản cấp tiến lên tiếng và tạo áp lực để mở ra một “không gian mới” trong
cách ứng cử, đề cử nhân sự tham gia vào cuộc bầu cử này. Cụ thể là sự mở rộng
thành phần ứng cử độc lập từ các tổ chức xã hội dân sự mà không thông qua sự
giới thiệu của Mặt trận tổ quốc, bước đầu của nỗ lực xóa dần sự độc quyền chính
trị của đảng CSVN. Đây là bước đấu tranh cần thiết và là cơ hội để cho các lực
lượng trong phong trào dân chủ kết hợp tạo thành một lực lượng đối lập – từng
thấy ở Đông Âu, Tunisia, Miến Điện, Venezuela - nhằm thống nhất tiếng nói, chủ
trương, đòi hỏi của lực lượng phản kháng thì sự áp lực mới thành công.
Thứ tư, tình trạng kinh tế khó khăn - dẫn đến
sự cạn kiệt ngân sách ở Trung ương khiến cho một số địa phương rơi vào hoàn
cảnh phá sản trong năm 2015, sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2016. Giá dầu thô từ
100 Mỹ Kim/thùng vào đầu năm 2015 tiếp tục giảm giá trong năm 2016 - có thể
xuống tới mức 25 Mỹ Kim/thùng, sẽ không chỉ làm cho Hà Nội thất thu từ 10% đến
20% ngân sách mà còn khiến cho Tập đoàn dầu khí, một tập đoàn lớn nhất nhưng
cũng mang nợ nhiều nhất, có nguy cơ phá sản. Nếu Tập đoàn dầu khí phá sản sẽ có
những tác động rất xấu lên nền kinh tế, và chắc chắn kéo theo sự sụp đổ của nhiều
doanh nghiệp quốc doanh liên quan đến lãnh vực này. Sự cạn kiệt ngân sách khiến
cho Hà Nội buộc các địa phương phải “thắt lưng buộc bụng”, dẫn đến hệ quả tranh
giành nhau xin ngân sách giữa các địa phương, và đây là lúc khởi đầu hiện tượng
hỗn loạn “trên bảo dưới không nghe” với nạn tham ô hoành hành ở mọi lãnh vực.
Thứ năm, chưa có đại hội đảng
nào mà lãnh đạo CSVN gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp cũng như thỏa hiệp
với nhau trong việc chọn thành phần tứ trụ để lãnh đạo đảng và nhà nước như kỳ
chuẩn bị đại hội 12. Sự khó khăn này không chỉ biểu hiện tình trạng tranh giành
quyền lực giữa phe đảng đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ đứng đầu
bởi Nguyễn Tấn Dũng, mà còn do sự tác động từ những thế lực bên ngoài và áp lực
của các khủng hoảng xã hội, cụ thể là hai sức ép từ Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn
đã khiến cho lãnh đạo CSVN mất khả năng thỏa hiệp, biến thành thế đối đầu công
khai. Dù cho phe ông Trọng thắng phe ông Dũng hay ngược lại, nội bộ lãnh đạo
CSVN sẽ không còn là khối thuần nhất mà các phe sẽ tìm cách ngáng cẳng cũng như
đổ trách nhiệm lẫn nhau một khi các khủng hoảng xã hội bùng nổ lớn.
Những dự phóng 2016
Những khó khăn của tình hình Việt Nam nói trên không
còn có thể che giấu được nữa. Nó xảy ra với mức độ gia tăng rõ rệt trong sự đối
phó lúng túng và mâu thuẫn của lãnh đạo Hà Nội. Sau đây là 4 dự phóng của xã
hội Việt Nam trong năm 2016.
Dự phóng 1: Ngân sách cạn kiệt, đời
sống công nhân viên khốn khổ
Mặc dù Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang
Âu Châu, cũng như ký kết Hiệp định TPP vào cuối năm 2015, nhưng xuất khẩu của
Việt Nam sang những thị trường nói trên vẫn ở dưới mức tiềm năng vì hai lý do:
1/ Hàng hóa Việt Nam thiếu tiêu chuẩn quốc tế không
thể cạnh tranh với các quốc gia khác;
2/ Công nghệ và năng xuất còn quá lạc hậu.
Trong khi đó, các mặt hàng về nông thủy sản và nhất là
dầu thô đang bị giảm giá, khiến cho mức thu ngân sách của Việt Nam bị ảnh
hưởng. Những ảnh hưởng tích cực do TPP đem lại không có hiệu lực “chiếc đũa
thần” để cứu vãn tình hình. Nói cách khác, Việt Nam đang đối diện với mức độ
thiếu hụt ngân sách trầm trọng trong khi nợ ngoại trái đáo hạn lại gia tăng
khiến cho Hà Nội tiếp tục đi vay nợ để trả nợ. Do khả năng trả nợ thấp, việc
vay tiền sẽ không dễ dàng.
Với tình hình nói trên, CSVN buộc phải thi hành chính
sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm ngân sách địa phương và cho phép địa phương
tăng thu phí dưới nhiều hình thức để có đủ tiền trang trải hoạt động và trả
lương nhân viên. Giải pháp in thêm tiền để trang trải các chi phí sẽ tạo nguy
cơ lạm phát.
Dự phóng 2: Các tổ chức xã hội dân sự
sẽ phát triển trên nhiều lãnh vực
Bên cạnh lợi ích kinh tế - thương mai khi tham gia vào
TPP, Hiệp định này trở thành sân chơi cổ võ cho sự ra đời hàng loạt của các tổ
chức xã hội từ nhỏ đến lớn vì hai lý do:
1/ CSVN phải cải sửa luật pháp để nâng cao quyền con
người và nhất là sự hoạt động độc lập của công đoàn trong các doanh nghiệp tư
nhân;
2/ Tính liên đới và sự yêu chuộng dân chủ, tự do sẽ
khuyến khích người dân tìm đến nhau hầu giúp nhau bảo vệ quyền lợi hơn là tiếp
tục vô cảm như trước đây.
Nói cách khác, không gian chính trị tại Việt Nam sẽ bị
buộc phải mở rộng hơn sau khi tham gia TPP, đưa đến sự gia tăng các hoạt động
cho dân chủ, đa nguyên và đa đảng. Sự liên kết đấu tranh giữa các nhóm, tổ chức
chính trị sẽ không chỉ có tác dụng nong xích mà còn tiến đến việc hình thành
một lực đầu tàu để điều hướng công cuộc đấu tranh cho dân chủ sớm lan rộng trên
toàn quốc.
Dự phóng 3: Đấu đá thượng tầng lãnh
đạo gia tăng vì những tác động từ bên ngoài
Dù ông Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấng Sang hay Nguyễn
Phú Trọng lên làm Tổng bí thư, thì nội bộ CSVN cũng không còn là một khối thuần
nhất. Ngoài sự tồn tại của những phe nhóm phân chia theo những lãnh vực trách
nhiệm, nội bộ trung ương đảng CSVN đang hình thành ba loại khuynh hướng kể từ
khi vụ giàn khoan HD 981 xảy ra vào tháng 5/2014. Khuynh hướng thứ nhất là muốn
đi gần hơn với Mỹ và Nhật để thoát ra khỏi vòng kim cô của Bắc Kinh. Khuynh
hướng thứ hai tiếp tục coi Trung Quốc là chỗ dựa quan trọng để giữ đảng chống
diễn biến hòa bình của Hoa Kỳ. Khuynh hướng thứ ba là muốn thay đổi cách vận
hành của đảng, qua đó mọi vấn đề lớn nhỏ phải thảo luận mở rộng và biểu quyết
dựa trên số đông, chứ không ủy thác vào một cá nhân nào.
Đây là chiều hướng thay đổi hiện nay của đại hội 12 mà
hệ quả của nó ai cũng thấy là Bộ chính trị đã không thể lèo lái trung ương đảng
đi theo mình như trước đây, mà mọi vấn đề từ lớn đến bé đều phải thảo luận tổ
và mang ra biểu quyết tại Hội trường. Nhìn thì có vẻ vận hành dân chủ, nhưng
trong thực tế, đó là cơ hội để các phe nhóm tấn công lẫn nhau vừa bằng tờ rơi,
vừa bằng đối chất và vừa bằng lá phiếu. Khi đảng độc tài bị phân hóa nặng nề và
mất phương hướng như CSVN hiện nay, thì các phe phái sẽ đánh nhau kỳ cùng bất
kể quyền lợi của đảng.
Dự phóng 4: Sự kết hợp của các đoàn
thể, lực lượng chính trị
Từ 3 năm qua, những đoàn thể xã hội dân sự, tổ chức
chính trị tại Việt Nam đã có hai nỗ lực quan trọng:
1/ Xuất hiện, lên tiếng công khai trước các sự kiện
qua những bản tuyên ngôn, tuyên cáo, lên tiếng vân, vân…;
2/ Khai dụng hiệu quả mạng xã hội để huy động sự hưởng
ứng, hỗ trợ của số đông buộc chế độ phải lùi bước trong một số vụ như vụ chặt
cây xanh ở Hà Nội, vụ em Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong tù, ngưng thi hành án
lệnh đối với tử tù oan Lê Văn Mạnh. Kết quả này cho thấy là các tổ chức đã bước
ra khỏi giai đoạn đấu tranh đơn lẻ từng người, từng nhóm mà đã nhìn ra nhu cầu
kết hợp.
Điều mà CSVN lo âu không chỉ là sự kết hợp của các
đoàn thể xã hội mà chính là yếu tố nối kết giữa những đoàn thể này với người
dân để chuyển những phẫn nộ, bất mãn thành hành động. Cuộc bầu cử Quốc hội và
Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 6/2016 tới đây sẽ là cơ hội mở rộng sự kết
hợp cho những tranh đấu mạnh mẽ về quyền ứng cử và bầu cử của người dân.
Kết luận
Năm 2016 đánh dấu đúng 30 năm (1986-2016) CSVN đưa ra
cái gọi là “nhìn vào sự thật” để đổi mới.
Nhưng lãnh đạo CSVN đã chỉ nhìn ra một nửa sự thật. Đó
là thấy rõ sự băng hoại của đất nước sau 10 năm (1975-1985) tiến nhanh tiến
mạnh lên chủ nghĩa xã hội và đã đưa ra chủ trương đổi mới kinh tế. Tuy kinh tế
Việt Nam có khá hơn so với thời bao cấp nhưng đất nước còn quá nhiều nghịch lý
vì một nửa sự thật kia, lãnh đạo Hà Nội cố “giả mù sa mưa”. Đó là họ vẫn cố bám
víu vào chủ nghĩa xã hội mà chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nói là cho đến cuối
thế kỷ này chưa chắc đã đạt được.
Điều này cho thấy là lãnh đạo CSVN không dám nhìn vào
sự thật của đất nước, mà chỉ nhìn vào cái ghế quyền lực bởi lo sợ sự thật phũ
phàng sẽ đổ ập lên chính họ.
Thấy rõ điều này, chúng ta không nên chờ đợi ông
Trọng, ông Sang, ông Dũng hay bất cứ lãnh đạo CSVN nào tự thay đổi sau đại hội
12.
Chỉ có sức mạnh đấu tranh và sự liên kết giữa các đoàn
thể yêu nước thì mới có thể mang lại những thay đổi cần thiết và tốt đẹp cho
đất nước.
Trung Điền
3/1/2016
3/1/2016