Bài
báo nhân kỷ niệm thành lập Đảng
Ngụy
Hữu Tâm
Hồi đó là vào những năm đầu chiến tranh, khoảng năm
1964-1965 gì đó, tôi mới vào đại học. Tôi lúc đó vừa qua cái tuổi 20. Không như
các bạn trẻ bây giờ thường học hết trung học phổ thông rồi vào thẳng đại học,
mà vì có cái may là năm 1956 đã đi thiếu sinh quân ở CHDC Đức, và còn tiếp tục
học trường công nhân kỹ thuật ở đấy 3 năm, tốt nghiệp về nước làm việc 2 năm rồi
mới thi vào đại học. Vì đã đi làm và có quyết tâm học nên sau khi đã sử dụng
thành thạo tiếng Đức, trong 2 năm song song đi làm và theo học bổ túc văn hóa,
mỗi năm tôi tự học thêm một ngoại ngữ nữa, tức là ngoài tiếng Đức còn võ vẽ,
tôi còn biết cả tiếng Nga và Pháp nữa. Bởi lẽ học đại học thời đó,
tiếng Nga rất quan trọng, có lẽ còn hơn cả tiếng Anh
bây giờ, do sách tham khảo tiếng Việt hầu như không có, với ngành vật lý chúng
tôi, duy nhất chỉ có ít cuốn toán đại cương và cuốn cơ lượng tử là sách dịch của
Nga, nhưng ở thư viện ê hề sách tiếng Nga, nên trường dành rất nhiều giờ cho việc
ngọai ngữ. Vì khi thi vào, đạt điểm tiếng Nga rất cao, nên các thầy cho nghỉ giờ
ngoại ngữ, tôi chơi dài.
Nhân dịp kỷ niệm thành lập Đảng 3/2 năm đó, báo Cứu
Quốc của Mặt trận Tổ Quốc mà cụ nhà tôi, một nhân sĩ (xin các bạn trẻ hiểu cho
đây là danh từ thời đó chỉ người ngoài đảng, hơi có nét miệt thị chút đỉnh) trí
thức nổi tiếng, vốn hay tham gia viết, có mời cụ góp một bài. Chắc cụ chán lắm
nên mới giao cho tôi viết. Tôi hiểu như vậy vì cụ đã kể, sau khi tốt nghiệp trường
Sorbone, đang say mê nghiên cứu vật lý nguyên tử ở phòng thí nghiệm của giáo sư
Joliot-Curie tại Paris, thì Thế chiến thứ Hai bùng nổ. Trước tình hình phòng
thí nghiệm bị Bộ Quốc phòng trưng dụng để tiến hành những nghiên cứu phục vụ
quân sự, thầy cụ, vốn là đảng viên cộng sản Pháp, khuyên cụ về nước nhằm đóng
góp thiết thực cho nhân dân nước mình chứ không nên ở lại Pháp, nên cụ đã làm
theo lời khuyên đó của thầy. Việc về lại Việt Nam của cụ như vậy là hoàn toàn
xuất phát từ lòng yêu nước mà thôi. Hơn nữa, những năm ba mươi thế kỷ trước, mấy
ai hiểu được thuyết Mác–Lê như bây giờ, nhất là dấu ấn Stalinist chưa rõ, còn
thuyết Maoist lại chưa có.
Đúng như người ta thường nói: Khi 20 tuổi mà không
yêu chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, còn khi đến 30 tuổi mà vẫn còn tin
vào chủ nghĩa cộng sản thì sẽ là không có não bộ.
Thế nên khi về nước dạy học và tổ chức những hoạt động
yêu nước chống thực dân Pháp cho học sinh của mình rồi tham gia Cách mạng tháng
Tám 1945, rồi khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, làm cán bộ
trung cao cho Bộ Giáo dục của thể chế mới, tiếp xúc với các đảng viên cộng sản
Việt Nam, dần dà cụ cũng hiểu ra. Vì vậy vào năm 1951 Đảng Lao động Việt Nam được
thành lập mà thực chất chỉ là một vụ thay tên, hay trá hình mà thôi, nên cụ đã
hiểu ra ngay, nhất là nét Maoist đã lộ rõ trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, do đó
khi thứ trưởng Bộ Giáo dục gợi ý cụ vào đảng, cụ đã từ chối. Hiển nhiên là những
trí thức như cụ tôi, họ không chỉ có trái tim, mà cả khối óc nữa.
Cũng chẳng khó khăn lắm cho việc viết một bài
500-1000 chữ, vì ngày nay các bạn có thể dễ dàng nghĩ ra, theo cái khuôn sáo mà
bây giờ ai cũng biết đó và cho đến nay, sau bao năm với biết bao nhiêu biến cố
xảy ra trên thế giới và nhất là ở nước Việt Nam ta và đảng cũng đã 86 tuổi mà vẫn
chẳng chịu thay đổi gì nhiều, thì dù ở tuổi này đã bắt đầu chớm mắc bệnh
Alzheimer, tôi vẫn nhớ như in và sẵn sàng viết lại ngay được.
Thấm thoát nửa thế kỷ đã trôi qua, nghĩ lại mình viết
bài báo ca ngợi đảng ở tuổi đó cũng là do thật sự say mê. Không những thế, người
đọc, đảng viên hay ngoài đảng, do thông tin chỉ độc chiều chứ không đa chiều
như ngày nay, vẫn mang niềm tin ấy, nhất là khi xung đột hai phe lên đến đỉnh
điểm, thì nay soi lại, bài báo đó rất bình thường. Còn với sự toàn cầu hóa và
phát triển mạng xã hội, lượng thông tin lề trái, lề phải ê hề, chẳng còn ai,
ngay cả đảng viên, thật sự tin vào đảng và chủ nghĩa cộng sản nữa, thì chắc chắn
là ai cũng phải thấy rằng, bài báo này ngây ngô lắm.
Nhưng dẫu sao, dù cho đến khi về nghỉ hưu, tôi vẫn
làm trong nghề vật lý, thì trên thực tế tôi đã bắt đầu viết báo từ thời đó, và
rất nhanh, ngay bài đầu tiên đã được đăng (mà bây giờ khó khăn đến thế, nhất là
với báo lề phải, vì nếu mình viết thực thì làm thế nào để mà lọt được mắt xanh
của tổng biên tập), dù bài báo mang tên ông bố mình. Không những thế, Cứu Quốc
trả nhuận bút rất nhanh và rất hậu hĩnh. Dĩ nhiên cụ nhà đưa tôi ngay số tiền
đó, dẫu sao cũng là hàng chục bát phở, mà với sinh viên hay bất cứ ai của bất cứ
thời đại nào, tiền kiếm được bằng sức lao động của chính mình mới quí làm sao
và tôi đã từng sung sướng thế nào.
Để kết thúc cho bài viết ngắn gọn này, xin vận dụng
một cách hết sức linh hoạt về nhận xét tim óc ở trên cho Việt Nam ta như sau:
Nếu như vào thế kỷ 20 còn hạn hẹp thông tin mà không yêu
chủ nghĩa cộng sản là không có trái tim, thì vào thế kỷ 21 của facebook và mạng xã hội, mà vẫn còn tin vào chủ nghĩa
cộng sản và đảng của nó, thì chẳng những không có cả trái tim lẫn khối óc, hơn
nữa còn phơi bầy mục đích duy nhất là lòng tham vô độ về quyền lực và lợi ích vật
chất.