14.02.2016

NHẬN XÉT VỀ PHONG TRÀO TỰ ỨNG CỬ - TẠ PHONG TẦN

NHẬN XÉT VỀ PHONG TRÀO TỰ ỨNG CỬ

TẠ PHONG TẦN

Năm 2007, khi tôi còn công tác tại cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc Hội nhiệm kỳ X (1997-2002). Buổi chiều trước bầu cử một ngày, sếp tôi kêu cả đơn vị lại “họp khẩn cấp” (nguyên văn từ của sếp) rồi sếp nói: “Cái này thông báo nội bộ, nói nhỏ chớ không có nói lớn. Ở trên (chẳng biết là trên cỡ nào) mới thông báo ngày mai bầu đại biểu Quốc Hội thì bầu cho con Hoa Ry, gạch tên bà Sang đi”.

Cả đơn vị trố mắt nhìn sếp ngạc nhiên, hổng hiểu bữa nay sếp có “bị gì hong” mà sếp ăn nói trái luật dữ vậy cà. Sếp nói tiếp: “Ở trển nói con Hoa Ry là nữ, người dân tộc, hạt giống đỏ đủ tiêu chuẩn cơ cấu. Bà Sang là để cho có mà gạch thôi. Lịnh ở trên, mình là cấp dưới thì mình phải chấp hành. Vậy thôi hén!”. Nói xong, sếp giải tán “cuộc họp khẩn cấp”. Tôi ra ngoài coi kỹ lại danh sách thì thấy “con Hoa Ry” trình độ mới có phổ thông trung học (tức học hết lớp 12, tốt nghiệp hay không chưa biết), nghề nghiệp dưới trình độ, không biết ngoại ngữ, so với bà Sang thì kém xa. Hôm sau đi bầu cử, tôi không gạch tên bà Huỳnh Thu Sang như “chỉ đạo” mà gạch tên “con Hoa Ry”, tôi để ý thấy những người khác thì “thi hành ý kiến cấp trên” răm rắp.

Mấy ngày sau, một ông cán bộ Viện Kiểm sát tỉnh Bạc Liêu (chức vụ thường thường bậc trung, tôi đánh giá ông này cũng có năng lực) sang cơ quan tôi làm việc, tôi bèn hỏi dò ông bầu cử gạch tên ai. Ông bèn xổ ra một tràng: “Tao gạch tên con Hoa Ry, để tên bà Sang. Vô duyên! Bầu ai là quyền của tao, ai có năng lực thì bao bầu. Tự dưng kêu phải gạch người này, để người kia, thiệt lãng nhách”. Tôi hỏi thêm: “Theo ý anh thì ai đậu?” Ổng nói: “Con Hoa Ry sẽ đậu, làm cái kiểu đó thì nó đậu là cái chắc. Ðể rồi coi, tao nói sai cho mày đánh lên đầu tao nè”. Kết quả y chang như ổng nói. Nhiệm kỳ sau, rồi sau nữa tôi không đi bầu cử. Ðến nay, “con Hoa Ry” (giờ đã thành bà Hoa Ry) đã “đắc cử” liên tiếp 3 nhiệm kỳ X, XI, XII của Quốc Hội.

Nếu như chục năm về trước, số người tự ứng cử đều xuất thân từ cơ quan chính phủ như cựu Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ hay ông đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Đặng Văn Khoa, sau này có thêm trường hợp Luật sư Lê Công Định (Sài Gòn) và Luật sư Lê Quốc Quân (Hà Nội); thì đều có chung một mẫu số là “rớt từ vòng gởi xe”. Ông Đặng Hùng Võ phải “chấp hành sự chỉ đạo của đảng không được ứng cử” bởi vì “đảng không cử”, tâm sự với báo chí, ông Hội đồng Khoa nói rút đơn xin ứng cử mà rơi nước mắt vì ông còn có gia đình vợ con, Luật sư Định và Luật sư Quân thì bị cái gọi là “hiệp thương” của Mặt trận tổ quốc “đấu tố”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (tự ứng cử ĐBQH cùng thời gian với Luật sư Lê Quốc Quân) nói về việc “lấy ý kiến”: “Căng thẳng lắm. Người ta cứ việc lên tố tôi những điều không có. Tôi thì không được phép trả lời”.

Thế nhưng, kỳ bầu cử mới đại biểu quốc hội năm 2006 này, tại thời điểm hiện nay, đã có hơn mười ứng viên tự do chính thức nộp đơn ứng cử theo đúng trình tự pháp luật quy định, mà khởi xướng đầu tiên là Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Có hai luồng ý kiến trái chiều về việc ủng hộ ứng viên tự ứng cử và tẩy chay ứng cử, bầu cử quốc hội cộng sản kỳ này.

Phe tẩy chay có ý kiến rằng: Người nào tự ứng cử là “dân chủ cuội”, “Tay nào nhào vô thì tay đó một là không có đầu óc, hai là quyết tâm nhập bọn với bọn chó đẻ Việt cộng để tàn hại nhân dân chứ không có chống lại chúng gì hết”, tự ứng cử “để được làm quan lớn”, để “ấm thế, phì gia”, “công nhận tính chính danh của Việt cộng”, “xác nhận hệ thống đó có tính hợp pháp”, “giúp Việt cộng báo cáo với Hoa Kỳ khi vào TPP để tránh bị phản đối bởi dân Hoa Kỳ, chỉ có ngu mới đâm vào”, v.v…

Ngược lại, phe ủng hộ thì cho rằng: Thời nay không phải là thời của Thánh Mahatma Gandh và Việt Nam hiện nay không phải là Ấn Độ những năm đầu thế ký 20. Cụ thể “người trong cuộc” là TS Nguyễn Quang A bày tỏ quan điểm rằng dĩ nhiên ông “hiểu rất rõ cách mà Mặt trận tổ quốc sử dụng để buộc ứng viên bỏ cuộc nhưng theo ông, lời kêu gọi tập trung 5.000 chữ ký của người dân khắp nơi ủng hộ cho ông ứng cử sẽ là chiếc đòn bẫy hất tung những mưu mô từ trước tới nay mà MTTQ dùng để đẩy ứng viên độc lập ra khỏi mọi cuộc bầu cử trước đây” bằng các hình thức “đấu tố”.

Thủ đoạn “đấu tố” là tổ chức các cuộc họp với tên gọi là “hiệp thương” chỉ giới hạn trong khoảng từ 50 đến 100 người mà chính ứng viên cũng không biết những người ấy là ai, có thật sự là cử tri khu vực mình ứng cử hay không, rồi kết luận rằng “không được tín nhiệm” rồi loại ứng viên ấy ra, coi như 50 đến 100 người này có quyền phủ quyết cho tất cả cử tri dù không cử tri nào cử họ đại diện cho mình.

Các trang “lề phải” chính danh của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam im lặng, nhưng có không ít trang “lề phải không chính danh” xuất hiện hàng loạt và rầm rộ chửi bới những kẻ dám tự ứng cử bằng những ngôn từ hết sức lưu manh, chợ búa và vu cáo bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người tự ứng cử một cách rất lố bịch, gọi người tự ứng cử là “gái làng chơi”, bồi bút, “phản động”, “thảo khấu giang hồ” dù không đưa ra được bằng chứng gì chứng minh các ứng viên đã từng thực hiện các hành vi ấy, và liên tục khẳng định “Thật ra, tự ứng cử là văn minh, nhưng nó lại bị lũ zận lợi dụng để phá hoại đất nước. Nguyễn Quang A đã lợi dụng điều này để PR cho chính mình. Nhưng chiêu trò không mấy thông minh đã ngay lập tức bị bóc mẽ”. Việc tung ra hàng loạt ‘công cụ” chửi mắng lu loa chứng tỏ đảng cộng sản VN đang rất lo sợ, chật vật đối phó với phong trào tự ứng cử. Cho vào thì nguy hiểm cho đảng, mà không cho càng nguy hiểm hơn.

Chẳng hiểu người thực hiện quyền công dân mà pháp luật cho phép thì “phá hoại đất nước” ở chỗ nào? Nếu “chiêu trò không mấy thông minh đã ngay lập tức bị bóc mẽ” thì làm gì phải lo lắng nhảy dựng lên như thế nhỉ? Cứ im lặng để cho thiên hạ “bóc mẽ” bọn họ đi.

Nếu thật sự người của “đảng cử” mà dân ủng hộ nhiệt tình (như lần nào cũng công bố kết quả kiểm phiếu đạt từ 90% trở lên) thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy để cho người dân Việt Nam “dạy cho những kẻ khoái tự ứng cử một bài học” bằng lá phiếu của họ, ứng cử mà không ai thèm bầu thì hắn ta tự quê độ hết dám ứng cử lần nữa, mất công tổ chức hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến dân phố chi cho hao người tốn của mà còn mang tiếng bóp nghẹt nhân quyền!

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/06/2015 có hiệu lực hiện hành tại Việt Nam quy định các Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 35, Điều 36, Điều 37 về quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam, và các ứng viên tự ứng cử đang thực hiện điều này.

Cũng có ý kiến cho rằng đảng cộng sản Việt Nam xảo quyệt, bày trò dân chủ giả hiệu để đánh lừa bọn “tư bổn giãy chết” thôi. Cứ cho là đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhường cho ứng cử viên tự do 10% số ghế trong quốc hội thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì về dân chủ. nhân quyền, quốc kế dân sinh, bởi lẽ quyền quyết định thuộc về đa số. Cá nhân tôi nghĩ rằng, cứ cho là như vậy đi, thì đại biểu tự do ít nhất cũng có được cái quyền tiếp cận thông tin (của đại biểu quốc hội) là những đề sinh tử quốc gia từ trước đến nay ngoài các cấp chóp bu ra không ai được biết. Ví dụ rõ ràng nhất là tình hình vay nợ, chi xài tiền đi vay và trả nợ nước ngoài như thế nào. Người dân cần được công khai minh bạch chuyện này.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn luôn rêu rao với cả thế giới rằng “Việt Nam luôn đảm bảo quyền con người”, Việt Nam “dân chủ đến thế là cùng”. Vậy thì hãy để cả thế giới nhìn thấy cộng sản Việt Nam đang tước đoạt quyền con người của bạn, đừng bao giờ tự tước đoạt quyền con người của chính mình.

Tạ Phong Tần