01.03.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (01.03.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (01.03.2016)
Nhật cung cấp vũ khí cho Phi Luật Tân giữa tranh chấp Biển Đông
VOA
Không ảnh về các hoạt động xây dựng của Trung cộng tại đá Vành Khăn (Mischief Reef), Trường Sa.Reuters

Ngày 29/2 Nhật Bản ký thỏa thuận cung cấp võ khí cho Phi Luật Tân. Đây là hiệp ước quốc phòng đầu tiên kiểu này của Nhật tại khu vực, nơi các đồng minh của Mỹ đang báo động về những bước tiến hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân, Voltaire Gazmin, cho biết thỏa thuận ông ký với Đại sứ Nhật tại Manila, Kazuhide Ishikawa, mở đường cho việc cung cấp các thiết bị và công nghệ quốc phòng cho phép Manila và Tokyo tiến hành các dự án nghiên cứu và phát triển chung.
Chi tiết các loại khí cụ sẽ sớm được quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới, nhưng ông Gazmin cho hay Nhật Bản bước đầu đã đề nghị cung cấp một máy bay do thám cho Phi Luật Tân.
Trước sức lấn lướt ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh ở Biển Đông, Phi Luật Tân đã quay sang Hoa Kỳ, và bây giờ đến Nhật Bản, trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự.
Đây là hiệp định quốc phòng đầu tiên mà Tokyo ký với một nước trong khu vực Đông Nam Á, sau các hiệp định tương tự ký với các nước Hoa Kỳ, Anh, Úc và Pháp.
Do những hạn chế về việc xuất khẩu vũ khí do quy định của bản Hiến pháp hòa bình, Nhật Bản buộc phải ký một hiệp định với mỗi nước mà Tokyo muốn hợp tác về thiết bị quốc phòng.
Hai nước đã công khai nâng quan hệ an ninh và chính trị song phương lên tầm cao mới, kể cả bằng cách tổ chức các đợt diễn tập tìm kiếm-cứu hộ hải quân chung hồi năm ngoái.
Đôi bên cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng, làm dấy lên khả năng sẽ có một hiệp ước an ninh cho phép lực lượng Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận chung lớn hơn tại Phi Luật Tân trong khi Manila đã có các hiệp ước như thế với Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi.
Theo AP, The Jakarta Post.

Phi Luật Tân kêu gọi Trung cộng tôn trọng phán quyết của tòa
RFA
Một lần nữa, chính phủ Phi Luật Tân lên tiếng kêu gọi Trung cộng tôn trọng phán quyết Tòa Trọng Tài Quốc Tế sẽ đưa ra, liên quan đến vụ kiện Biển Đông mà Manila đang theo đuổi.
Trong bản tuyên bố do Bộ Ngoại Giao Phi phổ biến, Ngoại Trưởng Albert del Rosario nói rằng không chỉ Manila mà cộng đồng quốc tế cũng đòi hỏi Trung cộng tôn trọng phán quyết mà Tòa sẽ đưa ra, để cùng nhau tiến đến việc giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ngoại Trưởng Phi cũng nêu câu hỏi là nếu Trung cộng không quan tâm đến lời kêu gọi của mọi người, phải chăng điều đó có nghĩa là Bắc Kinh tự xem họ có quyền cao hơn luật pháp hay không?
Ngoại Trưởng Phi cũng cho hay Tòa sẽ có phán quyết trước tháng Năm năm nay.
Lời kêu gọi của chính phủ Phi được đưa ra sau phát biểu của ông Vương Nghị, Ngoại Trưởng Trung cộng, nói khi đến thăm Washington hồi tuần trước là theo quan điểm của Bắc Kinh, Phi Luật Tân có thái độ khiêu khích chính trị khi đưa vấn đề ra trước Tòa, thay vì giải quyết bằng những cuộc đàm phán song phương.
Về điều này, Ngoại Trưởng Phi nói rằng Manila đã nhiều lần thảo luận với Trung cộng nhưng không giải quyết được vấn đề.
Hôm nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung cộng cũng nhắc lại là Trung cộng không tham gia vụ kiện, và Tòa Trọng Tài Quốc Tế không có thẩm quyền để xét xử vụ này.

Ấn-Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng giữa tranh chấp Biển Đông
VOA
Hải quân Ấn Độ tập trận kỷ niệm Ngày Hải quân trong vùng biển Ả Rập.

Ấn Độ và Hoa Kỳ đang gần kết thúc một thỏa thuận về chia sẻ hậu cần quân sự sau 12 năm đàm phán, một dấu hiệu tăng cường hợp tác quốc phòng giữa lúc Trung cộng ngày càng quyết đoán trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Washington đang đàm phán với New Delhi giúp đóng hàng không mẫu hạm loại lớn trong thỏa thuận hợp tác quân sự quy mô nhất tới nay, tăng cường sức mạnh cho hải quân Ấn giữa lúc Trung cộng đang mở rộng hoạt động ở cả Biển Đông lẫn Ấn Độ Dương.
Sau nhiều năm trì trệ bởi các chính phủ tiền nhiệm của Ấn lo ngại rằng thỏa thuận hậu cần quân sự sẽ đẩy Ấn Độ vào một cam kết ràng buộc phải hậu thuẫn Mỹ trong chiến tranh, chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Narendra Modi nay đã tỏ ý muốn xúc tiến Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần (LSA), cho phép quân đội Mỹ-Ấn sử dụng căn cứ lục, không, và hải quân của cho hoạt động tiếp tế, sửa chữa, và nghỉ ngơi.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ khu vực Thái Bình Dương,  cho hay đôi bên đang tiến gần tới chỗ ký kết thỏa thuận này.
Các giới chức cho hay diễn tiến này xảy ra trong lúc Mỹ-Ấn đang tính tới các cuộc tuần tra hàng hải chung kể cả ở  Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng với các nước láng giềng bao gồm Việt Nam.
E ngại trước các động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông và Ấn Độ dương, New Delhi đang nỗ lực củng cố hải quân, đồng thời xây dựng quan hệ quốc phòng với cường quốc Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, một bên quan trọng trong tranh chấp Biển Đông.
Giới phân tích cho rằng chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và chiến lược Xoay trục về Châu Á của Mỹ đang hội tụ và Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần Mỹ-Ấn là một thỏa thuận khả dĩ.
Theo Reuters, Economic Times

Bộ trưởng Ngoại giao Tân Gia Ba đi Hoa Lục để bàn về Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Tân Gia Ba Vivian Balakrishnan thăm Trung Hoa lục địa bàn về giảm nguy cơ va chạm ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Tân Gia Ba Vivian Balakrishnan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 29/2, Bộ trưởng Ngoại giao Tân Gia Ba Vivian Balakrishnan đang thăm Trung cộng cho biết Tân Gia Ba và Trung Hoa lục địa đang thăm dò một số ý tưởng mới nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm ngoài ý muốn tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Tân Gia Ba Balakrishnan cho biết các ý tưởng nói trên sẽ tiếp tục được đánh giá trong những tháng tới.
Tân Gia Ba, với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung cộng, sẽ tập trung vào việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giúp các bên tranh chấp xử lý căng thẳng và tránh xung đột.
Theo Ngoại trưởng Balakrishman, hai bên đã nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán để sớm xây dựng COC. Ông nói: “Chúng tôi đều tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đây là một huyết mạch sống còn của Trung Hoa lục địa và của tất cả các nước ASEAN bởi phần nhiều dòng thương mại và năng lượng của chúng tôi đi qua khu vực này.”
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khi thúc đẩy tham vấn về COC. Theo ông Vương Nghị, Trung cộng và các nước ASEAN, với tư cách là các nước ven Biển Đông, sẽ tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định và điều này bao gồm cả tự do hàng hải trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung cộng vẫn tuyên bố rằng lập trường của nước này về Biển Đông không thay đổi, bất chấp việc những hành động trái phép gần đây của Trung cộng đang khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.
Ông Vivian Balakrishnan đang thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung cộng trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.

Tàu đổ bộ Hoa Kỳ chở Thủy Quân Lục Chiến vào tuần tra Biển Ðông 

BIỂN ÐÔNG (NV) - Theo Hải Quân Hoa Kỳ thì tàu đổ bộ USS Ashland, vận chuyển các binh sĩ Trung Ðoàn Viễn Chinh 31 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ vừa kết thúc một chuyến tuần tra tại Biển Ðông.
Trung Ðoàn Viễn Chinh 31 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đồn trú ở Okinawa (Nhật), có quân số khoảng 2,200 người, với phạm vi trách nhiệm chính là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Ðoàn Viễn Chinh 31 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được tổ chức như một đơn vị đặc nhiệm, có thể triển khai ở mọi nơi, kể cả đổ bộ từ trên không. Trung Ðoàn Viễn Chinh 31 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được đặt dưới sự điều động của Hạm Ðội 7 (hạm đội đặc trách Thái Bình Dương) của Hải Quân Hoa Kỳ.
Hạ Sĩ Billy Fields đang thực tập giám sát biển khi USS Ashland thực hiện cuộc tuần tra tại Biển Ðông. (Hình: U.S. Navy)
Trước đó, USS Ashland đã vận chuyển Trung Ðoàn Viễn Chinh 31 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đến Thái Lan để tham gia cuộc tập trận thường niên có tên là Cobra Gold 16. Trên đường trở về Nhật, hôm 26 tháng 2, 2016, USS Ashland đã thực hiện một cuộc tuần tra ở Biển Ðông.
Trước nay, qua hệ thống truyền thông quốc tế, người ta chỉ biết, Hải Quân Hoa Kỳ đã tổ chức hai cuộc tuần tra, một do USS Lassen thực hiện ở quần đảo Trường Sa hồi cuối tháng 10 năm ngoái và một do USS Curtis Wilbur thực hiện hồi cuối tháng 1 năm nay ở quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên theo thống kê do Hải Quân Hoa Kỳ công bố thì ngoài hai khu trục hạm vừa kể, Hoa Kỳ còn điều động một số khu trục hạm, tuần dương hạm, vận tải hạm khác tham gia tuần tra ở Biển Ðông như: USS Preble, USS Essex, USS Chancellorsville, USS Fort Worth. Trước khi USS Ashland tham gia tuần tra Biển Ðông, tuần dương hạm USS McCampbell vừa kết thúc một cuộc tuần tra khác tại Biển Ðông vào hôm 22 tháng 2, 2016.
Trung Tá Daniel P. Duhan, hạm trưởng USS Ashland, cho biết, việc tuần tra định kỳ tại Biển Ðông là cần thiết. Những cuộc tuần tra tại Biển Ðông như USS Ashland vừa thực hiện đã giúp sĩ quan và thủy thủ đoàn của USS Ashland tích lũy thêm kinh nghiệm, rèn luyện và nâng cao các kỹ năng phải có khi thực thi luật hàng hải quốc tế.
Cần nhắc lại rằng, sau khi USS Lassen tiến sâu vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Subi ở quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, nhằm phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại đó, từ cuối năm ngoái đến nay, Trung Quốc liên tục dọa sẽ “đáp trả thích đáng” những chiến hạm, phi cơ “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Ðông.”
Tính ra, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Hải Quân Hoa Kỳ đã điều động tám chiến hạm tuần tra tại Biển Ðông. Trong số này, có hai vận tải hạm - được thiết kế để vận chuyển và đổ bộ thủy quân lục chiến (USS Asland và USS Essex).