10.04.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 10.04.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng 
(ngày 10.04.2016)
Biển Đông : Mỹ phủ nhận thông tin cấm tướng lãnh chỉ trích Trung cộng 

Cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice và tổng thống Mỹ. Ảnh chụp ngày 25/07/2015. REUTERS/Jonathan Ernst
Chính quyền Mỹ và đô đốc Harry Harris đều phủ nhận thông tin là Nhà Trắng đã ra lệnh cấm các tướng lãnh cao cấp bàn luận về Biển Đông. Nhật báo Washington Post cho biết như trên trong số ra ngày 08/04/2016.
Các tuyên bố này được đưa ra sau khi tờ Navy Times hôm thứ Tư 06/04 đưa tin cố vấn an ninh Susan Rice đã quyết định "khóa miệng" đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và các tướng lãnh khác. Đó là vào thời điểm chính quyền chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nguyên tử tuần trước, và tổng thống Barack Obama sẽ tiếp ông Tập Cận Bình.
Trợ lý báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook nói rằng bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter và đô đốc Harris « hoàn toàn có thể thẳng thắn tư vấn cho tổng thống và Hội đồng An ninh về các vấn đề liên quan đến châu Á-Thái Bình Dương ».
Theo ông, « các tư vấn này đều quý báu và được cân nhắc », và bộ Quốc Phòng « hoàn toàn ủng hộ chiến lược hàng hải hiện nay tại Thái Bình Dương, nỗ lực thực hiện một cách tốt nhất ». Tóm lại, là « không có việc cấm đoán » như nguồn tin ẩn danh đã nói với Navy Times.
Về phía đô đốc Harry Harris nói với Washington Post « bất kỳ lời khẳng định nào về việc có sự bất đồng giữa bộ tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương và Nhà Trắng đều không phải là sự thật ». Ông từ chối cho biết đã khuyến cáo những gì, chỉ nhắc lại là ông từng công khai nêu quan ngại về việc Trung cộng quân sự hóa Biển Đông, và bày tỏ sự hài lòng khi « được lắng nghe và cân nhắc ».
Một viên chức quốc phòng giấu tên cho biết tổng thống Mỹ đã chấp nhận nhiều lời khuyến cáo của đô đốc Harris, trong đó có hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông cách đây vài tháng.
Ba cựu bộ trưởng Quốc Phòng từng tỏ ra bất đồng với chính sách của ông Obama : Robert Gates, Leon Panetta và Chuck Hagel mới đây đã trả lời phỏng vấn Fox News. Còn hiện nay chính phủ Obama đang phải đối mặt với vấn đề Biển Đông, khi Trung cộng tiếp tục tăng cường vũ trang trong khu vực kể cả hỏa tiễn địa-không, và Mỹ phải bảo vệ các đồng minh như Đài Loan, Philippines.
Đô đốc Harris và các tướng lãnh khác như tướng Joseph F. Dunford, phó tổng tham mưu trưởng liên quân đã liên tục nêu ra các quan ngại về những hành động bành trướng của Trung cộng tại Biển Đông.
Thụy My (RFI)

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ công du châu Á, nhưng hủy chuyến thăm Bắc Kinh
Vệ binh quốc gia Phi Luật Tân tập trận với các lực lượng Mỹ tại căn cứ Capinpin ở Tanay, phía đông thủ đô Manila, ngày 08/04/2016.REUTERS/Romeo Ranoco
Ngũ Giác Đài ngày 08/04/2016, thông báo : Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter lên đường hôm nay, bắt đầu vòng công du châu Á và Trung Đông. Trong số các nước châu Á được ông Ashton Carter ghé thăm lần này không có Trung cộng, cho dù ông được cho là đã dự trù đến Bắc Kinh trong chuyến thăm châu Á tháng này.
Theo chương trình vòng công du được bộ Quốc Phòng Mỹ loan báo, tại châu Á, ông Carter sẽ thăm Ấn Độ và Phi Luật Tân.
Riêng tại Phi Luật Tân, đỉnh cao chuyến thăm sẽ là phát biểu của ông Carter ngay trên hiện trường, nơi đang diễn ra cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Phi Luật Tân Balikatan 2016, huy động đến 7.000 lính của cả hai nước, cùng với một số đơn vị Úc.
Theo giới phân tích được nhật báo Mỹ The Wall Street Journal hôm qua trích dẫn, rất có thể là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hủy chuyến công du Trung cộng để bày tỏ thái độ bất đồng tình đối với một loạt hành vi hung hăng của Trung cộng tại Biển Đông trong những tháng gần đây.
Phân tích trên như được chính ông Carter gián tiếp xác nhận vào hôm qua, khi ông đã một lần nữa lên tiếng tố cáo Trung cộng thổi bùng căng thẳng tại Biển Đông.
Trong tham luận tại trung tâm tham vấn Council on Foreign Relations (Hội Đồng Đối Ngoại) ở New York, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tố cáo đích danh Trung cộng : « Gần đây không phải tất cả những tin tức đến từ châu Á-Thái Bình Dương đều tích cực : Thật vậy, tại vùng Biển Đông, đặc biệt là các hành động của Trung cộng đã làm căng thẳng leo thang ».
Theo ông Carter, các hoạt động quân sự hóa khu vực, và các hành động quá mức - đặc biệt là trong năm ngoái – của Trung cộng đã buộc các nước trong vùng phải lên tiếng quan ngại, cả trong các diễn đàn công khai lẫn trong những cuộc tiếp xúc riêng, và ở cấp cao nhất, trong các hội nghị khu vực và diễn đàn quốc tế.
Trọng Nghĩa (RFI)

Biển Đông : Pháp chống mọi hành vi làm gia tăng căng thẳng

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault (trái) và ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một hội nghị tại Paris, đầu năm 2016.Reuters/Gonzalo Fuentes
Trả lời báo Nhật The Nikkei số ra ngày 09/04/2016, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault không nêu đích danh Trung cộng nhưng đã nhấn mạnh rằng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. Paris phản đối « hành động của bất kỳ quốc gia nào làm gia tăng căng thẳng » trong vùng Biển Đông.
Chuẩn bị tham dự hội nghị cấp ngoại trưởng nhóm G7 tổ chức tại Hiroshima trong hai ngày 10 và 11/04/2016, ngoại trưởng Pháp đã dành cho tờ báo tài chính Nhật Bản một cuộc phỏng vấn, mà trong đó ông Ayrault đã đặc biệt quan tâm đến an ninh trong khu vực Đông Nam Á.
Tokyo và Washington cùng nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt Việt Nam và Phi Luật Tân quan ngại trước việc Bắc Kinh triển khai tên lửa chống hạm tới khu vực quần đảo Hoàng Sa. Paris kêu gọi các quốc gia liên quan, “giải quyết xung khắc một cách êm thắm”.
Thanh Hà (RFI)

Việt Nam ‘xua đuổi’ tàu Trung cộng

Biên phòng Quảng Bình phát hiện và đẩy đuổi 6 tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam cho biết đã xua đuổi 6 tàu cá Trung cộng, một ngày trước khi Bắc Kinh bác bỏ yêu cầu của Hà Nội về việc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực chưa phân định.

Báo chí trong nước dẫn lời đại diện của Hải đội 2, Biên phòng Quảng Bình, cho biết, đã tổ chức xua đuổi thành công hàng loạt tàu cá Trung cộng “vi phạm sâu vào vùng biển Việt Nam”.
Mới nhất, hôm 7/4, 6 tàu cá Trung cộng bị phát hiện đánh bắt sâu trong vùng biển tỉnh Quảng Bình.
Tin cho hay, hải đội 2 đã khai triển lực lượng lần lượt tiếp cận, tiến hành kiểm tra 6 tàu cá Trung cộng, và phát hiện 28 ngư phủ không có bất kỳ loại giấy tờ tùy thân nào.
Lực lượng tuần tra sau đó đã “lập biên bản vi phạm, đánh dấu tọa độ vi phạm, cảnh cáo và tổ chức phóng thích cả 6 tàu Trung cộng ra khỏi vùng biển Việt Nam”.
Một ngày sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 8/4, tuyên bố rằng giàn khoan Hải Dương 981, từng châm ngòi cho các cuộc biểu tình bài Bắc Kinh năm ngoái, hoạt động trong vùng lãnh hải không có tranh chấp và thuộc chủ quyền của Trung cộng.

Đây là lời phản ứng trước tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hôm 7/4, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố rằng “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung cộng hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung cộng đang tiến hành đàm phán phân định”.

Cuối tháng trước, Việt Nam thông báo bắt giữ một tàu chở dầu với ba thuyền viên trên khoang vì bị cáo buộc “xâm phạm chủ quyền biển” tại khu vực cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ.

Giới hữu trách cho biết thuyền trưởng Đàm Thủy Dương khai rằng “số dầu trên chở để cung cấp cho các tàu Trung cộng đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam”.

Hiện chưa rõ số phận của các thuyền viên cũng như tàu chở dầu này.

T
in VOA

Phản ứng của Việt Nam về biển Đông đối với Trung  Cộng
Giàn khoan HD 981 trên biển đông. AFP photo
 Trung cộng hôm nay lên tiếng phản bác kêu gọi của Việt Nam là Bắc Kinh phải ngưng gây căng thẳng bằng việc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ đang còn đàm phán phân định giữa đôi bên.
Phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung cộng cho rằng hoạt động của giàn khoan 981 tại vùng biển không có tranh chấp và đó là một hoạt động thăm dò thương mại bình thường. Trung cộng hy vọng bên liên quan có quan điểm khách quan và hợp lý về vấn đề này.
Ông Hồng Lỗi không bình luận gì thêm.
Vào ngày hôm qua phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, lên tiếng về việc Trung cộng vào hôm 3 tháng tư lại đưa giàn khoan 981 đến khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ; kêu gọi Bắc Kinh rút giàn khoan ra khỏi khu vực đó.
Ông Lê Hải Bình cho biết vào ngày 5 tháng 4 đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối đến đại diện Trung cộng ở đại sứ quán tại Hà Nội.
Hôm qua Việt Nam cũng trao công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung cộng ở Hà Nội về việc Bắc Kinh hoàn tất xây dựng và bắt đầu đưa hải đăng trên đá Subi vào hoạt động.
Đây là hải đăng thứ ba mà Trung cộng xây trên các đá mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền :Gạc Ma, Châu Viên và Subi.

Tin RFA