“Quả thật nếu đã có một Quốc hội đúng
nghĩa là “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, có bản lĩnh, có trách nhiệm,
không lệ thuộc, không bù nhìn, chắc chắn không tồn tại một “Formosa” bi kịch
như vậy…”
Thảm họa Biển Chết Và Quốc Hội Không Bù Nhìn
Nguyễn KhắcMai
Thảm họa môi trường
do con người độc địa đã từng xảy ra cả trong thời hiện đại. Nhưng ở đâu còn có một
chính quyền “tử tế”, thảm họa ấy có khả năng khắc phục hậu quả tự nhiên cũng
như hậu quả kinh tế, nhân sinh, xã hội. Như chuyện Formosa từng gây thảm họa ở
nhiều nước, không kể nước Mỹ, họ có chính quyền, luật pháp rõ ràng đầy đủ, đội
ngũ trí thức, chuyên gia hùng hậu và một xã hội dân sự tiến bộ, nên Formosa đã
bị trị tội. Ngay như Cămpuchia ở cạnh ta, họ cũng bắt Formosa đền bù thiệt hại.
Và khả năng khắc phục thảm họa là khả dĩ.
Chính quyền Việt nam, hiện đang đủng đỉnh cố gắng,
không “đi đâu mà vội” để điều tra kết luận và cho thi hành vài ba chủ trương có
tính chắp vá an thần. Vì thế người dân càng sốt ruột, bất bình, lo lắng, dư luận
đang tập trung chú ý vào vấn đề này. Trong khi đó, một chuyện cũng lâu dài, cơ
bản, chiến lược còn hơn cả chuyện kết luận Biển chết với những giải pháp tử tế,
đàng hoàng, hiệu quả để khắc phục thảm họa này, có vẻ như bị che lấp. Đúng, phải
lo chuyện Biển chết, phải lo thảm họa môi trường, phải hành động, phải đấu
tranh, phải thúc đẩy dư luận xã hội cũng như thúc đẩy trách nhiệm của chính quyền.
Nhưng cũng phải lo đến một chuyện chiến lược liên quan hệ trọng đến chuyện Biển
chết.
Tôi muốn nói đến chuyện bầu cử Quốc Hội mới. Quả thật nếu đã có một Quốc hội đúng nghĩa là “Cơ
quan quyền lực nhà nước cao nhất”, có bản lĩnh, có trách nhiệm, không lệ thuộc,
không bù nhìn, chắc chắn không tồn tại một “Formosa” bi kịch như vậy (từ chủ trương, quản
lý, cơ chế, chính sách…). Tôi dùng chữ bù nhìn có vẻ cay đắng, khó nghe. Nhưng
là sự thật. Khi vụ Formosa xảy ra, cá đã chết, ngư dân bốn tỉnh đang khóc than
cho số phận của mình, thì Tổng bí thư đến thăm Formosa, ca tụng hết lời và
không một mảy may xúc động trước thảm họa của Dân của Nước.
Đó là thông điệp, là tín hiệu, là thái độ của đảng cầm
quyền. Cho nên đã có nhiều bình luận cho rằng 500 nghị sĩ không hé nửa lời về sự
cố nghiêm trọng này. Có thể bào chữa rằng trước đây không đủ thông tin. (Thật
ra là không đủ tâm, không đủ tầm, không đủ tư cách “quyền lực cao nhất”), nên
đã không kiểm tra giám sát tốt khiến xảy tai họa. Nhưng, nay khi đã xảy ra sự cố
tày đình, cớ sao lại “bó tay chấm com”. Cách ứng xử và thái độ này của các nghị
sĩ quá nhẫn tâm, vô cảm và…vô trách nhiệm. Đảng vô tâm, vô cảm vì họ đã tự trói
mình như cha con và bầy tôi Mạc Đăng Dung xưa tự buộc giây vào
cổ, quỳ lết lên thành Thụ hàng, dâng thư xin làm một quận huyện của Quảng Tây
thì đã đành. Nhưng cái thiết chế, cái danh dự của Quốc hội, những người được bầu ra để thay
mặt Dân, thay mặt Nước thì sao lại nỡ như vậy! Nếu thật sự họ muốn
làm người “tử tế”, như họ đã hứa trong phiên họp gần đây, nhất định họ cũng biết
cần làm gì. Điều buồn cười là cả mấy người được mệnh danh quân xanh cũng đang
làm “thị hến”.
Vì thế chỉ riêng việc để khắc phục thảm họa Formosa
trong sáu bảy chục năm tới hãy quan tâm hơn nữa đến chuyện rất chiến lược: có một Quốc Hội không bù
nhìn. NẾU! Chữ “nếu”,là chữ của hoài vọng, mong ước,
cũng là chữ của một năng lực khả thể, mà cũng là chữ của mơ mộng ảo tưởng. Khiến
người Pháp có câu tục ngữ nổi tiếng: “Với
chữ nếu, ta có thể nhét cả châu thành Ba Lê vào chiếc lọ con”. Dẫu sao, nếu
chúng ta hành động cái khả thể có thể xuất hiện.
Vâng, tại sao không. Sao lại không giành lấy quyền cử tri để hình
thành một Quốc hội “Tử Tế”. Trước hết là họ phải có cái tâm, cái tầm của
Nghị sĩ không bù nhìn, không theo đuôi, không “rô bốt”, dám nói không với tất cả
những gì trái Hiến pháp, cả những điều có vẻ như là “luật”. Ví dụ những thủ tục
mang tính luật cho phép một dúm cử tri có quyền vô hiệu hóa tư cách công dân,
điều mà chỉ có một tòa án mới được phép, lại tiếm quyền cả vạn, triệu cử tri
khác. Như việc luật lại vi phạm đạo đức, văn hóa, tinh thần pháp luật như công
nhiên cho phép người ứng cử lại làm kẻ tổ chức và điều hành bầu cử.Chẳng có cuộc
bầu cử đạo đức nào trên thế giới làm như ở nước ta. “Dân chủ đến thế là cùn.
(chú ý không g)”. Người ta viện cớ cần có cơ cấu, thành phần… Thật ra cơ cấu
hay thành phần cũng phải do cử tri quyết định (có thể chỉ được phép hướng dẫn,
gợi ý).
Có thể kiến tạo một Quốc hội mới có những tố chất và
năng lực mới của “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.Trong tình thế hiện nay,
giải pháp được chọn là:
1/ Không bầu cho những người tái cử. Vì họ đã chứng minh một năng lực kém cõi của
nghị sĩ ở những khóa vừa qua.
2/
Không bầu cho những cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước, nhũng người
đã hai ba khóa liền chịu trách nhiệm chính trong tất cả mọi bê bối khiến đất nước
ngày càng tụt hậu,suy đồi và đã dẫn tới những thảm họa lớn lao, nặng nề.
Chính chỉ thị của BCT do TBT Nguyễn Phú Trọng ký ngày 4-1-2016 về bầu cử cũng
khẳng định: “Không giới thiệu những người
đứng đầu tổ chức và cơ quan gây ra tham nhũng và lãng phí”.
Ở nước ta chỉ có những cán bộ cao cấp của đảng ở trung
ương và địa phương mới là người đứng đầu tổ chức và cơ quan phải chịu trách nhiệm
chủ yếu tệ nạn được gọi là nội xâm – tham nhũng và lãng phi một cách không còn
là lú lẫn mà là thật sự điên rồ. Làm sao mà công nhân, nông dân, viên chức bình
thường có thể gây ra thảm họa tày đình như thế được. Thật ra nếu họ có chút đạo
đức, lương tri họ không nên ra ứng cử kỳ này. Bởi họ đang ra mắt cử tri, ra mắt
thôi, chứ không phải đi tranh cử, và họ đã lặp lại những hứa hẹn nhàm chán, mà
nhiều khóa trước họ chẳng hề thực hiện. Dân cũng bắt đầu nhận ra và đòi làm chứ
không phải nói. Muốn làm thì phải có tư duy mới, kiến thức mới, bản lĩnh mới,
và một nhân cách thật thà, trung thực và phải nêu ra được chương trình hành động
có thể kiểm tra. Điều mà họ chưa sẵn sàng. Thế thì tạm cho họ lui về, khi nào
có đủ điều tử tế thì sẽ bầu không muộn.
3/ Nếu có một Quốc hội với những nghị sĩ
đúng danh đúng nghĩa, sẽ có khả năng khắc phục những thảm họa môi trường. Không chỉ là môi trường sinh
thái, cả môi trường văn hóa, kinh tế, cả chính trị nữa, cả nguy cơ mất nước, đều
có cơ may hiện thực.
Cớ sao không giành
lấy quyền cử tri tối đa của mình gạt bỏ ngay những kẻ đã gây ra tham nhũng lãng
phí, khiến đất nước thường xuyên rơi vào thảm họa ngày một tụt hậu xa, chủ quyền
quốc gia đang bị xâm hại nghiêm trọng…Hay như ông Mác nói, chính chúng ta đã bị
biến thành “nô lệ, bù nhìn và con mồi của những tham vọng mới!”chăng? Nếu thế
thì thảm họa Formosa hiện nay là không đáng kể. Thảm họa cực kỳ to lớn và nguy
nan chính là nếu chính chúng ta đang trở thành bù nhìn.
Quốc hội mình ngộ
quá phải không em.
Chúng mình ngộ quá
phải không em.