Còn im lặng đến
bao giờ?
Mọi người ngồi tọa
kháng trước UBND TP Hà Nội.
Sự kiện cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh với nguyên nhân chưa rõ ràng đang là
một vấn đề rất nóng tại Việt Nam. Dân chúng, hoặc cảm thấy phẫn nộ về thái độ
xử lý vấn đề của chính quyền nhà nước, hoặc cảm thấy vấn đề môi trường tại đất
nước đang ở mức đáng báo động, đồng loạt tổ chức các cuộc biểu tình xuyên suốt
bắt đầu từ đầu tháng 5.
Theo dõi các luồng tin tức phân tích trái chiều khiến tôi thực sự bối rối,
bởi không rõ sự kiện này sẽ đi đến đâu và kết thúc bằng cách nào, với một thể
chế chính quyền non trẻ và yếu kém trong khi tiếng nói dân chúng hiện giờ cũng
chưa đủ mạnh mẽ.
Có hai cuộc biểu tình gây được tiếng vang lớn trong thời gian gần đây, một
là cuộc biểu tình từ nhân dân Thanh Hóa trong việc tranh chấp khu vực biển để
đánh bắt cá xưa nay đang bị tập đoàn FLC chiếm dụng để phục vụ mục đích phát
triển du lịch. Và hai là cuộc biểu tình, tạm gọi là cuộc biểu tình Formosa.
Trong 2 cuộc biểu tình này, ta thấy ngay được sự khác biệt trong cách ứng xử
của chính quyền. Trong khi báo chí được đăng tin thỏa sức về FLC và dân Thanh
Hóa, được khai thác mọi khía cạnh của vấn đề cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh sẵn
sàng mở cuộc họp báo dông dài để giải đáp mọi thắc mắc của dân, thì với cuộc
biểu tình Formosa, tất cả đều là sự im lặng.
Mặc dân đang la ó ngoài kia, mặc những cuộc xung đột gây bức xúc giữa người
biểu tình và bộ phận thi hành công vụ nhằm ngăn chặn đám đông bạo động, trên
các mặt báo, truyền hình, vẫn không hó hé một thông tin. Bộ Tài nguyên Môi
trường đã từng tổ chức một cuộc họp báo cho mời phóng viên các báo đến để công
bố nguyên do cá chết, sau một tiếng đồng hồ chờ đợi, bộ trưởng bước ra và đọc
thông báo với một nguyên nhân có vẻ chắc chắn nhất: do hiện tượng tảo nở hoa,
rồi ngay lập tức biến mất trong vòng 5 phút không hơn khiến cánh báo chí ngơ
ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra và cũng không rõ phải tính sao với nguồn thông
tin cụt ngủn đến thế.
Tất nhiên, bản thân tôi hiện giờ chưa có ý muốn gán tội cho tập đoàn
Formosa xả chất thải độc hại, vì rõ ràng trong tay chẳng có cơ sở nào để chứng
minh, cũng như thật thà mà nói, tôi mong Formosa không phải là kẻ phạm tội
chính trong vụ việc này khi mà những lợi ích của một nhà máy thép lớn có thể
khiến nhân dân miền Trung phần nào bớt nghèo khổ với số lượng công việc khổng
lồ. Nhưng chính thái độ im lặng của chính quyền khiến câu chuyện trở nên rối
bời và càng nghiêm trọng hơn. Vì không có thông tin chính thức, nhiều cơ quan
truyền thông tự tìm ra câu trả lời bằng cách “chế” bằng chứng, tự làm thí
nghiệm cho cá từ nơi khác bơi trong nước từ biển Vũng Áng, cá chết trong vòng 2
phút. Video này đã được chia sẻ rất nhiều trước khi bị lật tẩy vì tính không
xác thực.
Trong những luồng tin tức ngược xuôi, có cả một loạt hình ảnh các ngài lãnh
đạo tỉnh miền Trung xuống biển tắm và ăn cá, để chứng minh rằng biển và cá không
nhiễm độc. Những tưởng cử chỉ cao đẹp như vậy an ủi được dân chúng, nhưng
không, nó càng làm tăng thêm sự phẫn nộ. Thực chất, điều nhân dân muốn thấy
không phải là việc các ông đang tắm mát và ăn ngon, mà là sự minh bạch trong
đối thoại về vấn đề liên hệ. Nhưng đó hiển nhiên là một yêu cầu khó khăn. Bởi
vấn đề hiện tại không chỉ đơn giản loanh quanh câu chuyện của Vũng Áng và
kẻ-không-liên-quan-đến-Trung-cộng Formosa Đài Loan. Hiện tại toàn bộ vùng biển
nơi 4 tỉnh miền Trung gần như đã tê liệt hoàn toàn với lượng cá chết, và với sự
hoang mang về nguồn nước độc, ngư dân có thể sẽ tìm cách đánh bắt cá xa bờ dài
ngày để kiếm sống. Trong tình hình hàng ngàn tàu Trung cộng đang ngông nghênh
gây hấn đe dọa tàu cá Việt Nam muốn vượt ra ngoài 20 hải lý tính từ bờ, dân
mình sẽ sống ra sao? Biển mình sẽ ra sao?
Việt Nam đang rơi vào một giai đoạn phát triển hỗn loạn khi mà thời đại thông
tin mở cửa rộng rãi, đủ điều kiện để cập nhật các tin tức đa chiều. Tuy nhiên, với một dân trí chưa
có nền tảng vững bền còn nhiều lung lay, thái độ quan liêu trong cách giải
quyết mâu thuẫn của các cơ quan chức năng đã khiến các vấn đề luôn đi vào ngõ
cụt. Cuộc biểu tình chống Formosa
hiện nay có thể được coi là một trong những cú thúc mạnh mẽ đối với người dân Việt để
nhận ra được tầm quan trọng trong tiếng nói của bản thân mình nếu muốn thay đổi
đất nước cũng như để
chính quyền cộng sản thấy rằng im lặng không phải là vàng, mà sẽ sớm trở thành
mồ chôn dành cho những kẻ hèn nhát.
(bài đăng trên trang VOA Tiếng Việt)