24.05.2016

Tình hình biểu tình tại Việt Nam vào ngày chủ nhật 22/5

Tình hình biểu tình tại Việt Nam vào ngày chủ nhật 22/5
Tình hình khu vực phía Nam ngày Chủ Nhật 22/5
Anh Vũ (RFA)
Biểu tình vì môi trường trước cổng trường Hòa Bình, Sài Gòn vào ngày 8 tháng 5.
 RFA PHOTO
Tại khu vực miền nam; đặc biệt ở Sài Gòn (SG), trong ngày Chủ Nhật 22/5/2016 biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng vẫn rất nghiêm ngặt không để xảy ra hoạt động biểu tình hay phản đối nào.
Từ Sài Gòn bà Phạm Thanh Nghiên cho biết:
“Trên thực tế việc rời khỏi nhà đi biểu tình của một số người là bất khả kháng, vì công an Sài Gòn sẵn sàng dùng bạo lực đối với bất cứ ai, bất kỳ lúc nào. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi vẫn hy vọng hôm nay sẽ có những việc làm cụ thể. Tôi xin khẳng định, thông điệp của những người xuống đường ngày Chủ Nhật 22/5 hay những ngày tới là, yêu cầu nhà nước đưa ra các thông tin minh bạch và giải thích vì sao cá chết hàng loạt như thế?

Theo bà Phạm Thanh Nghiên cho biết, chính quyền Sài Gòn đã huy động một lực lượng rất lớn công an cùng các lực lượng khác để siết chặt an ninh, với mục đích bảo vệ an toàn cho ngày này. Bà trình bày:
“Không chỉ từ ngày hôm nay, mà từ 2-3 ngày trước, nhà của những người đấu tranh cho Nhân quyền, những người thường xuyên đi biểu tình đã bị canh gác và công an, mật vụ đã khủng bố. Theo thông tin từ trang Dân Làm Báo có công bố nội dung công văn của ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy SG gửi tới Sở Du lịch, yêu cầu ngày thứ 7 và Chủ nhật này không cho các chuyến tham quan của khách nước ngoài đến các điểm: Dinh Độc Lập; Nhà thờ Đức Bà; công viên 23/9; Chợ Bến Thành; Đường Nguyễn Huệ… Vì đây là các điểm thường xảy ra biểu tình.”
Theo anh A Lầu một thanh niên người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, hai ba tuần qua vào những ngày cuối tuần, công an thường giám sát nhà riêng những người hay xuống đường và mạng Facebook ở VN đã bị chặn từ chiều hôm 21/5 là nguyên nhân khiến cho các thông tin về cuộc xuống đường vì môi trường hầu như không xuất hiện. Anh nói:
“Trong lúc này trước cửa nhà tôi đang có khoảng 10 người mặc thường phục đứng đó, trong đó tôi thấy cả công an Phường. Theo tôi nghĩ đó là hành động của nhà cầm quyền không muốn cho tôi đi ra đường và khi đi ra đường thì họ cho người theo dõi để ngăn chặn quyền tự do đi lại của tôi. Với mục đích không cho mình xuống đường, tôi nghĩ như vậy.”
Được biết ngay sau đó anh A Lầu đã bị cơ quan an ninh mời đi làm việc ở đâu không rõ.
Trần Ngọc Anh một nhà hoạt động xã hội ở Vũng Tàu cho biết tình trạng của bà:
Lực lượng công an đánh người tham gia biểu tình vì môi trường ở Sài Gòn. RFA PHOTO

“Sáng nay tôi đi ra đường để đi trị bệnh thì có 5 tên công an bao vây tôi, khi mẹ con tôi chạy ngược lên thì có thêm 1 thằng nữa ra chặn, trong lúc 5 thằng kia đuổi theo. Họ đe dọa rằng sẽ giết cả nhà tôi. Bây giờ, ngay lúc này, chúng nó đang bao vây nhà tôi. Bọn công an này không phải là công an bình thường, mà là bọn An ninh PA88, có cả bọn quân đội nữa cũng đang có mặt tại địa phương tôi.
Nhà hoạt động xã hội Đinh Quang Tuyến cho biết, do hôm nay là ngày bầu cử và việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hà Nội nên an ninh được siết chặt ở mức cao nhất, hầu như những người đi biểu tình không thể nhúc nhích được. Qua quan sát cho thấy tại các công viên, quảng trường ở Sài Gòn chỉ có công an và các lực lượng sắc phục khác nhau, hầu như không có dân thường. Theo ông, người xuống đường tập trung ở các khu đông dân cư và vờn nhau chính là chủ trương của những người biểu tình ở Sài Gòn ngày hôm nay. Song điều kiện đã không cho phép họ làm việc đó. Ông tiếp lời:
“Tôi nghĩ hôm nay là canh bạc nặng nhất nên đảng CS sẽ phải dốc hết sức, vì họ biết rằng ngày hôm nay là hết sức căng thẳng đối với chế độ. Thái độ của dân chúng thì đan xen giữa sục sôi, hào hứng và sợ hãi. Trong lúc thái độ của phía chính quyền thì rất căng thẳng và hoảng sợ. Nếu họ không làm căng thì họ sẽ mất hết tức thì, việc họ sẽ thẳng tay đàn áp là việc dễ hiểu.”
Chuyến thăm VN của Tổng thống Hoa Kỳ Obama hôm nay cũng là tiêu điểm trong vấn đề thời sự. Bà Phạm Thanh Nghiên bày tỏ:
“Đối với người dân VN và những người tranh đấu thì là sự kiện hết sức mong chờ, riêng cá nhân tôi rất có cảm tình đối với nước Mỹ cũng như cá nhân Tổng thống Obama. Vì toàn thể nhân loại đều biết nước Mỹ là một quốc gia văn minh, giàu có và có nền dân chủ hàng đầu thế giới. Tuy vậy tôi coi rằng chuyến thăm này là quan hệ giữa chính phủ Mỹ và đảng CSVN. Vì thế tôi xin không bình luận về chuyến thăm của ông Obama trong lần này.”
Trước đây ít hôm, truyền thông đưa tin nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và nhạc sĩ Tuấn Khanh đã bày tỏ quan điểm cho rằng, ngày Chủ Nhật 22/5 nên gác lại chuyện biểu tình bảo vệ môi trường, thay vào đó là sự chuẩn bị cho việc đón chào Tổng thống Obama. Ông Đinh Quang Tuyến bình luận:
“Tôi hoàn toàn toàn tán thành với ý kiến của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và nhạc sĩ Tuấn Khanh, chúng ta nên tránh đối đầu với một đối thủ đang trong tình trạng hoảng loạn. Còn việc đón Tổng thống Obama thì chúng ta cũng không thể tổ chức hoành tráng như mình nghĩ được. Vì Nhà nước này họ không phân biệt được đâu là mít tinh ủng hộ hay biểu tình phản đối. Tôi nghĩ không nên để có mùi máu trong việc đón tiếp đó.”
Nhận xét về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, ông Đinh Quang Tuyến khẳng định:
Việc năm nay người dân VN công khai tẩy chay bầu cử mà nhà nước không dám gây áp lực, điều đó đã cho thấy sự thay đổi cực lớn. Đó là một sự thành công mà có thể để cho chúng ta hy vọng, đây là một cuộc bầu cử dàn xếp mang tính chất hề. Một khi sự tẩy chay và bất hợp tác nó đã lớn mạnh như vậy rồi thì tôi nghĩ rằng, bất luận kết quả bầu cử hôm nay như thế nào thì sự tồn tại của cái thể chế này cũng coi như xong rồi đó.”

Tường trình biểu tình ở các tỉnh miền Trung
Xuân Nguyên (RFA)
Người dân tại Yên Thành, tỉnh Nghệ An biểu tình.

Các tỉnh miền Trung hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình như thế nào?
An ninh bủa vây người hoạt động
Từ Nghệ An cựu tù nhân Thái Văn Dung cho rằng, tuy các tỉnh miền Trung là nơi trực tiếp hứng chịu vấn nạn ô nhiễm môi trường do công ty Formorsa xả chất độc ra biển, nhưng việc người dân hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình là rất khó xảy ra. Bởi vì, thứ nhất là cuộc biểu tình ngày hôm nay rơi vào ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp, thứ nhì là sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Việt Nam, cho nên số lượng người tham gia biểu tình sẽ rất ít.
Cựu tù nhân Thái Văn Dung kể cho chúng tôi nghe về việc anh bị an ninh huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An canh giữ, cản trở đi việc biểu tình, anh nói:
“Cách đây mấy hôm và cả hôm nay, công an canh giữ tôi rất đông và rất nhiều, những ai vào làng, vào nơi tôi sinh sống thì sẽ bị kiểm tra giấy tờ, và tất cả các xe Taxi vào địa điểm này cũng bị công an kiểm tra giấy tờ, và hỏi xem lý do vào làng là gì? Vào làng với mục đích gì? Và nếu trên xe có bất cứ cái gì như thùng quà… thì sẽ bị công an kiểm tra.”
Anh Nguyễn Văn Hải, một người hoạt động tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, nơi từng xảy ra cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, nói với chúng tôi:
Bây giờ ở ngoài cổng, công an đã chặn ở ngay đầu ngõ, lúc chiều còn có 3 công an tỉnh về đây, rồi sau đó có công an xã canh giữ xung quanh nhà.”
Từ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ông Lê Đình Lượng – một người hoạt động cũng xác nhận rằng, trong những ngày gần đây, an ninh túc trực 24/24 để canh giữ những người hoạt động tại đây. Ở đây có an ninh mặc sắc phục, thường phục, thậm chí còn có cả côn đồ xuất hiện để gây gỗ với những hoạt động.
Ông Lê Đình Lượng tiếp lời:
“Ngày hôm qua có một em đi từ nhà tôi ra đường, đi được khoảng 3km em ấy liền bị an ninh bắt giữ, sau vài giờ giam giữ và đánh đập, an ninh đã thả em ra.”
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo nói về tình trạng an ninh đối xử với những người hoạt động tại đây:
“Thường xuyên thì không, nhà tôi không có sự canh giữ thô bạo như ở Hà Nội, Sài Gòn, nhưng tại Nha Trang một số người như blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an canh giữ trước nhà, blogger Phạm Hải cũng thế, mốt số anh em khác cũng vậy, họ bị an ninh gọi điện thoại đến can ngăn, hăm he đủ thứ
An ninh tại Nghệ An canh giữ, cản trở người dân đi biểu tình. RFA PHOTO

Được biết, trong những ngày gần đây, một số người dân đã gạch chéo thẻ cử tri, nhàu hoặc xé nát thẻ cử tri để bày tỏ quan điểm tẩy chay cuộc bầu cử mang tính hình thức ‘đảng cử - Dân bầu’, những hình ảnh này xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook.
Nói về việc có đi bầu cử ĐBQH khóa 14 hay không, nhà báo Võ Văn Tạo kể lại:
Hôm qua, hôm kia an ninh có gọi điện hỏi tôi anh có đi bầu cử không? Tôi trả lời rằng không đi bầu, bởi chưa đi bầu đã biết kết quả thì đi bầu làm gì. Mặt khác, các văn bản quy phạm Pháp luật Việt Nam quy định việc bầu cử chỉ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ như người ta tuyên truyền bên ngoài, đã là quyền lợi thì thích là làm, không thích là bỏ.”
Tại Huế, tình trạng người dân bi an ninh canh giữ, cản trở người dân đi biểu tình cũng xảy ra. Theo tin chúng tôi nhận được, facebooker Tiêu Kim Thúy đã bị công an phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ - tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ vào lúc 23 giờ ngày 21/5/2016 vì người này đã đi in áo có logo Cá. Hiện nay không ai biết người này đang bị giam giữ ở đâu.
Biểu tình nhỏ tại Nghệ An
Đúng 5 giờ chiều, một cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ cuộc biểu tình nhỏ này, ông Lê Đình Lượng cho chúng tôi biết:
“Hiện tại ở đây có khoảng hai đến 30 chục người, có vài người là an ninh của huyện Yên Thành, họ đang khuyên người dân đừng đi biểu tình, an ninh mặc sắc phục và thường phục đứng ở đây rất nhiều, họ cứ lượn đi lượn lại xung quanh khu vực biểu tình. Và người dân ở đây bắt đầu tham gia hưởng ứng cuộc biểu tình.”
Ông Lê Đình Lượng nói với chúng tôi về việc người dân tại nơi ông sống hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình.
“Người dân ở đây họ ngộ (thức tỉnh) ra vấn đề về thực trạng của xã hội, cho nên lượng người đi bầu cử rất ít, và lực lượng an ninh đã phải đi vận động các gia đình ở đây đi bầu cử, thế nhưng tại các điểm bầu cử cũng rất vắng, sáng nay khoảng 9 – 10 giờ, tôi có đi chụp hình thì thấy như vậy.
Về vấn đề môi trường, mọi người cũng đã hiểu về việc nhà máy Formosa thải chất độc hại ra môi trường biển khiến biển bị ô nhiễm nặng nề nên cá chết rất nhiều, và điều này ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trên diện rộng. Và do người dân thấy được tầm ảnh hưởng đó nên họ đã xuống đường ôn hòa 3 – 4 lần để phản đối thái độ thờ ơ của chính quyền về vụ việc này.”
Cuối cùng ông nói thêm, hiện nay lực lượng an ninh được điều động đến đông hơn trước, và theo kế hoạch thì khoảng 6 giờ chiều người dân sẽ ngưng biểu tình.
Cựu tù nhân Thái Văn Dung khẳng định rằng, muốn thay đổi đất nước thì phải dựa vào nội lực, dựa vào những người đấu tranh và dựa vào người dân. Tuy nhiên cựu tù nhân Thái Văn Dung vẫn mong muốn tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Quốc tế làm điều gì đó, dù nhỏ nhoi để thúc đẩy tiến trình dân chủ tại Việt Nam.