17.06.2016

Ngân Hàng Thế Giới (World Bank): Chế độ hộ khẩu 'tạo bất bình đẳng'

Ngân Hàng Thế Giới (World Bank): Chế độ hộ khẩu 'tạo bất bình đẳng'

Sổ hộ khẩu tại Việt Nam

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng hệ thống quản lý hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng về cơ hội ở Việt Nam.
Nghiên cứu được công bố 16/06/2016 nói "hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cơ hội cho người dân Việt Nam", theo lời ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

"Cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam."
Khuyến nghị của ông Fock được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam làm khảo sát về dịch vụ công và chế độ hộ khẩu đã có trên cả nước Việt Nam "từ 50 năm qua".

Trang web của Ngân hàng Thế giới nói "có ít nhất 5,6 triệu người tại địa bàn khảo sát hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (và chỉ đăng ký tạm trú), trong đó có 36% dân cư ở Sài Gòn và 18% ở Hà Nội."
"Đa số làm việc ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo, và chiếm tới ba phần tư tổng số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài ở các tỉnh thành khảo sát như sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông."
"Khả năng tiếp cận của họ tới các dịch vụ như trường học công, mua bảo hiểm y tế và thậm chí cả việc đăng ký xe máy đều bị hạn chế."
Ngân hàng Thế giới nói chính quyền Việt Nam "  cần có các cải cách để thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ xã hội của người di cư".
Vấn đề lịch sử

Theo giới nghiên cứu, ở vùng Đông Á, hộ khẩu có nguồn gốc từ thời cổ đại Trung Hoa và được áp dụng ở các nước theo Khổng giáo.
Năm 2008, Hàn Quốc xóa bỏ chế độ này.
Cùng thời gian, tại Trung cộng có nhiều bài báo gọi hộ khẩu là "hình thức phân biệt" xếp hạng người như Ấn Độ cổ đại.
Trang The Guardian của Anh hồi tháng 7/2014 trích lời một chuyên gia từ Đại học Toronto, bà Lynette Ong, bình luận rằng trên thực tế, "hộ khẩu ở Trung cộng chính là chủ nghĩa apartheid".
Năm 2013, Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi cải cách hộ khẩu và sau đó chính quyền Trung Quốc cho địa phương hóa cách quản lý nhân khẩu này nhưng vẫn không xóa bỏ.
Tại Liên Xô cũ có chế độ kiểm soát nhân khẩu (propiska) tương tự dù không có cùng nguồn gốc với hộ khẩu.


Tin BBC và RFA