„…các chính quyền đối
diện với các trường hợp tuyệt thực, sẽ không sớm có các hành động nhượng bộ
nhằm thách thức sức mạnh tinh thần và chịu đựng của các nhà tranh đấu. Nhưng
càng kéo dài, chính quyền càng nhận được số lượng dân chúng căm ghét dành cho
họ ngày càng lớn hơn.“
Tuyệt thực có ý nghĩa gì trong thế giới hiện đại?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
Nhà thơ Phan Đắc Lữ và Nhà báo Kha Lương Ngãi đồng
hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức. Citizen photo
“Mẹ ơi, tuyệt thực có ý nghĩa gì?” –
Mến tặng chị Nguyễn Thị Bích Nga và con gái bài viết
này, bởi cuộc đối thoại đáng yêu của một người mẹ dạy cho con biết tranh đấu,
công lý, tự do và nhân quyền là gì.
“Nằm
vạ” một cách cao quý
Có bao giờ bạn tự hỏi, người ta biểu thị sự phản kháng
bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực?
Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất
lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa.
Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa
nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý mà suốt cuộc đời mà bạn phải gánh.
Trong đời sống hiện đại, Mahatma M. Gandhi
(1869-1948), người tiên phong của phong trào sự bất tuân dân sự, đã phát động
nhiều cuộc tuyệt thực và ăn chay để phản đối sự cai trị hà khắc của người Anh
tại Ấn Độ. Con đường bất bạo động của ông tạo ra một giá trị khác của việc biểu
tình: Những
người tuyên bố tuyệt thực hay tham gia tuyệt thực không mang ý nghĩa của “chống
lại”, mà họ hành động dựa trên sức mạnh tinh thần để đòi hỏi việc đạt được một
giá trị phổ quát mang tính đại chúng.
Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự
thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như “nằm
vạ”, nhưng thực chất các cuộc “nằm vạ” đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của
người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công
bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của „Hunger:
An Unnatural History“ (tạm dịch Nhịn đói: Một lịch sử bất thường) dẫn ra với
những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và
nhân ái của con người.
Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào
sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942).
Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu
bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại
giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố “ Ăn, là một quyền tự quyết của tôi”. Bà đã được trả tự do khỏi nhà
tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực.
Nhưng cũng có chính quyền bất chấp cái chết của công
dân mình. Chẳng hạn như trường hợp Bobby Sands (1954-1981), người đấu tranh cho
việc cải thiện chế độ lao tù ở Bắc Ireland vào năm 1981. Đó là vết nhơ khó tả
của chính quyền bấy giờ và bị ghi vào sử sách nhân loại như một hệ thống khủng
bố con người. Trong
mắt thế giới, loại chính quyền để cho công dân của mình tuyệt thực đến chết vì
quan điểm khác biệt, là loại vô liêm sỉ.
Việc
phản kháng bất bạo động là hình thức phổ biến và được rất nhiều người thực
hiện, bao gồm những người không phải là chính trị gia. Mia
Farrow – nữ diễn viên điện ảnh cũng đã áp dụng cách tuyệt thực để phản đối cuộc
xung đột ở Darfur trong năm 2009. Chính quyền Khartoum (Sudan) đã dùng quân đội
và công an để trấn áp và khuất phục dân chúng tại Darfur rằng chỉ có họ mới có
quyền duy nhất lãnh đạo đất nước.
“Tuyệt thực trở
thành một hình thái văn hóa được tổ chức để kiếm tìm công lý trong thế kỷ 20”
(“It has become an established cultural form of seeking justice in the 20th
Century), nữ giáo sư Sharman Apt Russell
đã khẳng định như vậy, trong sách của mình.
Tuy nhiên bà Russell cũng cảnh báo rằng, sức mạnh của vấn đề tranh đấu bằng tuyệt thực là được
sự quan tâm liên tục của công chúng. Sức mạnh của việc
tuyệt thực sẽ yếu dần nếu công chúng bị chính quyền tổ chức đánh lãng qua các
sự kiện khác như giải trí, các vụ bê bối dàn dựng… Công lý và tính mạng của
người tranh đấu phụ thuộc và sức quan tâm và chia sẻ lan rộng của cộng đồng.
Thế kỷ 21, cộng đồng mạng là một sức mạnh vô lượng trong việc hậu thuẫn và giải
cứu những người chọn đấu tranh bằng tuyệt thực.
Đại
diện cho sự tuyệt vọng và bất tín của nhân dân
Tuyệt thực không phải là hình thức hay nhất trong các
loại tranh đấu, tuy nhiên vì hiệu quả của nó, nên tuyệt thực đã được sử dụng
bởi cả hai phong trào bạo động và bất bạo động. Ý nghĩa phát đi khắp nơi cho thấy
một hình ảnh quan trọng rằng ước muốn ôn hòa và chính nghĩa của người tranh
đấu, đại diện cho sự tuyệt vọng và bất tín của nhân dân đối với nhà cầm quyền.
Gia đình cùng đồng hành tuyệt thực.
Nhà nghiên cứu xã hội học Michael Biggs từ đại học
Oxford ghi nhận rằng thường thì các chính quyền đối diện với các trường hợp
tuyệt thực, sẽ không sớm có các hành động nhượng bộ nhằm thách thức sức mạnh
tinh thần và chịu đựng của các nhà tranh đấu. Nhưng càng kéo dài, chính quyền
càng nhận được số lượng dân chúng căm ghét dành cho họ ngày càng lớn hơn. “Tính bất tuân dân sự và bất hợp tác của
người dân dành cho chính quyền ngày càng lớn, đó là khởi đầu cho những hỗn loạn
và sụp đổ của một chế độ coi thường mạng sống và tiếng nói của người dân”, Michael Biggs viết.
Trở lại với trường hợp đau lòng của nghị sĩ Bobby Sands,
khi ông mất vì suy kiệt từ cuộc tuyệt thực cho việc đòi cải thiện chế độ lao
tù, đám tang của ông tại Belfast đã có đến 100.000 tham dự, mở đầu cho tiền đề
của một cuộc đổi thay. Trong thời hiện đại, việc đưa đám tang của một người
tuyệt thực đến chết vì công lý và cộng đồng, hoặc chỉ tưởng niệm tại nhà, đó là
những cam kết dứt khoát về việc không còn chấp nhận chế độ đương nhiệm.
Hầu
hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như
một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có
nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận
cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tự cách cầm quyền của mình,
trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân.
Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Vì
bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực.
Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù
nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như
các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên.
Thế kỷ 21, đám đông dân chúng có thể gửi thỉnh nguyện
thư cho tòa án quốc tế để xét xử quan chức/chính quyền chịu trách nhiệm về thảm
trạng. Trường hợp của Giang Trạch Dân bị tòa án Tây Ban Nha truy nã về việc
thảm sát con người (2013) do đơn tố cáo từ một người Tây tạng tên là Thubten
Wangchen, là một ví dụ. Theo cáo quyết, tất cả những quốc gia liên đới ngoại
giao và chính sách nhân quyền với Tây Ban Nha đều có nghĩa vụ truy nã và bắt
giữ Giang Trạch Dân, bất chấp việc ông ta nguyên là Chủ tịch Trung Quốc.
---
Phụ lục ---
Một người tuyệt thực có thể kéo dài mạng sống đến bao
lâu?
Nếu được uống nước, một người tuyệt thực dẻo dai có
thể sống đến 60 ngày, tuy nhiên, với thể trang yếu và mang bệnh, bất kỳ ai cũng
có thể chết trong vòng 8 đến 10 ngày. Một trong lý do có thể giúp kéo dài sức
chịu đựng, khi glucose – lượng đường trong cơ thể cạn kiệt – thường là từ 3-5
ngày. Cơ thể sẽ chuyển qua việc dùng chất béo có sẵn trong cơ thể để làm năng
lượng sinh tồn. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc chất béo xuất hiện trong máu
vượt mức, sẽ trở thành nguy hiểm. Tim, gan và thận sẽ là những bộ phận bị tổn
thương nhanh trong giai đoạn này.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, những người tuyệt thực
nên uống nhiều nước, uống vitamin, đường và muối… sẽ có thể kéo dài mạng sống
của mình thêm đôi chút. Trong trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức ở trại
giam Nghệ An hiện nay, được biết ông chỉ uống nước và từ chối mọi thành phần bổ
sung.