„…chúng ta cần sống như những người yêu nước thức tỉnh trước thời
cuộc. Và xin hãy nhận rõ đâu là kẻ thù và đâu là những kẻ dựa dẫm kẻ thù, hãm hại
quê hương mình.“
Lắng nghe con tim mình thức tỉnh
Tuấn Khanh
Người
dân VN biểu tình chống Trung cộng năm 2011, sau sự kiện TC cắt cáp tàu Bình
Minh 02. Ảnh: internet
Thư cho người bạn trẻ,
Có thể bạn sẽ thất vọng sau khi đọc những gì tôi sẽ
viết dưới đây, nhưng nếu trong phút giây nào đó, tôi may mắn được bạn nhận ra
những điều tôi gửi gắm vào, hy vọng, bạn và tôi sẽ còn có thể chia sẻ với nhau
trên suốt con đường dài dầy những biến cố của đất nước mình.
Trước việc các ngôi sao giải trí của Trung cộng rầm
rộ giương cao biểu ngữ đường chín đoạn trên biển Đông để bác bỏ phán quyết của
tòa trọng tài La Haye, Hà Lan về vụ kiện của Phi Luật Tân với Trung cộng, bạn
đã hỏi rằng người Việt cần phải làm một cái gì đó mạnh hơn nữa để đáp trả. Vài
ngày trước, nhiều ngôi sao giải trí Việt Nam cũng đã làm hành động đáp trả bằng
cách giơ cao biểu ngữ Việt Nam có chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm
chí, rất nhiều người không cần là nghệ sĩ cũng có những hoạt động như vậy.
Làm gì? Chúng ta sẽ làm thêm những gì, để
gọi là yêu nước?
Kết quả của tòa trọng tài quốc tế, phủ quyết sự điên
cuồng của Bắc Kinh đòi sở hữu 80% biển Đông, là một cơ hội thú vị cho người Việt
được giương cao suy nghĩ của mình, được biểu lộ công khai lòng yêu nước. Tôi chỉ
muốn nhắc cho bạn nhớ, rằng nhiều năm trước đây, rất nhiều người giương biểu ngữ
Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam đã luôn bị đánh đập, đã bị gọi là “phản động”.
Có những con người vô danh đã mỗi ngày lặng lẽ viết lên tường, bỏ lại một mảnh
giấy trên đường như mật mã để nhận ra nhau, với những dòng chữ yêu nước như vậy.
Nhạc sĩ Việt Khang chỉ với câu hỏi “Việt Nam còn hay đã
mất, mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta” đã nhận 4 năm tù
giam. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cũng
nhận 6 năm tù với “Hoàng Sa nay đâu – sao biển máu dâng trào, Trường Sa nay đâu
– nhuộm thắm giọt máu đào”. Tất cả những lời yêu nước xé lòng ấy, có
quá xa lạ và bất thường với hiện thực hôm nay không?
Tôi nhớ vô cùng những ngày tháng mà tôi và các người
bạn chuyền tay nhau những chiếc áo có in gạch chéo trên đường chín đoạn của Trung
cộng, phản đối âm mưu xâm lược của Bắc Kinh. Những chiếc áo phải đưa thầm cho
nhau dưới gầm bàn. Có những người rơi vào khó khăn vì giữ những khẩu hiệu như vậy.
Có những người đang mặc áo, cũng bị xé rách. Bạn hãy tự đặt câu hỏi cho mình,
những người ấy hôm nay ở đâu, trong phong trào yêu nước hợp pháp lúc này?
Hãy cùng tôi nhận ra rằng, lòng
yêu nước có cơ hội của riêng mình để bùng phát, nhưng sự tồn tại của lòng yêu
nước không phải là hoạt động vô giác chỉ khởi động theo điều kiện. Có thể
lòng yêu nước được biểu hiện rầm rộ, nhưng cũng có lúc lòng yêu nước rất cô
đơn. Lòng yêu nước, đơn giản bắt đầu từ sự nhìn ngó chung quanh mình mỗi ngày.
Nếu bạn biết cau mày trước những điều vô pháp, biết tức giận trước các vấn nạn
của xã hội chung quanh mình và không ngại bày tỏ về lẽ phải và sự thật, thì
lòng yêu nước đã rọi những tia sáng đầu tiên lấp lánh trong trái tim bạn. Clarence Darrow (1857-1938), luật sư và
nhà cải cách lỗi lạc của Hoa Kỳ có nói rằng “Tinh thần yêu nước thật sự được bắt đầu từ việc
căm ghét sự bất công ngay trên mảnh đất quê hương của mình, hơn bất cứ nơi nào
khác”.
Vậy, hãy bắt đầu sống như một người yêu nước ngay
khi bạn nhận thức được về hơi thở của mình, con đường đi dưới chân mình. Khi bạn
vượt lên cao, nhìn thấy được những điều chung quanh mình và khao khát lên tiếng,
đó là sự thức tỉnh lớn lao mà chỉ có duy lòng yêu nước cao quý mới có thể thúc
đẩy bạn – vào bất kỳ thời điểm nào, và đôi khi, tự thân chứ không màng đến một
người đồng hành.
Bạn hỏi tôi vì sao không cùng đưa hình phản đối đường
chín đoạn của Bắc Kinh như nhiều người khác. Hãy hứa với tôi nhé, nếu hôm nay
chúng ta không giương biểu ngữ để mừng cùng Phi Luật Tân về kết quả tòa án La
Haye, Hà Lan, thì chúng ta nhớ phải luôn luôn nuôi trong tim mình một ngọn lửa
yêu nước không đợi bất kỳ một điều kiện nào, và cũng cần không cần sự cho phép
của bất cứ ai. Đừng nghĩ Việt Nam chỉ có kẻ thù là Bắc
Kinh với nụ cười nham hiểm trên môi họ, mà kẻ thù của chúng ta, đôi khi nằm
ngay trên đất nước mình với những thỏa hiệp, hám danh lợi, phản bội và sẵn sàng
bán rẻ tổ quốc với những lời ngụy biện ngu xuẩn.
Tôi biết bạn rất vui vì hiện có nhiều ngôi sao Việt
đang cùng bộc lộ lòng yêu nước qua biểu ngữ. Tôi cũng như bạn, đã vui như trẻ dại
khi đọc được những dòng tâm huyết của nghệ sĩ Thành lộc, nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng…
Họ đúng là những người ấp ủ trong tim lòng yêu nước và chỉ luôn muốn cất cao giọng
nói. Nhưng trong việc hưởng ứng luôn dễ bị đẩy thành phong trào, cũng có những
kẻ muốn đóng vai yêu nước để được bằng vai phải lứa với các ngôi sao Trung cộng,
họ chọn đối chọi chỉ vì muốn mình cũng được nhìn nhận và cảm thấy khoái trá vì
được nâng tầm như là một ngôi sao.
Bạn và tôi, chúng ta cần sống
như những người yêu nước thức tỉnh trước thời cuộc. Và xin hãy nhận rõ đâu là kẻ
thù và đâu là những kẻ dựa dẫm kẻ thù, hãm hại quê hương mình. Kẻ thù có
thể mặc quân phục nhưng cũng có thể mặc những bộ veste sang trọng đắt tiền. Thậm
chí, kẻ thù cũng có thể là những kẻ cùng tiếng nói, màu da và luôn lên giọng ái
quốc. Ngọn lửa thức tỉnh về lòng yêu nước trong tim bạn chính là điều cao quý
nhất – sẽ giúp bạn nhận ra mọi thứ – mà không cần phải khoác lên mình bất kỳ
chiếc áo lộng lẫy nào của danh hiệu nhà ái quốc được phong tặng. Nhà ái quốc được
tung hô, đôi khi chính là người có thể hò la to nhất mà không biết mình đang hò
la vì cái gì – nhà văn Mark Twain (1835-1910) đã từng viết như vậy.
Và vì sao chúng ta phải yêu
nước trong thức tỉnh? Nếu không thức tỉnh trước những lời ngụy trá, những hứa hẹn
mật ngọt… chúng ta sẽ trở thành những kẻ ái quốc u mê: những kẻ ái quốc
vui vì được đập cánh, rộ lên theo mùa của lễ hội.
Có rất nhiều bài học về lòng yêu nước trên thế giới
này. Tôi không thể kể hết cho bạn. Nhưng yêu nước, bản chất của nó là khi bạn
nhận ra mình mang danh dự, trách nhiệm với tổ quốc mình chứ không vì một ai,
hay vì một đảng phái nào. Tôi thích ông già nhà văn Mark Twain lắm, vì ông rất tàn nhẫn trong ngôn ngữ, nhưng ít có gì
có thể diễn đạt hay như ông. Chẳng hạn với câu nói nổi tiếng của ông “Hãy luôn trung
thành với Tổ quốc. Và chỉ trung thành với chính quyền, một khi nó xứng đáng với
điều đó”.
Bạn hỏi tôi phải nên hành động như thế nào. Tôi khó
có thể trả lời toàn ý cho bạn về điều này. Tôi cũng không muốn khuyên bạn xuống
đường biểu tình, vì bạn có thể là một người bồng bột. Nhưng nếu bạn bắt gặp một
ai đó trên đường phố đang giương khẩu hiệu chống Bắc Kinh xâm lược, hay phản đối
sự tồn tại phi nhân và phi lý của Formosa chẳng hạn, hãy chào và dành cho người
yêu nước ấy một nụ cười. Đó là một nụ cười thật sự ấm áp để bạn, tôi, và người ấy
cùng hiểu với nhau trong niềm hy vọng, rằng, dân tộc chúng ta, quê hương chúng
ta đang thức tỉnh.