“Biển bạc” mới đây đã nhuộm đen chất chì, pha lẫn máu của ngư dân!
Ngư Dân Và Biển Cả
Huy Phương
“Ông
già và biển cả” (The Old Man and the Sea) là một tiểu thuyết ngắn của nhà văn
Ernest Hemingway, người đã đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm này năm 1953, cũng
như sau đó, nhận thêm giải Nobel Văn Học năm 1954.
Chuyện kể một ngư phủ người Cuba, đã cố gắng trong
ba ngày đêm vật lộn với một con cá kiếm khổng lồ ngoài khơi và cuối cùng câu được
nó. Ông buộc con cá vào mạn thuyền và cố gắng đem về đất liền, nhưng đàn cá mập
đã đánh hơi, đuổi theo và rỉa thịt con cá, khiến ông phải lại đem hết sức để chống
lại lũ cá mập khát máu. Cuối cùng khi về đến bến, con cá lớn ông đánh bắt được
chỉ còn trơ lại một bộ xương.
Những nhà phê bình văn học đã cho rằng tác phẩm miêu
tả cuộc vật lộn gay gắt của con người với thiên nhiên, cũng như cái quyết liệt,
tàn bạo của đời sống và khả năng chống chọi của con người.
Ở đây chúng tôi không nhắc đến triết lý cuộc sống
trong tác phẩm này, nhưng nhân những ngày cá chết, biển nhiễm độc ở quê nhà,
tôi không thể nào rời khỏi cái ý nghĩ về cuộc sống người ngư dân, đặc biệt là
người ngư dân khốn khổ của đất nước Việt Nam.
Thuở nhỏ thời chúng ta không ai là không thuộc bài
thơ “Quê hương” của Tế Hanh mô tả những ngư dân trong một ngày ra khơi, đẹp đẽ
và hùng tráng biết bao nhiêu:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...”
Hay qua nhạc phẩm “Tiếng dân chài” của Phạm Đình
Chương:
“Đêm nay thuyền ngược trường giang.
Cho mai sớm được vui khoang cá đầy.”
Đời sống của người ngư dân suốt đời sống nhờ biển thật
ra không hề có vui tươi, hạnh phúc và bình an như những điều đẹp đẽ trong thơ
và nhạc, mà là cả trăm nghìn đắng cay, vất vả hiểm nghèo. Biển đã nuôi họ lớn
lên, da sạm nắng gió của biển khơi, nhưng có miếng ăn nhờ kho tàng của biển,
ngư dân đã phải vất vả trăm chiều, trải qua những giờ phút gian nguy.
Những gia đình ngư dân thường sống ở một vùng biển quen thuộc, cha truyền con nối, đời này qua đời nọ. Khi những đứa trẻ lớn lên, dù mới là một thiếu niên, đã theo cha ra biển, kinh nghiệm về sóng gió dày dạn đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và gần như theo một nguyên tắc bất di, bất dịch, không bao giờ bỏ nghề, bỏ biển.
Ngư dân không phải như nông dân có ruộng vườn canh
tác hay như công nhân trong nhà máy có đồng lương và bảo hiểm sức khỏe. Nghề
đánh cá sống nhờ biển, biển bao la đã cưu mang họ, sóng biển và gió đã đưa thuyền
ra khơi, nhưng cũng đã từng nổi cơn phẫn nộ, nhận chìm con thuyền xuống biển.
Sinh mệnh những ngư dân đôi lúc như sợi chỉ treo mành, trước thiên nhiên, biển
cả bao la, giữa trời đất, con người chỉ là hạt bụi
Nghề biển không có một năm mười hai tháng như những
ngành nghề khác. Một năm với ngư dân chỉ có sáu tháng, sáu tháng với luồng nước
bất thường, với đường đi của đàn cá, nên cũng có thể ngày có, ngày không. Kho
tàng thiên nhiên không phải là vô tận.
Sáu tháng còn lại là mưa bão và những lúc trái gió,
trở trời, thuyền không thể ra khơi. Ngư dân những ngày không có cá như người
làm ruộng mất mùa không có chén cơm.
Có lần nào bạn ghé thăm một xóm chài chưa. Nơi đó có
thể có những căn nhà lợp ngói khang trang, nhưng cũng không thiếu những túp lều
dột nát, tơi tả, những đứa trẻ đen đúa, mình trần đang chơi đùa trên bãi cát.
Và những con thuyền vẫn là thuyền gỗ như cả trăm năm về trước, những cánh buồm
vá víu, khoang thuyền sơn quét đơn sơ, và nghề biển tạo ra những con người
không bao giờ ăn mặc được tươm tất.
Ngư dân miền Nam từ Thuận An đến đảo Phú Quốc, từ 40
năm qua có một đời sống tương đối khá giả hơn, vì từ ngày nếm mùi Cộng Sản, gia
đình nào cũng có người vượt biển ra đi và thành công ở nước ngoài. Nhiều gia
đình đã bỏ nghề cá từ mấy đời này, để tìm một cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Những buổi cá về, những phụ nữ xóm chài khá vất vả,
lúc nào cũng vội vàng, tất bật, tôm cá không giữ được lâu, phải có mối lái thu
mua liền tay. Lúc chồng và con ra khơi là lúc người vợ, người mẹ đặt nỗi lo lắng
theo con sóng. Những ngày bão dữ, số phận chồng con sốt ruột theo từng giờ. Có
những ngư dân ra đi không có buổi trở về. Biển là ân nhân nhưng biển cũng là
huyệt mộ. Biển nuôi người, nhưng biển cũng nuốt người. Những nén nhang hiu hắt
theo gió trên bờ biển của những quả phụ thê thảm biết chừng nào.
Ngày xưa, ngư dân chỉ lo sợ thiên nhiên, lo sợ cơn
cuồng nộ của trời đất với phong ba bão táp, ngày nay dưới chế độ này, ngoài trời
đất, người đi biển còn lo sợ đến những con người hung hãn, xem vùng biển của tổ
quốc chúng ta như ao nhà của chúng. Phải chăng vì những kẻ mà ông bà đã đào hầm
nuôi chúng, bớt từng miếng cơm, manh áo cho chúng, hy sinh xương máu cho chúng,
bây giờ đã quá yếu hèn, nhu nhược.
Những khuôn mặt phè phỡn, bụng phệ vì rượu thịt, xuống
nước trình diễn màn tắm biển, liệu có giúp ích gì cho cuộc sống của ngư dân?
Đối với ngư dân cá là tiền mua lưới, là xăng nhớt,
là hạt gạo, ngọn rau, là đời sống, là huyết máu.
Vậy mà bây giờ biển thấm độc, tôm cá chết.
“Chim bay dọc biển mang tin cá!” nhưng giờ này cá chết,
chim trời cũng chết theo!
Ngư dân không muốn ngửa chiếc nón rách ra để nhận hạt
gạo cứu trợ của chính quyền. Họ cần biển sạch, cá tôm tươi và biển của tổ tiên
ngày trước phải là biển của đất nước, của ngư dân!
“Rừng vàng” ngày nay đã vàng váng bùn bô xít,
“Biển bạc” mới đây đã nhuộm đen chất chì, pha lẫn
máu của ngư dân!
Huy Phương