“…các cuộc biểu tình chống Trung cộng đã hỗ
trợ rất nhiều cho Nhà nước trên mặt trận ngoại giao….
Đóng góp cho đất nước không kể người dân
bình thường hay người có chức quyền.”
Nguyễn Thị Kim Ngân: “…Đã làm gì cho đất nước…”
Tôi coi đây là cuộc nói chuyện giữa cá nhân với
nhau. Xét về mặt công
dân thì tôi và cô như nhau. Về địa vị thì cô là chủ tịch quốc hội còn tôi là một
cựu chiến binh, nhưng chức vụ hay tài sản không làm nên giá trị con người. Xét
về độ trải đời thì cô chỉ kém tôi 2 tuổi. Nói thế để nhắc rằng cô cũng đã già,
đi xe bus thì được nhường chỗ, đi xe lửa thì được giảm vé.
Tuổi tác không
nói lên sự khôn ngoan của con người nhưng qua theo dõi lời nói, việc làm của
cô, tôi chắc rằng, cô còn ấu trĩ, dại dột, cho dù cô ngầm có mục đích sâu xa đi
chăng nữa thì vẫn cứ dại dột. Điều chắc chắn hơn là cô không thể yêu nước,
thương dân hơn tôi. Chỉ riêng chuyện cô phấn đấu lên đến Chủ tịch Quốc hội dưới
chế độ cộng sản đã nói lên điều đó.
Sau khi cô nhậm
chức Chủ tịch quốc hội được 1 ngày, trong buổi gặp mặt báo chí ngày 23/7/2016,
cô nói:
“Bảo vệ hòa bình
không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền,
không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những
người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…”
Tôi giật mình
khi cô phát ngôn như vậy. Không phải tôi lạ vì câu đó mà lạ vì người nói ra câu
đó lại là cô.
Cô phát ngôn
trong bối cảnh đang nói về chủ quyền, biển đảo của đất nước. Bảo vệ chủ quyền của
đất nước không của riêng ai mà là của mỗi người dân. Khi
chủ quyền của đất nước bị đe dọa, người dân thường dù không có quyền chức trong
tay đều phải thể hiện tình yêu đối với Tổ Quốc dưới mọi hình thức, mà hình thức
đầu tiên nghĩ đến là biểu tình phản đối quân xâm lược. Ngoài ra, còn nhiều
hình thức hoạt động khác. Công dân nào có điều kiện, khả năng mà không làm điều
đó là vô trách nhiệm với đất nước. Trước đây, Đảng csVN đã chẳng từng phê phán
những hạng người như thế là “đắp chăn chờ độc lập” đó sao?
Ấy thế mà nhà cầm
quyền lại đàn áp người biểu tình chống giặc, đánh đập họ, bắt đi cải tạo, bắt
tù, gán cho họ cái nhãn phản động. Nếu là phản động thì họ chỉ phản động đối với
kẻ xâm lược và bọn bán nước, chứ đối với Tổ quốc thì không.
Bằng việc đàn áp
biểu tình yêu nước, nhà cầm quyền đã tước đi của người dân quyền con người đã
được ghi vào Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Và khốn nạn
hơn là tước đi của họ quyền yêu nước.
Có một bài mà
nhà cầm quyền rất hay sử dụng, đó là “đã có Đảng và Nhà nước
lo”.
Những
người yêu nước chân chính và tỉnh táo không bao giờ yên tâm để cho Đảng và Nhà
nước lo. Họ đã để cho Đảng và Nhà nước lo nhiều rồi, từ năm 1930, từ 1945 cơ và
họ không dám tin Đảng và Nhà nước nữa. Bằng chứng là lãnh thổ Việt Nam đã co lại so với thời kỳ năm 1954. Co lại
ở đâu ư? Hãy nhìn lên thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, nói chung toàn bộ biên giới
Việt Trung, hãy nhìn ra Hoàng Sa, Trường Sa thì biết.
Trước kẻ thù xâm
lược, dù chỉ có tay không, nhưng còn trái tim, khối óc, người yêu nước không thể
ngồi im. Kẻ thù rất sợ tình cảm yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của người dân ở đất
nước chúng lăm le xâm chiếm. Viêc làm của họ không thể gọi là kích động như cô
nói. Vậy trước đây, trong cuộc chiến tranh với Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, ai là kẻ
kích động hàng vạn người dân xuống đường? Và hồi đó, nếu xuống đường không có
tác dụng gì sao họ lại phải làm thế?
Đành rằng biểu
tình không quyết định việc giữ được chủ quyền, nhưng việc làm này góp phần giữ
chủ quyền. Cô nên nhớ, các cuộc biểu tình chống Trung
cộng đã hỗ trợ rất nhiều cho Nhà nước trên mặt trận ngoại giao. Còn nếu
chỉ im lặng, nhịn nhục, xin xỏ, đặc biệt là mơ hồ trước lời mật ngọt mà không
nhìn thấy mũi dao sau lưng thì không những không giữ được chủ quyền mà còn làm
cho giặc lấn tới, mất nước lúc nào không hạy. Trên thực tế thì VN đang mất dần
chủ quyền vào tay Trung Cộng, điều này ai cũng thấy.
Cô đặt câu hỏi: “…những người đó, tổ
chức đó làm gì cho đất nước?…” rồi khẳng định: “Chưa làm gì cả”.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết:
Đến ông Hồ Chí Minh cũng chưa dám hỏi nhân dân câu hỏi
kiêu ngạo, trịch thượng này như bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:
Chưa ai như bà Kim Ngân…
Huyênh hoang dám hỏi nhân
dân câu này
Bà làm được gì xưa nay
Leo lên bằng cái vốn vay
ngân hàng…?
Bạn đã làm gì
cho đất nước chưa? Câu hỏi này tôi đã đọc và nghe không biết bao nhiêu lần, được
coi là bài tủ của đám dư luận viên hạng bét nhằm tấn công những người chống Trung
cộng mà người ta cho chung vào một rọ phản động.
Tôi đi bộ đội
vào lúc vừa đủ tuổi nghĩa vụ quân sự cho đến khi về hưu, trong đó có 5 năm khốc
liệt nhất của cuộc chiến. Thế mà có những cháu 18, 20, thậm chí còn ngồi trên
ghế nhà trường phổ thông dám hỏi tôi: “Chú
đã làm gì cho đất nước chưa?”
Tưởng bài ấy đã
cũ mèm, ai ngờ nay nó lại xuất hiện từ miệng một vị lãnh đạo nằm trong tứ trụ hẳn
hoi. Thì ra, trình độ của Chủ tịch quốc hội nước ta chỉ đến như vậy.
Trước câu hỏi ấy,
tôi không bao giờ trả lời vì nó quá ngây ngô, ấu trĩ, vì mất thời gian với đám
trẻ ăn chưa no, lo chưa tới ấy. Nhưng khi nó được phát ngôn từ miệng vị Chủ tịch
quốc hội, tôi buộc phải có lời.
Câu hỏi này là
cô dành cho những người được cô gọi là đám người ồn ào, kích động. Cô đã rất
coi thường quần chúng. Cô cho rằng chỉ có đảng của cô và những người nghe theo
hoặc sợ đảng mà im thin thít mới gọi là làm được gì cho đất nước. Cho đến nay, đảng csVN đã thành công trong việc triệt tiêu
lòng yêu nước của người dân nhưng chưa được hoàn toàn, có phải vì thế nên cô
chưa mãn nguyện? Giọng cô tỏ ra hằn học với họ. Cô nên biết trong số ấy,
có nhiều trí thức của chế độ, cựu chiến binh, những người từng là quan chức cao
cấp của Nhà nước đấy cô Ngân ạ.
Ai cũng hiểu, nộp
thuế là nghĩa vụ công dân. Mà đã nộp thuế tức là đã đóng góp vào ngân sách nhà
nước. Dù muốn hay không, mỗi người khi mua một sản phẩm là đồng nghĩa với đóng
thuế. Đóng thuế tức là đã làm cho đất nước, chẳng lẽ cô không hiểu điều đó sao.
Đóng góp cho đất
nước không kể người dân bình thường hay người có chức quyền. Có khi chức càng
cao, làm cho đất nước thì ít nhưng làm hại đất nước thì nhiều chứ đâu phải kẻ
có quyền mới làm được gì cho đất nước. Cô biết Lê Chiêu Thống chứ. Ông ấy to nhất
nước đấy, to hơn cả cô bây giờ. Vậy mà hắn đã làm gì cho đất nước, cô cứ hỏi một
em học sinh lớp 4 thì biết. Tôi chỉ sợ cô và Đảng của cô đang giẫm phải bước
chân Lê Chiêu Thống mà thôi.
Xin lấy vài ví dụ những việc Đảng của cô đã làm cho đất
nước:
Cải
cách ruộng đất đã qui địa chủ cho 172 nghìn người, trong đó 71,66% bị oan sai,
hành quyết và bức tử hàng chục nghìn người. Còn điều không tính
được thành con số như không khí sợ hãi, nghi kỵ, oán thù bao trùm lên nông thôn
miền Bắc; luân thường đạo lý bị đảo lộn, con tố cha, vợ tố chồng…
Đảng
của cô đã triệt tiêu kinh tế cá thể, đưa nông dân vào Hợp tác xã, triệt tiêu
kinh tế tư bản tư doanh, tịch thu nhà máy, hầm mỏ của họ để Đảng quản lý. Đảng của cô cứ tưởng giỏi đánh nhau thì cũng giỏi quản
lý kinh tế, giỏi quản lý đất nước nên mới dẫn đến tình cảnh đất nước đứng bên bờ
vực thẳm vào năm 1986.
Cuộc
chiến tranh 1955 – 1975 cướp đi sinh mạng của khoảng 4 đến 5 triệu người. Tuy
thống nhất được đất nước nhưng Đảng đã kéo miền Nam tụt xuống bằng miền Bắc. Mà
không hiểu tại sao Đảng của cô đi đến đâu, dân sợ đến đấy. Năm 1954, 1 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam. Sau
1975, hàng triệu thuyền nhân bỏ nước ra đi, bất chấp đói khát trên thuyền, bất
chấp hải tặc, làm mồi cho cá biển, không thiết đến những nhà lầu, xe hơi bỏ lại
Sài Gòn, không thiết vàng bạc đút lót để vượt biên, chỉ cần tay không miễn là đến
được bến bờ tự do.
Còn
bây giờ, không biết Đảng của cô đóng góp những gì cho đất nước mà các lĩnh vực
kinh tế xã hội mặt nào cũng nát bét. Đảng cứ động vào chỗ nào là y như rằng tham nhũng, đổ bể chỗ ấy, từ
các “quả đấm thép” đến hệ thống ngân hàng, đến các dự án trọng điểm… Bauxite
Tây Nguyên thì thua lỗ nhưng cố đấm ăn xôi. Khắp nơi chỗ nào cũng có công trình
Trung cộng trúng thầu, xây lắp bằng công nghệ lạc hậu, khắp nơi, chỗ nào cũng
có người Trung cộng ngông nghênh, coi thường dân Việt… là nỗi ám ảnh cho những
người biết lo đến an ninh của đất nước.
Những kẻ chiếm
đoạt tiền thuế làm của riêng, dùng tiền thuế của dân ăn chơi đàng điếm trụy lạc,
đầu tư bừa bãi, không sinh ra hiệu quả còn vốn của dân đóng góp cụt dần thì có
gọi là làm cho đất nước không. Và xin hỏi cô, những người ấy là Đảng của cô hay
là những người mà cô gọi là ồn ào kích động? Đến đứa
trẻ cũng biết là Đảng của cô tham nhũng, chứ người không có quyền thì
tham nhũng sao được. Trẻ con vừa ra đời, Đảng của cô đã giao ngay cho 30 triệu
đồng nợ công.
Còn sự kiện thời
sự nóng bỏng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và mưu sinh của
người dân là gì, chắc cô cũng hiểu. Đó là Đảng rước thằng
Pormosa về để nó giết chết biển Miền Trung, giết rừng ngập mặn, giết cả chim
muông, còn người dân thì đang chết dần chết mòn. Vậy mà Đảng nhẫn tâm cầm
500 triệu đô la Mỹ đánh đổi, khoe chiến công. Thật là vô liêm sỉ.
Chẳng hiểu Đảng
của cô đóng góp được gì cho đất nước mà đất nước lúc nào cũng hụp lặn ở vùng
trũng của thế giới và khu vực, không ngóc đầu lên được. Ngay cả Căm Pu Chia hay
Lào nó cũng dễ dàng vượt mặt, bỏ lại ông anh VN đang lóp ngóp phía sau còn nó
không hơi đâu dừng lại đợi. Người Việt Nam đi làm thuê, làm ô sin khắp thế giới,
được gọi dưới cái tên mỹ miều là hợp tác lao động. Năm 2014, Liên Hợp quốc xếp
Việt Nam áp chót trong bảng xếp hạng các quốc gia đáng sống, thứ 124/125 số nước
được xếp hạng, cô có thấy tự hào không?
Sao những gì Đảng
của cô làm cho đất nước kinh sợ đến như vậy. Giá ngày ấy, Đảng của cô không
sinh ra thì đất nước đâu đến nỗi nát như tương Bần thế này. Bây giờ trót rồi,
tôi chỉ mong Đảng của cô né sang một bên cho người khác làm, hoặc hợp tác với
các đảng phái khác cùng làm. Đừng khư khư ôm lấy một mình rồi chê người khác
không làm gì.
Cũng trong buổi
tiếp xúc với báo chí hôm ấy, cô còn dám đứng ở vị trí cha mẹ dân mà phán rằng:
“Ngay trong gia đình, nếu bố mẹ không tôn
trọng con cái thì ra đời con cái không tôn trọng người khác”
Cũng nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xưng mình là
mẹ nhân dân Việt Nam, còn cha nhân dân là ai, xin bà nói rõ?
Đảng là đầy tớ nhân dân
Ông Hồ đã dạy bà Ngân quên rồi
Ghế trên bà tót lên ngồi
Xưng mình là mẹ dân, ôi sỗ
sàng …
Cô ngụy biện: “Nếu đâu đó xảy ra mất dân chủ, dân chủ hình
thức, thì đó là cái sai của của tổ chức, cá nhân cụ thể, không phải bản chất
nhà nước”.
Nhưng thôi, tôi
viết cũng đã dài. Khi nào có thời gian, sẽ bàn đến hai câu này của cô. Lời cuối
khuyên cô rằng, đừng vì choáng ngợp với chức vụ mới mà say sưa “nổ”. Hồi chưa
làm Chủ tịch Quốc hội, cô đâu đến nỗi đáng ghét như thế. Phụ nữ mà ham quyền lực
thì kinh khủng lắm đấy, kinh hơn đàn ông rất nhiều. Là chính khách, cô cần phải
học nhiều lắm, từ lời ăn tiếng nói, từ dáng đi, cách lựa trang phục sao cho phù
hợp với lứa tuổi, với bối cảnh. Cô đừng dại dột mà tiếp tục đứng ra phát ngôn
thay mấy lão khôn ngoan, lọc lõi đang đứng đằng sau cô kia kìa.
Nhưng điều quan
trọng hơn cả là cô phải có cái tâm – cái tâm đối với đất nước, với nhân dân.
Khi đó, nếu cô có vụng dại thì nhân dân cũng dễ thể tất.
Nguyễn
Tường Thụy
RFA