21.07.2016

Quốc hội không bàn phán quyết Biển Đông do bị chỉ đạo?

Quốc hội không bàn phán quyết Biển Đông do bị chỉ đạo?
Lễ khai mạc của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12. (Ảnh tư liệu ngày 21/1/16)

Quốc hội thứ 14 của Việt Nam đã bắt đầu phiên họp đầu tiên vào sáng 20/7. Một trong những việc quan trọng trong kỳ họp là bầu các lãnh đạo hàng đầu của đất nước.

Gần như chắc chắn Quốc hội khóa này – được bầu ra trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 – sẽ bỏ phiếu để bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang vẫn sẽ là Chủ tịch nước và ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn là Thủ tướng. Ba nhân vật này đã được bầu vào các vị trí vừa kể bởi Quốc hội khóa trước đã kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng Tư.
Việc bầu lại ba vị trí lãnh đạo hàng đầu chỉ có tính chất thủ tục. Từ sau cuộc bầu cử Quốc hội đến nay, đã có nhiều ý kiến của nhân dân trên mạng xã hội về sự rườm rà, lãng phí khi phải thực hiện thủ tục bầu và tuyên thệ cho cùng một dàn lãnh đạo cao cấp tới hai lần. Với tư cách cử tri, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Hoàng Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét với VOA:
"Người dân người ta biết được chất lượng của Quốc hội hay là của những cái bình bầu đều không phản ánh trung thực mà nó được sắp xếp đâm ra người ta coi nó trở thành hình thức. Thì cái việc đấy, tất nhiên là từ cái việc thủ tục đến cái hình thức thì tất nhiên tốn chi phí của dân thì người ta phản ứng là điều dĩ nhiên."
Báo chí Việt Nam đưa tin trong kỳ họp kéo dài đến ngày 29/7, Quốc hội sẽ quyết định về cơ cấu và các thành viên Chính phủ, bao gồm cả việc phê chuẩn các phó thủ tướng và các bộ trưởng. Tin cho hay Quốc hội sẽ dành khoảng hai ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung quan trọng khác.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển ở mức vừa phải, trong sáu tháng đầu năm có mức tăng GDP là 5,5% so với mức 6,3% của cùng kỳ năm trước. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 19/7 cho rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại do nông nghiệp bị ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng và tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp đã giảm xuống.
Ngoài ra, tại kỳ họp, chính phủ sẽ gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về nguyên nhân các vụ tai nạn máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay tìm kiếm cứu nạn hồi giữa tháng 6, và báo cáo về tình trạng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền trung hồi đầu tháng 4.
Thông tin từ cuộc họp báo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trước khi Quốc hội khai mạc cho thấy sẽ không có phiên thảo luận nào về phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) về Biển Đông, vốn là một mối quan tâm lớn của cử tri, đồng thời là một vấn đề sát sườn với lợi ích của Việt Nam. Nhà hoạt động Hoàng Dũng, người đã biểu tình chớp nhoáng trước Lãnh sự quán Trung Quốc để hoan nghênh phán quyết của PCA, đưa ra bình luận:
"Nó cũng chỉ thêm bằng chứng là Quốc hội này không hoàn toàn tự chủ mà họ toàn theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản thôi. Theo tôi thì Quốc hội tối thiểu phải ra một tuyên bố về Biển Đông, tuyên bố về PCA, và có thể là tuyên bố về đường lưỡi bò. Tối thiểu phải thể hiện một quan điểm. Dù có thể là một quan điểm bị chỉ đạo hay bị kiểm soát nào đấy thì Quốc hội cũng nên có để tỏ ra rằng mình đang tồn tại. Chứ Quốc hội lại không có thông tin gì về vấn đề này thì sẽ lại càng bị người dân không coi trọng."
Trong tổng số 494 đại biểu Quốc hội chỉ có 20 người không phải là đảng viên cộng sản. Ông Hoàng Dũng nói ông sẽ gửi thư hoặc tin nhắn đến đại biểu Trương Trọng Nghĩa của thành phố Hồ Chí Minh để chất vấn về vấn đề này. Ông Nghĩa được xem là một đại biểu hay phát biểu thẳng thắn về những vấn đề quan trọng hoặc gai góc.
Lâu nay, cử tri Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ trên mạng xã hội và đôi khi trên báo chí chính thống rằng Quốc hội cần làm rõ những thông tin về Việt Nam đang nắm giữ những gì ở Biển Đông, cũng như đang phải đối mặt với những vấn đề pháp lý, chủ quyền và quân sự nào. Cử tri cũng nhiều lần đề nghị Quốc hội phải sớm đưa ra luật biểu tình để người dân có thể biểu đạt quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác mà không sợ bị công an, an ninh ngăn chặn, bắt bớ.

An-Tôn (VOA)