02.08.2016

Cư An Tư Nguy – Muốn sống trong hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh

„Việc chèn sóng phát thanh bằng tiếng Tàu, việc cướp quyền điều khiển hệ thống mạng, truyền hình, loa phát thanh tại 2 sân bay quốc tế lớn nhất VN mới chỉ là những đòn dằn mặt, đánh thăm dò ảnh hưởng tác hại, phản ứng của quần chúng, của chế độ cũng như lãnh đạo ĐCSVN.“

Cư An Tư Nguy – Muốn sống trong hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh

Thạch Đạt Lang
Ảnh người lính khắc trên cánh tay dòng chữ “Si vis pacem para bellum”, nghĩa là: muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Nguồn: Pinterest.

Tiếng la-tinh có một thành ngữ: Muốn sống trong hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh (Si vis pacem para bellum) – Dịch ra tiếng Việt một cách ngắn gọn là Cư An Tư Nguy (Muốn sống bình yên phải lo chuyện bị hiểm nguy). Bốn chữ này cũng được chọn, ghi trên huy hiệu trường huấn luyện sĩ quan trừ bị Thủ Đức – Trường đào tạo sĩ quan trung đội trưởng của quân lực VNCH trước năm 1975.

Thành ngữ này xuất phát từ câu nói lịch sử được Marcus Tullius Cicero phát biểu trong quốc hội Rom năm 43 trước Tây Lịch khi nói đến sự nguy hiểm của việc ký kết hòa ước với Marcus Antonius (người yêu của nữ hoàng Cleopatra).


Cha ông chúng ta, ở vào thời điểm Marcus Tullius Cicero phát biểu câu nói trên, dù cách xa Rom hàng chục ngàn cây số, chắc cũng có một quan niệm tương tự như vậy về hòa bình và chiến tranh, cũng như an ninh, độc lập, tự chủ của dân tộc, đất nước. Chính vì thế tiền nhân chúng ta, các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần mới có thể bảo vệ được bờ cõi suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm, trước một anh láng giềng khổng lồ tham lam, gian ác, nham hiểm, lúc nào cũng có dã tâm xâm chiếm, nuốt chững nước ta.

Dù có thời kỳ bị đô hộ, lệ thuộc tổng cộng cả hơn ngàn năm nhưng đất nước vẫn giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ, vẫn bảo tồn được kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ… riêng biệt. Kẻ thù vẫn không thể đồng hóa được dân tộc Việt Nam về bất cứ phương diện gì.

Tiếc thay, từ sau khi chế độ CS cướp được quyền cai trị, thống nhất được đất nước bằng bạo lực, hơn 41 năm qua, nền đôc lập, tự chủ của dân tộc càng ngày càng bị lệ thuộc vào tên láng giềng gian ác, thâm hiểm. Những diễn biến, xáo trộn nặng nề trong xã hội về kinh tế, an ninh, quốc phòng… trong thời gian gần đây cho thấy, Tổ Quốc Việt Nam đang trên đà phá sản, bị hủy diệt về mọi mặt.

Phá sản vì từ năm 1990, chế độ CSVN đã hèn nhát trở mặt, quay lại quỵ lụy kẻ thù truyền kiếp trước đây, ký kết hiệp ước Thành Đô để giữ vững chế độ sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới hoàn toàn sụp đổ năm 1989, thay vì đi theo trào lưu tiến hóa của nhân loại.

Sự hèn nhát của lãnh đạo đảng CSVN được minh chứng qua những lần đất nước có những biến động ở tầm mức quốc gia, khi đó những lãnh đạo cao nhất của chế độ CS biến mất tiêu. Không xuất hiện, không lên tiếng trấn an, giải thích.

Từ thảm họa cá chết hàng loạt do Formosa gây ra trên bờ biển 4 tỉnh miền Trung, đến bùn đỏ tràn ra ở Lâm Đồng, đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán… bốn nhân vật đầu đảng Trọng, Phúc, Quang, Ngân hoàn toàn vắng mặt, không xuất hiện trên truyền hình, hoàn toàn im lặng, không tuyên bố bất cứ điều gì liên quan đến những biến cố đó. Thảm họa Formosa khởi phát từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh bắt đầu ngày 06.04.2016, một thời gian dài cả mấy tuần lễ, từ chủ tịch UBND đến bí thư Hà Tĩnh không ai liên lạc được, không ai biết ở đâu.

Biến cố mới nhất là vụ hacker tấn công mạng điều hành hai sân bay lớn nhất đất nước Nội Bài, Tân Sơn Nhất, gây trở ngại, hoang mang lẫn hiểm nguy cho hàng ngàn hành khách di chuyển bằng phi cơ với những hình ảnh, loa phóng thanh chửi bới, hăm dọa dân tộc, đất nước Việt Nam, vẫn không thấy có lãnh đạo nào của chế độ như Trọng, Quang, Phúc, Ngân hay Đinh La Thăng chủ tịch UBND thành phố HCM, Nguyễn Đức Chung chủ tịch UBND thủ đô Hà Nội lên tiếng giải thích, trấn an, mà chỉ có những tuyên bố chung chung của cán bộ cấp dưới.

Xâm nhập vào server của hai phi trường Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cướp quyền điều khiển, truyền đi những tin tức, thông điệp chỉ trích, đe dọa hành khách di chuyển bằng phi cơ, những hacker muốn gửi tới chế độ CS Hà Nội một thông điệp là họ đã nắm được quyền điều khiển, chi phối mọi hoạt động của Hàng không Việt Nam.

Điều này chứng tỏ, CS Hà Nội, một là không chuẩn bị phòng thủ cho nghiêm ngặt, không có biện pháp khắc phục khi gặp biến cố, hai là không đủ khả năng ngăn chận một cuộc tấn công trên không gian mạng.

Thật ra, VN không thiếu gì những chuyên viên điện toán tài giỏi nhưng không được trọng dụng. Có môi trường hoạt động, làm việc thoải mái, được trả lương xứng đáng, họ dư sức thành lập hệ thống bảo toàn mạng internet hữu hiệu cho bất cứ cơ quan, phòng, sở, công ty nào.

Tệ hại hơn nữa là phản ứng chậm chạp của những người chịu trách nhiệm điều hành máy chủ (server). Thay vì có phản ứng cấp thời là tắt ngay (shut down) server chính, cắt điện để tránh bớt tác động, ảnh hưởng, thiệt hại, họ đã để cho biến cố kéo dài khá lâu, gây hậu quả cho khách hàng là có khoảng 400.000 hồ sơ cá nhân của hành khách bị đánh cắp. Điều này chứng tỏ toàn bộ giám đốc lẫn chuyên viên về an ninh mạng ở hai phi trường Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã không hề được huấn luyện để đối phó với sự cố, tình trạng khẩn cấp.

Trước khi xảy ra biến cố ở hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất ngày 29.07.2016, một việc khác cần được quan tâm là đài phát thanh tại phường Khuê Mỹ, Đà Nẵng và huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế đã bị chèn sóng tiếng Tàu vào ngày 18 và 19.07, điều này cho thấy CS Hà Nội hoàn toàn lơ là trong vấn đề an ninh mạng internet trên toàn lãnh thổ.
Lẽ ra, sau khi có tin tức về việc chèn sóng phát thanh ở Đà Nẵng, Huế, những người chịu trách nhiệm về an ninh mạng trên cả nước, cũng như tại các phi trường phải được cảnh báo, tăng cường ý thức phòng vệ, đề phòng hacker xâm nhập, phá hoại an toàn mạng của mình.

Khi an ninh quốc gia bị đe dọa như thế, lãnh đạo ĐCSVN vẫn thờ ơ, nghe, nhìn sự việc như thể biến cố xảy ra ở một nước Phi Châu xa xôi nào đó chứ không phải ở Việt Nam. Sinh mạng, nguy hiểm của hàng ngàn người dân, sĩ diện ngoại giao đối với quốc tế chẳng hề được quan tâm, lo lắng. Hành khách ngoại quốc đi phi cơ ở Việt Nam nghĩ thế nào về vấn đề an ninh phi hành của Hàng không Việt Nam?

Đi xa hơn nữa lại có thêm bọn bồi bút, dư luận viên như Hoàng Minh Trí viết bài ca ngợi, phù phép sự bất lực, sợ hãi, chịu đựng của những hành khách ngu ngơ như những con cừu, co cụm lại với nhau, không biết phải phản ứng ra sao trước biến cố, thành sự đoàn kết, lòng yêu nước, giữ trật tự, không hoảng loạn rồi đánh giá sự phá hoại đã bị thất bại.

Có lẽ Hoàng Minh Trí nghĩ rằng, nếu biến cố này xảy ra tại một phi trường quốc tế nào khác trên thế giới thì hành khách sẽ xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, chạy trốn hay tìm nơi ẩn núp như khi bị khủng bố bằng bom tự sát, bằng súng AK-47, bị bắn tỉa cho an toàn chăng?

Không dám đâu! Họ sẽ ồn ào phản đối và yêu cầu trả lời ngay cho biết chuyện gì xảy ra chứ không co rút lại như những con sâu róm ngơ ngác chờ bị dẫm bép dí.

Nhắc lại một sự kiện lịch sử khác về tầm nhìn hạn chế của lãnh đạo đảng CSVN: Cuộc chiến tranh Việt-Trung tháng 2 năm 1979 cho thấy Lê Duẫn và Bộ Chính trị ĐCSVN hoàn toàn bị bất ngờ khi 500.000 quân Trung Cộng, theo lệnh Đặng Tiểu Bình đồng loạt vượt biên giới, ồ ạt tấn công vào 6 tỉnh miền Bắc Việt Nam, dù trước đó vài tháng khi công du các nước Đông Nam Á, họ Đặng đã tuyên bố sẽ dạy cho tên tiểu bá Việt Nam một bài học.

CSVN có lẽ vẫn còn say men chiến thắng với ảo tưởng đánh bại “đế quốc Mỹ”, thống nhất đất nước tháng 04.1975, lại thêm vừa ký kết được hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô, đã coi thường lời hăm dọa này. Chỉ huy là tiên liệu, cả bộ chính trị đảng CSVN không hề chuẩn bị, không đề phòng không tiên liệu cuộc chiến nên bị bất ngờ, gây nên thiệt hại về thương vong cho dân, quân VN khá nặng nề.

Quên đi sự sáng suốt, khôn ngoan, kinh nghiệm của tiền nhân trong việc giữ nước, không lưu tâm, suy nghĩ sâu xa đến những nguy hiểm tiềm tàng khi ký kết những hiệp ước bí mật với Trung Cộng – Những hiệp ước che giấu những cuộc chiến tranh (có thể) không cần đến một tiếng súng, một viên đạn, CSVN đã đưa đất nước, dân tộc đến tình trạng lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng như ngày hôm nay.

Việc chèn sóng phát thanh bằng tiếng Tàu, việc cướp quyền điều khiển hệ thống mạng, truyền hình, loa phát thanh tại 2 sân bay quốc tế lớn nhất VN mới chỉ là những đòn dằn mặt, đánh thăm dò ảnh hưởng tác hại, phản ứng của quần chúng, của chế độ cũng như lãnh đạo ĐCSVN.

Tuy nhiên, cho rằng cộng sản VN không chuẩn bị chiến tranh cũng không đúng hoàn toàn. Họ không chuẩn bị chiến tranh với kẻ thù nhưng lại chuẩn bị chiến tranh với chính người dân VN. Việc tăng cường lực lượng, quân số công an, đảng viên, cảnh sát cơ động, côn đồ, dư luận viên…, mua sắm vũ khí, hơi ngạt, bom cay, ngựa cản, dây kẽm gai, phương tiện tra tấn, xây dựng thêm nhà tù để sẵn sàng trấn áp, bắt giữ, vu khống, sĩ nhục những người yêu nước, những ý kiến đối lập, xây dựng, đòi hỏi chủ quyền quốc gia, dân tộc… đã chứng minh ĐCSVN sẵn sàng đối đầu với toàn dân trong cuộc chiến cuối cùng.

Nếu CSVN chiến thắng trong cuộc chiến này, họ sẽ vĩnh viễn được sống trong một nền hòa bình (nô lệ) vĩnh cữu, không còn phải quan tâm, lo ngại đến chuyện ai thù, ai bạn nữa bởi sự nguy hiểm cho đảng không còn tồn tại.
Những điều này giải thích, tại sao ĐCSVN tiếp tục coi nhẹ, lơ là việc chuẩn bị chiến tranh, dù là chiến tranh thực địa hay trên không gian mạng (cyber war) với kẻ thù.

Khi đa số người dân đang Cư An trong nền hòa bình (giả tạo), không còn Tư Nguy nữa, số ít những người yêu nước chân chính, lo lắng cho vận mệnh, tương lai đất nước, dân tộc, chắc chắn không thể nào lạc quan được trước một thực thể: Bao lâu nữa đất nước sẽ trở thành môt khu tự trị chính thức của Tàu cộng?